- Tu phước
và tu huệ?
Hỏi: Má con chuyên làm phước.
Nhưng quí Thầy thường khuyên má con tu huệ nữa. Như vậy, tu phước và
tu huệ là gì? Giá trị đạo đức của hai loại tu này thế nào?
Trả lời: Câu hỏi này có
hai phần rõ rệt:
- * Một là tu phước và giá trị của việc tu phước.
- * Hai là tu huệ và giá trị của việc tu huệ.
Tu phước là từ ngữ chỉ các việc
làm phước, các hành động phước thiện. Chẳng hạn như là: bố thí
cúng dường, đi chùa lạy Phật, hùn phước in kinh, đúc chuông tạo tượng,
tụng kinh hộ niệm, an ủi người già, thăm nhà người bệnh, nói chung là
những việc làm cứu người giúp đời.
Tu phước tạo nên phước báu. Phước
báo có công năng (giá trị) giảm thiểu nghiệp báo. Nghiệp báo là quả
báo do những nghiệp nhân bao gồm hành động bất lương, lời nói ác độc,
ý nghĩ bất thiện, đã tạo trước đây. Nghiệp báo gồm có những tai họa,
hoạn nạn, gian nan, trắc trở, khốn khổ, khốn nạn, xui xẻo, bệnh hoạn.
Người có nhiều phước báo sẽ
được giàu sang, quyền quí, vinh hiển, đẹp đẽ, thông minh, lanh lợi, may
mắn, đỗ đạt, thành tài, buôn may bán đắt, con cái ngoan hiền, hiếu thảo,
gia đạo bình an, êm ấm, gia đình hạnh phúc, vui vẻ, muốn gì được nấy,
cầu gì được nấy, nhiều người thương mến, cuộc sống hòa bình, an
nhàn, sung sướng. Người có phước báo, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ
hóa không, tai qua nạn khỏi. Như vậy mục đích của việc tu phước là để
dừng nghiệp và chuyển nghiệp.
Tuy nhiên nếu kiếp nào được hưởng
phước báo như trên, con người thường lo hưởng thụ, sung sướng quá,
quên mất việc tu tâm dưỡng tánh, lại tạo thêm nghiệp báo khác, do có
quyền lực và nhiều tiền bạc, nhưng thiếu đạo đức. Khi hưởng hết
phước báo, con người sẽ phải đền trả nghiệp báo, cứ lẩn quẩn
trong vòng sanh tử luân hồi.
Chúng ta đã từng nghe thấy các vị
hoàng đế hoàng gia, vương tôn công tử, quận nương công chúa, các nhà
tài phiệt tư bản, các vị giáo chủ, các nhà lãnh đạo, khi hưởng hết
phước báo (người đời thường gọi là tới số), bị chết một cách
thê thảm, do ám sát, do xử tử, do tai nạn trên xa lộ, hay chìm mất xác
trên núi tuyết, hoặc dưới biển sâu.
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
"Con người khi đang hưởng
phước báo, cũng như mũi tên bắn lên không trung. Mũi tên bay lên rất
nhanh, rất mạnh, cũng như con người gặp mọi sự may mắn, tốt đẹp,
như ý. Đến khi phước báo hết, con người bắt đầu đền trả nghiệp báo,
cũng như mũi tên hết trớn thì rơi xuống đất cũng nhanh như vậy".
Đó chính là phước hữu lậu (còn trong vòng sanh tử luân hồi) đó vậy.
Bởi vậy cho nên, Đức Phật dạy
chúng ta khi tu phước, làm tất cả những việc phước thiện, nhưng đừng
mong cầu hưởng phước báo, mà nên phát nguyện: "được phước duyên,
đời đời gặp Chánh Pháp, gặp thầy lành bạn tốt, giúp đỡ tu tập,
hướng dẫn pháp môn, cho đến ngày giác ngộ và giải thoát". Đó
chính là tu huệ.
Tu huệ là tu tập theo các pháp môn
Đức Phật dạy trong kinh sách, tùy theo khả năng, căn cơ, trình độ, hoàn
cảnh, sở thích của mỗi cá nhân, để phát triển trí tuệ bát nhã. Khác
với trí tuệ thế gian phục vụ con người về phương diện vật chất và
tinh thần, trí tuệ bát nhã giúp chúng ta giác ngộ được chân lý, giải
thoát khỏi những phiền não khổ đau, sống đời an lạc hạnh phúc, cư trần
lạc đạo.
Người phát tâm tu huệ thường tìm
thầy lành bạn tốt, học hỏi giáo lý, chọn lựa pháp môn thích hợp để
thực hành, tu tâm dưỡng tánh, chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý lăng xăn
lộn xộn, thành ba nghiệp thanh tịnh. Không thể nói rằng tu mà không cần
học hiểu giáo lý. Tại sao như vậy? Bởi vì, kinh sách ghi lại những lời
Đức Phật thuyết pháp, những lời chư Tổ sư giảng dạy, để làm gì?
Người phát tâm tu hành phải học giáo lý để thấy được chánh đạo,
tránh lọt vào tà đạo, nếu không chỉ là những người tu mù mà thôi. Những
người đã tu mù mà còn hướng dẫn nhiều người khác thì tai họa không
nhỏ!
Người phát triển được trí tuệ
bát nhã sẽ thấu hiểu tại sao phải tu phước, tại sao phải làm phước,
tu phước làm phước bao nhiêu mới gọi là đủ? Chẳng hạn như là: hiểu
được tại sao phải ăn chay, người tu tránh được tâm cống cao ngã mạn,
lòng kiêu ngạo thấy người khác chưa làm được như mình, tránh được tâm
nổi sân khi thấy người khác không làm giống như mình. Nhờ đó, người
tu sớm hàng phục được tâm mình và sống trong cảnh giới an lành vì tâm
được an. Đó chính là phước vô lậu (thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi)
đó vậy.
Vấn đề này còn nhiều chi tiết
quan trọng: trong khi tu phước đã có tu huệ, trong khi tu huệ cũng có tu phước.
Đức Phật dạy chúng ta nên: "PHƯỚC HUỆ SONG TU". Trong kinh sách,
chư Tổ có dạy: "Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật". Nghĩa
là: người nào tu phước và tu huệ đạt được tới đâu, an nhiên tự tại
tới đó, đến khi nào được toàn vẹn cả hai (lưỡng toàn) thì thành Phật,
thì là Phật. Một chúng sanh đã chuyển hóa thành một vị Phật.
Đức Phật được xưng tán là bậc
Lưỡng Túc Tôn, tức là bậc hoàn toàn đầy đủ cả hai phước và huệ.
Chư tăng ni được xưng tán là các bậc Tôn Túc, tức là bậc đầy đủ
phước và huệ đáng tôn kính.
Để tìm hiểu thêm vấn đề này,
quí Đạo Hữu có thể tham khảo các bài viết sau đây của Cư-sĩ Chính-Trực,
có đăng trong trang nhà Đạo Phật Ngày Nay:
- 1) Phước báu
(Sách Cư Trần Lạc Đạo, Tập 1, đã xuất bản năm 1999)
- 2) Tu Phước và Tu Huệ (Sách Cư Trần Lạc Đạo,
Tập 3, sắp xuất bản)