Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Thần thức sẽ trụ nơi nào sau khi chết?
Giác Hy hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

Hỏi:

Sau khi một người bị chết rồi, phần tâm thức sẽ trụ ở nơi nào? Và làm sao để biết chắc có sự tái sanh? Tôi đã có lần gặp ma rồi, vậy họ là hạng chúng sanh gì ?

Chân thành cảm ơn.

Giác Hy

 

Đáp:

Trước hết, chúng tôi xin gởi lời chúc tốt đẹp nhất  đến Giác Hy. Tiếp theo, chúng tôi xin trình bày những vấn đề mà Giác Hy đã hỏi.

1) Sau khi một người từ giã cõi đời, phần tâm thức của họ không trụ ở một nơi nào, tuỳ theo khuynh hướng của tâm (nghiệp) mà thần thức của người đó đi tái sanh ở cõi tương ứng. Ngay khi còn sống tâm thức của người đó cũng không trụ ở nơi nào, vì nó hằng tuôn chảy như thác nước (hằng chuyển như bộc lưu) như Duy Thức Tam Thập Tụng đã nêu rõ, thì làm sao khi chết thần thức của người đó tồn tại, hay kết ngưng ở một điểm nào. Có một trường hợp thần thức trú một chỗ, đó là khi thần thức nằm trong bụng mẹ, như trong Kinh  thường trình bày. Vì một thai nhi được thành tựu, một trong các yếu tố  là buộc phải có thức  trú. Nếu thức của hài nhi đó không trú vào trong bụng  mẹ thì bào thai đó không thể nào thành tựu.

Theo Luận Tạng (Abhidhamma Pi.taka) của Phật giáo Nam Truyền, tâm tử (cuti citta) cũng chính là tâm sanh (patisandhi citta), nghĩa là   khi con người lìa bỏ thân tứ đại này lập tức đi tái sanh, tìm kiếm một thân mới dưới hình thức khác.    

2) Làm sao để biết chắc có sự tái sinh? Nhiều học thuyết thời Đức Phật đã chủ trương rằng sau khi chết là hết, không có đời sau như   đã trình bày trong Kinh Sa-môn Quả (Sàma~n~naphala Sutta) thuộc Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya). Kinh này ghi lại tư tưởng của ngoại đạo Ajita Kesakambali cho rằng sau khi chết là hết, không hề có tái sanh luân hồi. Tư   tưởng này cho đến thời cận đại cũng còn có nhiều tư tưởng gia cổ xuý. Nhưng học thuyết này đã bị Đức Phật cật lực phủ bác và cho đó là một học thuyết đưa con người đến đoạ xứ, ác thú, địa ngục, như Kinh Sa-môn Quả trình bày.

Lại nữa,  Kinh Tệ Túc (Pàyàsi Suttanta), số 23, cũng thuộc Trường Bộ Kinh trình bày cuộc trao đổi giữa một vị vua minh triết Pàyàsi và Thánh đệ tử đa văn Kumàra Kassapa của Đức Thế Tôn là làm thế nào để biết có luân hồi.  Qua 12 thí dụ của tôn giả Pàyàsi Kassapa đã minh chứng và thuyết minh hùng hồn về sự tái sanh của tất cả hữu tình, mà vua Pàyàsi đã cố tình đưa đẩy không chấp nhận. Cuối cùng nhà vua đã thâm tín lời giảng dạy của tôn giả Kumàra Kassapa và quy y Tam Bảo.

Giác Hy có thể xem thêm trong Kinh Na-tiên Tỳ Kheo ( Cao Hữu   Đính dịch)  để thấy Ngài Na-tiên  (Nagasena) trả lời cho vua Mi-lin-đà (Milinda) như thế nào để chứng minh là tái sanh là chuyện có thật và nhà vua đã hoàn toàn bị chiết phục trước những lập luận và chứng minh đầy sức thuyết phục của Ngài Nagasena.

Cũng xin giới thiệu thêm bài “Một Bằng Chứng Sống về Thuyết Tái Sanh” do Thầy Thích Nguyên Tạng dịch, được đăng trong Trang nhà Nguyên Tạng. 

3) Như Giác Hy đã nói là Giác Hy đã gặp ma rồi, vậy họ là hạng chúng sanh gì ?  Khái niệm “ma”  trong dân gian Việt Nam, mặc dầu trong Kinh ít thấy được sử dụng, vì phần lớn các dịch giả Trung Quốc và Việt Nam đều chuyển ngữ chữ  Peta trong Pàli hoặc  Preta trong  Sanskrit thành “ngạ quỷ”  (quỷ đói) như tiếng Hán Việt, chứ không dịch chữ này thành “ma” ,“quỷ” như   người Việt Nam thường gọi.

Khái niệm “ma” và “quỷ”û, Việt Nam và Trung Quốc  phân biệt khá rõ ràng. Những hạng chúng sanh sau khi chết mà không đi đầu thai ở cõi người  hoặc các cõi khác mà phải đoạ vào hạng chúng sanh vất vưởng đói khát, nhưng không phá phách nhiều thì gọi là ma, còn cùng một loại trên mà có năng lực mạnh hơn và chuyên tâm hại người thì gọi là quỷ. Còn những hạng có công với quốc gia, với xã tắc, bỏ mình vì chiến trận, và hộ quốc an dân, hoặc trong đời sống có làm phước thiện, nếu không được đi đầu thai làm người hoặc trời, thì được phong thần cả. Trong Phật giáo, theo cách phân chia tổng quát, thì cả 3 hạng trên đều thuộc về Peta cả.  Chúng ta thấy trong Ngạ Quỷ Sự , hoặc còn được dịch là Chuyện Ngạ Quỷ (Petavathu), trong đó trình bày nỗi khổ của loài quỷ đói, miêu tả các hình thái của thân ngạ quỷ và nêu lên các nguyên nhân tại sao  chúng sanh bị  đoạ vào loài Peta và cả 3 hạng này đều được đề cập.

Cách phân loại chúng sanh ở cảnh giới nào cũng mang tính khái quát thôi. Thông thường, thế giới này được Đức Phật chia thành ba cõi (tam giới) hoặc sáu đường (lục đạo). Nhưng trong sáu đường đó, có các hạng chúng sanh gần như  ngoại lệ, ví dụ: thế giới của Càn-thát-bà (Gandhabba)  trong Kinh  Xà-ni-sa và trong Kinh Đại Điển Tôn thuộc Trường Bộ Kinh cũng đề cập đến thế giới chư thiên này, nhưng chỉ là những nhạc công, hay nói cách khác chỉ là những người nô lệ của thế giới chư thiên khác, vì tính từ dưới lên trên thì chư thiên  ở cõi Dục giới gồm có: Tứ Thiên Vuơng, Đao Lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Hoá Lạc và Tha Hoá Tự Tại, không hề thấy trong Kinh điển đề cập đến Càn-thát-bà như là một cảnh giới chư thiên độc lập. Do đó, việc phân loại chúng sanh thuộc cảnh giới nào cũng chỉ mang tính khái quát. Cũng tương tự,  hạng thần ở cõi trần, vì tạo được một vài thiện sự  nên cũng ở cõi trần mà hưởng phước dưới dạng một chúng sanh không phải cõi người và vì nghiệp thức chiêu cảm nên  cấu trúc về xác thân và có những đặc điểm y như loài  quỷ vậy, ví dụ biết được tâm niệm của người, mà họ khác loài quỷ ở chỗ phước đức mà thôi, do đó cũng xếp vào hạng Peta.

Do đó, nếu ta dịch chữ Peta hoặc Preta  thành ngạ quỷ (quỷ đói), e rằng không lột tả được hết nghĩa của của nó. Và, có người sẽ đặt vấn đề vậy  thần sẽ được xếp vào hạng nào?  Theo Pali-English Dictionary của T.W. Rhys Davids và William Stede, Peta  các nghĩa sau: 1. Thần hồn của những người đã mất (souls of the departed); 2. Loài ma quỷ đau khổ (unhappy ghosts) và 3. Loài ma quỷ hạnh phúc  (happy ghost). Trong đó, còn liệt kê nhiều kinh liên hệ đến cả 3 loại này. Do đó, nếu ta theo sát từ điển nói trên thì peta chỉ có nghĩa là: thần hồn của người đã mất,  quá cố (dead, departed, the departed spirit)  để chỉ chung cho các hạng sau khi chết không  bị đoạ vào các địa ngục (niraya) hoặc không được tái sanh vào cõi A-tu-la (Asura), người (manussa) hoặc chư thiên (deva).

 Từ Điển Phật Học Hán Việt  trình bày các hạng ma quái, quỷ mị, địa thần cũng xếp vào  Peta hoặc Preta. Luận Thuận Chính Lý, quyển 31, có 3 loại quỷ: 1. Vô tài quỷ; 2. Thiểu tài quỷ; 3. Đa tài quỷ. Mỗi loại quỷ lại chia 3 hạng nữa thành cả thảy 9 loại. Trong Kinh Chánh Pháp Niệm, quyển 16, nêu tơi 36 loại quỷ. (Xem thêm Từ Điển Phật Học Hán Việt). Kinh Địa Tạng cũng liệt kê nhiều loại quỷ khác nhau, như Ác Mục quỷ vuơng (chúa quỷ mắt dữ), Đạm Huyết quỷ vuơng (chúa quỷ ăn huyết), Đạm Tinh Huyết quỷ vương (chúa quỷ ăn tinh chất), Đạm Thai Noãn quỷ vương ( chúa quỷ ăn thai trứng), Hành Bịnh quỷ vương (chúa quỷ gây bịnh tật), Nhiếp Độc quỷ vương (chúa quỷ trừ độc), v.v…(Phẩm một: Thần Thông Trên Cung Trời  Đao Lợi).

Như vậy, trường hợp Giác Hy nói là đã gặp “ma”, người viết cũng không thể xác định giúp cho Giác Hy đó là thuộc hạng Peta 1, 2 hoặc 3 như  Pali-English Dictionary trình bày. Giác Hy tự mình có thể đoán họ là hạng  nào, vì Giác Hy là người gặp và trong trường hợp nào. Dĩ nhiên chúng cũng không ngoài hạng ma, quỷ, thần như chúng ta vừa đề cập ở trên.

Viết đến đây, chúng tôi nhớ đến câu chuyện của Khổng Tử, khi Quý Lộ (Tử Lộ) hỏi Khổng Tử về đạo thờ quỷ thần, Khổng Tử đáp “chưa biết đạo thờ người, sao biết được đạo thờ quỷ thần” (Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ). Khi đó, Tử Lộ hỏi tiếp về trạng thái sau khi chết, Khổng Tử cũng đáp “sự sống còn chưa biết, làm sao biết được sự chết?” (vị tri sinh, yên tri tử ), (Luận Ngữ : Tiên Tần  đệ thập nhất: 11). Bản thân người trả lời ở đây cũng thưa là còn nhiều điều chưa biết về thế giới quỷ thần, nhưng dựavào Kinh điển và các luận sớ    cũng như theo kinh nghiệm riêng để đi đến kết luận là có thế giới quỷ thần, ma quái thật và  nghiệp  quả của chúng là như vậy.

Thân chúc Giác Hy thân tâm thường an lạc và hằng tinh tấn  trên con đường tốt đẹp mà Giác Hy có cơ duyên   tiếp cận, học hỏi và tu tập

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/than_thuc_sau_khi_chet.htm

 


Vào mạng: 4-10-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang