NHÂN ĐỌC LOẠT BÀI
“SỬ
DỤNG XE CÔNG ĐI LỄ CHÙA”
TRÊN SGGP, THANH NIÊN VÀ TUỔI TRẺ
Nhật Từ
I.
LẠM DỤNG CỦA CÔNG ĐỂ LÀM VIỆC RIÊNG
SGGP số ra ngày 31-3-05 có bài “Từ phản
ánh của Báo SGG, Thủ tướng yêu cầu xử lý việc sử dụng xe công đi lễ
chùa” với phụ đề “công bố danh sách 40 xe công vi phạm” (tr. 1-2) và
Báo Thanh Niên ra cùng ngày 31-3-05 cũng có bài tương tự: “Thủ tướng chỉ
đạo công bố danh sách 40 xe công bị sử dụng đi lễ chùa” (tr. 1, 3)
đã phản ánh (dù quá muộn màng) tình trạng cán bộ nhà nước cố tình sử dụng
sai mục đích các xe công chức (biển xanh, biển đỏ) vào việc cá nhân và gia
đình. Cán bộ nhà nước lợi dụng của công để làm việc riêng là tình trạng
lan tràn trong xã hội ta đến mức cần phải báo động. Văn phòng Chính phủ
ngày 28-3-05 đã có công văn số 1520/VPCP-KTTH nhằm chỉ đạo việc xử lý các
sai phạm của một số cơ đơn vị và cơ quan nhà nước “sử dụng xe nhà nước
đi lễ chùa” (Thanh Niên, 31-3-05, tr. 3) hay “sử dụng xe con đi lễ
chùa” (SGGP, 31-3-05,tr. 2).
Chúng tôi hoan nghênh quyết định trên của
chính phủ nhằm nghiêm trị những ai lợi dụng xe công làm việc riêng, đồng
thời, xin ca ngợi các nhà báo đã mạnh phanh phui và công bố 40 xe sử dụng
trái phép, làm lãng phí xăng dầu nhà nước, lãng phí thời gian công, cho
những việc riêng tư.
Sự nghiêm minh về luật pháp và sự công
bằng trong thưởng phạt là yếu tố quan trọng đưa đến công lý cho mọi người,
giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Phục vụ mục đích và mưu lợi riêng tư bằng
các phương tiện của công là điều theo giới luật nhà Phật nên tránh, vì
người lạm dụng trong trường hợp này đã vi phạm giới ăn cắp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Công văn của
chính phủ và tác giả của các bài báo viết về tệ nạn này đã sử dụng lẫn lộn
ý nghĩa bóng của từ “lễ chùa” theo nghĩa “lễ miễn phí bằng xe công” với
nghĩa đen của từ “lễ chùa tức là đến chùa lễ Phật.” Trong bài viết này,
tôi xin minh định hai ý nghĩa của “chùa” như vừa nêu.
II. CÁC Ý NGHĨA CỦA TỪ “CHÙA”
2. 1. Về ý nghĩa từ nguyên của thuật từ
“Chùa” trong tiếng Việt Nam cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự
nhất trí nào. Rõ ràng từ Chùa ít có khả năng có mối liên hệ từ nguyên với
từ “tự” (寺)
của Trung quốc. Có người cho rằng từ Chùa bắt nguồn từ chữ thūpa (tiếng
Pàli) hay stūpa (tiếng Sanskrit) vốn có nghĩa là “tháp,” do yếu tố các
chùa Việt nam có dạng tháp. Có nhà nghiên cứu cho rằng hai chữ “thūpa” và
“stūpa” được người Việt Nam rút ngắn như thói quen của họ khi du nhập các
từ nước ngoài đa âm tiết, chỉ còn lại “thū” hay “stū” và từ đó đọc chạy âm
thành “chùa.” Trên thực tế, từ Chùa không thể bắt nguồn từ chữ stūpa hay
chữ thūpa vì hai từ nầy đều có hai âm tiết, và cả hai âm tiết đầu “stū”
hay “thū” và âm tiết sau “pa” của chúng khác hoàn toàn với từ đơn âm
“Chùa” của tiếng Việt.
Tiếp cận từ góc độ văn hóa, Chùa không chỉ
là nơi thể hiện tín ngưỡng tôn giáo trong đạo Phật (mặc dù đạo Phật đúng
nghĩa không phải là một tôn giáo theo nghĩa từ nguyên), mà còn vừa là thực
thể văn minh, vừa là thực thể văn hóa. Chùa là tổng thể của văn minh kiến
trúc, điêu khắc, ảnh tượng, bia ký và pháp khí v.v... Chùa cũng là tổng
thể của đời sống tinh thần, nơi trau dồi, rèn luyện nhân cách và lột bỏ
tất cả những bợn nhơ của hành vi, cử chỉ, lời nói và nếp nghĩ của những ai
tôn thờ Phật Thích-ca làm thầy tâm linh.
Tiếp cận từ góc độ kiến trúc, khác với
đền, miếu, nhà thờ, nơi thờ các vị thần thánh hay Thượng đế, Chùa là một
tổng thể bao gồm điện thờ Phật, nhà thờ Tổ, các tăng xá, nhà khách và tháp
v.v…
Trong dân gian Việt Nam, đã từ lâu, thuật
ngữ “chùa” được sử dụng với nghĩa bóng là “miễn phí” hay “không công.”
Nguồn gốc ra đời của ý nghĩa này có lẽ bắt nguồn từ các thời đại Lý và
Trần, khi ngôi chùa đã trở thành trung tâm văn hoá, giáo dục và tôn giáo
của quần chúng. Chùa được xây dựng lên để dân chúng được học tập, sinh
hoạt văn hoá và trau dồi đời sống tinh thần, một hình thức sinh hoạt rất
quan trọng, làm tăng cường ý nghĩa cuộc sống của con người. Câu nói “đất
vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” cho thấy được đã từng có một giai đoạn
lịch sử người dân Việt Nam xem chùa là tài sản chung của làng xã. Khi chùa
được xem là tài sản chung, con em trong làng đến chùa học đều được miễn
phí hoàn toàn; đến tham gia các hình thức sinh hoạt văn hoá và lễ hội cũng
không phải mua vé hay trả tiền; ăn cơm ở chùa cũng không cần phải đóng
tiền tháng, tiền bửa như công nhân ăn cơm phần hay cơm hộp ngày nay. Từ đó,
đã phát sinh ra các thành ngữ liên hệ đến từ “chùa” với các ý nghĩa mang
đậm nét văn hoá “vị tha và phụng sự” của Phật giáo, một nền văn hoá khác
xa với văn hoá mang màu sắc kinh doanh, mua bán của nền kinh tế thị trường
hay kinh tế quốc doanh:
- “ăn chùa” từ sự kiện ăn cơm ở
chùa vào những ngày rằm lớn (tháng giêng, tháng tư, tháng bảy và tháng
mười) và các lễ hội Phật giáo, khỏi phải trả tiền, đã mang nghĩa “ăn cơm
miễn phí.”
- “công chùa” từ sự kiện người dân
vào chùa làm “công quả” tức phát tâm lao động, phụ giúp việc chùa, mà
không ăn lương, để góp phần phát triển chùa như trung tâm văn hoá và giáo
dục của quần chúng, đã được sử dụng với nghĩa “công toi” tức tốn công vô
ích vào những việc không mang lại kết quả tốt đẹp hay khả quan nào, chẳng
hạn như người nỗ lực xây lâu đài trên cát được gọi là người làm công chùa.
Thỉnh thoảng từ này được sử dụng với nghĩa người làm công không được chủ
trả tiền thích đáng như hợp đồng, hoặc bị bốc lột sức lao động, chèn giá
lao động trong một số tình huống, làm xong rồi bị trắng tay, cho nên công
đó đã trở thành công chùa.
- “của chùa” từ ý nghĩa “tài sản
chung của tất cả thành viên đã thọ giới lớn (giới tỳ-kheo đối với tu sĩ
nam và tỳ-kheo-ni đối với tu sĩ nữ) trong chùa, thường được hiểu là của
Tam Bảo, một loại tài sản vô ngã để phục vụ xã hội và nhân sinh trong tinh
thần vị tha, được hiểu thành “của chung” tức của không được ai coi sóc,
quan tâm, hoặc bị sử dụng một cách vô tội vạ, lãng phí, có khả năng hư hao
rất nhanh.
- Tương tự, chúng ta có thể tạo ra các từ
ghép có thành tố “chùa” để diễn tả sự miễn phí. Chẳng hạn như “xe chùa,”
tức xe chở hành khách khỏi phải trả tiền, hay “phà chùa” tức qua phà không
trả tiền. Chữ “chùa” thường được đặt trong dấu ngoặc kép, với nghĩa bóng
“miễn phí” để phân biệt với chữ chùa có nghĩa là cơ sở tín ngưỡng và hành
trì của người theo Phật giáo. Như vậy, chữ “chùa” trong ngoặc kép thường
được dùng để diễn tả tình trạng sử dụng tiền bạc, vật dụng, phương tiện
một cách tuỳ tiện, vô tư, thoải mái, không tiếc rẽ, không tôn trọng hoặc
biến công thành riêng.
2. 2. Nêu lên một cách sơ lược ý nghĩa của
từ “Chùa” để chúng ta thấy được nguồn gốc ra đời của nó, để không sử dụng
vô tội vạ, dẫn đến những tình trạng hiểu sai và sử dụng lẫn lộn. Công văn
của Chính phủ và tác giả các bài báo đăng trên SGGP, Thanh Niên và Tuổi
Trẻ đã sử dụng lẫn lộn hai ý nghĩa khác nhau của từ “chùa”: khi thì dùng
với nghĩa đen “chùa là cơ sở vật chất của Phật giáo” khi thì dùng với
nghĩa bóng “chùa là miễn phí.”
Trong Phóng sự “Công chức đi đền chùa” với
tiêu đề phụ trong bài “xe công thả rông …. đi chùa” (SGGP ngày
26-2-05) và bài “Dùng xe công đi lễ chùa: Bài học kinh nghiệm cho nhiều cơ
quan, đơn vị” (SGGP, 2-4-05, tr.2) hoặc
bài “Sao xe công có ở … chùa?” (Tuổi Trẻ, ngày 1-4-05, tr. 3), hay
bài “Muôn sự xe công” với câu “lấy xe chùa đi vãng cảnh chùa” hoặc
“Dùng xe công vãng cảnh chùa là một dấu hiệu thêm một lần nữa cảnh
báo công luận vấn nạn này [tức “quốc gia đói nghèo, một phần rất lớn bởi
quan tham”] (Tuổi Trẻ, 2-4-05, tr. 1, 14), thì từ “chùa” chỉ có nghĩa đen
là cơ sở thờ phượng của Phật giáo. Nhưng khi đọc vào nội dung bài “Công
chức đi đền chùa” (SGGP ngày 26-2-05), trọng tâm của bài này nói về tình
trạng khoảng 500-800 xe ô tô biển xanh, biển đỏ của nhà nước và nhiều xe ô
tô công không mang biển xanh và đỏ đã vào viếng đền Trần (Nam Định)
trong ngày 22 và 23-2-05, chứ không phải viếng chùa! Mặc dù tác giả
bài báo đã khẳng định rằng: “lượng xe công đến chùa Hương, đền bà
Chúa Kho, hội Lim, chùa Yên Tử chỉ là lốm đốm trong các bãi
đỗ xe” mà thôi. Trong số các địa điểm lễ hội, các quan chức nhà nước lợi
dụng xe công làm việc riêng ở chùa chẳng là bao, so với các địa điểm đền
miếu không phải của Phật giáo. Lốm đốm có nghĩa là số lượng không nhiều
lắm. Tại sao việc lấy xe công đi đền, đình, miếu, chùa Bà đến gần 800
chiếc lại không được đề cập trong công văn của Chính phủ, hay Chính phủ và
các tờ báo muốn nhân sự kiện này để chơi chữ theo kiểu “lộng giả thành
chân” cho người đọc thấy rằng các quan chức Phật tử đã lấy xe công đi lễ
chùa, hơn là những quan chức có tôn giáo khác đạo Phật hay các quan chức
không theo một tôn giáo nào đã làm chuyện đó nhiều hơn người Phật tử? Đã
là luật pháp, chúng ta không nên thiên vị. Nếu quan chức nhà nước là Phật
tử vi phạm bị nêu trong công văn thì tại sao các quan chức nhà nước theo
đạo khác chẳng hạn như Thiên chúa giáo, Nho giáo hoặc bất kỳ một tôn giáo
nào, các quan chức không hề theo một tôn giáo nào vi phạm nhiều hơn lại
không bị ghi là “dùng xe công đi nhà thờ, đi đền miếu” ?
Điều đáng nói ở đây là danh sách 40 xe bị
quan chức nhà nước sử dụng sai mục đích được công bố trên SGGP, ngày
31-3-05, tr. 2, và Thanh Niên, 31-3-05, tr. 3, xảy ra ở đền Trần, Nam Định,
chứ không phải ở các chùa Phật giáo, nhưng công văn của chính phủ lại ghi
“xe ô tô của một số cơ quan, đơn vị bị sử dụng đi lễ chùa” thay vì
phải ghi cho đúng ngữ cảnh là “sử dụng xe công đi lễ đền Trần.” Sở
dĩ có tình trạng nhầm lẫn như thế là vì tác giả của công văn của Chính phủ
đã có thể hiểu tựa đề bài phóng sự “Công chức đi đền chùa…(?!)”
trên SGGP, 26-2-05, với nghĩa “công chức đi đền và đi chùa” thay vì theo
toàn văn mạch, câu đó nên được hiểu là “công chức đi đền [Trần] bằng xe
công miễn phí (xe chùa)” tức một hình thức “xe công sử dụng… vào việc
riêng” (SGGP, 26-2-05, tr.1).
Việc sử dụng xe công vào việc riêng được
báo Tuổi Trẻ (1-4-05, tr. 3) phỏng vấn và đưa tin. Điều đáng nói là “sử
dụng xe công vào việc riêng” đâu chỉ có việc đi chùa, mà còn “đưa gia đình
đi tham quan, chở mẹ đi viếng mộ, chở vợ đi thăm người dì ở gần chùa Bà,
chở người thân đi khám bệnh, đón viên chức đi công tác về, vào chợ mua sắm,
tham quan cửa khẩu, tham quan núi Tô Thị” (cùng trang báo đã dẫn). Đó là
chưa nói đến tình trạng phần lớn người sử dụng sai mục đích xe công đi
viếng “chùa Bà ở Bình Dương” một loại chùa không thuộc chùa Phật giáo, do
vậy không nên sử dụng nghĩa bóng của từ “chùa” trong trường hợp của chùa
Bà. Đáng nói hơn, có nhiều trường hợp, xe biển xanh biển đỏ đó được bán
thanh lý cho các tổ chức phi chính phủ hay một người chủ dân sự, và đang
trong giai đoạn làm biển số mới nên tạm thời sử dụng biển số xe công, thì
trường hợp này hoàn toàn không vi phạm tình trạng lạm dụng xe công làm
việc riêng đâu mà cấm!
Điều đáng nói là tại sao công văn của
Chính phủ không ghi “nghiêm cấm tình trạng nhân viên nhà nước lợi dụng
xe công đi làm việc riêng” vừa đơn giản, vừa đủ nghĩa, không gây hiểu
lầm phân biệt đối xử với Phật giáo, trong đó, từ “việc riêng” có thể hiểu
bao gồm tất cả những việc không thuộc cơ quan nhà nước. Còn trường hợp,
nhà nước chỉ đạo viên chức chính phủ hoặc nhân viên các ban ngành đến chùa
lễ Phật đầu năm hay tham dự lễ Phật đản chẳng hạn, như một động tác ngoại
giao, chứng tỏ nhà nước quan tâm đến Phật giáo, thì tại sao phải cấm? Điều
này chẳng những không vi phạm mà còn đáng khích lệ, vì trong quá khứ đã
từng có tình trạng đảng viên không được phép đi chùa như một điều khoản
luật không thành văn. Tại sao quan chức đi lễ đền Trần, chùa Bà và các địa
điểm du lịch, chợ búa, đi việc gia đình lại không được đưa vào trong công
văn của Chính phủ, mà chỉ ghi là “đi lễ chùa” làm như thể tất cả các vi
phạm đều là đi chùa Phật giáo vậy! Tôi thiết nghĩ, Chính phủ nên kịp thời
sửa lại công văn trên.
Còn nếu từ “chùa” trong từ “đi lễ chùa”
được hiểu với nghĩa bóng là “đi lễ bằng xe công, khỏi phải trả tiền” thì
câu văn ấy trở nên vô nghĩa. Chúng ta thử thay thế từ “đi chùa” hay “đi lễ
chùa” bằng từ “miễn phí” trong câu: “sử dụng xe công đi lễ chùa” ta sẽ có
câu tương đương là “sử dụng xe công đi lễ miễn phí.” Câu này không
rõ nghĩa, vì mệnh đề “đi lễ miễn phí” rất mơ hồ. Chẳng lẽ đã từng
có hai loại “đi lễ tốn tiền” và “đi lễ miễn phí” trong nước
Việt Nam hay sao? Cũng có thể lắm. Đã từng có một giai đoạn, để được vào
tham quan các khu di tích văn hoá chùa chiền của Phật giáo, khách hành
hương, ngay cả tu sĩ Phật giáo, phải mua vé, chẳng hạn như Thích-ca Phật
Đài và Niết-bàn Tịnh Xá ở Vũng Tàu v.v… Số tiền mua vé đó sẽ được chính
quyền địa phương quản lý. Tình trạng vào chùa mua vé đã được bải miễn vài
năm trở lại đây. Còn “đi lễ miễn phí” sẽ có thể được hiểu là “đi viếng các
cảnh chùa không bị buộc mua vé vào cửa do nhà nước quy định.” Tôi không
nghĩ câu “sử dụng xe công đi lễ chùa” ám chỉ tình trạng các xe công vào
vãng cảnh chùa được miễn tiền vé, khác với các chùa phải mua vé như trước
đây chính quyền địa phương của các chùa đó đã quy định. Còn nếu hiểu theo
nghĩa “không sử dụng xe công chức một cách miễn phí cho các việc gia đình
và cá nhân” thì tốt nhất nên sửa câu đó thành “sử dụng xe công vào việc
riêng” vì “việc riêng” ở đây được hiểu bao gồm bất kỳ cái gì không thuộc
công vụ của cơ quan nhà nước.
III.
THAY LỜI KẾT
Mong sao các công văn của Chính phủ và các
nhà làm báo cần minh định và thận trọng trong việc sử dụng các từ đa nghĩa,
nhất là những từ liên hệ đến sự nhạy cảm tôn giáo, để tránh tình trạng
“thay vì nói gà, mà viết thành vịt” làm thương tổn tình cảm tôn giáo của
quần chúng. Chính vì thế, “chính danh” trong ngôn từ và khái niệm là điều
mà người cầm bút và các nhà làm luật không thể không quan tâm.
Ngày 2 tháng 3 năm 2005
Nhật Từ
http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/xecong_dichua.htm