Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Đã quy y rồi, quy y Thầy khác có được không?
Phương Thanh hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

 Câu hỏi:

Nam mô A-di-đà Phật

Kính bạch Thầy,

Con có một số bạn bè và họ suy nghĩ là vị Thầy Bổn Sư của họ không được tốt nên họ định là sẽ quy y lại với một vị Thầy khác có vai vế hơn, và họ nghĩ là vị ấy có giới đức hơn. Xin hỏi việc làm như vậy có đúng không?

Kính.

Phương Thanh


Trả lời:

Phật tử Phương Thanh mến,

Việc một số bạn bè của Phật tử muốn quy y lại vì những lý do như Phật tử đã trình bày, quý Thầy có vài góp ý sau:

 Quy y là trở về nương tựa Ba Ngôi Báu, đó là Phật, Pháp và Tăng. Vị Tăng truyền Tam Quy và Ngũ Giới cho các vị Phật tử chỉ là vị đại diện cho Tam Bảo lúc đó mà thôi. Để giải quyết vấn đề Thầy truyền giới của mình không như mình mong ước, thì hãy nên theo tinh thần “Y pháp bất y nhân”, nghĩa là nương theo giáo pháp quý báu mà thăng hoa đời sống tâm linh, chứ không nên y chỉ vào một vị Thầy nào để làm “thần tượng” của đời mình.

Trường hợp bạn của Phật tử muốn quy y lại với một vị Thầy mới chỉ vì vị Thầy của mình không được tốt và vị Thầy mới có vai vế và giới đức hơn. Theo ý của người trả lời, trước nhất, là không nên. Vì việc làm như vậy, chưa chắc có điều gì tốt đẹp hơn đối với người cư sĩ trên con đường tâm linh, mà còn tạo nhiều thị phi trong cuộc sống đời thường, nếu không khéo, và có thể còn gây ảnh hưởng xấu đến các Phật tử  khác. Trường hợp này dẫn đến Thầy tôi tốt, Thầy ông/ bà xấu, v.v…và tệ hơn nữa, là phát sinh thái độ kênh kiệu, ngạo mạn đối với hàng Tăng Bảo và sẽ dẫn đến chỉ có Thầy mình, Sư Phụ mình, chùa mình. Các tâm niệm này đều là các tâm niệm bất thiện cần phải loại trừ.

Một điểm cần lưu ý khác, sự bất mãn của một Phật tử đối với một vị Thầy nào có phải xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân hay là đã nhìn đúng bản chất của Thầy đó? Vì trong nhiều trường hợp, vị Thầy hướng dẫn hoặc quy y  đó chỉ vì không thường xuyên trao đổi với các Phật tử, nên vị ấy cảm thấy thiếu thân thiện, nay gặp vị Thầy mới biết cách trao đổi với Phật tử nhiều hơn, do đó vị ấy mến vị sau. Chuyện này cũng xảy ra rất nhiều trên thực tế, và cuối cùng dẫn đến việc “phế-lập” một vị Thầy cũng chỉ xuất phát từ cảm tính, chứ chưa chắc vị Thầy kia đã không làm tròn bổn phận của người tu sĩ hoặc có quan điểm sai lạc.

Nhân đây, cũng xin trình bày một vài trường hợp đã xảy ra mà không đúng với tinh thần của người tu sĩ, đó là thái độ “nắm lấy” đệ tử của mình, không cho đệ tử của mình cúng dường, trao đổi với các vị Thầy khác. Bên phía Phật tử thì chỉ biết có một mình vị Thầy tế độ của mình, không coi các vị Thầy khác là gì, thậm chí luôn luôn “đoanh vây”, khiến Thầy mình không còn thời giờ để hoằng hoá độ sanh, cũng là một tệ đoan trong Phật pháp. Và đặc biệt hơn nữa, nhiều vị không hề để ý đến ý nghĩa thật sự của quy y và quy y điều gì. Trong khi đó, quy y là quy y Phật, quy y pháp (giáo pháp cao thượng của Đức Phật), chứ đâu chỉ quy y một vị Thầy! Nếu quy y chỉ một vị Thầy đặc biệt nào, chứ không để ý đến hai chỗ nương tựa quý báu khác thì thật mất hết tinh thần quy y. Đó là một hình thức khác của ái nhiễm và   ý nghĩa của quy y đã biến màu !

Viết đến đây, chúng tôi lại nhớ đến pháp thoại giữa Đức Phật và đại chúng, đặc biệt là Tôn giả Ànanda khi Đức Phật sắp từ giã cõi đời. Sự kiện này được ghi trong Kinh Đại-bát-niết-bàn (Mahàparinibbàna sutta), số 16,  thuộc Trường Bộ Kinh, lúc ấy Đức Phật sắp nhập niết-bàn, Ngài nằm giữa Tala song thọ tại thị trấn Kusinàrà (nay là Kusinagar), Đức Phật dạy: ”Nầy Ànanda, … chính Pháp và Luật sẽ là Đạo Sư của các ngươi”. (ĐTKVN,tr.663). Do đó, chúng ta nên lấy giáo pháp (Dhamma)   Luật (Vinaya) để làm kim chỉ nam cho đời sống tu tập tâm linh của mình, không nên nhận lấy vị Thầy quy y cho mình là “phao nổi” để qua biển sanh tử luân hồi. Dĩ nhiên, nếu Phật tử nào gặp được các bậc Thầy cao minh, có phạm hạnh, có giới đức trọn vẹn để làm gương mẫu cho đời sống tâm linh của mình thì là điều quý vô cùng.

Truờng hợp khác, cũng cần nên mở ở đây, là có một số vị Phật tử có ấn tượng rất mạnh đến vị Thầy đã làm lễ truyền Tam Quy va Ngũ Giới cho mình. Các vị đó xem vị Thầy mình là biểu tượng của đời sống tâm linh, cho nên một khi vị Thầy ấy bị sơ suất điều gì hoặc nghiệp duyên lôi cuốn, các vị Phật tử thấy như đời mình sụp đổ, vì thần tượng của đời mình không còn nữa, chẳng những thế, các vị đó còn đau khổ dằn dặt cho những niềm tin tuyệt đối trước kia mà các vị đó đã ươm trồng nơi vị Thầy kia. Nếu không có một vị Thầy hướng dẫn mới thật sự cho họ, thì họ mất hướng đi trong cuộc sống đời thường và cho đời sống tâm linh, do đó, việc nương tựa và quy y lại từ một vị Thầy mà các vị đó nghĩ là giới đức, là mô phạm, không phải là không có ý nghĩa.

Trong một trường hợp khác, vì thần tượng của mình bị sụp đổ, nên khi nhắc lại pháp danh của vị Thầy cũ đã cho,họ cũng cảm thấy khó chịu, thậm chí không còn muốn  giữ điều gì liên hệ đến vị Thầy cũ, ngay cả tượng Phật đang thờ. Dĩ nhiên, tâm trạng này thì quá cực đoan, càng phải sớm điều trị, không thì khổ cả đời vì những chuyện bất như ý xảy ra trong đời mình. Nếu trường hợp như vậy, đã khuyên  nhủ nhiều lần mà các vị chưa xoá sạch thành kiến đối với vị tăng trước kia, thì ta nên dùng hình thức thay thế để loại trừ những thành kiến không tốt đẹp đó. Điều này chúng tôi thiết tưởng có lợi ích nhiều hơn là để vị kia giữ hoài “kỷ niệm đau khổ”, “kỷ niệm bất mãn”. Mặt khác, trong trường hợp không quy y và không đặt pháp danh lại cho vị ấy, thì vị ấy không đến chùa lễ Phật, nghe Pháp, cúng dường thì tại sao ta không dùng phuơng tiện để hoá độ vị ấy. Điều này đúng với tinh thần độ sanh của Phật pháp,là nhắm đến lợi ích quần sanh nhiều hơn là nhắm đến mục tiêu khác.

Nhân tiện, cũng xin trình bày thêm là một số vị vì nhân gặp một vài vị hạ lạp lớn, hay có địa vị trong xã hội hoặc Tăng đoàn hoặc còn gọi là có “vai vế” như Phật tử nói, thì liền ngã lòng muốn nhận vị ấy là Thầy ngay, vì nghĩ rằng vị nầy nổi tiếng, mình mà đệ tử của vị nầy cũng mở mặt mở mày với Bổn đạo, mình cũng thơm lây, hoặc vì động cơ danh lợi. Đây cũng là một quan điểm hết sức sai lầm, vì theo Phật giáo, tuổi tác, vị trí lớn nhỏ, thậm chí kiến thức cũng chưa nói lên được đạo đức và trí tuệ thực của một người, hay nói cách khác là không nói lên giá trị của một người. Thời Phật còn tại thế, các Bà-la-môn thường tự phụ và có quan điểm sai lầm khi cho rằng mình sanh từ huyết thống Bà-la-môn nên vừa mới sinh ra là Bà-la-môn, là người có vị trí đặc ân từ Thượng Đế, v.v… thế là Đức Phật đã phải định nghĩa lại thế nào là một Bà-la-môn, chúng ta xem câu Pháp cú sau:

“Được gọi Bà-la-môn
Không vì đầu bện tóc
Không chủng tộc thọ sanh
Ai thật chân, chánh tịnh
Mới gọi bà-la-môn”.
(Pháp Cú, số 393)

Hoặc bài kệ số 396:

“Ta không gọi Phạm chí
Vì chỗ sanh, mẹ sanh
Chỉ được gọi tên suông
Nếu tâm còn phiền não
Không phiền não, chấp trước
Ta gọi Bà-la-môn”

Tương tự, trong trường hợp của chúng ta hiện nay, những vị có vai vế trong giáo hội hoặc trong xã hội, chúng ta cũng nên kính trọng, nhưng khẳng định rằng những vị có chức vị cao là những vị có giới đức hoặc là những vị có tài năng thật sự là một nhận định cần phải xét lại. Chúng tôi viết những dòng chữ trên, hoàn toàn không có ý phê bình, chỉ trích hoặc có thái độ không tôn trọng, hoặc thiếu niềm tin nơi các vị tôn túc, nhưng để mở ra những vấn đề có thể quý Phật tử không muốn trình bày rõ ràng.

Chúng tôi hy vọng rằng, những ý tưởng chúng tôi trình bày trên phần nào gợi ý cho cho Phật tử và tuỳ theo hoàn cảnh và trường hợp cụ thể của mỗi người mà chọn giải pháp tốt đẹp nhất để cùng thăng hoa trên con đường tâm linh hướng đến an lạc cho mình và cho người, cho hiện tại và mai sau.

Để đi đến kết luận cụ thể, thì chúng tôi xin nhường lại để mỗi vị suy nghĩ và đi đến quyết định của mình.

Chúc Phật tử Phương Thanh đạo tâm tăng trưởng và quan tâm, trợ duyên nhiều hơn nữa đến tâm tư và sự tu tập của thân hữu của mình. Chúc quý Phật tử thường hằng tinh tấn trên con đường thăng hoa cuộc sống. 

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/12-quyythaykhac.htm

 


Vào mạng: 19-9-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang