Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Truyền Thống Tu Tập Của Phái Annam Nikaya

 

Phật giáo theo hướng bắc truyền từ Ấn Độ qua Trung Hoa, Việt Nam…các nước thuộc hệ thống Bắc truyền. Chư tổ kế thừa đức Phật, tuỳ theo từng hoàn cảnh mà phân chia ra nhiều tông phái với những phương pháp khác nhau nhằm phù hợp với  truyền thống của từng xã hội.Với mục đích ấy, chư tổ Việt Nam đã vận dụng giáo pháp đức Phật một cách tuỳ duyên và có hiệu quả qua các thời kì phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Mặc khác, Việt Nam chịu nhiều cuộc chiến tranh và Phật giáo không khỏi chịu sự ảnh hưởng. Chiến tranh dẫn đến một số người phải tỵ nạn ở các nước. Trong những đoàn tỵ nạn, may thay cũng có những vị chân tu thạc đức, những vị đã làm nên lịch sử một thời nơi đất khách. Trong bài viết này, người viết xin được góp một chút hiểu biết của mình để nói về một tông phái Phật giáo có nguồn gốc từ Việt Nam vào thời vua Gia Long tỵ nạn. Đó là phái Annam Nikaya hiện sinh hoạt ở Thái Lan. Về đề tài này đã có nhiều vị giới thiệu với nhiều khía cạnh. Trong bài này, người viết chỉ đề cập về sinh hoạt thường nhật của phái này như góp thêm chút ít thông tin để chư vị hiểu thêm.

Bắc nguồn từ Việt Nam với pháp môn phổ biến là Tịnh Độ, nên khi qua Thái Lan các vị tổ cũng tiếp tục hành trì pháp môn ấy. Thời khoá sinh hoạt vẫn được duy trì ở hai thời khóa công phu sáng và chiều.

Buổi sáng bắt đầu từ 5 giờ, cùng với truyền thống Phật giáo Nam tông, chư tăng phái này cũng đi khất thực. Tuy nhiên, sự hành trì khất thực không có tính sinh tồn bắt buộc như Phật giáo Nam tông vì ở các chùa phái Annam đều có nhà bếp để nấu cơm buổi trưa.

Sau khi trở về và điểm tâm sáng xong, chư tăng tập trung tụng kinh buổi sáng vào lúc 8 giờ. Trong thời khoá này, Kinh Lăng Nghiêm và Thập Chú đựơc áp dụng hành trì. Khoá lễ này tương tự như thời công phu khuya mà chư tăng Việt Nam hiện đang trì tụng mỗi khuya. Lý do tại sao các vị tổ Việt Nam không áp dụng thời công phu này vào thời điểm như ở Việt Nam? Có lẽ các vị tổ đã uyển chuyển theo truyền thống Phật giáo truyền thống của quốc gia sở tại. Nếu công phu khuya vào thời gian như ở Việt Nam thì chư tăng không thể hành trì pháp khất thực được. Vả lại hầu hết các chùa Phật giáo nam tông đều trì tụng kinh Pali vào buổi sáng cả. Dẫu sao, sự thay đổi ấy cũng không làm ảnh hưởng kết quả hành trì.

Buổi trưa là bữa ăn chính thức của chư tăng. Tất cả từ hoà thượng viện chủ cho đến chú điệu nhỏ nhất cũng phải tập trung đến nhà ăn để thọ trai. Nghi thức cúng “quá đường”1 đơn giản hơn ở Việt Nam. Trước khi ăn, chư tăng chỉ quán tưởng “tam đề ngũ quán”2 rồi thọ thực. Khi thọ thực xong, tất cả đều tụng nghi “kiết trai”3 như ở Việt Nam hành trì. Vào những tháng an cư, Phật tử về đông thì có thêm một hình thức “rót nước” do Phật tử thực hiện biểu trưng cho sự truyền phước từ chư tăng qua Phật tử và sự nhận phước từ chính việc họ làm. Ở Việt Nam, chúng ta thường có nghi thức hồi hướng công đức và phục nguyện.

Buổi chiều, 4 giờ là thời công phu chiều. Nghi thức và kinh được trì tụng tương tự như ở Việt Nam, tức là gồm Kinh Di Đà, Sám Hồng Danh và Mông Sơn Thí Thực. Các thời khoá đều có dùng chuông mõ, khánh, linh đầy đủ. Sau thời kinh này là thời gian tu tập tự túc hay học tập. Ở Thái Lan, phần lớn các chùa Annam không có thời tịnh độ buổi tối. Tuy nhiên, các chùa thuộc người Hoa thì lại có thời này. Lý do các chùa Annam không tụng kinh buổi tối có lẽ vì các chùa này do người Thái trụ trì nên ít nhiều ảnh hưởng truyền thống Nam tông và thuận theo hoàn cảnh riêng.

Như trên trình bày, chúng ta thấy không có gì đáng chú ý. Tuy nhiên, điều làm nhiều vị tôn túc khi tham quan và trực tiếp chứng kiến các khoá lễ này là tất cả các nghi thức này đều sử dụng âm tiếng Việt được phiên âm từ chữ Hán. Nghĩa là các quyển kinh được in bằng chữ Hán như các bản kinh trước đây chư tăng Việt Nam thường dùng, hoặc kinh bằng chữ Hán – Thái hoặc chỉ bằng chữ Thái nhưng khi tụng thì hoàn toàn là âm tiếng Việt. Khi nhìn vào chúng ta không đọc được, nhưng khi chư tăng Thái tụng lên chúng ta có thể tụng theo một cách bình thường như ở Việt Nam. Các bản kinh chữ Hán dành cho những vị giỏi chữ Hán sử dụng, còn hai bản kinh kia được dùng phổ biến hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu vì đó cũng là một cách Thái hoá kinh điển cũng như ở Việt Nam Việt hoá kinh điển vậy. Nhưng có điều làm ngạc nhiên là Thái hoá kinh điển nhưng khi tụng thì âm toàn tiếng Việt.

Vào các thời kinh, hầu như thời nào vị trụ trì cũng đều làm chủ lễ và chính vị chủ lễ sử dụng cùng lúc chuông gia trì và mõ. Hình thức này hơi khác biệt. Vào các ngày mồng 1 và rằm mỗi tháng đều có “nghi sám hối” mà hình thức như nghi thù ân ở Việt Nam.

Về lễ phục, khi tụng kinh thì chư tăng đắp y hậu như chư tăng Việt Nam. Màu sắc cũng không khác lắm. Tuy nhiên, y phục thường thì toàn màu vàng như phái nam tông mặc dù kiểu mẫu thì khác nhau. Đây cũng là đặc trưng riêng của phái này.

Về mặt ẩm thực, vào thời các vị tổ Việt Nam đều dùng chay tịnh. Thời gian sau chư tăng người Thái theo phái này, vì còn chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nam truyền nên vẫn còn dùng “tam tịnh nhục”4 do các Phật tử cúng. Tuy nhiên, do ý thức được sự lợi ích của việc ăn chay nên hầu hết các vị trụ trì hiện nay đều ăn chay như Phật giáo Bắc truyền. Đó cũng là một điều đáng được ghi nhận của tông phái này. Hơn nữa, các chùa Thái dù thuộc phái nào cũng không dùng buổi chiều. Đây là truyền thống bắt buộc của Nam tông vậy.

Phật giáo từ Ấn Độ truyền khắp thế giới trải qua hơn 2500 năm nhưng ngôn ngữ Pali vẫn được các nước Phật giáo Nam truyền áp dụng trong việc trì tụng kinh Phật. Sự thống nhất ấy thật hiếm thấy. Có lẽ đó là ngôn ngữ của Phật nên đựơc Phật gia hộ!??? Còn về tiếng Việt, trải qua hơn 200 năm lịch sử từ khi các vị tổ đặt chân trên đất Thái, Phật giáo phái Annam Nikaya vẫn được duy trì và phát triển. Đặc biệt, việc trì tụng kinh theo âm tiếng Việt cũng là một niềm hãnh diện về Phật giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ấy là những trăn trở và đáng để cho chư tăng hải ngoại hiện ở các nước suy gẫm. Mặc dù có đến 17 ngôi chùa phái Annam Nikaya hiện đang tồn tại ở Thái Lan nhưng chúng ta lại ít biết đến, thậm chí nhiều người chưa nghe qua. Nguyên nhân trước hết là các chùa này được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo Trung Hoa nên mọi người đều nghĩ là chùa của người Hoa. Điều đó cũng dễ hiểu vì ngay ở trong nước các chùa cũng có kiến trúc tương tự chỉ có điều thêm vài chữ Việt nên dễ nhận ra. Hơn nữa cộng đồng người Hoa sống ở Thái rất đông tạo thành một “China Town” nên ai cũng nghĩ là chùa Hoa.

Thứ nữa và cũng là điều quan trọng nhất chính là không còn một vị tăng người Việt nào trụ trì các chùa này. Tất cả các vị trụ trì hiện nay đều là người Thái nên sự mai một là điều không tránh khỏi. Vì chư tăng Thái nên họ dùng ngôn ngữ Thái trong sinh hoạt hằng ngày. Họ chỉ dùng tiếng Việt khi tụng kinh nhưng chỉ âm tiếng Việt. Cho nên, chỉ có vài vị tôn túc thông chữ Hán có thể hiểu, còn lại hầu hết lớp hậu học đều không thể hiểu ý nghĩa. Trong xu thế phát triển xã hội hiện nay, dù các vị tôn túc cố gắng rất nhiều để phát triển tông phái nhưng với đà hiện nay khó có triển vọng. Trong tương lai, sự mai một và bị tông phái truyền thống đồng hoá cũng có thể xảy ra. Thật đáng suy gẫm!

 

Ghi chú: (1,2,3) Xem các nghi thức này trong Kinh Nhật Tụng, Thành hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.

(4) Là các loại thịt ta không thấy, không nghe, không biết người giết chúng

 


http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/truyenthong_AnnamNikaya.htm

 


Vào mạng: 1-3-2007

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang