Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Kinh nghiệm tu thiền
Nguyên Quang hỏi, Thích Giác Hoàng trả lời

 

Kính gởi Thầy,

Hôm nay trò xin thành thật hỏi thăm Thầy trong bước đường tu tập.... Nay mới có dịp gặp được trang Web trong đó có Thầy cộng tác, nên vội vàng hỏi thăm Thầy. Kính nhờ Thầy từ bi lập hạnh giác tha hướng dẫn và giải đáp thắc mắc những điều trò đang thắc mắc từ lâu nay. Kính mong Thầy chiếu cố.

Trước đây, trò có học tu theo pháp Thiền Quán Hơi Thở và hàng đêm ngồi quán chiếu hơi thở. Khi trò thực hành được hơn hai năm, vào lúc canh khuya đang ngồi thiền thì thì tự nhiên trong đầu có tiếng nổ rất lớn, sau đó nhiều tiếng nổ nhỏ. Tiếp theo, sau đó khoảng thời gian 5 tháng thì chuyện này lại lập lại như lần trước. Hiện giờ khi ngồi thiền trò nhận thấy thân người lơ lửng như đang ngồi trên võng đong đưa. Khi ngồi thiền khoảng 1 giờ 30 khuya lại có mùi dầu thơm nhẹ. Không phải nhang thơm, chẳng phái dầu thơm. Trò nhận thấy cơ thể bình thường, đầu óc cũng bình thường.

Nay kính hỏi thăm Thầy hiện tượng ấy như thế nào? Nhờ Thầy từ bi hướng dẫn giúp Trò.

Kính chúc quý Thầy trong Đạo Phật Ngày Nay nhiều sức khỏe để hướng dẫn Phật Pháp, truyền bá giáo pháp đến với chúng sanh.

Kính,

Nguyên Quang (Vũng Tàu)

*******

Kính chào Phật tử Nguyên Quang,

Trước nhất, Giác Hoàng xin đại diện quý Thầy có lời cầu chúc sức khỏe đến Phật tử, cũng như cầu chúc Phật tử gặp nhiều thắng duyên trên đường tu tập, hóa giải những chướng ngại của mình.

Thứ nữa, vì  có chút việc bận rộn, nên không thể phúc đáp đến Phật tử sớm như nguyện được, mong Phật tử thông cảm cho.

Thưa Phật tử,

Kinh nghiệm tu thiền của GH cũng chưa có là bao, có thể nói là không có nữa là khác, do đó, thật tình mà nói, không dám trả lời. Tuy nhiên để đáp lại tấm lòng của Phật tử đã hỏi, GH xin trình bày vài thiển ý như sau:

1.                      Tiếng nổ lớn và tiếng nổ nhỏ tiếp theo: đó không phải là dấu hiệu của tiến bộ thiền định.

2.                      Khi ngồi thiền, thân của Phật tử cảm thấy bị lắc như trên võng đưa, đó là dấu hiệu của thân tâm vọng động.

3.                      Khi ngồi thiền khoảng 1giờ 30 khuya có mùi dầu thơm nhẹ: đó là ma cảnh hiện.

                                                                         

Tại sao có những kết luận như vậy? Xin giải thích vài ý như vầy:

1. Tiếng nổ trong đầu

Cho đến nay, GH vẫn chưa thấy có vị nào tiến bộ về thiền định lại có dấu hiệu như vậy. Do đó, có thể là do quá trình tập trung tư tưởng hay quán niệm hơi thở của cư sĩ không được đúng cách mà sanh ra nghe tiếng nổ như vậy. Trong quá trình tu tập thiền định, chỉ cần không nhiếp niệm trong một tích tắc, các thứ tạp niệm của quá khứ liền tràn về, ví dụ những tình cảm buồn vui, sân hận chém giết….. các trạng thái tâm lý lâu  nay bị đè nén hoặc không có cơ hội để trỗi dậy, nay tâm của hành giả không   quá vướng bận những chuyện hiện tại, thế là các trạng thái tâm niệm cũ lại  hiện về, như một cuốn phim quá khứ chiếu chậm trên màn ảnh tâm hiện tại. Vấn đề khó ở đây là không biết được nghiệp của quá khứ của cư sĩ, nên khó đoán được chính xác. Vì theo kinh nghiệm của các đồng học cũng  như của bản thân, phần lớn đều cho rằng các chứng bệnh phát sanh trong quá trình tu tập, là ảnh hiện của nghiệp quá khứ. Nếu mình là người sát sanh, là đồ tể trong quá khứ thì khi tập trung tư tưởng lại nghe các tiếng kêu la thảm thiết của các động vật giết hại. Nếu mình là người đã từng tham gia các cuộc chiến thì cảnh chiến tranh giết chóc lại tái hiện trên màn ảnh của tâm. Nếu mình là người ca sĩ thì hay nghe các điệu nhạc du dương, …. đó là do nghiệp cũ của mình trỗi dậy trong tâm thức. Trường hợp của cư sĩ có phải là do bị ám ảnh một tiếng động lớn nào thời quá khứ hay không? Theo chỗ GH đoán là có thể có  nghe một tiếng động gì đó trong quá khứ, thậm chí là các ấn tượng của kiếp trước mà chưa có cơ hội tái hiện, nay trong khi tu thiền tâm cư sĩ tương đối yên tịnh thì những ấn tượng của quá khứ lại trỗi dậy.

Nếu trường hợp như vậy, các thiền sinh được khuyên là nên nhận chân đó là nghiệp lực của mình phát khởi, nhận chân chúng một cách rõ ràng, bình thản để quán sát chúng, không nên kinh sợ. Nếu trường hợp tâm lý sợ hãi phát sinh trong quá trình tọa thiền, thì nên thưa với các vị Thầy hướng dẫn của mình, để vị Thầy sẽ   hướng dẫn đúng cách: có thể cho một vị tới cùng tu chung hoặc  yêu cầu tu chung với đại chúng. Vì  tu chung với đại chúng giúp chúng ta vượt qua những trở ngại một cách dễ dàng, nhờ điện trường của tập thể khiến cho tâm của mình ít bị xao động, khiến cho tâm chúng ta dễ an tịnh hơn và những chướng nghiệp của quá khứ khó sinh khởi trong tâm.

Do đó, khi tu thiền, đôi lúc cần sự yên tịnh độc lập, nhưng đôi lúc cần sự hỗ trợ của đại chúng rất lớn, đặc biệt là cần một vị Thầy hướng dẫn. Vì các vị Thầy đã có kinh nghiệm nhiều về các trạng thái tâm phát sinh trong quá trình tu thiền, các vị ấy  theo dõi các trạng thái tâm của mình như thế nào để điều chỉnh đúng lúc hơn. Các cảm thọ phát khởi trong khi tu thiền, nếu không nhờ  Thầy khuyên bảo, chỉ dẫn, rất có thể mình bỏ ngang nửa chừng  vì không chịu đựng nổi các cảm giác thuộc giác quan sinh khởi. Ví dụ như ngứa ngáy   sinh khởi, nếu không bình tĩnh thì hành giả dễ dàng bỏ ngang để gãi, hoặc các trạng thái đau nhức, mỏi mệt của cơ thể, tức ngực v.v… sẽ phát sinh, nếu không kiên trì để vượt qua thì công phu của mình sẽ bị gián đoạn.

Hãy quán sát các trạng thái sanh khởi trong quá trình ngồi thiền. Nó đến và đi là bản chất sanh diệt của vạn pháp, trong đó có cả nghiệp lực phát khởi, nó cũng chỉ là một trong vô số hiện tượng của tâm - cảnh mà thôi. Hãy bình tĩnh quán sát chúng là pháp sanh diệt thì chúng sẽ trôi qua, không hề tái hiện nữa. Cũng vậy, khi nghe có tiếng nổ lớn trong đầu, có thể là do nghiệp lực phát khởi, mình bình tĩnh quán sát thì có thể  các trạng thái ấy sẽ không xuất hiện nữa.

 

2. Thân cảm thấy bị lắc lư như đang ngồi trên võng đưa

Khi ngồi thiền cảm thấy thân mình lơ lửng như đang ngồi trên võng đong đưa là một hiện tượng cực xấu của thiền định. Hiện tượng trạo cử (lúc lắc, đong đưa) của thân còn dễ trị, ở đây Phật tử lại “cảm thấy” bị đong đưa, chứng tỏ là tâm của Phật tử bị dao động cực mạnh, không làm chủ được tâm của mình. Có thể nói đó là một thứ bệnh. Dấu hiệu tốt của Thiền định là thanh thản, nhẹ nhàng, sáng suốt mà yên tịnh, yên tịnh mà sáng suốt, thân tâm khinh an (nhẹ nhàng) chứ không phải như Phật tử trình bày như vậy.

Trường hợp như vậy, có lẽ là cư sĩ ngồi chưa đúng cách, thân không thẳng hoặc quán niệm hơi thở chưa đúng cách. Vì  theo dõi hơi thở đúng cách thì tâm không lìa hơi thở, tâm không lìa các cảm thọ. Nếu giữ tâm bình tĩnh như vậy thì chắc chắn tâm định tĩnh rõ ràng thì sẽ không có trạng thái tâm cảm thấy bị lắc lư.  Với lại, GH không biết rõ tâm của Phật tử cảm thấy bị lắc lư mà thân vẫn ngồi yên đàng hoàng? Hay là thân cũng lắc lư luôn ?  Nếu chỉ có tâm cảm thấy bị lắc lư không thôi, rõ ràng là chứng bệnh của tâm. Còn nếu thân cũng bị lắc lư nữa thì rõ ràng là thân bị “trạo cử”,  một trong năm chướng ngại lớn của tu tập thiền định mà đức Phật gọi là “ngũ cái”, nghĩa là năm thứ che lấp, ngăn trở tu tập thiền định, đó là dục tham sanh khởi (tham), sân hận sanh khởi (sân), thân ngồi không yên, cảm thấy bị dao động (trạo cử), ngồi thiền bị ngủ gục (hôn trầm) và nghi ngờ về pháp tu của mình có đưa đến pháp của bậc thượng nhân không (nghi). Ðây là năm điều chướng ngại rất lớn mà bất cứ hành giả nào tọa thiền đều bị một trong 5 thứ chướng hoặc bị cả 5 thứ chướng này ngăn che. Do đó, hành giả khéo tác ý và tu tập để khắc phục năm thứ ngăn che này, tu thiền mới có kết quả được.

 

3. Có mùi thơm nhẹ vào giờ khuya

Theo như Phật tử nói, khi ngồi thiền vào 1 giờ 30 thì có mùi thơm nhẹ, mà đó không phải là hương thơm của dầu hoặc nhang, thế là mùi thơm gì? từ đâu đến?

Trước nhất, thành thật tán thán sức tinh tấn của Phật tử. Việc tu như vậy thể hiện khả năng thiền định của Phật tử.   Trường hợp như vậy có  hai trường hợp. Một là tu tập có hiệu quả lớn được chư thần, chư thiên rải hương hoa cúng dường. Trường hợp này   chỉ xuất hiện đối với các vị có công phu tu tập đặc biệt và phần lớn khi xả bỏ báo thân. Còn trường hợp Phật tử cần phải cẩn thận. Vì theo Luận Đại Thừa Khởi Tín, phần “Nói về các thứ ma chướng trong khi tu thiền”  có đoạn cho rằng đó có thể là các thứ ma xuất hiện để lạc dẫn hành giả, khiến cho hành giả lọt vào lưới ma mà không biết. Nguyên văn đoạn đó như vầy:

Nếu chúng sanh nào căn lành mỏng ít, bị các tà ma ngoại đạo, hoặc quỷ thần làm não loạn, trong khi hành giả tham thiền, chúng hiện các hình tướng ghê sợ, hoặc hiện kẻ trai người gái xinh đẹp v.v... thì phải quán Duy tâm, lúc bấy giờ các ma này tiêu diệt, không còn làm gì nữa được.

Hoặc chúng hiện hình chư Thiên, Bồ Tát, Phật, cũng đủ các tướng tốt; hoặc nói thần chú, nói pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ; hoặc nói pháp bình đẳng, không, vô tướng, vô nguyện, không oán, không thân, không nhơn, không quả, rốt ráo trống không vắng lặng, gọi đó là Niết-bàn. Hoặc chúng làm cho hành giả biết được đời trước của mình (túc mạng thông) hoặc biết những việc quá khứ vị lai, biết đặng tâm người (tha tâm thông) biện tài vô ngại. Chúng làm cho hành giả tham luyến danh lợi ở thế gian v.v...Hoặc ma làm cho hành giả tánh không chừng đỗi, hay giận, hay cười, ưa ngủ, nhiều bịnh, hoặc nhiều thương xót, tâm hay giải đãi; hoặc có khi rất tinh tấn, có lúc lại bê tha hoặc sinh tâm nghi ngờ không tin, và nhiều lo nghĩ; hoặc bỏ pháp tu căn bản, trở lại tu các tạp hạnh; hoặc đắm nhiễm các việc triền phược ở thế gian; hoặc làm cho hành giả đặng chút ít phần tương tợ như các pháp tam muội, song đó là cảnh bị chứng của ngoại đạo, không phải thật tam muội; hoặc làm cho hành giả ở trong Định, từ một ngày hoặc đến bảy ngày, tự nhiện đặng món ăn thơm ngon, thân tâm vui thích, không biết đói khát; khiến cho hành giả rất ưa thích. Hoặc làm cho hành giả ăn không chừng đỗi, khi nhiều khi ít, sắc mặt biến đổi luôn. Khi gặp những cảnh như vậy, hành giả phải thường dùng trí huệ quán sát, siêng năng giữ gìn Chánh niệm, không nên chấp thủ, chớ để cho tâm mình đoạ vào lưới tà. Phải như thế hành giả mới xa lìa được các ma chướng.

Hòa Thượng Thiện Hoa đã giảng giải thêm đoạn trên như vầy:

Người tu thiền định, khi phá trừ ngũ ấm, sẽ bị trên năm chục món ma, biến hiện đủ cách để thử thách và não hại người tu Thiền.

Khi gặp các cảnh ma ấy, hành giả phải dụng tâm như thế nào, và dùng những phương pháp gì để diệt trừ, thì trong Kinh Lăng Nghiêm Phật đã dạy rất rõ ràng và kỹ lưỡng, (quí vị nên đọc đoạn Ngũ ấm ma trong quyển Đại Cương Lăng Nghiêm).

Trong Luận này, Ngài Mã Minh Bồ Tát chỉ nói sơ lược về ma; Hoặc chúng hiện thân Phật, thân Bồ Tát; hoặc nói kinh thuyết pháp thông suốt; hoặc làm cho người tu thiền biết được việc quá khứ, vi lai; hoặc đặng túc mạng thông, tha tâm thông, biện tài vô ngại; hoặc làm cho người tu thiền tham lam danh lợi, v.v...

Khi gặp các cảnh ma như vậy, hành giả phải đừng quyến luyến, nhiễm trước và đừng sanh tâm vui mừng hay lo buồn, mà phải luôn luôn quán Duy tâm; nghĩa là quán do dụng công tu thiền, nên tâm hiện ra các cảnh như vậy, chứ không có gì lạ và cũng không phải chứng chi cả. Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: ". ..Nếu hành giả không chấp mình được Thiền hay chứng Thánh thì tốt, còn chấp mình Thiền hay chứng Thánh thì đoạ vào tà đạo" (Bất tác Thánh tâm danh thiện cảnh giới, nhược tác thánh giải tức thọ quần tà). Phải dụng tâm như thế thì các cảnh ma kia tự nhiên tiêu diệt. Nếu hành giả vui mừng, cho mình được Thiền hay chứng Đạo v.v...thì bị ma ám ảnh nhiễu hại; vì các việc ma là hiện thân của sự tham luyến vui buồn chấp thủ.

*******

Thú thật, công phu tu tập về thiền định của GH chưa  có được là bao. Chỉ tập tò tu học chút đỉnh, chưa xứng đáng để hướng dẫn thiền định hoặc giải nghi những vấn đề Thiền định.  Những ý tứ trên chỉ  là đáp lại tấm lòng tin tưởng của cư sĩ mà thôi, chứ không dám nói đó là những ý tưởng chân xác có khả năng hóa giải những vấn đề thiền định cả pháp học và pháp hành. Do đó, cư sĩ  nên tham vấn  chư vị có công phu sâu dày về mặt này.

Cầu chúc Phật tử mau chóng hóa giải được những chướng nạn như Phật tử trình bày. Cầu cho Phật tử thân an tâm lạc, được nhiều kết quả tốt đẹp hơn khi tu tập thiền định. 

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/kinhnghiemtuthien.htm

 


Vào mạng: 11-5-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang