Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Quy y hai lần: pháp danh nào là chính?  
Trường-Chi hỏi;  Thích Giác Hoàng trả lời

Nguyên văn câu hỏi:

Vì sự nhầm lẫn của gia-đình, tất cả anh em con đều quy-y hai lần. Vậy thì pháp-danh của amh em con phải là pháp-danh của lần quy-y đầu-tiên hay là lần thứ hai? Kính mong Thầy giải-đáp cho con.

Nam-Mô Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật.

Trường-Chi

 

Trả lời:

Quý Phật tử thân mến,

Lời đầu, quý Thầy Cô cầu chúc quý Phật tử thân tâm thường an lạc, vững tiến trên con đường hướng đến an lạc và giải thoát.

Câu hỏi của quý Phật tử tuy là câu hỏi riêng, nhưng thật ra, nhiều Phật tử cũng có những băn khoăn tương tự như thế.

Như Phật tử đã nhận ra, việc quy y đặt pháp danh lại là việc làm không cần thiết. Nhưng trong trường hợp vì một lý do nào đó, đã quy y và đặt pháp danh lại thì ta có thể dùng pháp danh nào cũng được.

Quý Phật tử về chùa, được quý Thầy, Cô, hoặc các Phật tử cư sĩ gọi pháp danh, mục đích chính là để nhắc nhở mình đã sinh vào dòng họ của bậc Giác Ngộ. Hoặc quý Phật tử tự xưng mình với các thân hữu bằng pháp danh cũng để tự nhắc nhở mình đã quy y Tam Bảo rồi, thì nên cư xử tốt đẹp với nhau như lời đức Phật dạy. Do đó, việc chọn pháp danh nào, trước hoặc sau không quan trọng lắm. Điều quan trọng là nếu mình cảm thấy khi được quý Thầy, Cô hoặc quý Phật tử gọi tên đó, mình cảm thấy có tác dụng nhắc nhở mình hơn thì quý Phật tử có thể chọn pháp danh đó.

Trong một vài trường hợp, quý Phật tử được cha mẹ dẫn đến chùa quy y từ thuở lên ba, lên bốn, thậm chí đặt pháp danh từ thuở còn nằm trong bụng mẹ. Đến khi trưởng thành vì dòng đời trôi cuốn, chẳng biết Tam Quy, chẳng trì Ngũ giới, tạo nhiều nghiệp không lành. Một ngày nọ gặp được bậc Minh Sư, hoặc gặp thiện tri thức khai tâm, chỉ lối, Phật tử thật sự nhận chân được giá trị đích thực của Quy Y và tìm đến một vị Thầy xin sám hối và nguyện thọ trì Tam Quy, Ngũ giới một cách tín thành. Cũng trong dịp này, Phật tử xin pháp danh lại để tự nhắc nhở mình, như đánh dấu kỷ niệm bước ngoặc của cuộc đời, trong trường hợp như vậy, thì có thể chọn pháp danh sau để gọi cũng quý. Còn trong trường hợp, muốn giữ pháp danh khi cha mẹ đưa đến chùa quy y thuở mới lọt lòng chẳng hạn, để nhớ công ơn của cha mẹ dắt dẫn, hướng chúng ta đi trên con đường thiện lành, hoặc nhớ công ơn và tấm gương vị thầy khai tâm từ thuở bé, thì cũng có thể sử dụng pháp danh đó như là pháp danh chính của mình cũng không sao.

Một điều nữa là đã quy y Tam Bảo thì nơi nào cũng vậy. Một vị Tăng nào quy y cho mình cũng chỉ là một thành viên nhỏ, đại diện cho Tăng đoàn mà thôi. Trong trường hợp vị Thầy nào vì muốn nhận mình trở thành một đệ tử đặc biệt, hay vì một động cơ nào đó, buộc quý Phật tử phải quy y lại, thì điều đó không nên dễ dàng chấp nhận theo. Nhưng trong một số trường hợp, một vị cư sĩ đã quy y rồi, nhưng tự thân suy nghĩ rằng việc quy y lúc trước chưa thành tâm, chưa hết lòng, chưa có tác dụng làm cho mình thăng tiến trên con đường cao thượng đưa đến hạnh phúc, an vui cho mình và cho người, đời này đời sau, chính vị ấy phát tâm xin quy y lại cũng là việc làm tốt. Phật pháp là bất định pháp, tuỳ theo căn cơ của mỗi chúng sanh mà có phương thuốc khác nhau. Do đó, chúng ta cũng không nên chấp chặt và có thái độ không cởi mở đối với các vị đã quy y hai lần, thậm chí nhiều hơn nữa. Dĩ nhiên là không thể xem việc quy y là trò đùa, cứ quy y rồi, nay mai lại xin quy y nữa, thì việc quy y và pháp danh mới thật sự mất ý nghĩa.

Trở lại vấn đề, sử dụng pháp danh nào không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng hơn hết là tên ấy gây ấn tượng và có tác dụng nhắc nhở mình thôi. Cũng giống như quý Thầy, quý Sư Cô cũng có Pháp danh, Pháp hiệu và Pháp tự, thậm chí có bút hiệu nữa. Mặc dù, tuỳ theo mỗi giai đoạn mà được đặt tên mới, nhưng không có điều gì là phải buộc dùng một pháp hiệu, pháp danh hoặc pháp tự cả.

Lời cuối, cầu chúc Phật tử luôn tạo nhiều thiện sự trong cuộc sống, hưởng được niềm vui của nếp sống chánh hạnh của một Phật tử tại gia.

Chúc quý Phật tử luôn hạnh phúc trong chánh pháp.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/10-quyyhailan.htm

 


Vào mạng: 1-9-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang