Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Tu sĩ và thế giới hôm hay
(Bài góp ý trong Room Diệu Pháp, PalTalk, ngày 28 tháng 10, 2005)

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Theo lời đề nghị của Thượng Tọa Giác Đẳng, hôm nay,  trong Room Diệu Pháp của PalTalk, chúng tôi xin mạo muội trình bày sơ lược các nét chính về sinh hoạt của Tu viện Bodhinyana (Giác Minh) và Ni viện Dhammasara (Tinh Pháp) tại tiểu bang Tây Úc, như là một thí dụ về sinh hoạt tu học trong một xã hội Tây Phương.

Mặc dù là một trong những hội viên lâu năm của Hội Phật Giáo Tây Úc (The Buddhist Society of Western Australia) và có phước duyên được gần gũi chư Tăng Ni, chúng tôi chỉ là cư sĩ Phật tử và vì thế, sự hiểu biết của chúng tôi về sinh hoạt Tăng đoàn còn nhiều hạn chế. Kính mong quý vị hoan hỷ thông cảm cho những thiếu sót của chúng tôi.

* * *

Kính thưa quý vị,

Hội Phật Giáo Tây Úc được thành lập năm 1974 bởi Giáo sư Jayasuriya, người gốc Tích Lan, và một số Phật tử tại thành phố Perth. Hiện nay, tổng số hội viên chính thức là 300 người, gồm có người Úc gốc Âu Mỹ và các Phật tử gốc Á Đông như Thái lan, Lào, Cam-pu-chia, Miến điện, Tích Lan, Mã Lai, Singapore, Trung Hoa, và Việt Nam.

Lúc ban đầu, Hội mua được một ngôi nhà nhỏ ở vùng North Perth để làm nơi thờ phượng và sinh hoạt giáo lý. Thỉnh thoảng Hội mời thỉnh các danh tăng đến từ Thái Lan, Miến Ðiện, và Tích Lan để giảng pháp và hướng dẫn các khóa tu thiền.

Ðến năm 1981, Hội thỉnh được hai tu sĩ Phật Giáo người Úc -- nhưng tu học ở Thái Lan trong nhiều năm, đến hoằng pháp tại Perth. Ðó là Tỳ khưu Jagaro và Purisso, thuộc truyền thống Ẩn Lâm của ngài thiền sư Ajahn Chah, một vị thiền sư danh tiếng ở Thái Lan. "Ajahn" (A-chàn) là tiếng Thái, có nghĩa là Thầy, bắt nguồn từ tiếng Phạn "Acarya" (A-xà-lê).

*

1. Tu viện Bodhinyana

Sự có mặt của hai vị Tỳ khưu nầy đã lôi cuốn được rất nhiều người Úc đến nghe giảng pháp và thực tập hành thiền. Năm 1983, Hội mua được một thửa đất rừng nguyên sinh trong huyện Serpentine, cách thành phố Perth khoảng 70 kílômét về hướng Nam để thành lập một Tu viện. Tu viện nầy rộng khoảng 40 hécta, nằm trên một ngọn đồi cao, có suối chảy ngang, với nhiều loại cây nguyên sinh, chưa khai phá. Vị trụ trì hiện nay, và cũng là vị lãnh đạo tinh thần của Hội Phật Giáo Tây Úc, là ngài Tỳ khưu Brahmavamso, người Anh, nhưng rất thông thạo tiếng Thái và Pali.

Xem hình ảnh Tu viện Bodhinyana tại trang web:

http://zencomp.com/greatwisdom/uni/z-photos/bodhinyana/bodhinyana.htm

Tu viện có tên là Bodhinyana (Giác Minh), dựa theo pháp danh của Ngài Ajahn Chah, được dành làm nơi tu học cho các vị Tỳ khưu. Trong khuôn viên của tu viện có một chánh điện lớn để các vị Tỳ khưu tụ hội tham thiền, học kinh điển và giới luật. Phía sau là một thư viện chứa các bộ Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali, Thái, và Anh, và các kinh sách quan trọng khác.

Ở gần chánh điện có một trai đường, gồm 2 tầng. Tầng trên dành cho quý chư Tăng thọ trai và tiếp khách, tầng dưới là nhà bếp và một phòng đa dụng dành cho các sinh hoạt của cư sĩ đến làm công quả. Rải rác trong rừng là các tịnh thất nhỏ dành cho các Tỳ khưu, mỗi vị một tịnh thất, với kích thước khoảng 3 x 3 mét, vừa đủ để một giường ngủ và một bàn viết nhỏ. Bên ngoài mỗi tịnh thất là có một đường đi ngắn khoảng 30 mét, có mái che để đi kinh hành.

Ngoài ra, còn có một khu nhà 4 phòng dành cho các giới tử tu học dài hạn, một nhà 3 phòng dành cho nam cư sĩ và một nhà 3 phòng dành cho nữ cư sĩ đến tu học ngắn hạn.

Hiện nay, có nhiều Phật tử tại Tây Úc cũng như từ các nơi khác trên thế giới đến xin ở lại tại tu viện để thọ tám giới, hành thiền, và giúp điều hành tu viện; có thể xem như đó là các cư sĩ hộ tăng, những ưu-bà-di (upasika) và u-bà-tắc (upasaka). Thông thường, đây là những Phật tử thuần thành, có sinh hoạt thường xuyên với Hội Phật giáo Tây Úc và từng tham gia nhiều khóa tu thiền ẩn cư do Hội tổ chức. Sau đó, nếu phát tâm xuất gia, các vị này xin trở thành giới tử (anagarika), mặc y phục trắng, cạo tóc, và tuân giữ 8 giới căn bản. Ngoài công phu hành thiền và học tập giáo lý căn bản, các vị giới tử nầy cũng được hướng dẫn các nghi thức căn bản và giới luật.

Sau một năm, vị giới tử xin thọ giới Sa-di (samanera), giữ 10 giới. Điểm căn bản khác với hàng giới tử là ngoài việc đắp y vàng nâu, các vị Sa-di không được phép cất giữ tiền bạc, không được phép tự lái xe, nhưng vẫn có thể phụ với các giới tử để sửa soạn thức ăn nếu cần thiết. Tuy nhiên, cũng như hàng Tỳ khưu, mỗi vị Sa-di được cấp cho một tịnh thất riêng biệt. Lễ xuất gia Sa-di thường được tổ chức tại Trung tâm Phật giáo Dhammaloka (Pháp Quang) ở thành phố Perth.

Xem hình ảnh Trung tâm Dhammaloka tại:

http://zencomp.com/greatwisdom/uni/z-photos/dhammaloka/dhammaloka.htm

Sau một năm, nếu thích hợp, vị Sa-di có thể xin thọ đại giới để trở thành Tỳ khưu (Bhikkhu). Tuy nhiên, lễ thọ Đại giới Tỳ khưu thì được tổ chức trong chánh điện của Tu viện Bodhinyana, nơi đã có kết giới Sima, theo đúng nghi thức truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy.

Các vị Tỳ khưu tại tu viện không cất giữ tiền bạc hay sở hữu bất kỳ một hình thức tài sản riêng tư nào, hoàn toàn sống nhờ vào sự cúng dường tứ vật dụng của hàng cư sĩ. Tất cả mọi việc có liên quan đến chi thu tài chánh đều do các cư sĩ trong Ban Trị Sự của Hội Phật Giáo Tây Úc quản lý. Trong bối cảnh hiện đại của nước Úc, các vị có giữ thêm một thẻ Medicare do chính phủ cấp để được khám bệnh miễn phí mỗi khi đau ốm. Cũng xin ghi nhận thêm là mặc dù ở Úc có quy chế bắt buộc mọi công dân phải đi bầu phiếu mỗi khi có các cuộc tuyển cử Quốc hội Liên bang và Tiểu bang, các vị Tỳ khưu đã xin đặc miễn, để không tham gia vào các hoạt động đó.

Thông thường, vị Tỳ khưu thức giấc khoảng 4:00 giờ sáng và hành thiền trong tịnh thất của mình. Điểm tâm tại trai đường lúc 6:30 giờ, nhưng cũng có vị không dùng điểm tâm. Sau đó là các công tác bảo quản và điều hành tu viện. Bửa ăn chính vào khoảng 10:30 giờ sáng, thức ăn do các cư sĩ mang đến cúng dường hay cho các giới tử nấu thêm. Các vị đều ăn trong bình bát riêng của mình, cùng ngồi chung tại trai đường, hoặc ăn riêng tại tịnh thất.

Phần thời gian còn lại trong ngày là ẩn cư tịnh tu. Hành thiền tại tịnh thất, tự học kinh điển tại thư viện, hoặc có những giờ tham vấn riêng với Sư Cả hay các vị sư cao hạ khác. Vào buổi chiều, khoảng 18:00 giờ, các vị tụ hội tại chánh điện, tụng đọc khóa lễ buổi chiều, sau đó là uống trà, và bàn luận về các vấn đề liên quan đến sự tu học. Mỗi tháng 2 lần, vào buổi tối, các vị Tỳ khưu tụ hội tại chánh điện để đọc tụng giới bổn của tu sĩ, Patimokkha (Ba-la-đề Mộc-xoa).

Thỉnh thoảng, mỗi vị lại tự nhập thất tịnh tu biệt cư, trong khoảng từ 2 tuần lễ đến 1 tháng, không giao tiếp với một người nào khác.

Đôi khi các vị Tỳ khưu cũng được phép tháp tùng theo Sư Cả hoặc các vị niên trưởng về thành phố Perth vào cuối tuần để thuyết pháp, hoặc tham dự các khóa lễ cầu siêu, cầu an tại nhà của cư sĩ nếu có thỉnh mời, hoặc tham dự hướng dẫn các khóa tu thiền dành cho cư sĩ, để quan sát và học tập kinh nghiệm về cách thức thuyết giảng giáo pháp, các khóa nghi lễ phổ thông, cũng như cách giao tiếp với hàng cư sĩ.

Sau khi tu học ở đây được 5 năm, các vị Tỳ khưu được gửi đến các tu viện khác, thường là đến các nơi trong cùng truyền thống của Ngài Ajahn Chah ở Thái Lan để tu học thêm. Ngoài ra, các vị đó có thể đến tu học ở Miến Điện, Sri Lanka, Tân Tây Lan, và Anh quốc. Mỗi năm vào mùa an cư kiết hạ, có thêm một số Tỳ khưu ở các nơi khác đến tu viện để nhập hạ tịnh tu. Hiện nay, có tất cả là 20 vị Tỳ khưu đang tu học tại đây, gồm nhiều thành phần sắc tộc khác nhau: Úc, Anh, Mỹ, Đức, Na Uy, Thái, và kể cả 2 vị Tỳ-khưu gốc Việt. Với nhu cầu tu học ngày càng phát triển, Ngài Ajahn Brahm đã mở thêm một tu viện chi nhánh ở tiểu bang New South Wales, miền đông nước Úc, có tên là Tu viện Santi, cũng tọa lạc trong khung cảnh núi rừng để tịnh tu.

*

2. Ni viện Dhammasara

Để cung ứng nhu cầu tu học của các nữ Phật tử, vào năm 1999, Hội Phật Giáo Tây Úc mua thêm một thửa đất rừng nguyên sinh, rộng khoảng 150 hécta, trong huyện Gidgeganup, 60 kilômét về hướng Đông Bắc thành phố Perth, để thành lập Ni viện Dhammasara (Tinh Pháp). Viện chủ hiện nay là Ni sư Vayama, người Úc, đã từng tu học 10 năm với cố Ni sư Ayya Khema ở Sri Lanka.

Ni viện Dhammasara được thành lập để tạo một môi trường thuận lợi và thích nghi cho việc tu học ẩn cư của các vị nữ Phật tử, với những điều kiện tương tự như Tu viện Bodhinyana dành cho các nam Phật tử.

Ni viện gồm có một nhà đa dụng, trong đó có một trai đường rộng lớn, một phòng khách, nhà bếp, và 2 phòng ngủ dành cho giới tử. Trong rừng sâu, có 5 tịnh thất biệt lập dành cho các vị Tu nữ. Kiến trúc tịnh thất cũng tương tự như tịnh thất ở Tu viện Bodhinyana: một phòng 3m x 3m, và một lối đi kinh hành dài 30m có mái che.

Có thể xem hình ảnh của Ni viện tại:

http://zencomp.com/greatwisdom/uni/z-photos/dhammasara/dhammasara.htm

Những nữ Phật tử cư sĩ có thiện tâm muốn xuất gia thì có thể xin đến thử tu học một thời gian từ 3 đến 6 tháng, mặc y phục trắng, giữ 8 giới. Sau đó, nếu thích hợp, có thể xin làm giới tử, quấn y trắng, giữ 8 giới và cạo tóc. Sau 2 năm, vị nữ giới tử có thể xin xuất gia thành Tu nữ, tuân giữ 10 giới, và đắp y màu nâu. Ngoài 10 giới căn bản, còn có một số điều lệ học giới, dựa theo giới bổn của Tỳ khưu ni.

Cũng như các vị Tỳ khưu, các vị Tu nữ ăn cơm trong bình bát, không cất giữ tiền bạc hay sở hữu bất kỳ một hình thức tài sản riêng tư nào, hoàn toàn sống nhờ vào sự cúng dường tứ vật dụng của hàng cư sĩ. Mọi vấn đề tài chánh để điều hành Ni viện đều do các cư sĩ trong Ban Trị Sự của Hội Phật Giáo Tây Úc quản lý.

Chương trình sinh hoạt hằng ngày tại Ni viện Dhammasara cũng tương tự như lịch sinh hoạt của các vị Tỳ khưu tại Tu viện Bodhinyana.

Hiện nay, Tu viện có 3 vị Tu nữ: Ni sư Vayama, Sư cô Nirodha người Úc, và Sư cô Seri người Malaysia, và hai vị giới tử. Mỗi tháng, Ni sư Vayama về thành phố Perth để giảng pháp và hướng dẫn hành thiền cho các cư sĩ hội viên. Theo nội qui của Hội Phật Giáo Tây Úc, Ni sư Vayama cùng với Ngài Ajahn Branhmavamso là hai vị Cố vấn Tinh thần của Hội.

Ngoài tu viện Bodhinyana và ni viện Dhammasara ở Úc, còn có một số tu viện khác của tăng sĩ Tây phương trong truyền thống Ẩn Lâm của ngài Ajahn Chah, như: tu viện Abhayagiri ở Hoa Kỳ; ở Anh quốc có các tu viện Amaravati, Ratanagiri, Cittaviveka, Santidhamma; ở Thụy Sĩ có tu viện Dhammapala; ở Ý có tu viện Santacittarama; và ở Tân Tây Lan có tu viện Bodhinyanarama. Nguyên tắc sinh hoạt tại các tu viện này cũng tương tự như tu viện tại Tây Úc.

*

Kính thưa quý vị,

Nhìn chung, mặc dù môi trường và hoàn cảnh hiện nay trong xã hội Tây Phương có phần khác biệt so với thời Đức Phật còn tại thế, nhưng trong 20 năm qua, Tăng đoàn tại Tây Úc đã nỗ lực gầy dựng một truyền thống tu học và gìn giữ giới luật theo đúng tinh thần của Phật giáo Nguyên thủy. Điều này tùy thuộc nhiều yếu tố, nhưng có lẽ có 2 yếu tố quan trọng nhất: Thứ nhất là sự quyết tâm tu học và hành trì giới luật nghiêm túc của vị lãnh đạo Tăng chúng và các thành viên Tăng đoàn; và thứ hai là sự quyết tâm hỗ trợ chư Tăng Ni và lòng thành tâm học tập, nhiệt tình đóng góp tích cực vào các Phật sự của các vị cư sĩ hộ tăng, hộ tự nòng cốt của Hội.

Thêm vào đó, chúng tôi nghĩ rằng để Phật giáo được quảng bá và thật sự bám rễ tại môt quốc gia Âu Mỹ, các tu viện, tự viện cần phải được mở rộng, vượt qua các rào cản về văn hóa, sắc tộc, để đón nhận người dân bản địa. Hoạt động của Hội Phật giáo Tây Úc và hai tu viện Bodhinyana và Dhammasara có thể xem như là một thí dụ điển hình. Đây không phải là một hội Phật giáo dành riêng cho cộng đồng người Việt, hay người Hoa, người Thái, người Miến, v.v... mà là hội Phật giáo của người Úc tại xứ Úc. Các thành viên đến từ nhiều nguồn gốc sắc tộc khác nhau, nhưng tất cả đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, và các hình thức văn hóa phong tục lễ nghi rườm rà, không cần thiết, mang đến từ Á Đông đều được gạn lọc, chỉ giữ lại phần gốc tinh túy nhất của đạo Phật. Các vị tu sĩ giảng sư hoặc là người bản địa, hoặc là người có thể thuyết giảng thông thạo bằng tiếng bản xứ (ở đây là tiếng Anh). Các vị này cũng đã trải qua một quá trình tu học nhiều năm tại một xã hội Phật giáo ở châu Á (Thái Lan, Sri Lanka, Miến Điện) để thấm nhuần và thông hiểu tường tận các sinh hoạt và nghi thức tinh yếu của Phật giáo. Thêm vào đó, một phần các sinh hoạt của Hội cũng hướng đến mục đích cung ứng nhu cầu tâm linh của giới trẻ, giảng giải Phật Pháp bằng những ngôn từ giản dị, hiện đại, thuận lý và mạch lạc, hướng dẫn các khóa thiền thư dãn tâm trí, và khuyến khích hội viên tích cực tham gia các công tác thiện nguyện, cứu trợ xã hội, v.v...

Đời sống xuất gia là một đời sống thanh cao, lý tưởng. Những người cư sĩ tại gia chúng ta cần phải có nhiều đóng góp - thì giờ, công sức, lẫn tiền bạc - để tạo điều kiện thuận lợi cho những vị nào thành tâm tu học, nam tu sĩ lẫn nữ tu sĩ. Qua những gì chúng tôi quan sát được tại Tây Úc, chúng ta cần khuyến khích giới Phật tử trẻ tham gia Phật sự, nghe thuyết pháp, và hành thiền, để tạo duyên lành cho họ, để tạo những cơ hội tốt cho họ xuất gia nếu thích hợp. Để tiếp nối con đường hoằng pháp của các vị tiền bối, chúng ta phải hướng đến việc đào tạo lớp tu sĩ trẻ, sinh ra hoặc trưởng thành tại bản địa.

Nếu vị Phật tử cư sĩ nào phát tâm xuất gia thì cũng cần phải kiên nhẫn, để thực hiện từng bước, qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên là thường xuyên tham gia các khóa học Phật pháp phổ thông, các khóa thiền căn bản, và cũng nên cố gắng học tụng đọc các bài kinh căn bản. Đời sống riêng tư tại gia cũng cần phải giản dị hóa, giảm thiểu mọi ràng buộc, mọi nhu cầu không cần thiết. Sau đó, nên thu xếp thì giờ để đến tu học ngắn hạn tại tu viện, đóng góp Phật sự, gần gũi chư Tăng Ni, để làm quen với lối sống tại đó. Dần dần, nếu cảm thấy thích hợp thì có thể tiến đến giai đoạn lâu dài hơn, xin tu học như là giới tử, rồi thọ giới sa-di, tỳ khưu hoặc là tu nữ.

Với những ai vì già yếu, hay bệnh tật, không thể sống được tại tu viện, hoặc ở xa xôi, không thể tiếp cận được một tu viện thích hợp, thì vẫn có thể tu ẩn cư tại nhà, giữ 8 giới. Tuy rằng phương cách nầy có nhiều hạn chế, nhưng theo thiển ý, cũng là một phương cách tốt, một phương cách tâm lý xuất gia, cũng có thể đưa đến nhiều kết quả tốt lành và cao quý cho đời sống tâm linh.

* * *

Kính thưa quý vị,

Trong bài nầy, chúng tôi chỉ mạo muội trình bày tóm tắt các sinh hoạt chính của chư Tăng Ni tại Tây Úc trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Chúng tôi đã cố gắng trình bày một cách khách quan, qua sự quan sát và ghi nhận của một người cư sĩ tại gia. Mỗi tu viện có đường lối và nguyên tắc sinh hoạt riêng, không hoàn toàn giống nhau, tùy theo hoàn cảnh và môi trường xã hội, văn hóa của từng địa phương. Những gì đã trình bày trên đây không phải là một mẫu mực chung cho mọi nơi; mà chỉ có thể xem như là một thí dụ để góp ý, không hẳn có thể thích nghi, áp dụng được tại các địa phương khác.

Trước khi dứt lời, chúng tôi thành tâm kính chúc quý vị thân tâm an lạc, tu hành tinh tấn trong hồng ân Tam Bảo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Bình Anson
Perth, Tây Úc
27 tháng 10, 2005
 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/tusi&thegioi.htm

 


Vào mạng: 1-11-2005

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang