Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Tu theo pháp môn Niệm Phật tôi có tội với Phật Tổ hay không?
Trần Văn Tường hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

Hỏi: Qua đề tài “Tại sao ta phải tu thiền”, HT. Thích Thanh Từ giảng “Phật tu thiền nên ta phải tu thiền cho giống Phật, Phật Tổ tu thiền mà ta không tu thiền ta có tội với Phật Tổ hay không?

Vậy tôi tu theo pháp môn Niệm Phật tôi có tội với Phật Tổ hay không?

Trần Văn Tường.

 

Đáp:

Trước hết, ngươi viết xin gởi lời cầu chúc cư sĩ luôn tinh tấn tu trì  với pháp môn mà cư sĩ đã chọn, sớm đạt đến mục tiêu tối hậu như cư sĩ mong ước.

Thưa Phật tử,

Pháp môn Niệm Phật cũng là một pháp môn trong nhiều pháp môn tu tập của Phật giáo Đại thừa. Nếu Phật tử tu thành tâm và đúng cách thì chắc chắn kết quả tốt đẹp sẽ đến với Phật tử. Nếu Phật tử thấy rằng pháp môn Niệm Phật phù hợp với căn tánh của Phật tử thì cứ tiếp tục gia trì. Người viết tin tưởng Phật tử đã đọc nhiều sách về Thiền Tông và Tịnh Độ, nhưng nếu Phật tử  chưa có dịp đọc tác phẩm Niệm Phật Thập Yếu  của HT. Thiền Tâm, một bậc cao Tăng tu có ấn chứng trong thế kỷ vừa qua, thì   xin Phật tử bấm vào địa chỉ trên để đọc thêm. Tác phẩm nầy được xem như là sách gối đầu giường cho người có duyên tu Tịnh Độ, và rất bổ ích cho những ai có tinh thần học hỏi giáo pháp chung. Hy vọng sau khi coi quyển này xong bao nhiêu nghi vấn về Thiền-Tịnh, có tội hay không có tội khi tu Phật bằng pháp môn Thiền Định hay Tịnh Độ, tự nó hoá giải mà không cần sự giúp đỡ của một tác nhân nào.

Nếu cư sĩ mong Ban phụ trách HTPH có lời  nhận định thì xin trình bày ngắn gọn như sau: HT. Thích Thanh Từ  trong bài giảng trên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự nội mà Đức Phật, các Thánh đệ tử, cũng như sau này phần lớn các bậc Tổ Sư và các bậc cao Tăng đã đi qua, đó là con đường thiền định, con đường tự gạn lọc, chuyển hoá nội tâm của chính mình. Đây là con đường mà Đức Phật hằng khuyến tấn và khen ngợi:

“Người trí chuyên thiền định

Thích an tịnh viễn ly

Chư thiên đều ái kính,

Bậc chánh giác, chánh niệm”

(Kinh Pháp Cú, kệ 181)

Hoặc:

Người hãy nhiệt tình làm

Như Lai chỉ thuyết dạy,

Người hành trì thiền định

Thoát trói buộc ác ma.

(Kinh Pháp Cú, kệ 276)

Vấn đề có tội hay phước không phải tuỳ thuộc vào pháp môn tu tập mà tuỳ thuộc vào quan điểm, thái độ cũng như các cách thể hiện. Nếu một người nào vì quá tôn trọng pháp môn của mình mà chê bai, đả kích, dèm pha, xuyên tạc các pháp môn khác,  thì người đó dù tu pháp môn nào cũng không có kết quả, vì các tâm sở bất thiện vẫn chưa được loại trừ.

 Ở đây cũng cần phân biệt rõ về quan điểm của những vị vì lợi ích chung cho nhiều người mà trình bày vấn đề  trước ánh sáng để mọi người cùng thấy, dám phân tích một cách công khai những tà kiến của ngoại đạo, những quan điểm không đúng đắn lạc dẫn mọi người. Tinh thần vì chơn lý nói lên tinh thần vô uý của một người con Phật, tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của một Phật tử  nhiệt tâm vì đạo, vì con người mà ngày xưa chính Đức Phật và các Thánh đệ tử đã làm  và nay các bậc cao đức, chư Tăng Ni và một số Phật tử  hiện nay tiếp tục làm. Tinh thần như vậy thật đáng ngưỡng mộ và noi theo.

Còn riêng Phật tử, như người viết đã trình bày ở trên là Phật tử nên tiếp tục học hỏi và tu tập theo pháp môn mình đã chọn để đạt đến mục tiêu của mình, đó là ngay khi hiện tiền đạt được “nhất tâm bất loạn” hay ít nhất sau khi từ bỏ thân nầy được vãng sanh về thế giới của Đức Phật A-di-đà, “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh, bất thối Bồ-tát vi bạn lữ”, để cuối cùng đạt đến mục tiêu cứu cánh, không còn sanh tử luân hồi nữa.

Kính chúc Phật tử  tinh tấn tu tập để đoạn trừ phiền não, nỗ lực học hỏi giáo pháp nhiệm mầu của Đức Phật để khỏi vướng kẹt vào các thiên kiến, và tiến tu đạt thành sở nguyện viên mãn.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/niemPhat_cotoikhong.htm

 


Vào mạng: 7-11-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang