- Tọa
cụ và bồ-đoàn khác nhau như thế nào?
Kính chào
Thầy,
Xin Thầy
cho con biết rõ tọa cụ và bồ-đoàn khác nhau như thế nào? Cách thức
làm tọa cụ và bồ-đoàn. Có phải khi ngồi thiền và niệm Phật mà
không có tọa cụ thì không được phải không Thầy? Xin Thầy cho con biết
rõ hơn nữa về tọa cụ và bồ-đoàn.
Kính chúc
Thầy an vui.
Quảng Bửu – Lê Tấn Phát
*******
Phật tử
Quảng Bửu quý mến,
Dưới đây,
quý Thầy sẽ lần lượt trình bày ba điểm như Phật tử đã hỏi:
1)
Tọa cụ và bồ-đoàn khác nhau như thế nào?
Tọa cụ là dịch nghĩa của
chữ “nis.iidana” hoặc là nis.adana thuộc Sanskrit, có nghĩa là tấm vải
nhỏ của nhà Sư được phép mang theo để trải ra ngồi hoặc nằm khi cần
thiết. Chữ Pali cũng viết giống như vậy. Nó còn được phiên âm là ni-sư-đàn
hoặc ni-sư-đãn-na. Vì công dụng của nó là để lót chỗ ngồi, nên có
chỗ dịch là “tùy tọa y”, nghĩa là tấm vải mang theo để ngồi. Nó cũng
được dùng khi nằm nghỉ, nên có chỗ dịch là “tọa ngọa cụ” nghĩa
là dụng cụ để ngồi hoặc nằm. Tọa cụ là một trong sáu vật tùy
thân mà một vị Tỳ-kheo được phép sở hữu. Do đó, các tỳ-kheo thường
mang theo bên mình, đôi khi trải nó ra để lót nơi đảnh lễ các vị tôn
đức.
Bồ-đoàn là một danh từ kép
được phối hợp bởi hai thành tố: Bồ là cỏ bồ, đoàn là tròn. Người
xưa dùng cỏ bện lại thành nệm có hình dáng tròn để ngồi thiền, lạy
Phật hoặc ngồi tụng kinh. Bồ đoàn có thể là biến hình của tọa cụ,
vì trong Luật hệ Pali hoặc Sanskrit, quý Thầy không thấy từ gốc của
nó. Luật Tạng quy định một số vật dụng nhu yếu cho một vị Tỳ-kheo,
cũng không thấy bồ đoàn, mà chỉ có tọa cụ thôi.
Cụ thể nhất là 45 bài kệ
trong Tỳ-Ni Nhật Dụng Thiết Yếu cũng không thấy đề cập đến bồ
đoàn, mà chỉ đề cập đến tọa cụ ni-sư-đàn.
Ðọc Kinh chúng ta thấy cuộc
đời hành đạo của đức Phật và chư vị Thánh Tăng hoàn toàn không
dùng bồ đoàn mà chỉ dùng tọa cụ. Trước khi đức Phật thành đạt quả
vị tối thượng chánh đẳng chánh giác, đức Phật cũng chỉ ngồi thiền
trên nắm cỏ Kusa do Svastika cúng dường đức Thế Tôn mà thôi.
Ðến đây, chúng ta có thể mạnh
dạn khẳng định: bồ đoàn là biến thái của tọa cụ.
2) Cách thức làm tọa cụ và bồ
đoàn
Thời Phật tại thế, tọa cụ
là vật tùy thân cho đời sống của một Tỷ-kheo rày đây mai đó. Do đó,
nó chỉ thiết thực đối với các vị có đời sống hạnh không nhà.
Ngày nay, tọa cụ thật ra không cần thiết đối với các vị có đời sống
định cư, có nơi ăn chốn ở tương đối tiện nghi. Đặc biệt nếu Phật
tử là một cư sĩ thì cũng không cần làm tọa cụ hoặc ngọa cụ để làm
gì. Tuy nhiên, nếu Phật tử muốn biết cách thức làm tọa cụ ra sao thì
quý Thầy trình bày như sau:
Thứ nhất là màu của toạ cụ
phải cùng một màu với tam y của nhà Sư đang bận, nghĩa là màu vàng hoại
sắc. Theo các bộ luật quy định, chiều dài của tọa cụ là “tứ xích
bát thốn” nghĩa là bốn thước tám
tấc của Trung Quốc, tương đương khoảng gần một mét Việt Nam; bề rộng
của tọa cụ “tam xích lục thốn” nghĩa là ba thước 6 tấc Trung Quốc,
tương đương gần 7 tấc Việt Nam. Nếu tọa cụ đã bị hư phải lấy một
miếng bằng gang tay may lên tọa cụ mới. Không được dùng các loại tơ tằm
lụa là để may toạ cụ. Như vậy, chúng ta thấy rằng tất cả các loại
y phục, tọa cụ hay ngọa cụ với mục đích là để che thân, ngăn nóng lạnh,
chứ không phải là để trang sức, làm đẹp thân mình. Quý Thầy ngày nay
ít dùng tọa cụ, vì trên thực tế không cần thiết. Do đó, tọa cụ cũng
bị thay đổi, may gần như hình vuông và được nhận lãnh khi thọ đại
giới. Nhiều nơi không còn theo truyền thống này nữa.
Còn bồ đoàn, như Phật tử
đã thấy ở các chùa. Cách làm bồ đoàn cũng đơn giản, nhồi bông gòn hoặc vải vụn vô một bọc
tròn đã may sẵn, rồi bọc thêm ở ngoài bằng một lớp vải nữa, phòng
khi dơ thì mình có thể giặt cho sạch.
Nếu Phật tử làm bồ đoàn
thì không nên làm quá nhỏ, mà nên làm lớn một chút, không quá cao, không
quá cứng để khi ngồi thiền thì hai xương mông và hai xương đùi có thể
đặt trọn vẹn lên được. Còn nếu mình làm quá nhỏ và quá cứng, khi
ngồi thiền trọng lượng toàn thân không đặt trọn trên bồ đoàn, như vậy
chúng ta khó giữ được thế ngồi thăng bằng và khoảng thời gian lâu.
3) Khi ngồi thiền và niệm Phật
mà không có tọa cụ thì không được phải không?
Mục đích ngồi thiền hoặc
niệm Phật là để nhiếp tâm, điều phục cái tâm cả ngày lăng xăng, không có liên hệ gì đến tọa cụ
hoặc bồ đoàn cả.
Thầy cũng như nhiều vị có dịp
trao đổi về vấn đề này đều đồng ý rằng, ngồi thiền với sự hỗ
trợ bồ đoàn thì khả năng chịu đựng sự tê chân hoặc nhức chân của
thiền giả không bằng trên một tấm nệm lớn được kê nhích lên phía
sau mông một chút. Theo kinh nghiệm cho thấy, những vị mới xuất gia, đặc
biệt là các vị lớn tuổi xuất gia, khó có thể ngồi thiền trong thời
gian hơn nửa tiếng đồng hồ, nếu không có bồ đoàn, vì lúc bấy giờ xương
của các vị đó đã cứng, khi ngồi lâu rất khó chịu. Do đó, với sự hỗ
trợ của bồ đoàn sẽ giúp cho người ngồi thiền ngồi lâu hơn. Tuy nhiên,
việc đó có hại hơn là có lợi cho các vị ngồi thiền lâu dài. Vì xương
sống của con người có thói quen hay chùn xuống, mà nguyên tắc ngồi thiền
đầu tiên là lưng phải thẳng, giữ cho trạng thái thân thật thư thái,
mà mình ngồi bồ đoàn quá cao chỉ làm mình làm biếng tỉnh giác cho lưng
thẳng, vì lúc nào có vẻ nó cũng thẳng rồi.
Trong các trung tâm tu thiền
Vipassana (Minh Sát Tuệ) của Ấn Độ, họ không dùng bồ đoàn như mình. Họ
chỉ dùng một loại dạng nửa toạ cụ
và nửa bồ đoàn, rộng khoảng 6 tấc vuông, tương đối êm, giúp thiền
giả kéo dài đỡ đau chân và xương mông rất nhiều.
Ðôi hàng gởi đến Phật tử, cầu chúc Phật tử đạt
được nhiều kết quả tốt trong quá trình thực tập thiền quán và tu tập
tâm của mình.
http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/toacu-bodoan.htm