Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... .  . .  .  .
Tính trọng yếu của Phật pháp trong xã hội hiện nay
TT. Thích Minh Cảnh dịch

Đây là một đề tài tổng quát bao gồm các mục nhỏ : Phá nghi sanh tín, Căn cơ hiện đại, Ngũ thừa quyền giáo, Nhất thừa thật giáo, Thần thông nguyên lý, Thiền Tịnh tĩnh lược. Trước hết nói về phần tổng quát.

Sao gọi là Phật ? – Phật là giác ngộ, tự mình giác ngộ, giác ngộ người khác, giác hạnh tròn đầy. Đầy đủ phước đức mới gọi là Phật, nên Phật gọi là Lưỡng túc tôn, mê muội là chúng sanh, giác ngộ là Phật. Cách đây hơn 2500 năm, Đức Thích-ca Thế Tôn tu hành ở núi Tuyết, nhìn thấy sao Mai hoát nhiên đại ngộ, buột miệng nói : "Lạ thay ! Lạ thay ! Tất cả chúng sanh đều có đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không chứng ngộ được". Có thể thấy rằng, Phật và chúng sanh thật ra chỉ là một. Nếu chúng ta không vọng tưởng, không chấp trước, khi thời tiết đến sẽ hoát nhiên thấy rõ bản lai diện mục của mình, rõ biết chơn như tự tánh xưa nay vắng lặng, cùng Phật không khác. Cho nên trong Kinh nói : "Tâm, Phật và chúng sanh, ba thứ này không sai khác".

Sao gọi là Pháp ? – Pháp là tất cả những sự lý ở thế gian và xuất thế gian. Sum la vạn tượng, hữu tình vô tình đều gọi là Pháp. Tông Duy Thức giải thích chữ Pháp là "giữ gìn tự tánh, làm khuôn khổ để dễ nhận biết". Giữ gìn tự tánh có nghĩa là núi có tự tánh của núi, sông có tự tánh của sông. Làm khuôn khổ để dễ nhận biết là núi có cái khuôn khổ của núi để người ta nhìn thấy không thể gọi núi là sông; sông có khuôn khổ của sông để người ta nhìn thấy không thể gọi sông là núi. Sao gọi là Phật pháp ? – Phật thật ra không có pháp, có chăng đều là chúng sanh pháp, là pháp vì chúng sanh mà nói ra.

Kệ phó pháp của Đức Thích Tôn là :

"Pháp bổn pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệt pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp".
(Pháp của pháp không pháp
Pháp không pháp là pháp
Nay khi trao không pháp
Đâu pháp nào là pháp).

Như ở đời không có người bịnh thì không có thầy thuốc, cũng không có phương thuốc; thầy thuốc ra toa chỉ vì người bịnh; khi bịnh hết thuốc bỏ, toa cũng không cần. Phật pháp cũng thế, nhân vì chúng sanh có 84.000 phiền não nên Phật nói 84.000 pháp môn, khéo léo ứng cơ diệu dụng vô định. Kinh Kim Cang nói : "Không có pháp nhất định gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói". Nhân loại trong xã hội hiện đại đang nhu cầu hòa bình, mà chân lý Phật pháp không có ngã tướng, không nhân tướng, đồng thể đại bi, hòa bình triệt để thì chỉ có Phật pháp mới có thể hoàn toàn đạt đến cứu cánh. Vì thế, tính trọng yếu của Phật pháp trong xã hội hiện nay thật không tôn giáo nào có thể so sánh được. Sau đây chúng ta thử bàn đến các mục :

A. Phá nghi sanh tín

Chúng ta ngày nay không thể thấu hiểu trọn vẹn Phật pháp, cũng không chịu học tập theo Đức Phật, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng đại khái trong lòng có mấy điểm lầm lạc sau đây :

  1. Nghi Phật pháp là một nhân sinh quan tiêu cực, không có trách nhiệm gì với xã hội.
  2. Nghi đệ tử Phật mơ màng đến thế giới Cực Lạc phương Tây mà trốn tránh hiện thực.
  3. Nghi nam nữ đều là tăng ni cả, thì nhân loại sẽ bị tuyệt diệt.
  4. Nghi Phật giáo sùng bái ngẫu tượng, đưa người vào đường mê tín.

Do bốn ý nghĩ sai lầm trên mà chúng ta không thể thâm nhập vào Phật giáo được. Nay xin lần lượt phá trừ những sai lầm ấy.

1. Phá nghi thứ nhất : Chúng ta biết rằng tín đồ Phật giáo đối với ba thứ căn bản phiền não tham, sân, si thì bài trừ tiêu cực; nhưng đối với ba vô lậu học giới, định, huệ lại tích cực tu trì. Bốn chúng đệ tử của Phật đều phải nương vào nó tư duy đúng như lý, thọ trì đúng như lời dạy rồi độ khắp chúng sanh để tròn nguyện Bồ-đề. Như thế đâu gọi là không có trách nhiệm với xã hội được ? Giáo chủ là Phật Thích-ca Mâu-ni đang ở địa vị Thái tử, bỏ nước xuất gia, làm thân Tỳ-kheo, đích thân đi khất thực; nói pháp 49 năm, hàng phục 49 thứ ngoại đạo. Vua A-dục y giáo phụng hành, oai danh khắp năm xứ Ấn Độ, dân an, nước mạnh, thiên hạ thái bình. Nói những vị ấy là có nhân sinh quan tiêu cực, không có trách nhiệm gì với xã hội hay sao ?

2. Phá điều nghi thứ hai : Hễ có thân chánh báo này thì phải có cõi y báo. Thế giới Cực Lạc ở phương Tây là cõi nước y báo của tự tâm thanh tịnh chúng ta. Trong Kinh nói : "Tùy theo tâm mình tịnh thì Phật độ tịnh". Đức Phật A-di-đà không phải ở ngoài tâm mình, nên kinh nói : "Nhớ Phật niệm Phật, hiện tại và về sau, nhất định thấy Phật, không cần phương tiện, tự được tâm khai mở". Tâm tánh của chúng ta bao trùm cùng khắp, nên Cổ đức nói : "Sanh thì quyết định sanh, mà đi thì thật không có đi". Người ta tùy theo duyên phần của mình cống hiến cho xã hội, một mặt niệm Phật vãng sanh, thấy Phật nghe pháp rồi theo nguyện lực trở lại thọ Phần đoạn sanh tử. Dầu có đến đi vẫn tiếp nối hiện thực, có gì là trốn tránh đâu ?

3. Phá điều nghi thứ ba : Đệ tử Phật có chia làm bốn chúng, trong đó hai chúng xuất gia và hai chúng tại gia, bốn chúng này đều có thể thành Phật. Phật nghĩa là giác ngộ, khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc từ đời Hán Minh Đế đến nay, hai chúng tại gia được giải thoát nhiều không thể kể xiết, chớ đâu cần phải làm tăng ni mới được độ. Tăng ni thực ra chỉ chiếm một phần ngàn mà thôi, còn lại là hai chúng tại gia cả, thì đâu có gì phải lo lắng ? Nếu cho rằng đều làm tăng ni cả, nhân loại sẽ đi đến chỗ tuyệt diệt, thì có khác nào thấy khuyên người ta làm nông rồi lo rằng người ta đều là nông dân mà không có ai làm thợ chế ra cày cuốc; thấy khuyên làm học trò rồi lo ai nấy đều là học trò sẽ không có người lái buôn bán sách. Ý kiến đó thật là ấu trĩ hết chỗ nói !

4. Phá điều nghi thứ tư : Phật giáo hóa độ chúng sanh có quyền có thật, viết vẽ cúng tượng, kỷ niệm Thánh triết, trang nghiêm tự tâm như cách ngôn khắc ở tòa ngồi khiến người đề khởi cảnh giác, công dụng đó rất lớn. Cảnh do tâm sanh, tâm nhơn cảnh mà có, người ta thấy kẻ diện theo mode thì sanh tâm dâm; thấy Phật, Bồ-tát thì sanh tâm kính; điều này có thể dễ nghiệm biết, nếu ở trong một nhà trống, tâm không có vướng mắc chi, người khù khờ có sanh ra quan cảm. Như ở nhà trẻ, kẹo và đồ chơi là quyền; đức trí, thể dục là thật; lấy thật để thi quyền, do quyền mà vào thật. Đức Như Lai cũng thế, thời đầu nói quyền, thời sau nói thật. Nếu nghi Phật pháp là sùng bái ngẫu tượng, đưa người vào mê tín thì Kinh Kim Cang phải không có câu : "Phàm hễ có tướng đều là hư vọng", và câu : "Không thể bằng hình tướng mà thấy được Như Lai". Đức Lục Tổ cũng nói : "Nếu nói có Phật thì Phật ở đâu ?" Phật pháp lấy việc minh tâm kiến tánh làm mục đích, trong đó việc dạy dỗ, huân tập đều thuộc về phương tiện khéo léo. Kinh Tịnh Danh nói : "Không cầu ở Phật, không cầu ở Pháp, không cầu ở Tăng". Như vậy có gì là sắc thái mê tín đâu ? Những người ngoại giáo tin trời đất con người đều là do thần tạo nên, đó là đánh mất chính mình. Họ chỉ hướng về các hình tượng để cầu đảo, xin cho thần linh phò hộ mà chẳng cho đó là mê, lại chê đệ tử Phật lễ bái Đức Phật tự tâm, tự cầu nhiều phước đức là mê tín. Điều này ai đáng thương hơn ?

B. Căn cơ hiện đại

Đức Phật rất chú trọng về thời tiết nhân duyên, thời gian đầu Ngài nói về pháp Có, thời gian kế nói về pháp Không, thời gian sau cùng nói về pháp Trung đạo liễu nghĩa chẳng phải có chẳng phải không; nhân cơ tiếp thu giáo pháp, biến động không nhất định. Như thời kỳ nguyên tử hiện nay, căn cơ hiện đại về chính trị có xu hướng chủ nghĩa đại đồng tiểu khang đã thành quá khứ. Khuynh hướng thế gian hiện nay lần lần hướng đến con đường vô ngã vô tránh của Phật giáo. Về phương diện giáo dục, khải phát thiên tài, trước đây Khổng Tử đã từng nói : "Dân có thể khiến cho họ tuân theo mà không nên khiến cho họ hiểu biết". Lão Tử nói : "Phương pháp cai trị ngày xưa không phải là làm cho dân sáng suốt thì làm cho dân ngu muội, dân khó trị vì họ có nhiều trí tueuot;. Những thuyết ấy đã trở thành quá khứ. Thời đại chuyên chế lấy nước làm nhà, trị dân như chăn dê để phòng ngừa phản nghịch, đã làm cho họ ngu xuẩn thêm. Thời xưa có 400 triệu người, thì 200 triệu là người nữ, và cho phụ nữ vô tài là người có đức, thuận theo nghĩa trời đất mà không giáo dục cho họ. Lúc nhỏ thì theo cha, xuất giá thì theo chồng, đến già thì theo con, không có bản năng gì cả. Còn 200 triệu nam giới kia chia làm hai loại văn và võ. Văn nhân chuyên làm văn "bác cổ" và ngâm thơ; võ sĩ thì chuyên bổng quyền cử tạ, múa lộng binh đao để lập chữ công danh, khiến cho người suốt đời bị chìm ngập trong đó. Còn ở Thiên Trúc thì học Ngũ minh, cũng mắc vào guồng lưới chánh trị không cất đầu lên nổi. Cho đến ngày nay dân trí được mở rộng khác xa thuở trước, rất thích hợp với việc đề xướng tối thượng nhất thừa hóa độ chúng sanh. Lục Tổ nói : "Phật pháp ở thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ". Cổ đức nói : "Ở lý thật tế không nhận một mảy trần; trong việc Phật sự không bỏ một pháp nào". Lý này rất phù hợp với ý "Những nghiệp mưu sinh, đều thuận theo Chánh pháp" của Kinh Pháp Hoa. Lời dạy : "Một ngày không làm, một ngày không ăn" của Tổ Bách Trượng rất hợp với căn cơ hiện nay. Chân lý "Duyên sanh tánh không" của Phật giáo chẳng phải là các học thuyết triết học của thế gian có thể so sánh được.

C. Ngũ thừa quyền giáo

Phật dạy năm giới : Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, khiến cho người ta thoát khỏi nạn khổ ba đường ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục để được sanh làm người, gọi là Nhân thừa.

Phật nói thập thiện : Không tham lam, không giận dữ, không si mê, không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không nói thêm, không mắng chửi, không nói đâm thọc, khiến cho người ta thoát khỏi tám điều khổ của kiếp người (sanh, già, bệnh, chết, cầu không được, oán thù gặp gỡ, ân ái xa lìa, năm ấm xí thạnh), được sanh làm trời, gọi là Thiên thừa.

Đức Phật nói bốn đế : Khổ, tập, diệt, đạo, khiến người thoát khỏi khổ luân hồi trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), chứng được quả A-la-hán, gọi là Thanh văn thừa.

Đức Phật nói quán 12 nhân duyên (Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử) khiến thành Độc giác, không cần nghe pháp nơi người khác mà được ngộ, gọi là Duyên giác thừa.

Phật nói Lục độ (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ) chứng được Bồ-đề, phước huệ song tu, viên thành quả Phật, gọi là Bồ-tát thừa.

Năm thừa trên đây gọi là Quyền giáo.

D. Nhất thừa thật giáo

Này thiện tri thức ! Sao gọi là Nhất thừa ? Nhất khác với Nhiều, Thật đối với Quyền, lìa Nhiều tức là Nhất, lìa Quyền tức là Thật. Kinh Pháp Hoa nói : "Chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba". Lại nói : "Chỉ có một Phật thừa, không có thừa nào khác". Nếu có hai hay ba, đều là những việc của giáo pháp nhằm khế hợp các căn cơ mà thôi. Chúng sanh cùng Phật đồng Chơn tánh này, không bớt không thêm, ngay đó chính là, không cần phải tu tập. Khổng Tử nói : "Ta muốn điều Nhân, Nhân này rất trọn vẹn". Lại nói : "Ta muốn không lời gì" cũng giống như ý này, vì tâm này không phải là do nói năng suy nghĩ mà đến được. Cho nên Kinh Pháp Hoa nói : "Thôi thôi không cần nói, pháp ta diệu khó lường". Kinh Kim Cang nói : "Như Lai không nói chi". Kinh Duy Ma nói : "Không pháp gì có thể thuyết, đó gọi là thuyết pháp". Cổ đức nói : "Phật nói tất cả pháp là để giải tất cả tâm, ta không tất cả tâm thì cần gì tất cả pháp". Nhất thừa là đối với các thừa khác mà gọi tên, Thật giáo đối với Quyền giáo mà đặt tên, hễ có gọi tên đều không có thật nghĩa. Tất cả pháp đều giả, tất cả pháp đều không, không giả đều rõ biết, sanh ra nghĩa Trung đạo. Năm thừa như hoa, Nhất thừa như quả; Năm thừa như cành, Nhất thừa như thân cây; phải nên khéo suy nghĩ điều này.

E. Nguyên lý thần thông

Này thiện tri thức, thần thông có 5 loại 6 thứ. Năm loại là :

  1. Đạo thông : Do chứng ngộ lý Thật tướng mà được, như sức thần thông vô ngại của Bồ-tát.
  2. Thân thông : Do ngưng tâm tu định mà được, như sức thần thông tự tại của La-hán.
  3. Y thông : Do nương vào sức của thuốc hay chú thuật mà được, như sự linh biến tự tại của thần tiên.
  4. Báo thông (cũng gọi là Nghiệp thông) : Do quả báo mà có được, như sự biến hóa của chư thiên, sự ẩn hiện của thần long.
  5. Yêu thông : Chỉ loài yêu mới có, như sự biến hóa lạ lùng của hồ tinh, cây cổ thụ...

Sáu thứ thông là :

  1. Thiên nhãn thông : Những vật ở phương xa đều thấy rõ cả, không có bị che khuất.
  2. Thiên nhĩ thông : Những âm thanh, tiếng nói ở xa đều nghe được cả.
  3. Tha tâm thông : Ý nghĩ của người khác, không nói ra cũng biết được.
  4. Túc mạng thông : Rõ biết nhân quả của đời trước và đời sau.
  5. Như ý thông : Vào trong nước lửa, đi qua vàng đá, bay đi tự tại.
  6. Lậu tận thông : Các lậu đã hết, không còn phiền não. Chỉ có hàng Bồ-tát Bát địa trở lên và đại A-la-hán mới có.

Nhận định rõ các loại thần thông kể ra trên đây thì sẽ biết tà chánh rõ ràng và nguyên lý của nó đều từ nhất tâm mà khởi dụng.

F. Cốt yếu của Thiền Tịnh

Thiền tông gọi là Tâm tông, lấy tâm ấn tông, chỉ thẳng lòng người thấy tánh thành Phật, một khi rơi vào ngôn ngữ tức thành pháp thừa. Nhưng không phải là không phương tiện, nay nhân đây tạm nêu ra một vài điều. Như trên đã nói, mọi người cũng biết, tâm tánh của chúng ta xưa nay không khác với Phật, chỉ vì từ vô thủy phiền não trần lao ngăn che tâm thể diệu minh đi. Thiền sư Bách Trượng nói : "Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật". Như hôm nay đại chúng muốn lý hội điều này, chỉ cần nương theo giáo pháp của Lục Tổ, dứt trừ các duyên, chớ sanh một niệm, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, lâu ngày công sâu, thời tiết nếu đến, lý ấy tự hiển bày.

Thử xem trong Kinh Bảo Đàn, Lục Tổ đầu tiên trên núi Đại Dữu Lãnh khai thị cho Huệ Minh và sau cùng khai thị cho Tiết Giản đều dặn chớ nghĩ suy về thiện ác, tự nhiên được vào tâm thể thanh tịnh. Tổ nói : "Lấy vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc". Đây là những lời rất cốt yếu.

Tịnh độ tông còn gọi là Liên tông, lấy niệm Phật vãng sanh làm tông, thấy Phật nghe pháp làm chỉ, nương nguyện sanh trở lại làm dụng. Mọi người chỉ cần nghe lời Phật dạy, chấp trì danh hiệu, niệm 6 chữ "Nam mô A-di-đà Phật", trong tâm trì thầm, niệm niệm nối nhau, lúc rảnh rang hay bận rộn, lúc tỉnh hay nằm mơ, chớ cho gián đoạn, mạng hết vãng sanh, vạn người tu vạn người được. Nếu cần ngay đời này triệt ngộ, Thiền Tịnh song tu thì trước hết phải chân thật niệm Phật, niệm đến thuần thục, chẳng để cho ý căn rong ruổi truy tìm, nội tâm tự nhiên khởi niệm, lúc tỉnh lúc mơ, rảnh rang hay bận rộn cũng có thể không dứt thì vừa khán "niệm Phật là ai ?" cũng lại không ngớt niệm Phật. Lúc đó khán niệm Phật là ai ? Mạnh mẽ tinh cần tham cứu mãi, khi thời tiết đến, hoát nhiên đại ngộ. Nếu hết đời mà không ngộ thì cũng được vãng sanh về thế giới Cực Lạc ở Tây phương, gọi là "gạch vàng gõ cửa". Như cầm gạch vàng gõ cửa Bảo sở, như gõ được cửa mở thì vào Bảo sở, tự lấy tự dùng; còn gõ cửa không mở thì cầm gạch vàng ấy cũng thành tiểu phú, chẳng lo việc nghèo thiếu, pháp rất là kỳ diệu vậy.

Do những điều trình bày trên, mong rằng đại chúng khẩn thiết niệm Phật, quy y Tam bảo, tùy duyên tu thiện. Thế thì, thiên long bát bộ phải tuân lời Phật dạy, ngầm hộ trì nhau. Mạng người vô thường không nên để luống qua.

Trân trọng !

http://www.buddhismtoday.com/viet/gd/005-trongyeu.htm

 


Cập nhật: 25-9-2000

Trở về mục "Giáo dục Phật giáo"

Đầu trang