- Phật Giáo và sự khoan dung
- cho những dị biệt Tôn Giáo &
Đức Tin
- Sulak Sivaraksa
- Mỹ Thanh dịch
Để tránh việc đơn giản hóa, tôi đề nghị mỗi tôn
giáo lớn trên thế giới nên gồm có hai khía cạnh chánh : thứ
nhất là Tình thương đại đồng, và thứ hai là tình thương đoàn
thể, tông phái, hoặc chỉ cho mình là trọng tâm, trên hết tất cả.
Nếu chúng ta không cẩn thận, tôn giáo của chúng ta
có thể trở nên cố chấp, vì chúng ta thấy chỉ có tôn giáo mình
mới chân chính và đưa đến giải thoát, và những người khác
tôn giáo là những kẻ lạc đường.
Thật không may, vẫn còn những tôn giáo vẫn tìm cách
khuyến dụ người vào đạo, bằng những lý tưởng có hại , không
sáng suốt. Tôi muốn nhắc đến một đoạn trong " Cuộc truyền
giáo ở ngoại quốc"
( Overseas Missionary Fellowship - August-September, 1987). Bài nầy
có tựa đề là " Tìm tự do thật sự ở Thái Lan."
Đối với chín mươi chín phần trăm dân Thái, bị ảnh
hưởng của ma quỷ là một nỗi sợ hãi lớn... Nhất là đối với
những dân tộc bộ lạc tin vào thuyết duy linh ( animistic), luôn cả
những nhà thương mại giàu có, sinh viên, và nông dân chất phác,
cũng không ngoại lệ... Trong câu chuyện, trong chương trình truyền hình,
hay những đồ trang trí của cá nhân hay nơi nhà ở cũng thể hiện
ảnh hưởng nầy. Hiện tại, chưa có gì cũng như chưa có ai có thể
làm cho con người bớt nỗi lo sợ trong việc tìm cách 'vận dụng'
những sức mạnh của thần thánh, vì đồng thời họ cũng có thể
trở thành nạn nhân của những sức mạnh nầy.
Nếu các bạn có đọc bài nầy, các bạn sẽ đi đến
kết luận là dân Thái muốn được cứu rỗi phải nhờ đến những
nhà truyền giáo, hoặc nếu là dân bộ lạc thì phải cần viện trợ
của Mỹ. Tôi nghĩ rằng những người mà bám chặt vào tôn giáo hay
lý tưởng là những người khó có thể kính trọng được người
khác, nhất là những người nghèo, vì biết đâu những người nầy
lại rất tự hào về tôn giáo của họ và chưa chắc là họ kém
hơn những nhà giáo sĩ về phần tâm linh .
Thật ra danh từ " chủ nghĩa tông phái, bộ
lạc" không phải là một từ 'làm giảm giá trị', nhưng khi một
tôn giáo lớn hay quyền lực tối cao trở thành ' tông phái', thì
nó dễ bị thoái hóa thành đạo đức giả và kiêu mạn, mà từ
đó có thể dẫn đến kỳ thị chủng tộc, như chúng ta thấy ở Nam Phi
và những nơi khác. Nhưng, nếu chúng ta chú tâm đến những khía
cạnh của tôn giáo về tình thương đại đồng, thì chúng ta sẽ trở
nên khiêm tốn hơn, vị tha hơn và thật sự kính trọng tất cả--từ
con người, thú vật, cho đến những hiện tượng thiên nhiên. Từ
đây, sự phát triển về xã hội cũng như kinh tế sẽ trở nên bất
bạo động. Chúng ta sẽ không còn tàn ác với đồng loại , và
biết mến yêu trái đất. Chúng ta cũng không nhân danh sự phát
triển mà cướp đoạt những tài nguyên thiên nhiên. Những khu
rừng sẽ được bảo vệ, sông ngòi sẽ khỏi bị ô nhiễm. Và chúng
ta sẽ hiểu rằng sự phát triển chỉ có thể xảy ra trong vòng hiểu
biết giữa con người với muôn vật.
Để gạt bỏ chủ nghĩa : tông phái, bộ tộc, dân tộc,
tư bản và tiêu thụ, người có tín ngưỡng cần phải thực tập
với tình thương đại đồng. Trong khi chúng ta làm việc riêng hay tư,
bất cứ ở đâu, chúng ta phải nên suy nghĩ một cách bao quát, để
cho tính vị kỷ có thể từ từ trở thành vị tha.
Lúc đó, chắc chắn chúng ta sẽ biết kính trọng
những tôn giáo và những lý tưởng khác một cách hết lòng. Mặc
dầu bạn có thể không hoàn toàn đồng ý với tầm nhìn & đức
tin đó, bạn vẫn có thể kính trọng chúng.
Kể cả khi chúng là những kẻ áp bức bạn, bạn
cũng không cần ghét họ, vì sự thù ghét chỉ làm hại cho chính bạn
thôi.
Thay vì thù ghét những kẻ áp bức bạn, bạn nên tìm
hiểu hệ thống áp bức và thử tìm cách để thay đổi nó, với
tính cách bạn bè tốt giúp đỡ nhau, để khắc phục khó khăn, đau
khổ, trong môi trường phát triển văn hóa và tâm linh--cũng như
phát triển xã hội và kinh tế. Nếu bốn sự phát triển : văn hóa,
tâm linh, xã hội và kinh tế được hợp nhất, tức thời sự phát
triển thật sự của nhân loại sẽ được thể hiện.
Tiếc thay, trong hai thế kỷ qua, tình thương đại đồng
nơi tôn giáo đã thoái hóa và dường như được thay thế bằng
tình thương tông phái, và cho đến nay trở thành một quy tắc tiêu
chuẩn. Phần lớn các nhà thờ, nhà nguyện khoan dung và ủng hộ chế
độ đang cầm quyền không cần thiết là chế độ đó áp bức hay
không. ( Dĩ nhiên là có những ngoại lệ). Và khi mà chủ nghĩa tư
bản xuất hiện, Tin lành, Công giáo, Phật giáo, Ấn độ giáo dường
như chỉ phục vụ cho những kẻ giàu có, trong khi những nhà giáo sĩ,
tu sĩ thì chỉ phục vụ dân nghèo "bằng miệng." Trong điều
kiện tốt nhất, họ xung phong chăm sóc người nghèo túng, nhưng cho
đến nay vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy là vấn đề xã hội và
kinh tế được thay đổi để bao người hưởng được sự công bình
và hạnh phúc. Tỉ lệ kém dinh dưỡng của trẻ em đang gia tăng, cùng
với nạn du lịch mãi dâm, chế độ quân phiệt, chế độ tư bản và
tiêu thụ cũng không giảm. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đang tìm
cách liên kết với các giáo sĩ thế tục để thay đổi nơi đây
thành một nơi an lành và ý nghĩa, nhưng cho đến nay cũng chưa tạo
được những thay đổi căn bản phổ biến trong việc bảo đảm quyền
lợi của con người khỏi sự bóc lột của chính trị và tôn giáo.
Tây Tạng, Miến Điện, và Bangladesh có những tình trạng đặc biệt,
nhưng sự đau khổ, nói chung xuất hiện ở khắp mọi nơi. Thêm vào
đó, sự thiếu thốn lương thực, nhà ở, quần áo, thuốc men cho
một số đông các nước là một điều thật kinh khủng-- chưa nói
đến sự khổ vì nước và không khí bị ô nhiễm.
Thật ra sự gia tăng của các giáo sĩ thế tục có
học thức là một nguyên nhân chánh để hình thành một thế giới
mới. Nhìn qua lịch sử thì chúng ta thấy : Sự hướng dẫn xã hội
từ lúc khởi đầu, thật ra, bắt đầu nơi các tu sĩ, người sao
chép kinh sách, thầy bói, cùng những nhà trí thức ; nhưng sự cải
tiến của họ về mặt đạo đức và lý tưởng bị hạn chế bởi
những truyền thống lâu đời, cũng như bởi những quyền lực đến
từ ngoài. Và do đó, họ không thể trở thành những nhà tư
tưởng tự do.
Với sự suy thoái về quyền lực của giới tu sĩ từ
thế kỷ thứ mười tám, một loại nhà giáo dục mới xuất hiện
để điền vào chỗ trống đó và họ đã chiếm được cảm tình
của xã hội thời bấy giờ. Những nhà trí thức có thể là nhà
thần học, kẻ hoài nghi, hay kẻ vô thần. Và họ cũng sẵn sàng chỉ
dẫn con người về mặt đạo đức như những giám mục hay mục sư.
Họ tuyên bố ngay từ buổi đầu, với sự nhiệt tâm làm lợi ích
cho con người, với nhiệm vụ rao giảng phúc âm.
Sự hiểu biết tổng quát trong quá khứ, truyền thống,
và những kinh nghiệm của người đi trước được chọn lựa kỹ
lưỡng để được học theo hoặc bị loại bỏ.
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, với sự
lớn mạnh của niềm tự tin và lòng bạo dạn, con người đã vươn
lên và lên tiếng là họ có thể phân tách những cái sai và có
thể sửa chữa những điều nầy bằng vào sự hiểu biết của họ :
hơn nữa, họ có thể đặt kế hoạch mà nếu theo vào đó, chúng ta
có thể thay đổi kiến trúc của xã hội, và những thói quen căn
bản của con người cũng theo đó mà được hoàn hảo hơn. Không như
những giáo chức đi trước, tự coi mình là người thay thế
Thượng đế.
Những nhà trí thức đã soi xét kỹ lưỡng các tôn
giáo đã giúp ích hay làm hại con người và những giám mục, giáo
sĩ có giữ mình hay không, có thật sự từ bi và vị tha, và những
kết luận được nhìn nhận nơi các giáo chức cũng như nhà thờ
thật là không hay chút nào.
Trên hai thế kỷ qua, sự ảnh hưởng của tôn giáo
đang trên đà suy thoái và những giáo sĩ thế tục, trí thức đã
đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành quan điểm của chúng
ta cũng như những tông phái. Nhìn vào những nhà trí thức trên
thế giới đã góp phần hình thành thế giới sau cuộc cách mạng
Pháp, Nga, cho đến sự cách mạng văn hóa ở Trung Hoa, và chế độ
Pol Pot ở Cam bốt, tôi đi đến một kết luận khá đau lòng là
những giáo sĩ đứng đầu, đã làm chúng ta thất vọng--cho dù họ
là Rousseau, Karl Marx, Tolstoy, Brecht, Bertrand Russell or Mao Tse-Tung.
Đặc biệt, nếu chúng ta chú ý đến những gì họ
khuyên người khác về mặt giáo dục cũng như đạo đức, và so
sánh với cuộc sống của cá nhân họ, --thì sự liên hệ với gia
đình, thân hữu, và đồng nghiệp nói chung thật là kinh khủng--đấy
là chưa nói đến đời sống sinh lý và cách tiêu xài của bản
thân họ.
Một người sẽ tự hỏi không biết họ đã nói
thật, và làm thế nào để phương thức của họ đứng vững với
thời gian và tập quán. Thật ra họ cũng đem đến cho chúng ta những
áng văn chương tuyệt đẹp, làm cho sự suy nghĩ của chúng ta nhạy
bén hơn, nhưng đồng thời cũng góp phần trong sự đau khổ của nhân
loại.
Theo thiển ý của tôi, những giáo sĩ thế tục cũng
thất bại vì họ cũng trở nên quá dễ dãi và tự cao. Họ cũng
thiếu sự cam kết về sự thay đổi bản thân, cũng như Tolstoy đã
làm và thất bại. Nhưng lại có ảnh hưởng rất tốt đối với
Gandhi và Martin Luther King.
Là một người Thái, tôi coi vị anh hùng dân tộc, Phya
Anuman Rajadhon, người được hội UNESCO công nhận trong năm qua, là
một nhà lãnh đạo trí thức, dù rằng ông ta không là thông thái,
hay nổi tiếng. Ông là người rất bình dị và khiêm tốn chỉ tự xem
mình là một người bình thường có thời gian để kính trọng mọi
người, và khuyến khích mọi người trở nên hoàn hảo hơn cả chính
ông ta. Tôi nghĩ rằng khi mà chúng ta biết được giới hạn của
chính mình và biết kính trọng người khác thì ít khi nào chúng ta đi
sai. Chúng ta nên tìm cách phát triển cho chính bản thân cũng như xã
hội dựa trên sự biết khen ngợi, trên sự hiểu biết về văn hóa
của dân tộc mình--luôn cả những phong tục về mặt tâm linh, kế
đến là sự phát triển kinh tế sẽ không quá bị ngăn cách giữa
kẻ giàu và người nghèo, và mọi người không phân biệt giàu
nghèo đều có thể sống hạnh phúc.
Mặc dầu, Phật giáo với chữ B hoa vẫn có thể mang
ý nghĩa lệch lạc, có thể bị dùng để cũng cố chế độ độc tài
hoặc những hội đoàn thiếu đạo đức, nếu chúng ta có thể chỉ
hướng đến tình thương đại đồng thì chúng ta sẽ đánh vần chữ
Phật giáo với chữ b nhỏ. Vì vậy chúng ta hãy bắt chước nối
gót theo Bụt, các bạn công giáo thì nối gót theo đấng Christ, và
các bạn Hồi giáo nên dâng cái ngã của họ cho Thượng Đế.
Luật thứ nhất trong phật giáo với chữ b nhỏ
được đọc như sau : " Đừng thần tượng quá, đừng bám viú
vào bất cứ giáo điều gì, dù là lý luận hay lý tưởng, dù đó
là lý luận, hay lý tưởng của Phật giáo. Tất cả những phương
thức của sự suy nghĩ chỉ là phương tiện; chúng không phải là
Chân Lý."( Giới thứ nhất của dòng Tiep Hien ).
Có lẻ đây là điều đối nghịch nhất đối với
những lời dạy có tính cách giáo điều.
Thầy Thích Nhất Hạnh, vị tu sĩ Phật giáo, người Việt
Nam, viết : " Nếu bạn có một khẩu súng, bạn có thể bắn một
người, hai, ba, năm người, nhưng nếu bạn có một lý tưởng và
bám chặt vào đó, nghĩ rằng đây là Chân Lý, thì bạn có thể
giết hàng triệu người... Hòa bình chỉ có thể thực hiện được
khi chúng ta không bám viú vào một quan điểm, khi chúng ta không mù
quáng." Một khi mà bạn hiểu rõ và thực tập điều nầy trong
đời sống hằng ngày, thì lúc ấy bạn sẽ biết tán thưởng tầm
quan trọng của những dị biệt tôn giáo và niềm tin.
Nếu chúng ta có lòng, thì nên hợp nhất những dị
biệt và tìm cách để làm giảm sự đau khổ của đồng loại. Chúng
ta không nên gom góp của cải trong khi bao triệu người đang đói.
Đây không phải là những lý tưởng xa vời, mà nếu chúng ta
thực tập, có thể mang lại kết quả khả quan cho sự công bình trong
xã hội & là bước đầu cho việc kiến tạo hòa bình.
Nhưng muốn thực hiện điều nầy với Chánh niệm,
chúng ta phải theo lời Thầy Thích Nhất Hạnh, " không nên để
mình bị phân tán và đừng đánh mất mình nơi hoàn cảnh chung
quanh."
Chúng ta nên "thực tập thở để lấy lại quân
bình cho cơ thể cũng như tinh thần, thực tập Chánh niệm, để phát
triển sự chú tâm và hiểu biết." Cách nầy dẫn đến sự phát
triển " không hai ", nơi đây một người có thể sống an lạc
với chính mình và như vậy người đó mới có thể thực hiện
được việc kiến tạo hòa bình trên thế giới.
Chúng ta nên nhấn mạnh sự liên tục của "bên
trong" và "bên ngoài", gọi thế giới là " cái ngã
lớn của chúng ta " như vậy chúng ta mới có thể hăng hái lo
lắng cho nó. Tôi hy vọng quan điểm nầy sẽ hướng dẫn chúng ta trong
công việc tìm sự công bình cho xã hội, và việc kiến tạo hòa
bình.
Mỗi người trong chúng ta phải tự kiểm những hành
động của chính mình trong những liên hệ với cộng đồng xã hội.
Tôi tin tưởng quan điểm nầy rất lợi ích cho việc phát triển tinh
thần, và cơ thể--sự phát triển toàn diện nơi con người.
Với tôi, để tạo dựng sự hiểu biết, sự kính
trọng giữa con người với nhau trong những dị biệt tôn giáo hay
niềm tin, một người cần phải có gì khác hơn là lý tưởng. Tâm
linh phải được phát triển, không bám viú vào lý tưởng. Một
người đã nói : " Vấn đề lớn của tôn giáo hiện nay là
phải làm sao, ta vừa là chiến sĩ, vừa là người thần bí; nói
khác đi, làm sao để kết hợp sự tỉnh thức bên trong với những
công tác xã hội bên ngoài, và làm sao để tìm được con người
thật của mình ở hai nơi nầy."