- Lạy Phật, nếu ngồi
lạy chỉ tính có nửa thôi, có đúng không ?
Thưa Sư,
Trong “Mười
Hạnh Nguyện” của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, thứ nhất là Lễ kính chư Phật.
Vậy khi Phật tử chúng con lạy Phật thì phải lạy đứng lên quỳ xuống
lạy mới đủ trọn vẹn một lạy Phật, còn nếu mà ngồi lạy thưa Sư có
phải chỉ tính có nửa lạy thôi ??? Xin Sư chỉ dạy để Phật tử chúng
con được am tường.
Con xin chân
thành cám ơn Sư rất nhiều.
Nam Mô A Di
Ðà Phật
Phật tử
Thùy Ngọc
*******
Chào Phật
tử Thùy Ngọc,
Cách thức
lễ lạy không quan trọng lắm. Quan trọng là tâm lễ, chứ không phải là
thân lễ. Phật là bậc Ðại Giác đã đem ánh sáng giác ngộ cho đời, Phật
tử lễ lạy Ngài là để thể hiện lòng biết ơn, lòng tôn kính vô biên
đối với Ngài. Cổ đức có dạy: “Lễ Phật giả kính Phật chi đức”,
nghĩa là lễ Phật là kính lễ cái đức của đức Phật. Cho nên, chúng ta
không nên đặt nặng cung cách lễ lạy
lắm, miễn là chúng ta lễ với tâm thành và hợp với thuần phong mỹ tục
nơi mình đang cư ngụ là được.
Về cách thức
lạy Phật ở mỗi nước đều có nét đặc thù riêng. Ngay cả trong mỗi nước
cũng có những điểm khác biệt. Ví dụ, ở Việt Nam, truyền thống Bắc
tông khi lễ Phật là đứng lên lạy xuống 3 lần. Nếu lạy hồng danh của
chư Phật thì xướng một danh hiệu Phật, lạy một lạy. Truyền thống
Nam Tông thì ngồi xuống một bên rồi làm lễ. Truyền thống Khât Sĩ thì
quỳ lạy, mỗi lạy chỉ ngước đầu lên rồi xá và lạy xuống.
Còn các nước
khác theo Phật giáo thì cách thức lễ Phật ra sao? Các Sư Thái Lan phần lớn
ngồi xuống rồi mới lễ Phật. Chư Tăng Tích Lan thì quỳ xuống rồi đảnh
lễ 3 lần, không cần đứng dậy, chỉ
quỳ và đảnh lễ gọi là “Baddha Pariyanka” nghĩa là lễ theo thế quỳ,
còn chư Ni hoặc nữ cư sĩ khi đảnh lễ chư Phật hoặc chư Tăng thì ngồi
xuống, khép hai chân một bên rồi đảnh lễ y như truyền thống Phật giáo
Thái Lan, gọi là “Addha Pariyanka”, nghĩa là lễ theo thế ngồi một bên.
Ở Ðài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam phần lớn cách lễ
đều giống nhau, tức là đứng lên lạy xuống như truyền thống Bắc tông
ở Việt Nam mình vậy.
Riêng truyền
thống Tây Tạng thì lạ nhất, họ lễ Phật theo nghi thức duỗi hai tay và
nằm dài hướng về phía trước, rồi
đứng lên, cứ như vậy 3 lần hoặc lạy vô số lạy đối với một vị Phật hoặc một vị Bồ-tát
nào vị ấy hằng ngưỡng mộ. Cách lạy này phổ biến nhất trong Phật
giáo Tây Tạng, nhưng không bắt buộc ai cũng phải lạy như vậy, tùy theo
khoảng không gian cho phép hay không ? Quý Thầy thấy khi các Phật tử Tây Tạng
đảnh lễ các vị Giáo thọ (tiếng Tây Tạng gọi là Geshela, nghĩa là bậc
Thầy hướng dẫn tâm linh) tại các trung tâm Phật giáo Tây Tạng như tại
Library of Tibetan Works and Archives thuộc Dharamsala thì họ chỉ đứng lên lạy
xuống như các chùa Bắc tông thôi, hoặc đứng tại chỗ chắp tay nghiêm
trang ngang ngực. Ngoài ra, cũng có những vị quỳ lễ như theo truyền thống
Khất Sĩ.
Cách lễ Phật
theo truyền thống Trung Quốc gọi là “ngũ thể đầu địa” nghĩa là năm
vóc: đầu, hai tay, hai chân phải sát đất. Ðiều này cũng có vị hiểu lầm
là lễ Phật như Phật giáo Tây Tạng mới đúng năm vóc gieo xuống. Nhưng
thật ra, nếu như cách lễ theo truyền thống Tây Tạng thì không gọi là
“năm vóc gieo xuống” mà là “toàn thân gieo xuống” !
Ở Ấn Ðộ,
để thể hiện lòng tôn kính, quý trọng, mọi người khi gặp nhau nếu là
ngang hàng thì họ chắp tay lại để ngang ngực. Nếu là con cháu gặp ông
bà thì cuối xuống chạm tay nhẹ vào chân của bậc trưởng thượng rồi
để lên trán, hoặc trên đầu. Phật tử thuần thành khi gặp chư Tăng ngoài
đường thì họ cuối xuống làm dấu hiệu cũng tương tự, nhưng nếu tại
tư gia thì Phật tử quỳ xuống đảnh lễ như truyền thống Phật giáo Nam
truyền, nghĩa là ngồi xuống rồi đảnh lễ 3 lạy.
Do đó, thật
là không đúng khi chúng ta đặt nặng về hình thức lễ lạy. Tuỳ phong tục
truyền thống mỗi nơi mà hình thức lễ lạy có khác nhau. Lễ Phật chỉ
là phương tiện để thể hiện tâm thành, nếu có phước là nhờ tâm
thành và cách thể hiện lễ, còn chỉ có
“hành động lễ” không thôi thì không
có phước ! Chính vì những vị lễ Phật mà không hiểu được ý nghĩa,
không có tâm thành, lạy Phật cho xong
bổn phận, nên quý Thầy mới dùng từ “cuốc” để ám chỉ cho mấy trường hợp ấy là vậy.
Vài lời
trao đổi cùng với Phật tử. Cầu chúc Phật tử luôn tinh tấn đảnh lễ
chư Phật, chư đại Bồ-tát, chư đại đệ tử Thánh Tăng của đức Phật,
và những bậc Sư trưởng mà chúng ta hằng quy ngưỡng, nhờ đó hạt giống
niềm tin và đạo đức của chúng ta được tưới tẩm, phát triển và một
ngày kia trổ hoa tô điểm cuộc đời.
Chúc Phật
tử an vui và tinh tấn.
http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/layphat.htm