Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Bổ sung bài Lạy Phật, nếu ngồi lạy chỉ tính có nửa thôi, có đúng không?

 

Nhận được bài  đóng góp bổ sung của cư sĩ, quý Thầy rất hoan hỷ, xin giới thiệu đến quý Phật tử. Trong bài viết ngắn này, cư sĩ Thanh Sơn nhấn mạnh đến oai nghi tế hạnh  trong khi hành lễ, điều đó có liên hệ đến cách thể hiện tâm thành của người hành lễ và  cũng là cách thể hiện lòng tôn trọng của mình đến các thiện hữu tri thức đang cùng tu. Chúng tôi cũng đồng ý  rằng nhiều người nói là rất cung kính đức Phật, cung kính đức Phật vô biên, nhưng khi lễ Phật thì thiếu oai nghi, làm phiền lòng đến các bạn đồng tu, điều đó khi lễ Phật dù có tâm thành đi nữa nhưng công đức cũng chưa trọn vẹn, và  điều đó cũng có nghĩa là mình chưa tiết kiệm tối đa phước đức của mình.

Cũng xin lưu ý là trong thực tế nhiều vị quá chấp, cứ khăng khăng cho cách lễ của mình là tiêu chuẩn nhất, điều đó gây không ít trở ngại cho đời sống tu tập của mình, vì lúc nào cũng nghĩ là mình đúng, và người kia sai, do đó tâm niệm “thị phi” luôn rình rập vị ấy, làm cho chính vị ấy tiêu hao công đức của mình mà không hay. Cụ thể là nhiều vị qua Ấn Độ tu tập, sau đó thích cách lễ của người Tây Tạng, rồi lại không tôn kính cách lễ “ngũ thể đầu địa” như Trung Hoa, Việt Nam nữa mà cho rằng lễ Phật như người Tây Tạng mới chí thành, mới có phước đức, rồi lại tuyên truyền, cổ xuý cách lễ như người Tây Tạng!

Cách thể hiện lòng tôn kính tôn tượng chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thánh Tăng, cũng như cách thể hiện xá bái, chào hỏi đối với chư Tăng Ni cốt là để bày tỏ và nhắc nhở lòng tôn kính thật sự trong tâm của mình đối với Tam Bảo, nhằm triệt hạ cây cờ ngã mạn trong tâm của mỗi hành giả, nhằm nuôi dưỡng lòng khiêm hạ đối với mọi người, nhằm nêu cao tinh thần biết ơn đối với những bậc hữu công. Do đó, cũng xin thưa, không những lễ Phật mới có công đức mà đảnh lễ các bậc đạo cao đức trọng; tôn kính, xá bái, khiêm cung trước các bậc thiện hữu tri thức, thì chính tâm niệm từ tốn, khiêm hạ, nhún nhường ấy cũng sẽ là những nhân, những duyên hỗ trợ cho các hạt giống thiện phát triển.

Tấm gương tiêu biểu nhất cho tâm thành đảnh lễ  trong Kinh điển có lẽ không có hình ảnh nào sống động hơn hình ảnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh trong Kinh Pháp Hoa. Kính mong các Phật tử tu tập hạnh khiêm hạ, tinh tấn lễ Phật, chư đại Bồ-tát, chư Thánh Tăng để tăng trưởng thiện tâm của mình.

Kính chúc quý Phật tử vô lượng an lạc.

Thích Giác Hoàng

*******

 

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT

Kính thưa Thầy Giác Hoàng,

Ðệ tử là Thanh Sơn, trước tiên kính chúc Thầy thân tâm an lạc, đạo hạnh viên mãn trong sứ mệnh truyền bá giáo lý từ bi, trí huệ và giải thoát đến chư thiện tín hữu duyên.

Kính thưa Thầy,

Ðệ tử đã có đọc câu hỏi của một Phật tử hỏi về công đức lễ lạy chư Phật và Bồ Tát qua thế ngồi. Thầy đã hướng dẫn cặn kẻ từng chi tiết, cách thức lễ lạy trong các oai nghi, đứng, quỳ và ngồi theo truyền thống cổ truyền của Phật giáo Việt Nam... "Cách thức lễ lạy không quan trọng lắm. Quan trọng là tâm lễ, chứ không phải là thân lễ. Phật là bậc Ðại Giác đã đem ánh sáng giác ngộ cho đời, Phật tử lễ lạy Ngài là để thể hiện lòng biết ơn, lòng tôn kính vô biên đối với Ngài. Cổ đức có dạy: “Lễ Phật giả kính Phật chi đức”, nghĩa là lễ Phật là kính lễ cái đức của đức Phật. Cho nên, chúng ta không nên đặt nặng cung cách lễ lạy lắm, miễn là chúng ta lễ với tâm thành và hợp với thuần phong mỹ tục nơi mình đang cư ngụ là được".

Ðệ tử xin mạn phép bổ sung một ý kiến nhỏ về thể thức lạy trong oai nghi: Quỳ phối hợp với "Ngũ thể đầu địa" để hợp với thuần phong mỹ tục. Ở đây đệ tử nghĩ rằng, chúng ta lễ Phật là tôn kính oai đức của Phật, nên phải đem hết cả thân và tâm, chứ không phải chú trọng ở tâm lễ mà thôi. Vì vậy, phải dùng hết cả thân tâm mà lễ Phật với oai nghi "Ngũ thể đầu địa" nghĩa là "gieo năm vóc sát đất chí thành" như sau:

- Quỳ xuống theo tư thế hai bắp vế khép sát vào nhau.

- Hai mông (đít) phải đặt sát trên hai gót chân, với tư thế này, hai mặt trước của bàn chân sẽ sát đất và song song với mặt đất. Không được chống mười ngón chân lên, vì toàn thể sức nặng của thân người dồn hết xuống hai bàn chân, nếu làm như thế, quỳ lâu sẽ sanh ra mỏi và đau nhức mười ngón chân.

- Thân thẳng đứng trụ trên hai gót chân, đầu nhìn thẳng về phía trước.

- Hai tay chấp trước ngực theo thế búp sen.

Khi bắt đầu lạy, hai bàn tay trong tư thế búp sen đưa lên trán, kế đó đem xuống trước ngực. Cúi gập thân mình xuống phía trước trong khi đó hai mông vẫn bám sát hai gót chân, không được chổng mông lên. Ở vị thế này có nhiều người không ý thức được trong khi cúi gập thân mình xuống lạy, làm phiền những người ở ngồi ở phía sau. Hai bàn tay khi đã sát đất thì mở ra như đóa sen nở, hai cánh tay khép song song với nhau làm thành cọng sen, hai cùi chỏ phải đụng vào hai đầu gối, đầu cúi sát xuống đặt vào trong hai bàn tay đã mở ra. Khi ngẩng đầu lên đem hai bàn tay trong tư thế búp sen đặt vào trước ngực, cứ như thế tiếp tục lạy đến khi đủ số.

Lạy Phật trong tư thế quỳ với “ngũ thể đầu địa” là như thế, nghĩa là đầu, hai tay, hai chân phải đúng theo thể thức trên là liền lạc với nhau và sát đất. Mông dính vào gót chân, cùi chỏ tay nối vào hai đầu gối, đầu đặt trên hai bàn tay, chỉ có vậy thôi mà nhiều người làm không được Chúng ta nên nhớ rằng, khi vào chánh điện lạy Phật không phải chỉ có một mình ta, mà có rất nhiều người cùng với chúng ta tu tập, vì thế giữ đúng oai nghi trong khi lễ Phật là một điều cần thiết, phải biết phối hợp nhịp nhàng, đúng quy tắc. Câu "Gieo năm vóc sát đất chí thành" tự nó cũng đủ nói lên ý nghĩa đem hết thân tâm lạy Phật. Năm vóc tức là thân lễ, chí thành tức là tâm lễ.

Nên nhớ rằng, khi đứng lên rồi quỳ xuống lạy vẫn phải giữ đúng oai nghi như đã nói ở trên. Riêng thế ngồi không có gì phải nói. Vấn đề đặt ra ở chỗ ngồi lạy công đức có trọn vẹn hay không. Ðừng nên nghĩ như vậy, chỉ cần đem hết thân tâm lễ Phật và biết hồi hướng đến tất cả mọi người, thì tất nhiên công đức đó chúng ta có phần và rất đầy đủ.

Ðôi lời thô thiển, nếu có gì không đúng xin Thầy bổ sung thêm.

Kính chào.

 

Đệ tử Thanh Sơn.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/layphat2.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang