Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Cúng dường có phước không?
Thích Giác Hoàng trả lời

 

Thưa Phật tử,

Thật buồn khi nhận một câu hỏi như vậy. Một nỗi buồn thật sự, không phải vì bản thân của người trả lời hoặc cho Phật tử, hay cho một ai, mà buồn cho kiếp sống con người có nhiều đổ vỡ tan thương.

Chắc có lẽ Phật tử đã từng dằn vặt, boăn khoăn bao ngày tháng ! À, mình cúng dường cho vị này  nhưng vị này phạm hạnh không tròn, giới luật không nghiêm, v.v…Sư thành thật chia xẻ nỗi mất mát đối với Phật tử. Cầu mong những ngày tháng còn lại Phật tử gặp được bậc chân sư để hướng dẫn đời sống tâm linh của mình, cũng là ruộng phước điền để Phật tử gieo hạt giống giác ngộ.

Qua cách xưng hô, Sư đoán Phật tử cũng đã từng trải, tuổi đời đã lớn, chắc chắn đã gặp nhiều bậc cao tăng, học pháp cũng không ít. Vì đã cúng dường một vị tu học lâu nay, chắc đã thư từ qua lại, mà trước đó cũng đến với giáo pháp nhiều năm mới phát tâm cúng dường chứ!

Là Phật tử đến với giáo pháp, điều quan trọng là học pháp, tu tâm sửa tánh của mình. Học tu như thế nào  để những chuyện buồn trong cuộc sống giảm thiểu chừng nào thì chứng tỏ mình học đạo có tiến bộ chừng nấy. Sau khi tiến bộ tâm linh rồi, nếu mình có vật chất thì cúng dường ủng hộ cho chư Tăng tu học, trước là để kết duyên với Tam Bảo, sau nữa là để hỗ trợ cho chư Tăng có phương tiện để hoằng truyền chánh pháp. Ðồng thời bố thí hoặc cúng dường là giúp cho tâm mình được rộng rãi ra, tập lòng thương người mến vật. Do đó việc bố thí là yếu tố thứ yếu  trên con đường tu tập, chứ không phải là chánh yếu. Ðiểm chính yếu là tu tập tự tâm trước nhất, gọt rửa bợn nhơ trong tâm mình trước rồi hãy  làm các hạnh khác, chứ không thì tu tập thiếu căn bản lắm.

Vì trang nhà của Ðạo Phật Ngày Nay thành lập là để giúp người con Phật học hỏi điều hay lẽ phải với nhau, trao đổi kinh nghiệm tu tập tâm của mình, nên không có đăng tải những câu hỏi như cư sĩ vừa trình bày. Vì nếu đăng lên, ngoại đạo chê cười, Phật tử mất tín tâm đối với Tam Bảo thì tội lỗi không biết bao nhiêu mà kể. Mong Phật tử thông cảm cho.

Còn để đả thông vấn đề mà Phật tử hỏi, Sư nghĩ rằng quý Phật tử có thể đến thỉnh vấn những vị Tăng mà Phật tử thường lui tới cúng dường, hỏi pháp, tu tập thì tốt hơn. Quý Phật tử đến đó đảnh lễ  thưa hỏi pháp với quý Ngài, nhờ  quý Ngài giảng giải mà vấn đề Phật tử hỏi sẽ được tường tận hơn, cũng nhờ đó công đức học pháp của Phật tử được sanh khởi.

Tuy nhiên, Phật tử đã hỏi thì ở đây xin trình bày vài ý như sau:

Khi Phật tử phát tâm cúng dường, suy nghĩ gì khởi lên trong tâm của Phật tử ? Nếu cúng dường vì lòng mến mộ riêng thì phước đức đó không nhiều. Vì động cơ của nó không lớn, xuất phát từ cảm tình riêng. Ðiều này dễ dẫn đến gây nợ nần lẫn nhau trong nhiều kiếp, nếu vị kia không chứng đạt đạo quả. Tuy nhiên, tiền mà Phật tử cúng dường đó cũng không vì vị ấy không tu tịnh hạnh mà mất. Ðến một lúc nào đó, người kia sẽ trở lại làm tôi tớ, người làm công, v.v… để trả cái nợ kia. Trường hợp này cả hai đều không thanh tịnh, người cúng và người nhận đều không đúng pháp.

Nếu Phật tử cúng dường với tâm thành kính, đặt trọn niềm tin với Tam Bảo, hy vọng vị này là rường cột của Phật Pháp trong tương lai, đem ánh sáng giác ngộ đến mọi người, với động cơ như vậy, nhưng người thọ cúng không phải là bậc chân tu, chỉ giả trang thiền tướng để dụ dỗ mọi người. Nếu rơi vào trường hợp này thì phước đức của người cúng dường sẽ lớn hơn trường hợp đầu, vì tâm của vị cúng dường vì đạo pháp, vì mọi người, nhưng người thọ nhận sẽ trở lại làm tôi mọi, người hầu kẻ hạ, hoặc làm con cái trong gia đình trong tương lai hoặc kiếp sau để trả cái nợ của kiếp trước.

Trường hợp Phật tử tâm cúng dường tuy không thanh tịnh, xuất phát từ tình cảm riêng, nhưng nếu vị kia tu hành tinh tấn, đạo hạnh viên mãn  thì phước đức của người cúng dường cũng lớn. Mặc dầu, người cúng dường với động cơ không được tốt, nhưng nhờ vị thọ nhận hồi hướng phước đức, do đó vị  cúng dường sẽ bị tác động, phước đức cúng dường sẽ lớn hơn.

Trường hợp thứ tư thì quý báu hơn cả, tức là cả hai đều thanh tịnh, người cúng và người thọ đều thanh tịnh. Người cúng vì Phật Pháp mà cúng dường, nghĩ rằng vị Tăng ấy chỉ là một vị có nhân duyên trong đời mình gặp. Mình cúng dường vị ấy  với mục đích giúp chư Tăng có phương tiện hoằng truyền chánh pháp. Vị nhận kia tu hành tinh tấn,  hoằng pháp, tu hành nghiêm mật thì công đức của người cúng dường là quý báu hơn hết.

Căn bản là vậy, Phật tử có thể suy ra trường hợp nào là trường hợp của mình.

Nhân đây, Sư có đôi lời khuyên như thế này: Ðã phát tâm cúng dường rồi, dù vị ấy như thế nào đi nữa, cũng nên giữ tâm thanh thản. Vì tất cả quý Thầy cũng như quý Phật tử đều đang tu học, chưa ai có thể chứng được Thánh quả. Do đó, rất nhiều trường hợp 1, 2 và 3 xảy ra trong đời, chứ ít khi rơi vào trường hợp thứ tư. Thời Phật còn tại thế mà còn rất nhiều trường hợp tu hành không thanh tịnh, hoàn tục tới bảy lần, huống chi thời  nay cách Phật quá xa thì không làm sao tránh khỏi những tệ đoan trong Tăng đoàn.

            Trong Kinh còn cho rằng khi cúng dường mà sanh tâm hối tiếc, kiếp sau sanh trong gia đình giàu có mà mình không hưởng được sự giàu sang ấy.

            Cúng dường mà tâm không hoan hỷ, kiếp sau được giàu có, nhưng trong gia đạo không được vui.

Chỉ muốn cúng dường một mình, không cho người khác cùng cúng dường thì kiếp sau giàu có, nhưng cô độc, không có quyến thuộc.

Nhân quả tội phước không bao giờ sai chạy. Nếu người thọ nhận mà không đường hoàng thì vị ấy tự nhận quả báo thôi. Phật tử nên nghĩ như thế này: cho một người ăn xin qua đường còn gọi là tạo phước, giúp người canh cô mồ quả không người nuôi dưỡng cũng gọi là tạo phước, huống chi là giúp đỡ một vị Tăng nào ăn học hoặc thọ trì pháp môn nào, sao không có phước đức được ?

Vị Tăng kia nếu tu hành không đường hoàng thì nhân quả hiện đời có thể trổ, có thể vì một duyên nào đó khiến cho vị ấy bị Tăng đoàn quở phạt, hoặc thậm chí không thể tiếp tục đời sống tu hành của mình. Nếu trường hợp đó xảy ra, Phật tử cũng đừng tiếc là mình cúng dường không đúng người !

 Vả lại, tâm người bất định, nay vầy mai khác, khi chưa chứng Thánh vị đều có thể lọt vào tà đạo lúc nào cũng không hay biết. Do đó, vị mà được thọ nhận trước kia có thể tu hành đường hoàng tinh tấn, nay vì nghiệp lực kéo xô mà lọt vào “bể ái sông mê” cũng là lẽ thường. Trong đạo quý Thầy chứng kiến rất nhiều sự kiện như vậy. Ngược lại, chứng kiến cảnh vấp ngã rồi đứng lên, dõng dạt dứt bỏ quá khứ, làm lại từ đầu cũng rất nhiều!

Sư có đôi lời như vậy, hy vọng chút suy nghĩ này có thể giúp chút đỉnh gì cho Phật tử.

Lời cuối, cầu chúc Phật tử tu hành tinh tấn, xả bỏ tâm niệm “mình-người” để tâm được thanh thản hơn, tu hành được hiệu quả hơn. Chúc Phật tử tinh tấn.

Nam-mô A - Di - Ðà Phật

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/cungduong.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang