VÀI SUY NGHĨ NHỎ
Thích Tuệ Nhật
Trong kinh
Phật Tự Thuyết, Đức Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, có ba hạng người xuất
hiện ở đời đem lại hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho trời và loài
người. Những gì là ba? Đó là Như Lai, các đệ tử A La Hán của Như Lai và
các vị Tỷ kheo hữu học.” Quả thật, Đạo phật là đạo của lòng từ bi,
trí tuệ, bình đẳng, Đức Phật ra đời không ngoài mục đích chỉ bày khổ và
con đường cứu khổ, các đệ tử của Ngài cũng vậy, từ bỏ nếp sống gia đình
sống không gia đình cũng chỉ vì mục đích tự lợi, lợi tha, cho nên ta thấy
nhiệm vụ của chúng đệ tử Phật (Tăng già) từ xưa đến nay là vô cùng quan
trọng.
Trong suốt
25 thế kỷ qua, Tăng già đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, duy trì
đạo pháp trường tồn, dù mọi khó khăn vẫn đứng vững giữa cuộc đời. Thời
gian ấy đủ dài để chứng minh cho nguồn sinh lực và sức mạnh của Tăng đoàn
nhà Phật. Sức mạnh ấy không phải là bất kỳ một thứ vũ khí tối tân hay lực
lượng quân đội hùng hậu nào, mà là sức mạnh của sự hòa hợp thanh tịnh dựa
trên nền tảng Giới Định Tuệ.
Thật không
quá lời khi nói rằng: Tăng già là người nắm giữ mạng mạch Phật Pháp, sự
hành trì và truyền bá giáo pháp của Tăng già ảnh hưởng trực tiếp đến sự
hưng long hay suy thoái của đạo pháp. Vậy thì, trong xã hội đa nguyên phức
tạp ngày nay, Tăng già chúng ta cần phải làm gì?
Thực tế cuộc
sống cho thấy, nhân loại đang chuyển mình từ xã hội nông nghiệp sang xã
hội công nghiệp, từ xã hội công nghiệp sang kỷ nguyên công nghệ thông tin.
Sự thay đổi này gây ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ tăng tục từ gốc
rễ, đòi hỏi ở Tăng già phải có một nội lực tu tập vững chắc, một giới hạnh
mẫu mực, một trí tuệ uyên bác (từ kiến thức Phật học đến tri thức thế
gian). Xã hội và bản thân Phật giáo cũng đặt ra vô số câu hỏi như: làm thế
nào để mọi người hiểu đúng tinh thần Phật pháp? Làm thế nào để chánh pháp
đến được với giới bình dân và tầng lớp trí thức? Làm thế nào cho vơi bớt
nỗi đau khổ đang ngập tràn và giày xéo kiếp người? Làm thế nào để vận dụng
thành quả khoa học kỹ thuật cho việc phát triển đạo pháp?... Tất cả đang
trông đợi vào câu trả lời thiết thực của chúng ta.
Một điều
đáng quan tâm khác: nhu cầu học thuật của người dân ngày càng cao, thông
tin xã hội phổ cập rộng rãi, thậm chí một cái máy tính xách tay thông
thường cũng có thể gom chứa cả kho tàng tri thức, một chiếc đĩa CD vài
ngàn đồng có thể thâu tóm cả Tam tạng giáo điển, dân chúng (nếu muốn) cũng
dễ dàng tìm đọc những nguồn kiến thức về tôn giáo, triết học, lịch sử, địa
lý,… điều này giúp cho tầm hiểu biết của họ ngày càng nâng cao. Do vậy, để
thuyết phục họ, hay nói khác hơn, để xứng đáng là những bậc “thiên nhơn
chi đạo sư” trong thời đại mới thật không phải chuyện dễ! Muốn hoàn thành
sứ mệnh ấy, Tăng già nói chung và mỗi cá nhân Tỷ kheo chúng ta nói riêng
phải luôn tự hoàn thiện tổ chức mình, tự hoàn thiện bản thân mình, không
ngừng nâng cao phẩm hạnh và trí tuệ, sẵn sàng đối phó và vượt qua sóng gió
cuộc đời. Có như thế, chúng ta mới mong đem lại lợi ích cho chính mình và
niềm an vui cho toàn thể xã hội.
Bên cạnh đó,
xã hội phát triển khiến nhu cầu hưởng thụ vật chất của con người ngày càng
nâng cao, dễ chạy theo lối sống “thực dụng”, tìm mọi cách để thỏa mãn dục
vọng bản thân, thậm chí bất chấp pháp luật. Điều này trực tiếp làm hủy
hoại đi nhiều yếu tố luân lý truyền thống, có nơi đạo đức con người còn
tụt dốc đến mức trầm trọng. Nếu đứng trên bình diện khách quan mà xét,
ngoài những mặt tích cực, xã hội vẫn còn chất chứa vô số vấn đề tiêu cực
khiến các nhà tôn giáo học, chính trị học, triết học, xã hội học lo ngại;
đạo Phật lại không phải là một con đường tĩnh tại bất biến, mà là tùy
duyên bất biến, do đó xu hướng “Phật giáo nhập thế” trong thời đại mới vô
cùng cần thiết. Tăng già chúng ta phải “xung phong” dấn thân vào những mặt
tiêu cực ấy để giáo hóa, chẳng hạn như nỗi khổ đau gây ra do trộm cướp,
bạo lực, giết người,… hay một số vấn đề kinh hoàng hơn như nạn chiến
tranh, khủng bố,… chúng ta có nhiệm vụ chỉ dạy cho tầng lớp này một nếp
sống lành mạnh, an ổn về vật chất lẫn tinh thần, khuyến khích họ sống biết
nhẫn nhịn, thành thật trao đổi, thỏa hiệp hợp tác, không gây ra những bạo
động đáng tiếc.
Đạo Phật là
đạo đem lại an vui cho chúng sanh. Bất cứ nơi đâu, hễ đạo Phật xuất hiện
là nơi đó có hạnh phúc. Do đó, Đạo Phật luôn đồng hành cùng nhân loại,
đóng góp cho nhân loại nhiều giá trị sống quý báu thông qua sự truyền bá
của Tăng già. Chính nhờ sự vận dụng giáo pháp đúng cách vào đời sống cá
nhân và tập thể, biết uyển chuyển về phương cách sinh hoạt, sẵn sàng thích
nghi qua từng thời đại, Tăng già đã và đang đem lại lợi ích không thể nghĩ
bàn cho từng cá nhân Tỷ kheo; đem lại sự thanh tịnh, hòa hợp, trang nghiêm
cho giáo hội. Tinh thần ấy cần được tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa.
Mục đích tối
hậu của người xuất gia là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”,
nhằm truyền trì mạng mạch Phật pháp để tốt đạo đẹp đời; vì vậy, mỗi cá
nhân Tỷ kheo chúng ta phải ý thức được trách nhiệm nặng nề này để luôn nỗ
lực hết mình, cảnh tỉnh trước sự cám dỗ của bản thân, không bị cuốn hút
theo lối sống “tốc độ” của thế giới bên ngoài, lấy giới luật làm thầy dẫn
đường, coi định lực là năng lượng sống, xem trí tuệ là sự nghiệp tối
thắng,… Có như thế, chúng ta mới hy vọng phần nào làm tròn chí nguyện xuất
gia của chính mình và không phụ lòng mong mỏi của bốn ân ba cõi.
Rất mong lắm
thay! Rất mong lắm thay!
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/vaisuynghinho.htm