Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÀI NÉT VỀ TỲ-XÁ-LY

Trong quá khứ Tỳ-xá-ly có nhiều sự kiện liên quan đến đời sống Đức Phật và cũng chính tại đây Giáo Hội Ni tại Ấn độ được hình thành. Bài viết này xin giới thiệu vài nét về thánh địa Tỳ-xá-ly.

Tỳ-xá-ly (Vaishali, Vesali) còn gọi là Tỳ-ly, Phệ-xá-ly, Duy-da-ly hay Xá-ly, thủ đô của tộc Licchavi (hoặc Vriji, Vajji) và là một trong những trung tâm Phật giáo vững mạnh vào thời Đức Phật tại thế. Nhà khảo cổ học Cunningham đã xác nhận nơi này nay là làng Basarh, huyện Muzafarpur, tỉnh Tirhut, tiểu bang Bihar, cách thủ phủ Patna 58 cây số về phía bắc.

Cũng thật khó mà biết chính xác bao nhiêu lần Đức Phật viếng thăm Tỳ-xá-ly. Nhưng chúng ta biết rằng rất có nhiều kinh quan trọng được Đức Phật thuyết tại đây như kinh Ma-ha-li (Mahali), Đại kinh Shanada (Mahashanada), Tiểu kinh Saccaka (Culasaccaka), Đại kinh Saccaka (Mahasaccaka), kinh Tam Minh (Tevijja), Kinh Bà-sa-cù-đà-hoả-dụ (Vacchogotta), kinh Thiện Tinh (Sunakkatta) và kinh Tứ-yết-xuất-bảo (Ratana). Tại đây có nhiều vị trở thành đệ tử xuất chúng của Đức Phật như Nan-đà-ca (Nandaka), trưởng lão Bạt-kỳ-tử (Vajjiputta), Am-ba-pa-ly (Ambapali), trưởng lão ni Vô-cấu (Vimala)…

Dân Licchavi vì muốn Đức Phật cư trú tại thành phố của họ, nên trong nhiều dịp đã xây nhiều chùa như chùa Cu-Ta-ga-ra-sa-la (Kutagarasala), Ca-pa-la (Capala), Sap-tam-ra (Saptamra), Đa-phất (Bahuputra), Cồ-đàm (Gautama), Ca-pi-na-ha (Kapinahya) và Ma-ca-ta (Markata) để dâng lên Đức Phật và chư tăng.

Năm năm sau khi thành đạo, Đức Phật đã đến Tỳ-xá-ly giảng kinh Tứ-yết-xuất bảo (Ratana-sutta) (Gangarohana-sutta) và cảm hoá tám mươi bốn ngàn người. Lúc đó thành phố Tỳ-xá-ly đang bị hạn hán, dân chúng làm lễ rước Phật đến cầu nguyện với voi ngà, lộng, phướng và hoa hương. Đức Phật đến và vừa đặt chân chạm xuống đất thì sấm chớp vang động và mưa đổ xuống như trút.

Trong Đại-phẩm (Mahavagga) và Tiểu-phẩm (Cullavagga) cho thấy có nhiều quyết định quan trọng về giáo pháp và giới luật được Đức Phật tuyên thuyết tại Tỳ-xá-ly. Chính tại đây ngài tuyên bố sẽ nhập Niết bàn và cũng chính tại đây do lời thỉnh cầu của Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahapajapati Gotami) mà giáo hội ni được thành lập.

Pháp sư Huyền-trang khi đến viếng nơi đây vào thế kỷ thứ VII nói chu vi thành phố cổ Tỳ-xá-ly rộng 60, 70 dặm và cổ thành rộng khoảng 4, 5 dặm… Có vài trăm chùa (sangharama) hầu như đã bị đổ nát. Tại đây, có một ngôi chùa thuộc Thượng toạ bộ cách phía tây-bắc của thành phố Tỳ-xá-ly 5, 6 dặm và có vài vị tăng đang ở tu học; cạnh đó là tháp thờ kinh Duy ma Nghĩa thích (Vimalakirty-nirdesa sutra); phía đông của tháp này có một tháp kỷ niệm nơi ngài Xá-lợi-phất và chư tăng khác đắc quả A-la-hán; tháp thờ xá lợi của Đức Phật do vua Tỳ-xá-ly xây. Sau khi Đức Phật nhập diệt xá lợi của ngài được chia thành 10 phần và tộc Tỳ-xá-ly được một phần thờ tại đây. Sau đó, vua A-dục mở tháp lấy xá lợi này chia thành 10 phần, một phần giữ lại tháp cũ và những phần khác được vua xây 84.000 tháp để thờ. Sau đó, không vua nào dám mở tháp nữa, vì khi vừa đụng vào tháp thì trái đất sẽ chấn động; trụ đá sư tử (cao 50-60 feet, mặt hướng về Bắc, tức phía Câu-thi-na [Kushinagar]-nơi Đức Phật nhập niết-bàn) và tháp thờ xá lợi do vua A-dục xây; cạnh đó là một hồ nước do đàn khỉ đào dâng lên Đức Phật khi ngài đang thuyết pháp. Trong quá khứ đã có lần Đức Phật từng sống ở đây. Phía tây của hồ này, có ngôi tháp nhỏ đánh dấu nơi đàn khỉ lấy bình bát của ngài, trèo lên cây lấy mật cúng cho Phật; cách chùa của Thượng toạ bộ khoảng 3, 4 dặm có một ngôi tháp kỷ niệm nhà của ngài Duy-ma-cật (Vimalakirty), có một khối đá ngổn ngang đánh dấu nơi ngài Duy-ma-cật "giả vờ bịnh để thuyết pháp" và có một tháp khác là nơi ở của Ratnanakara; tháp đánh dấu dinh thự của nàng kỹ nữ Ambapali (Amrapali) và cũng chính tại nơi đây bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề và các tỳ-kheo-ni khác chứng đạt niết-bàn; phía bắc của chùa Thượng toạ bộ khoảng 3, 4 dặm là tháp đánh dấu nơi Đức Phật đứng nhìn về phía Câu-thi-na và cách đó không xa là tháp đánh dấu nơi cuối cùng ngài nhìn về thành phố Tỳ-xá-ly; về phía nam có một ngôi tháp đánh dấu khu vườn xoài do nàng kỹ nữ Ambapali dâng cúng; bên cạnh khu vườn này có tháp Beluvagamaka nơi Đức Phật tuyên bố ba tháng nữa ngài sẽ nhập niết bàn; không xa nơi đây cũng có một ngôi tháp đánh dấu nơi Đức Phật đi kinh hành và lưu dấu chân tại đây; phía đông của nơi này là nền móng đổ nát trên đó có một ngôi tháp đánh dấu nơi Đức Phật thuyết pháp; cách đó không xa là có vài ngôi tháp nơi mà ngàn vị Bích-chi Phật đạt niết bàn; phía tây bắc của thành phố Tỳ-xá-ly khoảng 50, 60 dặm là ngôi tháp đánh dấu dân Licchavi đã tiễn chân Đức Phật đi về Câu-thi-la. Vì biết Đức Phật sẽ nhập niết bàn sau ba tháng nữa, nên họ vừa đi vừa khóc lóc sầu thãm quyến luyến không rời, Đức Phật đành dùng năng lực tinh thần hiện ra con sông lớn ngăn bước chân họ lại; cách phía đông nam khoảng 14, 15 dặm là ngôi tháp lớn (nay ở gần Basarh, tại Valukarama) đánh dấu kỳ kiết tập kinh điển lần thứ hai gồm có 700 A-la-hán; Cách thị trấn Valukarama khoảng 80, 90 dặm là chùa Svetapura, có những ngôi tháp lớn hình tròn cao hai tầng. Khi ngài Huyền-trang đến viếng nơi đây có chư tăng Bắc tông đang tu học. Bên cạnh đó, có khắc dấu chân và nơi ngồi của bốn vị Phật quá khứ và ngôi tháp do vua A-dục xây. Lúc còn tại thế, Đức Phật đi về phía nam hướng đến xứ Ma-kiệt-đà, rồi ngài quay về phía bắc nhìn Tỳ-xá-ly. Trên đường ngài dừng lại để nghỉ và tại đây vua A-dục cho xây tháp tưởng niệm; Cách phía đông nam của chùa Svetapura 30 dặm là hai ngôi tháp thờ xá lợi của tôn giả A-nan nằm phía nam và bắc của sông Hằng để cả hai kinh đô của Tỳ-xá-ly và Vương-xá (Rajagarha) đều được thờ xá lợi của Đức Phật.

Ngài Pháp Hiền đã viếng thăm nơi đây vào thế kỷ thứ V. Theo tường thuật của ngài, phía bắc của Tỳ-xá-ly có một khu rừng lớn. Trong đó có một tịnh xá do nàng kỹ nữ Ambapali xây cúng dường Đức Phật.

Kinh Ekapanna Jataka nói: "Vào thời Đức Phật, thành phố Tỳ-xá-ly được bao bọc bởi ba lớp tường thành cách nhau một ‘gavyuta’. Mỗi lớp thành có ba cổng với nhiều toà nhà cao và tháp canh".

Trong Dulva của Tây tạng cũng tường thuật: "Tỳ-xá-ly có ba quận. Quận một có bảy ngàn ngôi nhà với những tháp vàng. Quận giữa có mười bốn ngôi nhà với những tháp bạc và quận cuối có hai mươi một ngàn ngôi nhà với nhiều tháp đồng. Người dân tuỳ theo giai cấp thượng, trung và hạ mà sống theo quận".

Ba cấp thượng, trung và hạ tương ứng với ba giai cấp: tu sĩ (Bà-la-môn), vua quan (Sát-đế-lợi) và giai cấp nông, công, thương (Tỳ-xá).

Với những giá trị lịch sử như đã nêu trên, hiện nay thánh địa Tỳ-xá-ly đang có tầm vóc quốc tế và là điểm thiêng liêng đối với Phật giáo toàn thế giới, đặc biệt là giới nữ lưu. Cho nên, việc bảo tồn, trùng tu và phát triển Tỳ-xá-ly là một việc làm đáng trân trọng và phát huy.

WUS University Hostel, Delhi 23-01-05 

THAM KHẢO

  1. Monastic Life of the Early Buddhist Nuns, Subhra Barua Atisha, Calcutta, 1997.
  2. Viharas in Ancient India, Deepak Kumar Barua, Calcutta, 1969.
  3. Buddhist Records of the Western World, Samuel Beal, London, 1906.

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/vainetve-tyxaly.htm

 


Vào mạng: 26-02-2005

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang