Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
    Những ý kiến xung quanh bài viết "Những nẻo đường du học"
Nh. Th

 Đừng mang cặp kính đen để nhìn đời!

Xa quê, mỗi lần nhận tuần báo và nguyệt san ‘Giác Ngộ’, lòng lâng lâng nghĩ đến quê nhà khi đọc được những thông tin Phật sự và các bài giáo lý. Mặc dù ‘Giác Ngộ’ đến tay người xa xứ hơi chậm (tuần báo mỗi hai số nhận một lần, thư đi cũng chậm) nhưng vui vì có tin quê nhà. Hơn nữa, nội dung khá phong phú, bài viết chất lượng, hình thức ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là thức ăn tinh thần cho nhiều người, tu sĩ và cư sĩ trong cũng như ngoài nước. Lòng mến mộ dành cho ‘Giác Ngộ’ phần nào bị tổn thương khi đọc bài "Thư gửi từ Delhi" ở tuần báo số 250. Là một học tăng đang theo học tại trường Đại học Delhi, tôi có vài lời chia sẻ cùng toà soạn.

Theo LTS, bài báo "Những nẻo đường du học” đăng trên tuần báo GN số 250 thì "Thư gửi từ Delhi" một lá mail tâm sự mang tính cá nhân, nên "ít nhiều vẫn còn chủ quan, phiến diện". Chúng tôi thiết nghĩ, bên cạnh việc nhìn vấn đề không bao quát, thiên lệch, cần phải bổ sung là bài viết đưa ra quá nhiều thông tin “THIẾU CHÍNH XÁC” . Sau đây là một số điểm tiêu biểu.

1. ‘Doctor of cheating’???

Tác giả ‘Thư gửi từ Delhi’ kể lại rằng có trường hợp ‘doctor of cheating’ (trang 18, tuần báo GN, số 250), có lẽ người viết cường điệu, hư cấu để câu chuyện của mình trở nên hấp dẫn chăng? Việc này vô lý ở những điểm sau:

· Người viết mail này ‘tự giới thiệu’ là người mới sang Ấn vài tháng, làm sao biết được những chuyện như vậy trong khi mình không trực tiếp chứng kiến. Điều này khẳng định được vì người viết mail ấy không thể ngồi chung lớp với ‘Doctor’ được rồi!

· Chúng tôi không biết trước đây 5 năm có chuyện ấy xảy ra không, từ 5 năm trở lại đây chúng tôi không thấy, không nghe chuyện như thế. Lần đầu tiên thấy sự kiện ‘ma’ này trên tuần báo GN số 250.

· Chúng tôi dám đảm bảo việc trên hoàn toàn hư cấu vì giảng viên ở đây dùng từ rất chính xác, không thể có trường hợp dùng thuật ngữ ‘Doctor’ để chỉ cho những ai còn vào lớp học để rồi phải làm bài kiểm tra và giở tài liệu. Chỉ có một số người Việt dùng từ thiếu chính xác, lại đặt chuyện ra đó thôi. ‘Doctor’ chỉ dùng cho người đã hoàn tất xong chương trình Ph.D. Những người đi dạy các chương trình sau đại học (M.A, M. Phil., Ph.D) khi chưa đủ tiêu chuẩn để được phong hàm ‘Giáo sư’ (Professor) cũng chỉ được gọi là ‘Doctor’ mà thôi. Trong số giảng viên ở khoa Phật học hiện nay, chỉ có một ‘Giáo sư’, còn tất cả là ‘Doctor’, chứ không phải ai đứng bục giảng cũng gọi là ‘Giáo sư’. Nhiều người (chỉ có một số người Việt dùng như vậy thôi!) dùng như thế là sai. Như vậy, đối với người đang ở trong khoá Ph.D cũng không được gọi là ‘Doctor’, mà những nghiên cứu sinh khoá Ph.D còn không phải đến lớp học nghe giảng bài nữa rồi, huống  nữa là ‘Doctor’?! Nghĩa là, đã là ‘cheating’ thì hẳn không phải là ‘Doctor’, mà "Doctor’ thì không thể ‘cheating’. Đằng này, người viết trích nguyên từ tiếng Anh ‘Doctor of cheating’ nghĩa là trích trực tiếp thì không thể nào có chuyện như thế trong thực tế. Hay là chính bản thân mình không nghe hiểu được gì rồi nói bậy?! Hay là đặt chuyện ra mà lại không hiểu nghĩa của khái niệm ‘Doctor’ nên mới có ‘Doctor of cheating’! Nhưng thế đấy mới có nhiều người muốn nghe, vì lạ tai quá mà. Người kể chuyện ‘tiếu lâm’ phải nói là ‘có một con rắn vuông, chiều dài bằng chiều ngang’ thì thiên hạ mới thích nghe và cười chứ!!!

Ở đời có những việc nhỏ cho mình bài học lớn. Từ chi tiết nhỏ này, chúng ta có thể hiểu được những điều khác trong bài viết. Tuy nhiên, cần nói thêm một số vấn đề nữa như sau.

2. ‘Ở ký túc xá có máy giặt’

Điều này hoàn toàn sai. Hiện nay, chỉ có Ký túc xá quốc tế nữ, mới xây cách đây ba năm, có trang bị máy giặt. Các ký túc xá còn lại, chỗ chúng tôi biết trên 10 ký túc xá dành cho sinh viên nam và nữ, không có ký túc xá nào có máy giặt cả. Từ một Ký túc xá có máy giặt, tác giả mail này ‘tổng quát hoá’ một cách cẩu thả là "Ký túc xá có máy giặt’ (trang 33, tuần báo GN, số 250). Thế đủ biết mức độ tin tưởng nơi bài viết này là bao nhiêu, không quá 10 % !?!?

3. ‘Phí sinh viên ngoại quốc’

Trong bài viết nói là, phí sinh viên ngoại quốc cho các khoá học như sau: M.A : 400 USD, M. Phil. : 800 USD, Ph.D : 1000 USD (trang 33) là hoàn toàn sai. Gọi là ‘phí sinh viên ngoại quốc’ là như thế này. Quốc gia nào cũng dành một ngân khoản lớn đầu tư cho giáo dục. Ấn Đ? cũng vậy. Tuy nhiên, nhà nước Ấn chỉ lo cho sinh viên của mình vì đó là công dân của họ, đào tạo để sau khi ra trường phục vụ cho đất nước Ấn. Do đó, người nước ngoài phải đóng một số tiền để bù vào khoản ấy  trước khi được chấp nhận vào học. Khi vào học, ngoài tiền ‘phát triển khoa’ người nước ngoài phải đóng, học phí ở khoa được quy định giống như sinh viên Ấn. Khoản tiền ‘đăng ký nhập học’ (Registration fee chứ không phải foreigner student fee) đóng mỗi khoá học và được quy định cho sinh viên vào Đại học Delhi như sau:

B.A. (Đại học): 300 USD

M.A. (Cao học) : 400 USD

M. Phil. và Ph. D. : 500 USD (vì có luận văn).

Khoản tiền này khác nhau ở các trường Đại học khác nhau. 

4. ‘Rất nhiều trường có khoa Phật học để cho mình chọn’

Thông tin này sai trầm trọng và vô cùng tai hại cho những người sắp đi du học, thêm vào đó là nói ‘những trường này không thu phí sinh viên nước ngoài và học phí rẻ hơn’. Nếu có vị nào sắp sang, nghe vậy không muốn nhập học ở Delhi, đi đến các bang khác, tìm không được trường lớp, lạc lõng nơi xứ người xa lạ, liệu người viết bài báo kia có chạnh lòng khi tung ra những thông tin thất thiệt như thế hay không. Xin thưa rằng theo tài liệu thống kê năm 2002 chúng tôi đọc được, chỉ có Đại học Delhi mới có phân khoa Phật học và đào tạo chương trình từ M.A trở lên. Các trường khác không có phân khoa Phật học nhưng có thể nhận sinh viên từ phân khoa Phật học sau khi hoàn tất chương trình M.A với điều kiện đề tài nghiên cứu Ph.D của các vị ấy thuộc một mảng trong lãnh vực của khoa ấy. Hiện tại, một số trường các các phân khoa như Pali, Sanskrit, Tibetan, Tôn giáo học, Châu Á học, Lịch sử, Triết học… có thể nhận sinh viên Ph.D làm đề tài về Phật học nếu đề tài ấy thuộc trong phạm vi của phân khoa này. Do đó, một số thầy, cô sau khi xong M.A ở Đại học Delhi chuyển đi một số trường khác và làm tiến sĩ ở các khoa liên quan tại các trường này. Nhiều vị đã xong chương trình học ở các trường khác nhưng không có vị nào ra trường từ khoa Phật học cả. Căn cứ vào đâu để nói “rất nhiều trường có khoa Phật học để chọn”!

5. ‘Các nơi khác thường không phải đóng phí ngoại quốc’

Tác giả ‘Thư gửi từ Delhi’ nói vậy nhưng không phải vậy. Như trên đã nói sơ qua, phí này mỗi trường mỗi khác, thậm chí trong cùng một tiểu bang, phí cũng khác nhau. Tại Delhi,  phí  ‘sinh viên nước ngoài’ ở trường Delhi đã trình bày ở trên, trong khi đó trường Đại học Jamia Milia Islamia cũng ở Delhi, quy định là 4000 USD (bốn ngàn dollars) cho 2 năm của khoá M.A. Ở những trường thuộc các bang khác, có thể rơi vào một trong ba trường hợp như sau:

· Không thu phí ‘sinh viên nước ngoài’: rất ít trường như vậy. Đó là những trường từ trước đến giờ chưa có người ngoại quốc đến học hoặc rất hiếm nên chưa có quy định ấy.

· Thu phí ‘sinh viên nước ngoài’: thường cao hơn trường Delhi.

· Quy định phí ‘sinh viên nước ngoài’ nhưng có thể thương lượng xin miễn / giảm: thường thì phí quy định cho sinh viên nước ngoài ở các trường này rất cao. Đối với sinh viên đến từ các nước Châu Á (thường là các nước nghèo), sinh viên có thể trình bày vấn đề và xin miễn / giảm được.

6. ‘Đáng tiếc là 2 năm nay Đại học Delhi không chấp nhận việc du học tăng mình ghi danh vào học nữa’

Câu này không rõ ý lắm vì nằm chung một đoạn với nội dung nói về một số vị theo học các khoa ngoài Phật học. Vả lại, khi nói ‘Đại học Delhi’, người viết muốn chỉ cho cái gì? Đó là Khoa Phật học hay các khoa ngoài? Hay tất cả mấy chục khoa và hơn 100 colleges trực thuộc Đại học Delhi? Dù cụm từ ‘Đại học Delhi’ chỉ cho gì đi nữa, điều này không phản ánh đúng thực tế một mảy may nào. Khoa nào cũng rộng cửa mở đón tất cả sinh viên trên toàn thế giới về đây học, với điều kiện người ấy đủ tiêu chuẩn vào khoá.

7. ‘Đại học Delhi đòi hỏi ít nhất phải có bằng TOEFL 500 điểm trở lên’

Điều này hoàn toàn sai. Đến nay, Đại học Delhi KHÔNG có quy định này. Việc tuyển sinh tuỳ vào từng khoa. Có khoa có tổ chức thi đầu vào, có khoa chỉ căn cứ vào số điểm quy định của khoá trước (thường là 55 % so với điểm tối đa). Người viết tìm đâu ra thông tin này, đọc cũng vui vui. 500 điểm TOEFT mà cho là điều kiện tối thiểu (ít nhất)?!

Trên đây là một số điểm chính không chính xác cần đề cập đến, còn nhiều điều không chính xác nữa, nhưng thiết nghĩ không cần thiết trình bày hết ở đây. Dù vậy, nên nhắc lại câu ‘dân Ấn hầu hết nói tiếng Anh’ để kết thúc với…cười. Nên biết rằng, trong hệ thống giáo dục Ấn Độ có hai thứ ngôn ngữ dùng làm phương tiện ở trường học (medium), đó là Tiếng Anh và một ngôn ngữ Ấn khác. Ở Delhi, medium được sử dụng là tiếng Anh và Hindi. Ở một số bang khác, ngôn ngữ kia có thể không phải là Hindi mà là Bangali hay Punjabi…vv. Ở Delhi, Trường công lập (trường nhà nước) dạy bằng medium là Hindi (học các môn bằng tiếng Hindi). Các trường Dân lập thường chọn tiếng Anh là medium để dạy (học các môn bằng tiếng Anh từ lúc vào trường). Như thế, những người học đến đại học hay cao học nếu học medium là Hindi, khả năng giao tiếp tiếng Anh cũng hạn chế thôi.   Những sinh viên ấy sẽ đọc sách bằng Hindi, viết bài thi bằng Hindi. Khi không tìm thấy nguồn tài liệu bằng Hindi, bất đắc dĩ họ cũng phải ráng đọc tiếng Anh rồi ghi ý lại bằng Hindi. Ngoài Delhi là thủ đô, người dân có điều kiện cho con em đến trường Dân lập nhiều hơn nên số người sử dụng tiếng Anh khá nhiều, chứ ở các bang khác, tiếng Anh không phổ biến lắm. Như vậy không có nghĩa là ‘dân Ấn hầu hết nói tiếng Anh’. Nếu nói "Dân Delhi" còn không chính xác nữa huống là nói toàn bộ người dân trên đất nước rộng lớn này thì không đúng được 1 %.

Lại một lần nữa thấy phương pháp ‘quy nạp’ thiếu cơ sở, ‘khái quát hoá’ thiếu khoa học của người viết. Cần khẳng định đây là điểm sai căn bản xuyên suốt bài viết, đơn cử trong những điểm vừa nêu trên. Chính nhìn nhận vấn đề từ một điểm nhỏ không bao quát, người viết nhân lên, khái quát hoá theo thiển ý của riêng mình làm biến dạng sự thật theo một chủ ý nào đó.

Vấn đề gì cũng có hai mặt. Ai nhìn thấy được như vậy và sống theo đó sẽ có an lạc cho mình và thấy cuộc đời ý nghĩa hơn. Tại sao ta cứ chăm nhìn vào bề trái rồi than van nó xù xì, không đẹp, không tốt?! Tại sao cứ nhìn nhận vấn đề cứng nhắc một chiều như thế? Tại sao bao nhiêu điều hay ở đất nước này lại không đề cập đến? Tất nhiên, trong một tình huống nào đó, chỉ nhìn mặt này hay mặt kia của vấn đề là điều cần thiết. Thế nhưng một khi đăng tải trên báo (Tuần báo Giác Ngộ số 250) hay trên mạng (chuyenphapluan.com) thì cần trình bày vấn đề mang tính khách quan và toàn diện hơn.

Tại sao trong suốt gần ba trang báo (mỗi trang 3 cột, mỗi cột 50 dòng), không có lấy một dòng nói về hệ thống thư viện đồ sộ với nhiều sách cập nhật, nhiều sách và tự điển quý hiếm của các trường đại học mà chư tăng ni mình tiếp cận được? tạo sao không có lấy một ý nào đề cập đến những gì mình học được nơi đây như phương pháp đọc sách, phương pháp nghiên cứu? Cái lợi thế ở đây là nguồn sách bằng tiếng Anh rất dồi dào, cập nhật trực tiếp từ nhiều nơi trên thế giới và rất nhiều tăng ni mình có thể bắc nhịp được. Sống nơi đất nước có khí hậu khắc nghiệt này, tăng ni mình đã nỗ lực thích nghi, như lời ĐĐ  Tâm Minh nói là ‘kham nhẫn’. Điều này cũng có tác dụng tốt trên con đường tu tập lâu dài. Đây không phải là những điều đáng chia sẻ sao?!

Tất nhiên là ‘một con sâu làm rầu nồi canh’ là điều chúng ta vẫn thường thấy. Thế nhưng, đối với người học Phật, hạn chế cách nhận định vấn đề theo cảm tính là điều cần thiết. Một số ít cá nhân không thể đại diện cho một tập thể. Chúng ta không nên nói chỉ để nói, viết chỉ để viết, coi đó là vấn đề cá nhân, trong khi nó có ảnh hưởng lớn đến số đông. ‘Giác Ngộ’ là cơ quan truyền tin của Phật giáo, nên cân nhắc khi đăng tin để không góp phần làm cho những người đang học Phật, nhất là cư sĩ, có suy nghĩ lệch lạc và thối tâm trên con đường tu tập.

Tinh thần trách nhiệm là điều người tu học theo Đạo Phật cần quan tâm và đó là lương tri nghề nghiệp của người làm công tác văn hoá, báo chí!

Kính,

Một tăng sinh đang học tại ĐH Delhi

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/ykien.htm

 


Vào mạng: 10-12-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang