- GIÊ-SU LÀ AI?
- Trần Chung Ngọc
Giê-su là ai?
(Who was Jesus?). Đây là tên của 2 cuốn sách nghiên cứu về nhân
vật Giê-su trong lịch sử Ki Tô Giáo, một của Colin Cross và một của
N. T. Wright, và cũng là đầu đề của bài viết này. Bài viết này
đáng lẽ tôi không nên viết nhưng lại không thể không viết. Không
thể không viết vì trong cuộc viếng thăm Ấn Độ năm ngoái, Giáo
Hoàng John Paul II đã kêu gọi tăng gia nỗ lực cải đạo những
người phi-Ca-Tô ở Á Châu. Dựa trên những sự kiện lịch sử:
rằng sự du nhập của Ki Tô Giáo vào Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu,
phần lớn Phi Châu và vài vùng Thái Bình Dương đã đưa tới sự
hủy diệt một cách có hệ thống toàn bộ những tôn giáo và nền
văn hóa đa thần tiền Ki-Tô, Mac Kher cho lời kêu gọi trên là một
lời tuyên chiến chống nền văn hóa Á Đông, các tôn giáo Á
Đông, và xã hội Á Đông nói chung, Ấn Độ nói riêng (Xin đọc
trong www.nycny.com). Không thể không viết vì tháng 9 vừa qua, Hồng Y
Ratzinger, với sự đồng ý của Giáo Hoàng, đã tung ra tài liệu
"Dominus Jesus" khẳng định "Giáo hội Ca-Tô Rô-Ma là
phương tiện duy nhất đem đến sự cứu rỗi cho toàn thể nhân
loại" hàm ý cả nhân loại đều cần đến cái mà Giáo hội
Ca-Tô gọi là "ơn cứu rỗi" của Giê-su. Không thể không
viết vì gần đây chúng ta thấy xuất hiện cái gọi là "thần
học theo cung cách Á Châu" với những luận điệu đánh đồng
khập khiễng Giê-su, một người Do Thái mới sinh ra cách đây khoảng
2000 năm, với quan niệm về Ông Trời của người dân Việt Nam đã
có ít ra là 5, 6 ngàn năm, hoặc hoang đường như Giê-su chính là
Phật Di-Lặc, cùng xuyên tạc lịch sử, văn hóa Á Đông v..v.. để
lừa dối những người nhẹ dạ cả tin. Không thể không viết vì có
một số người, có lẽ vì không nghiên cứu kỹ vấn đề, nên cho
rằng đạo nào cũng tốt như nhau, Phật Tánh và Thánh Linh cũng xêm
xêm (same same), lạy Phật hay lạy Chúa cũng chẳng có gì khác biệt,
cho nên lạy một thì tốt mà lạy cả hai thì lại càng tốt hơn, thờ
một thì tốt mà thờ cả hai thì tốt gấp đôi, như vậy chắc ăn,
không được Phật độ thì cũng được Chúa cứu rỗi v..v.., chẳng
cần để ý đến chuyện những người tin vào Phật thì đã mang lại
những phúc lợi gì cho nhân loại, và những người tin vào Chúa
thì đã gây bao nhiêu tác hại cho nhân loại như lịch sử đã chứng
minh? Phải chăng vì Giê-su là đối tượng thờ phụng của gần một
phần ba dân số trên thế giới nên chúng ta dù sao cũng phải nể
sợ một thế lực tôn giáo lớn, cho nên người ta ca theo luận
điệu Thần Học bẻ queo thì mình cũng phải ca theo điệu Diệu Pháp bẻ
quặt? Sự lương thiện trí thức không cho phép tôi hành xử như
vậy.
Giáo hội Ca-Tô Rô-Ma
đã phát động chiến dịch nhuộm đen Á Châu bằng mọi thủ
đoạn để thuyết phục người dân Á Châu tin vào "ơn cứu
rỗi" của Giê-su. Nhưng để cho người dân Á Châu có thể tin
vào sự cứu rỗi trên, ít ra họ cũng cần biết cứu rỗi cái gì,
tại sao cần phải cứu rỗi, và nhất là, Giê-su là ai? Trong bài
này, tôi sẽ không bàn đến những chủ đề như cứu rỗi cái gì,
tại sao cần phải cứu rỗi và ai cần đến sự cứu rỗi, những
chủ đề đã trở thành vô nghĩa, không còn lý do để thảo luận
trước những khám phá của khoa học về sự sinh ra của vũ trụ
cũng như về nguồn gốc con người nằm trong định luật tiến hóa v..v..
mà chính giáo hội Ca-Tô đã công nhận. Tôi chỉ bàn về điều quan
trọng nhất: Giê-su là ai?
Vậy thì, Giê-su là ai? Câu trả lời
thật là dễ dàng đối với những tín đồ Ki Tô Giáo nói chung,
Ca-Tô Giáo Rô-ma nói riêng: "Chúa tôi." Nhưng nếu chúng ta
hỏi tiếp: "Chúa tôi là ai?" thì có lẽ tín đồ Ki Tô Giáo
sẽ không trả lời và nhìn chúng ta với một cặp mắt đầy vẻ
thương hại, cho rằng chúng ta đích thật là những kẻ mọi rợ, chưa
biết đến "tin mừng phúc âm." Chỉ có điều, đối với
thiểu số trên thế giới thì phúc âm quả mang đến một tin mừng:
"cứ tin ở Chúa thì sau khi chết phần hồn sẽ được lên thiên
đường ở cùng Chúa, và đến ngày phán xét cuối cùng, thì Chúa
sẽ làm cho xác chết của mình sống lại đoàn tụ với linh hồn".
Nhưng đối với đa số trên thế giới có chút ít đầu óc thì
chuyện "linh hồn lên thiên đường và xác chết ngày sau sống
lại" thuộc loại chuyện "Chú Cuội ngồi trên cung Hằng".
Trở lại câu hỏi "Giê-su là
ai?" thì cho đến thế kỷ 19, hầu như toàn thể Á Châu chẳng có
mấy người biết Giê-su là ai. Còn ở Âu Châu thì không một ai
dám đặt ra câu hỏi này và không một ai dám phê phán bình luận
cuốn Thánh Kinh vì sợ bị tù đầy, tra tấn và mang đi thiêu sống.
Chúng ta nên nhớ, những tòa hình án xử Dị Giáo chỉ được dẹp
bỏ vào khoảng giữa thế kỷ 19, và "Thánh bộ" (Holy Office)
cầm đầu các tòa án xử dị giáo đã được biến thể, đổi tên
thành Thánh Bộ Truyền Bá Giáo Lý Về Đức Tin, ngày nay do hồng y
Ratzinger đứng đầu.
Tuy nhiên, sự tiến bộ trí thức là
một định luật của nhân loại, nên ngay từ 1760, Hermann Samuel Teimarus,
giáo sư ngôn ngữ Á Đông tại đại học Hamburg bên Đức, đã
viết một cuốn sách đưa ra nghi vấn về sự thực lịch sử viết trong
các phúc âm. Vì sợ bị giáo hội trả thù, ông ta đã xếp đặt
để cho tác phẩm của ông được xuất bản sau khi ông ta chết. Rồi
cho đến năm 1835, Giáo sư Thần học David Friedrich Strauss cho ra đời
cuốn Xét Kỹ Cuộc Đời Của Giê-su (Life of Jesus Critically Examined)
trong đó tác giả dùng những phương pháp phân tích để đi tới
kết luận: "các phúc âm không phải do các tông đồ của
Giê-su viết mà là do những tín đồ Ki Tô về sau, những người đan
lẫn những truyền thuyết, những điều tưởng tượng và sự kiện
vào với nhau." Sau đó Strauss bị cấm dạy môn Thần học cho
đến khi chết.
Bước sang thế kỷ 20, sự khám phá
ra những cuộn kinh nơi Biển Chết song song với kỹ thuật định tuổi
vật chất cùng nhiều khám phá khác trong ngành khảo cổ đã giúp cho
những nhà nghiên cứu rất nhiều trong công cuộc đi tìm những sự
thực trong Thánh Kinh. Rồi đến thập niên 1960, những khoa dạy môn
Thần học trong các trường đại học Ki Tô bắt đầu xuống dốc vì
càng ngày càng ít người học, nhiều học giả đã bỏ các trường
đại học Ki Tô để sang dạy tại các trường đại học công, nơi
đây họ có nhiều tự do hơn trong việc khảo cứu.
Tất cả những sự kiện trên đã
làm cho công cuộc nghiên cứu phúc âm và về nhân vật Giê-su nở
rộ. Điển hình là Hội Nghiên Cứu Giê-su (The Jesus Seminar) gồm từ 50
đến 300 học giả ở trong cũng như ở ngoài các giáo hội Ki Tô,
đã phối hợp các kỹ thuật nghiên cứu tân tiến nhất như khảo
cổ, cổ sinh vật học, phương pháp định tuổi vật chất, ngữ học,
cổ ngữ học v..v.. để phân tích từng câu, từng lời, từng sự
kiện viết trong phúc âm. Một khuôn mặt đặc biệt trong ngành nghiên
cứu Tân Ước lại chính là một linh mục Ca-Tô: John Meier, giáo sư
Thần học. Trong tác phẩm A Marginal Jew: Rethinking The Historical Jesus,
tập 1, xuất bản tại New York năm 1991, với sự duyệt và phê chuẩn
(imprimatur) của Vatican, tuy còn dè dặt trong những điểm tế nhị khác
thuộc về đức tin Ca-Tô, linh mục Meier đã thẳng thắn luận về
những bằng chứng chứng tỏ Giê-su là đứa con hoang, đã lấy vợ
v..v.. Hơn thế nữa, Meier đồng ý với các đồng nghiệp trong ngành,
bác bỏ những chuyện có tính cách siêu nhiên trong Tân Ước như
là sự thực lịch sử Giê-su đi trên sóng, biến đổi nước
thành rượu, và các phép lạ khác v..v.. Lẽ dĩ nhiên, tuyệt đại
đa số tín đồ Ki Tô không hề biết đến những kết quả nghiên
cứu sâu rộng này.
Vậy kết quả những công cuộc
nghiên cứu về nhân vật Giê-su ra sao? Cho đến nay, các chuyên gia về
tôn giáo ở trong cũng như ngoài Ki Tô giáo vẫn không đi đến bất
cứ một điểm đồng thuận nào để có thể trả lời dứt khoát,
khẳng định "Chúa tôi" là ai? Tại sao vậy? Chúng ta có thể
đọc trong cuốn Sự Thật Về Phúc Âm của Russell Shorto, một học
giả đã nghiên cứu và duyệt qua những công cuộc nghiên cứu về
nhân vật Giê-su trong hai thế kỷ 19 và 20, những đoạn như sau:
Bữa ăn chiều cuối
cùng, Sinh ra từ một trinh nữ, chết rồi sống lại: những đức tin
chính của Ki Tô Giáo đang bị thử thách từng niềm tin một. Các học
giả chuyên nghiên cứu Thánh Kinh một thời đã là những
người gìn giữ nền Thần học Ki Tô ngày nay đang dùng khoa
khảo cổ, cổ sinh vật học, ngữ học, khoa học điện toán, và ngay
cả khoa vật lý các hạt nhỏ, để tìm hiểu vấn đề "Giê-su là
ai?" Kết quả là một sự duyệt lại tận gốc rễ Phúc âm và
chuyện trong Phúc âm nay đã trở nên thật là rõ ràng nhưng lại
làm cho một số người choáng váng bàng hoàng.
Điều quan trọng nhất là, tác động
của quan điểm khoa học ngày nay đã khiến cho các học giả, ngay cả
những người được giáo hội Ca-Tô bảo thủ cho phép nghiên cứu
(như LM John Meier), cũng phải đồng ý là phần lớn những điều
chúng ta biết về Giê-su chỉ là huyền thoại. 1
...Công cuộc nghiên cứu
của Hội Nghiên Cứu Giê-su, và của tất cả những nhà nghiên
cứu Thánh Kinh ngày nay, biểu thị cho một sự chuyển hướng của các
học giả chuyên gia nghiên cứu Thánh Kinh về sự lương thiện văn
hóa, lánh xa sự độc đoán của giáo hội. Theo Funk (chủ tịch Hội
Nghiên Cứu Giê-su. TCN), các học giả đã biết rõ sự thật từ
nhiều thập niên nay rằng Giê-su chẳng gì khác hơn là một
người sống với một ảo tưởng (ảo tưởng tin rằng mình chính
là con của Thần Do Thái và là đấng cứu tinh của dân Do Thái. TCN)
họ đã dạy điều này cho nhiều thế hệ các linh mục và mục
sư. Nhưng những vị này vẫn giữ kín không cho đám con chiên biết vì
sợ gây ra những phản ứng dữ dội trong đám con chiên. Do đó,
những người còn sống trong bóng tối là những tín đồ Ki Tô bình
thường. 2
Có ba chi tiết quan trọng trong đoạn
tóm tắt kết quả nghiên cứu về nhân vật Giê-su của Shorto ở
trên: 1) Phần lớn những điều mà ngày nay chúng ta biết về Giê-su
chỉ là huyền thoại; 2) Giáo hội và các bậc lãnh đạo trong giáo
hội đã biết rõ sự thực trên; 3) Chỉ có đám con chiên, và có
thể những bậc lãnh đạo Ki Tô trong các nước kém phát triển,
vẫn còn tin rằng những gì giáo hội dạy về Giê-su đều là sự
thực, là vẫn tiếp tục sống trong bóng tối.
Phải chăng Shorto đã đưa ra những
nhận định vô căn cứ? Tuyệt đối không phải. Chúng ta hãy xét
đến vài kết quả nghiên cứu điển hình về nhân vật Giê-su của
một số giám mục, linh mục, học giả chuyên về tôn giáo:
1. Trong cuốn Giê-su Là Ai ?, học
giả Ki Tô Colin Cross viết như sau trong phần dẫn nhập:
Nhìn từ xa và xét về
toàn thể, Giê-su ở Nazareth có vẻ như là một nhân vật lịch sử
hiển nhiên. Nhưng khảo xát kỹ về bất cứ chi tiết nào cũng làm
cho hình ảnh này mờ nhòa. Lý do về sự bất minh này thật là hết
sức đơn giản. Đó là chúng ta không có bất cứ một tài liệu
nào, thuộc bất cứ lãnh vực nào, về phần lớn cuộc đời của
ông. Ông ta không viết một cuốn sách nào. Ngay cả hình dáng của
ông ra sao cũng không ai biết. Không có ngay cả một bằng chứng nào
tự nó có giá trị để chứng tỏ là ông đã hiện hữu. Những
tài liệu hiện hữu, những phúc âm, chỉ viết về một phần nhỏ nhoi
của đời ông và được viết theo quan điểm sùng bái cá nhân và
nghi thức tôn giáo chứ không phải theo quan điểm sử học thông
thường. Trong những chuyện kể trong phúc âm có những điều bất
phù hợp nghiêm trọng cũng như những điều rõ ràng là không thể
xảy ra. 3
2. Linh Mục Ernie Bringas cũng viết như
sau, trong cuốn Thi Hành Đúng Như Trong Sách: Những Thảm Họa Trong
Quá Khứ Và Hiện Tại
Do Quyền Lực Thánh Kinh Gây Nên:
Điểm
đồng thuận ngày nay là nhân vật lịch sử Giê-su - những lời Giê
su nói và những hành động Giê-su làm, và những biến cố xảy ra
trong cuộc đời của ông - không thể xác định được chính xác.
Trong khi chúng ta biết tác giả của một phúc âm nhìn nhân vật Giêsu
như thế nào như họ đã viết lại (và viết lại như thế nào),
thường là chúng ta không thể đi quá những điều viết trong phúc
âm để biết về chính con người thực của Giê-su. Chúng ta không
thể đoan quyết là những lời nào viết trong phúc âm về cuộc
đời của Giê-su là đúng như sự thực. 4
3. Nữ Giáo sư Thần học Uta
Ranke-Heinemann viết trong phần dẫn nhập của cuốn Hãy Dẹp Đi Những
Chuyện Trẻ Con như sau:
Chúng ta vấp phải sự
thực sau đây về nhân vật Giê-su. Chúng ta không biết khi nào ông
ta sinh ra và ở đâu cũng như khi nào ông ta chết. Ông ta là một
người không có một tiểu sử. Chúng ta không biết những hoạt
động của ông như là một thầy giảng trước quần chúng thật sự
đúng là ở đâu và kéo dài bao lâu. Nói cho thật đúng, chúng ta
chẳng biết gì nhiều hơn là ông ta đã sinh ra đời, có người theo
ông ta làm môn đồ, và ông ta bị hành quyết trên giá hình chữ
thập loại hình phạt của La Mã và như vậy có một kết
cục xấu số...
Ông Giê-su này không
chỉ nằm sâu dưới đất ở Jerusalem mà còn ở dưới một núi
những nghệ thuật tồi tệ, chuyện hoang đường, và cách diễn giải
của giáo hội. 5
4. Học giả Andrew Harvey viết trong cuốn
Con Của Người:
Không còn
nghi ngờ gì nữa, sự phân tích lịch sử đã chứng tỏ là các
phúc âm không phải là những điều do Thượng đế linh cảm hoặc
là những điều trung thực do nhân chứng kể lại về cuộc đời
của Giê-su, mà là những câu chuyện đã được gọt dũa cẩn
thận, được xếp đặt để cho phù hợp với, hoặc cổ xúy những
sở thích tôn giáo, nhân cách, nhóm người khác nhau trong những
năm đầu đầy xúc động của Ki Tô Giáo. Những phúc âm không
phải là những tài liệu viết ra theo sự linh cảm trực tiếp của
Thần thánh, hoặc những ghi chứng lịch sử rõ ràng; chúng không
phải là những điều mạc khải trực tiếp của Thần Ki Tô hoặc là
những chuyện do những nhân chứng, những người biết rõ Giê-su,
muốn kể lại rõ ràng những kinh nghiệm của họ đối với Giê-su.
Được viết vào cuối thế kỷ đầu, chúng biểu thị và cô đọng
những truyền thống trong những cộng đồng Ki Tô đầu tiên và từ
từ biến đổi trong khoảng 300 năm để thành những phúc âm ngày nay
chúng ta có. 6
5. Giám mục John Shelby Spong viết trong
cuốn Sinh Ra Từ Một Người Đàn Bà:
Giê-su được diễn giảng bởi
những tín đồ Ki Tô lúc đầu theo những quan niệm về Thần Ki Tô
mà họ tin tuyệt đối, dựa theo hình ảnh của một ông vua trên
trời. Điểm chủ yếu là hình ảnh Giê-su ngồi bên phải của cái
ngai Chúa Cha ngồi trên trời. Hình ảnh này phản ánh niềm tin huyền
thoại phổ thông thời đó về một vũ trụ được coi như là một
vương quốc.
Nhưng Giê-su đã được
"sinh ra từ một người đàn bà". Sự sinh ra đời của
Giê-su cũng gây nhiều tai tiếng như cách ông ta chết. Ông ta (Giê-su)
không là ai cả, một đứa trẻ ở Nazareth, chẳng có gì tốt đẹp
có thể rút tỉa ra từ sự sinh ra đời này. Chẳng có ai biết cha
ông ta là ai. Rất có thể ông ta là một đứa con hoang. Rải
rác trong miền đất truyền thống Ki Tô lúc đầu (4 Phúc Âm), có
những chi tiết chứng tỏ như vậy, giống như những thỏi chất
nổ chưa kiếm ra và chưa nổ . 7
Rồi giám mục Spong đã vạch ra
những luận cứ, nhiều khi rất mâu thuẫn, của giáo hội đưa ra để
thay đổi những sự kiện trên như sau:
Một lần nữa, nghệ
thuật diễn giảng lại được mang ra áp dụng. Ông ta không phải
là đứa con hoang, Thượng đếâ là cha ông ta; Thánh Linh đã sinh ra
ông ta. Ông ta khôngsinh ra ở Nazareth, mà sinh ra ở Bethlehem, thị trấn
của David. Sự sinh ra ở Bethlehem đã được tiên đoán bởi nhà
tiên tri Micah. Ông ta không phải không là ai cả, mà là thuộc dòng
dõi vua David. 8
- Trong cuốn Giê-su Chính Gốc, hai tác giả
Elmar R. Gruber và Holger Kersten viết:
Hầu như không có đề
tài nào khác gây sôi nổi trong thế giới Tây phương như là nhân
vật "Giê-su ở Nazareth"; hầu như không có đề tài nào khác
đã đưa đến sự hiện hữu của nhiều cuốn sách như vậy, hoặc
đến những sự tranh luận sôi nổi và nồng nhiệt như vậy. Tuy vậy,
nhân cách của con người Giê-su lịch sử được bao phủ bởi một
bức màn đen tối dày đặc. Trong 15 thế kỷ, chúng ta chỉ có những
chuyện kể về Giê-su theo luận điệu thần học chính thức của giáo
hội, viết ra với mục đích củng cố đức tin Ki-Tô cùng lôi cuốn
người ngoại đạo vào Ki Tô giáo....
Trong thế kỷ 19, lần đầu tiên Tân
Ước được đưa ra làm chủ đề nghiên cứu trí thức. Đây là
sự bắt đầu của công cuộc khảo cứu có hệ thống về cuộc đời
của Giê-su.
Năm 1835 David Friedrich Strauss đã xuất
bản một cuốn sách nhan đề Cuộc Đời Của Giê-su, gây nhiều ảnh
hưởng. Trang bị với những quan điểm phân tích thuần lý và với
tinh thần không thỏa hiệp, Strauss đã thẳng thắn bác bỏ tích cách
chính xác lịch sử của các phúc âm. Đối với ông, những điều
viết trong phúc âm chỉ là những truyền thuyết và những chuyện
sùng tín về hình ảnh con người Giê-su, lấy ý từ Cựu Ước. Sự
chống đối tính cách xác thực của phúc âm như trên còn đi xa hơn
vào khoảng giữa thế kỷ 19. Bruno Bauer loại hẳn hình ảnh của Giê-su
trong công việc nghiên cứu lịch sử, tuyên bố rằng nhân vật chính
trong Tân Ước là một phát minh huyền thoại. Giê-su và Paul (Phao Lồ)
chỉ là những giả tượng văn chương; và Ki Tô Giáo được coi là
tạo ra bởi một nhóm cuồng tín pha chế đức tin xung quanh hai nhân
vật phát minh từ những truyền thống tôn giáo Hi Lạp, Do Thái và La
Mã.
Ngày nay chúng ta có
đến hơn 80000 tác phẩm chuyên khảo về Giê-su, nhưng tác dụng của
chúng để soi sáng nhân vật Giê-su lịch sử thật quả là vô cùng
khiêm nhường. Ai là Giê-su? Ông ta sinh ra bao giờ? Hình dáng ông ta
ra sao? Khi nào ông ta bị đóng đinh trên thập giá? Bao giờ, ở đâu
và ông ta chết như thế nào? Tìm kiếm giải đáp cho những câu hỏi
trên đã trở thành một vấn đề không giải quyết nổi. Trong những
cuốn sách viết trong hai thế kỷ đầu hầu như không có cuốn nào
nhắc đến Giê-su như là một con người thực sự hiện hữu. Những
nguồn tài liệu về sau toàn là những tác phẩm thần học, dựa
trên niềm tin không thắc mắc: Giê-su là con đấng Cứu Tinh (của
dân Do Thái. TCN) và là con của Thần Gia-vê (thần của dân Do
Thái. TCN). Do đó, hầu như không có những tác phẩm thực sự
vô tư về Giê-su, và cho tới ngày nay, công cuộc nghiên cứu trí
thức cũng không ở vị thế có thể khẳng định là Giê-su sinh ra
năm nào. Hầu như không có tài liệu nào nói về cuộc đời niên
thiếu của Giê-su, một giai đoạn quan trọng làm nền tảng tạo ra
những cá tính của con người. Ngay cả những chuyện kể về khoảng
thời gian ngắn ngủi ông ta tiếp xúc với quần chúng cũng không
nói gì nhiều về tiểu sử của ông ta. Có vẻ như là ông ta không
được các sử gia đương thời biết tới, hay ít nhất là không
đáng để nhắc tới. Vậy làm sao mà các sử gia này không hề
biết tới những phép lạ hoặc những hiện tượng kỳ lạ như
được kể trong phúc âm? 9
7. Michael Martin trong cuốn Bản Án
Chống Ki Tô Giáo viết:
Những phương pháp phân tích hiện
đại về học thuật khảo cứu Thánh Kinh đã đặt vấn đề về tính
cách xác thực của Thánh Kinh, nhất là Tân ước. Trong ánh sáng
của sự phân tích Tân Ước này, nhiều nhà thần học đã cho rằng
người ta chẳng biết được bao nhiêu về Giê-su. Thí dụ, W. Trilling
cho rằng "không có một ngày tháng nào trong đời sống của
Giê-su" có thể được khẳng định và J. Kahl đoan quyết rằng
điều duy nhất ta biết về Giê-su là ông ta "đã hiện hữu trong
một thời điểm mà chúng ta chỉ có thể biết một cách đại
khái". Nhiều học giả khác cho rằng việc tìm kiếm một Giê-su
lịch sử là điều vô vọng..
Sự phân tích về con
người Giê-su lịch sử được tôn trọng nhất ngày nay là của G. A.
Wells. Wells nhấn mạnh rằng những nghi vấn về giá trị lịch sử của
Giê-su của ông phần lớn dựa trên những quan điểm của các nhà
thần học Ki Tô và các học giả chuyên về Thánh Kinh. Những vị này
đồng thuận chấp nhận rằng các phúc âm được viết trong khoảng
từ 40 đến 80 năm sau khi Giê-su mãn kiếp và bởi những tác giả
vô danh không đích thân biết đến Giê-su. Theo Wells thì những vị
trên cũng thừa nhận rằng trong những chuyện kể về Giê-su, phần
lớn là truyền thuyết và những chuyện trong phúc âm được viết
theo động cơ thần học của những tác giả. Ngoài ra, những bằng
chứng trong phúc âm thuần túy là của Ki Tô Giáo. 10
Trên đây chỉ là những nhận định
tổng quát về tiểu sử không rõ ràng của Giêsu. Sở dĩ những
học giả nghiên cứu về nhân vật Giê-su và đưa ra những nhận
định như trên là vì họ đã dùng những phương pháp khảo cứu
phân tích khoa học trên mọi khía cạnh liên quan đến con người
Giê-su, thí dụ như đối chiếu cổ sử, phân tích cổ ngữ, phân tích
từng câu từng lời trong Thánh Kinh v..v.. Đi vào chi tiết và dựa
trên Thánh Kinh, chúng ta còn thấy rõ ràng là không có một căn
bản nào có tính cách thuyết phục để cho những người có đầu
óc có thể biết được Giê-su là ai để mà tin, vì trong Thánh Kinh
có quá nhiều điều mâu thuẫn về con người lịch sử Giê su. Những
chi tiết về một phần nhỏ, khoảng 1/10 cuộc đời của Giê-su được
mô tả trong bốn Phúc Âm Matthew (Mã Thi Ơ), Mark (Mác-cô), Luke (Lưu Ca)
, và John (Gioan), và những thư viết cho tông đồ của Paul (Phao Lồ).
Nhưng chính những chi tiết này: khi sinh ra đời, gia phả, thời gian
gần 3 năm đi giảng đạo, khi chết, đều hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Cho
nên, chúng ta không thể dựa vào đâu để tin chi tiết nào thật, chi
tiết nào giả. Sau đây, tôi xin trích dẫn vài đoạn trong Thánh Kinh
liên quan đến sự sinh ra và gia hệ của Giê-su để cho quý độc giả
thấy rõ vấn đề.
Trước hết, chúng ta cần ghi nhận
rằng, ngày nay những người nghiên cứu Tân Ước, ở trong cũng
như ở ngoài giáo hội, đều đồng thuận ở những điểm sau đây:
1. Những thư của Paul được viết
vào khoảng 20 năm sau khi Giê-su chết và không hề viết gì về cuộc
đời của Giê-su: nơi sinh, nơi giảng đạo, nơi bị hành hình v..v.. và
còn viết rằng Giê-su là con của Joseph và Maria, một người đàn bà
(born of a woman).
2. Trong 4 phúc âm thì phúc âm Mark
được viết sớm nhất, vào khoảng 40 năm sau khi Giê-su chết, và Mark
cũng không viết gì về sự sinh ra của Giê-su cũng như về gia hệ
của Giê-su.
3. Hai phúc âm Matthew và Luke được
viết vào khoảng cuối thế kỷ đầu, nghĩa là khoảng 70 năm sau khi
Giê-su chết. 90 phần trăm nội dung là lấy của Mark và thêm vào đó
chuyện Giê-su được sinh ra từ Maria đồng trinh và viết về gia hệ
của Giê-su. Thêm vào với mục đích gì, ngày nay các học giả
nghiên cứu Thánh Kinh đã rõ.
4. Phúc âm John được viết vào
đầu thế kỷ thứ hai, có thể gần 100 năm sau khi Giê-su chết, và
cũng không viết gì về sự sinh ra của Giê-su.
5. Cả 5 tác giả trên đều không
phải là tông đồ của Giê-su, không trực tiếp biết Giê-su là ai,
cho nên chỉ viết lại những chuyện đồn đại theo ý kiến và chủ
đích riêng của mình.
Như trên đã nói, trong Tân Ước
chỉ có hai Phúc Âm Matthew và Luke là nói về sự sinh ra của Giê-su.
Phúc Âm Matthew (Mã-Thi-Ơ) kể như sau, Matthew 1: 18-24:
Sự sinh ra của Giê-su
Ki Tô như sau: Sau khi mẹ Giê-su là Mary đính hôn với Joseph, trước
khi họ giao hợp cùng nhau, người ta thấy bà có mang với Thánh Linh.
Chồng nàng, Joseph, là người tốt
bụng, và không muốn nàng bị nhục trước công chúng, định kín đáo
từ hôn.
Nhưng khi ông còn đang suy nghĩ về
quyết định này, bỗng nhiên, một thiên sứ hiện ra trong một giấc
mộng, nói rằng, "Joseph, con dòng David, đừng có sợ, cứ lấy
Mary làm vợ, vì cái thai nàng mang trong bụng là của Thánh Linh. Rồi
nàng sẽ sinh ra một đứa con trai, ngươi hãy đặt tên cho nó là
Giê-su, vì nó sẽ cứu dân của nó khỏi tội lỗi.
Việc xảy ra đúng như lời Thần Ki
Tô tiên đoán qua nhà tiên tri:
"Này, một trinh nữ sẽ mang thai,
sinh hạ một con trai, và họ sẽ đặt tên cho hắn là Immanuel", có
nghĩa là "Thần ở cùng ta".
Joseph tỉnh giậy, theo lệnh của thiên
sứ, cưới Mary làm vợ, nhưng không giao hợp cùng vợ cho đến khi
Mary sinh đứa con đầu lòng, đặt tên là Giê su.
Còn phúc âm Luke 1: 26- 33 thì thuật
lại chuyện sinh ra của Giê-su như sau:
Qua tháng sáu, Thần Ki
Tô sai thiên sứ Gabriel vào thành Nazareth, xứ Galilee, đến một trinh
nữ đã hứa hôn với một người tên là Joseph, thuộc dòng dõi
vua David. Tên người trinh nữ là Mary.
Thiên sứ nói: "Hãy hoan hỉ lên,
hỡi người được đặc ân, Chúa ở cùng nàng, phúc cho người
đàn bà như nàng."
Nhưng khi Mary thấy thiên sứ, không
hiểu thiên sứ nói gì, và những lời chúc tụng kia có nghĩa gì.
Rồi thiên sứ nói với nàng,
"Đừng sợ, Mary, vì Thần đã ban đặc ân cho nàng. Và này, cô
sẽ mang thai, và sinh ra một con trai và đặt tên nó là Giê-su. Đứa
trẻ đó sẽ thành vĩ nhân, và sẽ được gọi là con của đấng
tối cao; và Thần sẽ cho hắn ngôi vị của David. Hắn sẽ cai trị dân Do
Thái (hậu duệ của Jacob) mãi mãi, và nước hắn cai trị sẽ bất
diệt.
Đọc kỹ Thánh Kinh chúng ta thấy
rằng chuyện thiên sứ "báo mộng" cho Joseph xảy ra khi Maria đã
có mang được 6 tháng, và Maria không hề nói cho Joseph biết cái thai
trong bụng mình từ đâu mà ra. Tại sao Maria phải dấu chồng khi mà
bà được ân sủng đặc biệt của Thánh Linh khiến bà mang thai?
Nhưng ở đây, tôi sẽ không đi vào
công việc phân tích những đoạn trên trong Thánh Kinh. Sự phân tích
này, tôi đã trình bày tạm gọi là đầy đủ trong Chương 2 của
cuốn Đức Tin Công Giáo, Giao Điểm xuất bản cuối năm 2000.
Tôi trích dẫn những đoạn trên trong phúc âm Matthew và Luke chỉ để
chứng minh một sự mâu thuẫn cùng cực trong hai phúc âm trên, khi
Matthew và Luke kể về giòng dõi, gia hệ của Giê-su, cho rằng Giê-su
thuộc giòng dõi vua David, những chi tiết hoàn toàn bất phù hợp
với chuyện Maria mang thai của Thánh Linh ở trên.
Thật vậy, theo Matthew 1:1-17 thì các
thế hệ tiếp nối giòng họ Giê-su từ vua David như sau:
David, Solomon, Rehoboam,
Abijah, Asa, Jehoshaphat, Jehoram, Uziah, Jotham, Ahaz, Hezekiah, Manasseh, Amon, Josiah,
Jeconiah, Shealtiel, Zerubbabel, Abiud, Eliakim, Azor, Zadok, Akim, Eliud,
Eleazar, Matthan, Jacob, Joseph, Jesus.(tất
cả là 27 thế hệ.)
Nhưng theo Luke 3:23-28 thì các thế hệ
tiếp nối từ vua David tới Giê-su như sau:
David, Nathan, Matthata,
Menna, Melea, Eliakim, Jonam, Joseph, Judah, Simeon, Levi, Matthat, Jorim, Eliezer,
Joshua,, Er, Elmadam, Cosam, Addi, Melki, Neri, Shealtiel, Zerubbabel,
Rhesa, Joanan, Joda, Josech, Semein, Matthathias. Maath, Naggai, Esli, Nahum, Amos,
Matthathias, Joses, Jannai, Melki, Leci, Matthat, Eli, Joseph, Jesus. (tất cả là 42 thế hệ.)
Chúng ta nên để ý rằng, trong 2 danh
sách trên kể về giòng dõi của Giê-su, chỉ có ba tên giống nhau
(chữ đậm), còn thì hoàn toàn khác biệt, và Matthew kê ra 27 thế
hệ trong khi Luke kê ra 42 thế hệ. Nếu những tên thế hệ giống nhau
thì chúng ta có thể cho rằng Matthew bỏ sót, liệt kê cách quãng
những thế hệ tiếp nối từ David đến Giê-su. Nhưng rõ ràng là
không phải vậy.
Vậy khi chúng ta nói đến Giê-su thì
đó là Giê-su nào của Matthew, hay Giê-su nào của Luke? vì cả Matthew
lẫn Luke đều viết Giê-su vừa là con của Thánh Linh vừa thuộc dòng
dõi vua David, hai điều hoàn toàn mâu thuẫn có tính cách loại trừ
hỗ tương, có cái này thì không thể có cái kia?
Thomas Paine đã phân tích sự bất
phù hợp trên trong cuốn Thời Đại Lý Trí, một cuốn sách
đã giữ một địa vị cao trong nền văn học Tây phương từ thế kỷ
19 đến nay, về nhân vật Giê- su:
Lịch sử Giêsu KiTô
được viết trong 4 cuốn mà người ta cho là Matthew, Mark, Luke, và John
viết. Chương đầu trong Matthew bắt đầu bằng gia hệ của Giêsu KiTô,
và trong chương 3 của Luke cũng có gia hệ của Giêsu KiTô. Nếu 2 gia
hệ này phù hợp nhau, chúng cũng không chứng minh được là đúng
vì đó có thể là một gia hệ đã được đặt ra; nhưng vì chúng
mâu thuẫn nhau về từng chi tiết một, điều này chứng tỏ một cách
tuyệt đối là chúng đều là giả.
Nếu Matthew đúng thì Luke
phải sai; nếu Luke đúng thì Matthew phải sai; và vì không thể dựa
vào đâu để tin ai đúng hơn ai, cho nên không dựa vào đâu để
mà tin ai; và nếu chúng ta không thể tin được điều đầu tiên mà
họ đưa ra, làm sao chúng ta có thể tin được những điều họ nói
về sau? Nếu chúng ta không thể tin họ về gia hệ của Giêsu mà họ
đưa ra, làm sao chúng ta có thể tin được khi họ nói với chúng ta
những điều kỳ lạ như Giê su là con của Thần sinh ra bởi một hồn
ma, và một thiên thần đã bí mật loan báo sự này cho mẹ của
Giêsu? 11
Lý lịch không rõ ràng của Giê-su,
do đó, là một lợi điểm để cho Giáo hội khai thác và mê hoặc
tín đồ, vì Giáo hội muốn giải thích thế nào cũng được, đặt ra
chuyện nào cũng xong, và với phương pháp nhồi sọ tín đồ ngay từ
khi còn nhỏ, uốn nắn đầu óc để cho tín đồ tuân phục hệ thống
quyền lực trong Giáo hội, tín đồ trở thành những người bị
điều kiện hóa, không còn khả năng suy luận, chỉ còn biết tin theo
một cách mù quáng mọi điều diễn giảng của Giáo hội, bất kể
những điều này vô lý đến đâu, mâu thuẫn đến đâu, không hề
thắc mắc. Họ đáng thương hơn là đáng trách. Và sự kiện thê
thảm này không chỉ có trong đám tín đồ đầu óc
thấp kém mà còn có thể thấy rõ trong một số được coi là trí
thức Ca-Tô nếu chúng ta đọc về đức tin Ca-Tô mà họ trình bày
trong những bài viết hay tác phẩm của họ. Sau đây là một thí dụ
điển hình:
Trong cuốn Chứng Nhân Hy Vọng: Các
Bài Giảng Tĩnh Tâm Cho Đức Thánh Cha Và Giáo Triều Roma của TGM
Nguyễn Văn Thuận, Công Đoàn Đức Mẹ xuất bản năm 2000, tác giả
mở đầu cuốn sách bằng Bài Suy Niệm Dẫn Nhập: Gia Phả Đức
Giêsu Kitô Đứng Trước Mầu Nhiệm Thiên Chúa, trang 25-34. Tác
giả Nguyễn Văn Thuận chỉ nhắc đến gia phả Giê-su trong Matthew mà
thôi và đặc biệt là, để biện minh cho những sự kiện được
viết trong Thánh Kinh là trong gia phả của Giê-su có nhiều người vô
đạo đức, tác giả đã đưa ra một luận điệu thần học có tính
cách ngụy biện để biện minh cho những sự kiện không mấy tốt
đẹp này. Tác giả viết, trang 28:
"...sự chọn lựa của
Thiên Chúa có tính cách nhưng không và đầy tình thương(???), không
thể hiểu được theo những lý luận của lý trí."
hàm ý dùng lý trí và lý luận thì
không thể hiểu được Thánh Kinh, chỉ có đức tin Ca-Tô, nghĩa là
tin vào những điều giáo hội dạy thì mới hiểu được Thánh kinh
muốn viết gì và do đó hiểu được Thiên Chúa. Nhưng sự chọn
lựa của Thiên Chúa là như thế nào? TGM Nguyễn Văn Thuận giải
thích: Abraham bỏ trưởng lập thứ, rồi đến Isaac, con của Abraham,
cũng bỏ trưởng lập thứ, rồi đến Jacob, cháu của Abraham, cũng
phế bỏ ba đứa con đầu, lập đứa con thứ tư là Judah, và tất cả
sự chọn lựa trên là do "ý định mầu nhiệm của Thiên
Chúa". Ông giải thích thêm: "Chúng ta không được lựa
chọn vì công trạng của mình, nhưng chỉ vì lòng từ bi của Chúa."
Ngoài các tín đồ bảo sao nghe vậy, có ai nghe lọt tai những lời
giải thích đầy tính cách huyền hoặc và phi lý như trên? Thứ nhất,
chuyện bỏ trưởng lập thứ là chuyện thường tình thế gian, chúng
ta thấy đầy dẫy trong lịch sử Tàu, Ta. Vậy tất cả đều là ý
định mầu nhiệm của Thiên Chúa cả hay sao? Thứ nhì, Thiên Chúa chọn
lựa vì lòng từ bi thật hay sao? Từ là cho vui và bi là cứu khổ.
Thiên Chúa bỏ người này, chọn người kia, bản chất đã là một
hành động thiên vị, vì nếu bảo rằng đó là thể hiện lòng từ bi
đối với người được chọn thì đối với người bị loại bỏ
một cách bất công thì thể hiện lòng gì? Mặt khác, Thiên Chúa
lựa chọn tùy hứng, không dựa trên căn bản đạo đức hay công
trạng, vậy thì chúng ta cứ việc làm ác rồi ngồi há miệng chờ
sung từ bi của Thiên Chúa thì có được hay không? Sau cùng, Thiên
Chúa đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Thiên Chúa (thuyết
sáng tạo này ngày nay đã không còn chỗ đứng trong thế giới của
khoa học) thì mọi người đều phải bình đẳng trước Thiên Chúa,
tại sao Thiên Chúa lại phải nhúng tay vào chuyện chọn người kế vị
của vài ông vua Do Thái? Nói tóm lại, cách giải thích theo luận
điệu Thần học của TGM Nguyễn Văn Thuận chỉ là một lối ngụy biện
không thuận lý. Điều này chúng ta có thể thấy rõ ràng nếu chúng
ta đọc tiếp "lý luận" của ông. Nơi trang 30-31, ông viết
tiếp:
"Nơi Đavit, người
nổi danh nhất trong các vua đã sinh ra đấng Messia (nghĩa là Giê-su.
TCN), sự thánh thiện và tội lỗi xen lẫn nhau: với nước mắt cay
đắng, ngài xưng thú trong Thánh vịnh các tội ngoại tình và sát
nhân, nhất là trong Thánh vịnh 50, một ca vịnh trở thành kinh nguyện
thống hối thường được dùng trong phụng vụ của giáo hội..
Cả những phụ nữ mà Mathêu nêu
tên trong đầu sách Tin Mừng của ngài như những người mẹ thông
truyền sự sống, từ cung lòng phúc lành của Thiên Chúa, cũng gợi
lên nơi chúng ta một sự xúc động. Tất cả họ đều là những phu
nữ ở trong những hoàn cảnh bất hợp lệ: Tamar là một phụ nữ
tội lỗi, Racab là một gái mãi dâm, Rut là một người ngoại bang
và về người phụ nữ thứ tư, người ta không dám nêu danh, và
chỉ nói "đó là vợ của ông Uria". Người đàn bà đó
chính là là bà Betsabea mà vua Đavit đã ngoại tình.
Tuy nhiên, dòng lịch sử tràn đầy
tội lỗi và tội ác như thế đã trở thành một nguồn nước trong
(sic), khi càng đến gần thời gian sung mãn: đến đức Maria, Mẹ Chúa
Giêsu, và đến Chúa Giêsu, Đấng Messia. Nơi các Ngài tất cả các
thế hệ được cứu chuộc.
Danh sách những người tội lỗi mà
Mathêu nêu rõ trong gia phả của Chúa Giêsu không được gây gương
mù cho chúng ta. Trái lại, gia phả ấy tuyên dương mầu nhiệm Thiên
Chúa. Cả trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô, người đã
chối ngài, và chọn Phaolô, người đã bách hại Ngài. Vậy mà các
vị lại trở thành cột trụ của giáo hội. Trong thế gian, khi một dân
tộc viết lịch sử chính thức của mình, họ thường nói về những
chiến thắng đã đạt được, những vị anh hùng, hoặc sự cao cả
của mình...Quả là một trường hợp duy nhất, đáng ngưỡng mộ và
tuyệt vời, khi thấy một dân tộc không hề dấu diếm những tội
lỗi của tiền nhân trong lịch sử chính thức của mình."
Chỉ bằng vào một đoạn văn ngắn
ở trên, chúng ta đã có thể thấy rõ ràng đạo Ca-Tô Rô Ma đã
thành công trong việc nhồi sọ, uốn nắn đầu óc tín đồ như thế
nào, từ nhỏ tới lớn, từ thấp tới cao. Đây không phải là nơi
phê bình Thánh Kinh nên tôi chỉ đưa ra vài nhận xét ngắn ngủi về
đoạn văn trên.
Thứ nhất, trong lịch sử Do Thái,
David được coi là người có công mở mang nước Do Thái và mang
đến cho Do Thái một thời đại hùng cường. Nhưng tư cách và đời
sống của David thì không có gì có thể gọi là thánh thiện cả. Hắn
là một tên bạo chúa, hiếu sát và hoang dâm. David không những mắc
tội ngoại tình với Bathsheba, vợ của Uriah, một tướng dưới
trướng của David, mà còn dùng quyền lực cướp vợ của Uriah bằng
cách gửi Uriah ra mặt trận với lệnh ngầm cho viên chỉ huy mặt trận
là Joab phải làm sao để cho Uriah không được sống sót.
Thứ nhì, trong Thánh Kinh chẳng có
chỗ nào
viết là "với nước mắt cay
đắng, ngài (từ "ngài" TGM Nguyễn Văn Thuận dùng để gọi
một tên sát nhân hoang dâm vô đạo đức như David) xưng thú trong
Thánh vịnh (Psalms) hay Thi Thiên các tội ngoại tình và sát nhân.."
Thánh vịnh là một tập hợp 150 bài thơ dài ngắn khác nhau mà nội
dung là những lời rên rỉ, ca thán, vò đầu bứt tai, của một kẻ
loạn thần kinh, bài nào cũng buồn chán như bài nào (Xin đọc The
Happy Heretic của Judith Hayes, p. 131: Psalms: This is one long, whining, grousing,
hand-wringing, neurotic harangue. There are 150 chapters, each as depressing as the
next.), và Thánh vịnh 50 là thơ của Asaph làm chứ không phải của
David.
Thứ ba, trong Thánh Kinh có 2 Tamar rất
đặc biệt: Tamar trong 2 Samuel 13: 11-14 là một thiếu nữ bị chính anh
ruột của mình, Amnon, cưỡng hiếp. Tamar và Amnon đều là con ruột
"ngài" David của TGM Nguyễn Văn Thuận. Còn Tamar, người phụ
nữ tội lỗi mà ông Thuận viết trong đoạn trên, còn đặc biệt hơn
nữa: chồng chết, ngủ với em chồng; em chồng chết, ngủ luôn với
bố chồng, sinh con cái. Đó là những mẫu người mà TGM Thuận cho
rằng được Thiên Chúa chọn với "ý định mầu nhiệm của Thiên
Chúa.", mà không hề giải thích mầu nhiệm ở chỗ nào, phải
chăng mầu nhiệm chỉ vì những người vô đạo đức phi luân này
là tiền nhân của Giê-su?. Chuyện Tamar trong Thánh Kinh, quý độc giả
có thể đọc trong Sáng Thế 38. Có nhiều điều tôi không tiện trích
dẫn, vì chúng tục tĩu dâm loạn, đối ngược hẳn với nền luân
lý Á Đông. Chúng ta cũng nên để ý là, Thiên chúa là Thiên
Chúa của Do Thái, không dính líu gì tới dân tộc Việt Nam, vì ngay
trong Thánh Kinh Thiên Chúa của Do Thái cũng không biết đến sự
kiện là quả đất tròn. Sự hiểu biết của Thiên chúa ở trong
Thánh Kinh về trái đất rất hạn hẹp, chỉ có ở quanh vùng Trung
Đông mà thôi.
Thứ tư, TGM Thuận viết "Chúa Giêsu đã chọn Phêrô, người đã chối ngài, và chọn Phaolô, người đã bách hại Ngài." là sai,
vì Thánh Kinh đã viết rõ Giê-su tin rằng ngày tận thế sắp tới,
ngay khi một số người cùng thời với Giê-su còn sống, vậy chọn
Phê-rô để làm gì? Rõ ràng chuyện Chúa chọn Phêrô là do giáo
hội ngụy tạo để tự tạo vai trò kế thừa Phê rô và là đại
diện của Chúa trên trần của các giáo hoàng. Mặt khác, PhaoLô
không phải là tông đồ của Giê-su, PhaoLô chưa từng thấy Giê-su,
làm sao mà bách hại Giêsu?
Thứ năm, sợ tín đồ mất niềm tin
khi đọc kỹ Thánh Kinh, TGM Nguyễn Văn Thuận dạy tín đồ: "Danh
sách những người tội lỗi mà Mathêu nêu rõ trong gia phả của
Chúa Giêsu không được gây gương mù cho chúng ta. Trái lại, gia
phả ấy tuyên dương mầu nhiệm Thiên Chúa."
Mang cái bình phong "mầu nhiệm
Thiên Chúa" ra để che đậy những điều có thể gây thắc mắc
trong đầu óc tín đồ, TGM Thuận đã không lý gì đến những phần
khác trong Thánh Kinh mà Giám Mục Spong đã nhận xét ở trên: "Chẳng có ai biết cha ông ta (Giê-su) là ai. Rất
có thể ông ta là một đứa con hoang. Rải rác trong miền đất truyền
thống Ki Tô lúc đầu (4 Phúc Âm), có những chi tiết chứng tỏ như
vậy, giống như những thỏi chất nổ chưa kiếm ra và chưa nổ
."
Thật ra thì chẳng có gì là
gương mù cả, và cũng chẳng có gì là "mầu nhiệm Thiên
Chúa". Vì ngày nay, các chuyên gia nghiên cứu Thánh Kinh đã hiểu
tại sao Matthew lại nêu tên những người phụ nữ tội lỗi trong gia
phả của Giê-su. Sau đây là vài trích dẫn từ cuốn Sự Thực
Phúc Âm của Russell Shorto:
"Từ đầu thế kỷ 2, nhiều tác
giả Do Thái, khi quan sát sự phát triển nhanh chóng của Ki Tô Giáo,
đã ghi nhận rằng khuôn mặt thần thánh trong trọng điểm của Ki Tô
Giáo (nghĩa là Giê-su. TCN) thực ra chỉ là một đứa con hoang. ..
Về phương diện kỹ thuật, ngay cả khi
đọc Phúc Âm theo truyền thống, điều trên đúng là sự thực, vì
Joseph, chồng của Mary, không phải là cha thực của Giê-su. Đọc thật
kỹ Matthew chúng ta có thể thấy điều trên rõ ràng...và Matthew đã
đưa ra một kiến trúc thần học tinh vi để biến đổi một sự thật
xấu xa thành một huyền thoại..
Một vấn đề trong gia phả của Giê-su
đã làm bận tâm những nhà thần học không ít trong nhiều thế kỷ
là tên của các phụ nữ trong gia phả của Giê-su. Tại sao chúng ta
đọc thấy rằng: "Abraham là cha của Isaac, Isaac là cha của Jacob"
v..v.. mà không thấy tên một phụ nữ nào xen vào, nhưng rồi chúng
ta thấy "Judah là cha của Perez và Zerah, sinh ra bởi Tamar", và
"Salmon là cha của Boaz, sinh ra bởi Rahab," và Boaz là cha của
Obed, sinh ra bởi Ruth", và David là cha của Solomon, sinh ra bởi
"vợ của Uriah"?
Một nhóm học giả đã tìm hiểu trong
20 năm qua để tìm ra giải đáp cho điều thắc mắc này và họ đã
khám phá ra rằng tất cả những phụ nữ được nêu tên trong gia
phả của Giê-su đều là những người mang tai tiếng về vấn đề
tình dục. Nói cách khác, Matthew đã cố ý làm nhẹ bớt vấn nạn
Giê-su là đứa con hoang bằng cách vạch ra rằng trong nhiều đời
tiền nhân của Giê-su, đây là điều cần thiết để tiếp nối dòng
dõi các vua Do Thái qua những nhân vật khác thường.. Là đứa con
hoang, điều này có thể là một biểu hiện của sự danh giá (badge of
honor). 12
Thứ sáu, TGM Nguyễn Văn Thuận ca tụng dân tộc Do Thái là "một trường hợp duy nhất, đáng ngưỡng mộ và tuyệt
vời, khi thấy một dân tộc không hề dấu diếm những tội lỗi của
tiền nhân trong lịch sử chính thức của mình." Người
Việt Nam chúng tôi, khi đọc đến những chuyện tàn bạo, dâm ô,
loạn luân v..v.., chiếm quá nửa cuốn Cựu Ước, về dân tộc Do
Thái, thì không có cách nào có thể đồng ý với nhận định của
ông Thuận. Sử Trung Quốc cũng ghi lại những triều đại Kiệt, Trụ,
Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên v..v.. Sử Việt Nam cũng ghi lại triều
đại Lê Ngọa Triều v..v.. Đã là những sự kiện lịch sử của một
dân tộc thì không có người này cũng có người kia ghi chép lại.
Do Thái cũng không ra ngoài lệ và tuyệt đối không phải là nước
duy nhất chép lại trung thực những sự kiện lịch sử. Cho nên chẳng
có gì đáng ngưỡng mộ và cũng chẳng có gì gọi là tuyệt vời.
Thật vậy, chúng ta hãy đọc một đoạn về dân tộc Do Thái cổ xưa
mà Thomas Paine đã viết trong cuốn Thời Đại Lý Trí như sau:
"Nếu chúng ta có
thể tự cho phép để cho rằng Đấng Toàn Năng đã phân biệt một
quốc gia nào đó và gọi là Dân Được Ngài Chọn Lựa thì
chúng ta phải cho rằng dân tộc đó là một gương mẫu cho phần còn
lại của thế giới về hiếu kính và nhân đạo thuần khiết nhất,
chứ không phải là một dân tộc của những kẻ côn đồ và giết
người như là dân Do Thái cổ xưa, một dân tộc đồi bại vì phỏng
theo những con quái vật và mạo danh như là Moses và Aaron, Joshua, Samuel
và David, một dân tộc đã làm cho chính mình nổi bật hơn mọi dân
tộc khác trên thế giới về sự man rợ và độc ác."
(Could we permit ourselves to suppose that
the Almighty would distinguish any nation of people by the name of His Chosen People we
must suppose that people to have been an example to all the rest of the world of the
purest piety and humanity, and not such a nation of ruffians and cut-throats as the
ancient Jews were; a people who, corrupted by the copying after such monsters and
impostors as Moses and Aaron, Joshua, Samuel and David, had distinguished themselves above
all others on the face of the known earth for barbarity and wiskedness.)
Vậy, đáng ngưỡng mộ và tuyệt
vời ở chỗ nào? Đây không phải là chỗ phê bình cuốn Chứng
Nhân Hy Vọng của TGM Nguyễn Văn Thuận, nhưng có một đoạn nơi
trang 293 tôi không thể bỏ qua:
"Do quyền năng của
Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm nhập thể cao cả được thực hiện.
Người Con ở trên Trời sống trong lòng Thiên Chúa Cha, tìm thấy ở
dưới đất, nơi Đức Maria, một cung lòng xứng đáng với Ngài. Là
nữ tử của Thiên Chúa Cha, Đức Maria trở thành mẹ. Mẹ của Ngôi
Lời nhập thể, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần."
Người con ở trên Trời? Chỗ nào
trên Trời?
Phải chăng ở phía trên cái vòm
trời bằng đồng thau có những cánh cửa mở ra để cho mưa rơi
xuống như được viết trong Thánh Kinh? Hay là ở trong cái nhà ở
trên trời, thiên đường, nơi Thiên Chúa ngự. Nhưng chính giáo
hoàng John Paul II cũng phải thú nhận "Không làm gì có thiên
đường ở trên các tầng mây" TGM Thuận luôn luôn ở sát
nách giáo hoàng mà không biết đến lời tuyên bố này hay sao? Mặt
khác, trái đất đâu có đứng yên? Nó vừa di chuyển trong không
gian xung quanh mặt trời với vận tốc trên một trăm ngàn cây số
một giờ, vừa quay xung quanh trục Nam Bắc với vận tốc quay khoảng
1600 cây số 1 giờ, vậy TGM Thuận có dám khẳng định "người con
ở trên Trời" là ở chỗ nào không, hay cũng phải đảo điên
điên đảo như trái đất?
Tôi không muốn đi sâu vào đoạn
văn trên của TGM Thuận mà chỉ muốn làm sáng tỏ một điều: đoạn
này đương nhiên xóa bỏ đoạn nói về gia phả của Giê-su. Giê-su
không thể vừa là con của Chúa Thánh Thần, vừa là con của Joseph,
thuộc dòng dõi vua David. Tuy nhiên tôi không phản đối TGM Nguyễn Văn
Thuận hay bất cứ ai, nếu họ tin cả hai huyền thoại có tính cách
loại trừ hỗ tương (mutual exclusive) cùng một lúc.
Ngày nay, với những kết quả nghiên
cứu rõ ràng về nhân vật Giê-su, các học giả đã trở nên dè
dặt hơn mỗi khi đưa ra bất cứ một khẳng định nào về những thuộc
tính của Giê-su mà nền Thần học Ca-Tô đã thành công tạo thành
những niềm tin trong đầu óc con người qua một học thuật giả mạo
những văn kiện lịch sử vô cùng tinh vi mà Douglas Lockhart đã viết
trong cuốn The Dark Side of God, trg. 47 như sau:
"Với khả năng
phịa sử qua những tài liệu giả mạo trông như thật với dấu ấn
của Giáo Hoàng, và lồng những tài liệu giả mạo này vào trong
Giáo Luật, Giáo hội Ca-Tô đã tái tạo quá khứ của mình một
cách có hệ thống để rồi cuối cùng tin vào những điều nói láo
của chính mình."
(With the ability to invent history through the
forging of imposing-looking documents complete with papal seals, and with the added
ability to instantly insert such fabrications into Canon Law, the Catholic Church
systematically recreated its past and ended up believing its own lies.)
Nghe những lời quảng cáo về
"ơn cứu rỗi" của Chúa Giê-su thì kể ra cũng có vẻ hấp
dẫn đối với nhiều người. Riêng đối với tôi, hấp dẫn không
không đủ, và từ hấp dẫn đi đến tin một cách không cần biết,
không cần hiểu, lại là chuyện khác. Tôi hi vọng có ai đó có thể
cho tôi biết rõ, bằng những luận cứ và bằng chứng có tính cách
thuyết phục: Giê-su là ai? trước khi bàn đến chuyện "ơn cứu
rỗi".
Chú Thích
- Shorto, Russell, Gospel Truth, Riverhead Books, New York,
1997, Front Cover.
- Shorto, Russell, Ibid., p. 14.
- Cross, Colin, Who Was Jesus?, Barnes & Nobles Books,
New York, 1993, Introduction.
- Bringas, Ernie, Going By The Book: Past & Present
Tragedies of Biblical Authority, Hampton Roads Pub., Co. VA., 1996, p. 191.
- Ranke-Heinemann, Uta, Putting Away Childish Things,
Harper-Collins., San Francisco, 1995, p. 2.
- Harvey, Andrew, Son of Man: The Mystical Path to Christ,
Jeremy P. Tarcher / Putnam,New York, 1998, p. 4.
- Spong, John Shelby, Born of a Woman: A Bishop Rethinks The
Birth of Jesus, Harper, San Francisco, 1992, p. 35.
- Spong, John Shelby, Ibid., p. 41.
- Gruber, Elmar R. & Kersten, Holger, The Original Jesus:
The Buddhist Sources of Christianity, Element Books, Inc., Rockport, MA, 1995, pp.
3-4.
- Martin, Michael, The Case Against Christianity, Temple
University Press, Philadelphia, 1991, pp. 37-38.
- Foner, Philip S., Editor, The Life and Major Writings of
Thomas Paine: "The Age of Reason", A Citadel Press Book, New York, 1993, pp.
571-572.
- Shorto, Russell, Ibid., pp. 36-41.
http://www.buddhismtoday.com/viet/doi/018-tranchungngoc-jesus.htm