Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Ðạo Phật dạy con người cách yêu thương,
nhưng làm cách nào chúng ta yêu mà không dính mắc ?
Nguyễn   Khoa hỏi, Thích Nguyên Hiền trả lời

Dear sir,

 Buddhism teaches people how to love, but how can we love without attachment?

Nguyễn Khoa.

******

 Chào bạn Nguyễn Khoa,

Trước nhất, tôi xin dịch câu trên: Ðạo Phật dạy con người cách yêu thương, nhưng làm cách nào chúng ta yêu mà không dính mắc ?

Tình yêu là một khái niệm mơ hồ, thậm chí rất   ... hàm hồ (!). Muốn trả lời câu hỏi của cư sĩ, trước hết chúng ta cần thống nhất với nhau thế nào là tình yêu. Nhưng làm sao định nghĩa được nó ? Xuân Diệu đã bỏ ra cả một đời định nghĩa hai chữ “tình yêu”, rốt cuộc anh chàng si tình ấy cũng chỉ xây dựng được một bức tường bằng chữ xung quanh một mảnh đất mù mờ tư tưởng:

“Làm sao định nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhè, gió hiu hiu”...

Hay:

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu ?

Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”

Nghe hai định nghĩa trên, bạn đã hiểu được tình yêu là gì chưa? Và nếu có thể hiểu được bằng chính kinh nghiệm xương máu của mình thì chắc chắn tình yêu đó đã có chấp thủ, dính mắc rồi phải không ?

 Phật giáo xem “tình yêu” theo nghĩa mà vừa kể trên là “ái” (Tanha). “Ái” là một trong mười hai nhân duyên khiến chúng sanh bị lăn lộn trong sanh tử luân hồi. Trong 12 nhân duyên đó, ‘ái” là đầu dây mối nhợ ngay trong hiện tại. Do có “ái” mà có “thủ” (chấp thủ), có “thủ” thì có “hữu”, có “hữu” thì có “sanh”, có “sanh” thì có “lão tử”, và do đó có “vô minh”. Như vậy, muốn dứt vô minh thì ngay bây giờ phải dứt ái, tuần tự như thế sẽ dứt sạch sanh tử luân hồi.

Nếu trả lời như trên, chắc chắn bạn sẽ cho rằng Phật giáo là ... phi nhân bản ? Xin thưa: Tôi muốn trả lời như vậy để bạn thoát ra khái niệm “tình yêu” mà người ta đã vô tình hay hữu ý muốn dùng từ ngữ mơ hồ để giải thích hai chữ “từ bi” của Phật giáo, hay tình yêu đối với Chúa của Ki-tô giáo. Thực ra, Phật giáo là một tôn giáo hết sức nhân bản, do đó, đức Phật đã nhiều lần giảng dạy  con người phải sống như thế nào. Ngay trong động từ “to love” đã hàm ý chấp thủ, dính mắc. Bây giờ, bạn hỏi làm sao có thể yêu mà không có sự chấp thủ hay dính mắc, là chẳng khác nào bạn hỏi làm sao ăn uống mà không cho cơm nước vào miệng! Thôi thì, chúng ta tạm bằng lòng hiểu khái niệm “tình yêu” của Phật giáo bằng hai chữ “Từ Bi”. Trịnh Công Sơn đã có một lời ca rất hay: “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ!” Ít nhất nhạc sĩ đã hiểu được quan điểm “Từ Bi” khác với nghĩa “yêu” thông thường. Từ Bi là gì? “Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ”, tức dẹp bớt khổ đau và đem niềm vui đến. Nếu không trút bỏ khổ đau mà chỉ đem niềm vui đến thì chẳng khác nào để nguyên ly nước muối mà cứ thêm đường vào, vị mặn sẽ còn nguyên vẹn trong ấy. Từ Bi trong Phật giáo có 3 bậc:

          1. Sanh Duyên Từ: Nghĩ đến tất cả chúng sanh (trong đó có người mình yêu) như là cha mẹ, ta đời đời không có kiếp nào không thọ sanh từ cha mẹ. Khi quán tưởng như thế, tất cả kẻ oán người thân đều bình đẳng, lấy đó để điều phục sự sân hận, xan tham và tật đố, cho đến chứng đắc Từ Tam-Muội. Phàm người nào có duyên với ta, ta đều đem niềm vui đến cho họ, vơi bớt khổ não cho họ. Bạn có thể thể hiện tình yêu của mình đối với đối tượng mình yêu bằng lòng Từ Bi này, dù vẫn còn chút ít chấp thủ.

          2 Pháp Duyên Từ: Quán  tưởng các pháp đều là duyên sanh. Tất cả chúng sanh đều do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, cho đến không có sự khác nhau giữa ta và người, giữa thọ mạng và kiếp số. Khi quán tưởng như thế thì sẽ chứng đắc Từ Tâm tam-muội, năng lực cứu khổ ban vui còn thù thắng hơn Sanh Duyên Từ nhiều lần nữa.

          3. Vô Duyên Từ: Biết rõ tâm, Phật, Chúng sanh cả ba chẳng có gì sai khác. Cả pháp giới là nhất tướng, chân thật bình đẳng. Không trụ ở tướng của tất cả các  pháp và tướng của chúng sanh, quán Bồ-đề tức phiền não, Niết-bàn tức sanh tử, khởi thệ nguyện vô tác, cứu bạt hết cái gốc của khổ. Quán phiền não tức Bồ-đề, sanh tử tức Niết-bàn, khởi thệ nguyện  vô tác, ban cho tất cả niềm an lạc. Từ ở đây chính là Bi, Bi ở đây chính là Từ, thuận theo tính chất của pháp tánh mà tu tất cả các pháp... Ðó chính là Ðại Từ Ðại Bi.

Như vậy chỉ có Phật mới có thể có Ðại Từ Ðại Bi (tức không có tình yêu chấp thủ), còn hàng phàm phu chúng ta có thể theo học hạnh Từ Bi của Ngài, dần dần thể hiện tinh thần này khi yêu. Thật là khổ phải không bạn ? Chúng ta có thể bắt đầu từ Sanh Duyên Từ, bạn nhé !

Kính.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/yeuthuong.htm

 


Vào mạng: 11-5-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang