...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Phật giáo và khuôn mẫu toàn ký
trong khoa học
- Trần Chung Ngọc
Quan niệm nhìn vũ trụ một cách toàn ký (The holographic view
of the universe) là một quan niệm mới trong khoa học hiện đại, bắt nguồn
từ sự khám phá ra kỹ thuật chụp hình toàn ký vài thập niên trước đây.
Kỹ thuật chụp hình toàn ký này đã giúp cho một số khoa học gia giải
quyết được một số khúc mắc trong những công cuộc khảo cứu của họ
về ký ức của con người cũng như trong ngành vật lý các hạt nhỏ
(particle physics). Các khoa học gia này, từ những kết quả khảo cứu mới
nhất, đã đưa ra những bằng chứng và đề nghị rằng thế giới của chúng
ta ngày nay và mọi thứ trong đó chẳng qua chỉ là những hình ảnh không
thực, là những dự phóng của một thực thể vượt ra ngoài thực thể của
con người và vượt ra ngoài không gian và thời gian.
Hai khoa học gia được biết đến nhiều nhất trong quan niệm
mới này là nhà vật-lý học David Bohm, rất nổi tiếng trong ngành vật lý
nguyên lượng (quantum mechanics), thuộc đại học Luân Đôn, Anh quốc, và
Karl Pribam, một nhà thần-kinh sinh-lý-học (neurophysiologist) thuộc đại học
Stanford, California. Điều đặc biệt là Bohm và Pribam, tuy khảo cứu về hai
ngành hoàn toàn khác biệt, cùng phải dựa vào quan niệm toàn ký để giải
thích những kết quả khảo cứu của mình. Bohm khảo sát về sự tương tác
của các hạt nhỏ trong ngành vật lý tiềm nguyên tử (subatomic physics), và
Pribam khảo sát về ký ức của con người trong ngành thần-kinh sinh-lý học.
Không đi vào chi tiết, hai khoa học gia trên đều nhận thấy rằng các lý
thuyết cũ trong khoa học không đủ để giải thích mọi vấn đề trong các
ngành khảo cứu của họ, và khuôn mẫu toàn ký (holographic paradigm)
đã giúp họ giải thích một cách hợp lý các kết quả khoa học của họ.
Nghiên cứu kỹ vấn đề, chúng ta có thể nói ngay rằng
khuôn mẫu toàn ký chẳng qua chỉ là sự thuyết giải khoa học của một
phần nhỏ những quan niệm đặc thù trong Phật Giáo đã có từ nhiều thế
kỷ trước như tương duyên, tương túc, tương nhập, tương liên, một là
tất cả v...v... Nhưng trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu đại cương thế
nào là khuôn mẫu toàn ký.
Toàn ký (holography) là một kỹ thuật tạo hình ảnh bằng
một loại ánh sáng đặc biệt thường được biết tới tên quen thuộc
là ánh sáng LASER và hiện tượng giao thoa (interference) quen thuộc của các
sóng. LASER là những chữ đầu của "Light Amplification by Stimulated
Emission of Radiation", có nghĩa là "ánh sáng khuếch đại do phát xạ
kích thích của bức xạ", hay gọn hơn: "ánh sáng khuếch đại do bức
xạ kích thích".
Một phim ảnh toàn ký được tạo ra khi một tia sáng LASER
đơn sắc được tách ra làm hai tia riêng biệt. Tia thứ nhất được chiếu
trên vật muốn chụp hình, thí dụ một bức tượng Phật, dội lại và hợp
với tia thứ hai tạo thành một mô thức giao thoa và được ghi trên một tấm
phim ảnh.
Dùng mắt thường mà nhìn thì hình giao thoa trên tấm phim
không có gì là giống bức tượng Phật cả, mà chỉ là một số mô hình
gồm những vòng đồng tâm tương tự như những vòng sóng lăn tăn trên mặt
nước khi ta ném một nắm sỏi xuống nước. Nhưng khi ta chiếu qua tấm
phim này bằng một tia LASER khác, hoặc đôi khi chỉ cần một ngọn đèn thật
sáng, một cái hình nổi của bức tượng Phật sẽ hiện ra. Hình này
trông y như thật, ta có thể đi vòng xung quanh hình tượng Phật này và thấy
đó là một bức tượng thật, bất kể nhìn dưới góc cạnh nào. Nhưng nếu
ta muốn nắm bắt hình tượng Phật này thì ta sẽ không thành công bởi
vì khi ta đưa tay vào chỗ hình tượng Phật này thì sẽ không thấy gì,
vì thật ra đó chỉ là một ảo ảnh. Ngày xưa Phật đã chẳng nói, Phật
thì vô hình vô tướng, làm sao mà nắm bắt được, và Tâm Kinh đã chẳng
dạy là "Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là
không, không chính là sắc" hay sao?
Nhưng điểm kỳ diệu của kỹ thuật toàn ký là, nếu ta cắt
tấm phim ảnh ra làm hai, rồi chiếu lên mỗi nửa tấm phim này bằng một
tia LASER, ta sẽ thấy mỗi nửa tấm phim sẽ lại tạo ra hình ảnh của
toàn phần tượng Phật. Cứ tiếp tục chia cắt như vậy, mỗi mảnh nhỏ
của tấm phim vẫn tạo ra nguyên hình của toàn thể bức tượng tuy càng
ngày càng mờ nếu mảnh phim càng ngày càng nhỏ hơn. Nói tóm lại, kỹ thuật
toàn ký đã khám phá lại một phần của một quan niệm rất quen thuộc
trong Phật Giáo: một là tất cả. Để cho sự so sánh được rõ ràng hơn,
có lẽ chúng ta nên đi thêm vào vài chi tiết trong công cuộc khảo cứu của
Pribam và Bohm.
Pribam khám phá ra rằng, ký ức của con người được phân
bố đều trong bộ óc và mỗi phần của bộ óc chứa trọn vẹn những
thông tin mà bộ óc ghi nhận. Nếu ta cắt bỏ một phần các vùng ký ức,
có khi là một phần khá lớn, ở trong óc một người thì ký ức của người
đó không bao giờ mất đi một phần, và nếu người đó nhớ một cái gì
đó thì bao giờ cũng nhớ trọn vẹn chứ không bao giờ chỉ nhớ một phần,
thí dụ như chỉ nhớ 1 phần những người trong gia đình, hay một phần của
một khuôn mặt quen thuộc, hay một phần của một câu chuyện mà người
đó đã được kể cho nghe.
Khảo sát về sự tương tác giữa các hạt nhỏ trong ngành
vật lý tiềm nguyên tử, Bohm đưa ra nhận định như sau: Thuyết tương đối,
quan trọng hơn nữa, cơ học nguyên lượng (quantum mechanics) đề nghị rằng,
người ta không thể phân tích thế giới thành những phần riêng biệt và
độc lập. Hơn nữa, mỗi phần có vẻ như bằng cách nào đó liên hệ tới
mọi phần khác: chứa đụng lẫn nhau hoặc bao hàm nhau.
Chúng ta thấy rằng kỹ thuật toàn ký đã tạo ra một căn
bản giải thích những kết quả khảo cứu của Pribam và Bohm. Và Pribam đã
đặt một câu hỏi: Nếu các hình ảnh của thực tại ghi trong óc của
chúng ta không phải là một hình ảnh như chúng ta thường thấy mà là một
toàn ký đồ (hologram), vậy thì toàn ký đồ là cái gì?
Vấn đề khúc mắc là ở chỗ nếu ta chụp hình toàn ký một
cảnh, thí dụ một đám người ngồi quanh một cái bàn, và khi rửa phim ra
ta thấy không phải là một đám người mà lại là những hình giao thoa, vậy
thì thực tại là cái gì? Là những hình ảnh thông thường chúng ta thấy
ở ngoài đời ghi nhận bởi quan sát viên/nhiếp ảnh viên hay là những
hình mờ ảo giao thoa ghi bởi máy chụp hình/óc con ngườỉ? Pribam ý thức
được rằng cái mẫu về "óc toàn ký" với những các kết luận
hợp lý của nó đã dẫn đến một vấn nạn về thế giới của thực tại
khách quan; thế giới của sông, núi, cây cỏ có thể là không hiện hữu,
ít ra là không hiện hữu như chúng ta thường tưởng là hiện hữu. Phải
chăng quan niệm về ảo tưởng (maya) của những huyền nhiệm gia cách đây
nhiều thế kỷ là đúng, và những cảnh xum la vạn tượng chẳng qua chỉ
là vùng rộng lớn các tần số (vast frequency domain) biến đổi thành những
sự vật SAU KHI nhập vào các giác quan của con người. Nhưng lãnh vực khảo
cứu của Pribam chỉ về ký ức con ngưòi, và khi biết được những kết
quả khảo cứu của Bohm, không những Pribam tìm ra được giải đáp cho những
thắc mắc trên mà còn biết được rằng, theo Bohm, toàn thể vũ trụ chỉ
là một toàn ký đồ (hologram).
Nói một cách vắn tắt thì quan niệm về vũ trụ của Bohm
như sau: thực tại mà chúng ta thấy hàng ngày thực ra chỉ là một loại
ảo tưởng, giống như một hình ảnh toàn ký. Đằng sau cái thực tại
này là một sự xếp đặt sâu sắc hơn của sự hiện hữu mà ta có thể
coi như là bản chất rộng lớn của một thực tại từ đó sinh ra mọi sự
vật tạo thành thế giới vật chất của chúng ta, giống như một mảnh
phim toàn ký tạo ra một toàn-ký-đồ. Bohm gọi cái thực tại sâu sắc
này là cấp ẩn (implicate order) hay sự xếp đặt ẩn và những thứ chúng
ta thấy thường ngày thuộc cấp hiện (explicate order) hay sự xếp đặt hiện
của mọi vật. Nói một cách tóm tắt dễ hiểu thì mọi vật đều sinh ra
từ một căn bản chung, và căn bản chung này khi nhập vào giác quan của
con người thì sinh ra mọi sai biệt mà chúng ta thường thấy ở ngoài đời.
Nhưng có ai ngờ rằng, những quan niệm về vũ trụ dựa trên
khuôn mẫu toàn ký trên đã là những quan niệm đặc thù của Phật Giáo từ
bao thế kỷ trước đây. Thật vậy, quan niệm về Chân Không Diệu Hữu,
hay quan niệm về Chân Đế và Tục Đế của Bồ Tát Long Thọ trong Đại
Trí Độ Luận, và quan niệm về Tâm Chân Như và Tâm Sai Biệt của Bồ
Tát Mã Minh trong Đại Thừa Khởi Tín Luận không khác gì quan niệm toàn
ký của Bohm ở trên, nếu không muốn nói là còn sâu sắc hơn và đầy đủ
hơn. Và, nếu chúng ta quen thuộc với kinh điển Phật Giáo, nhất là kinh
Hoa Nghiêm, thì chúng ta sẽ thấy rằng khuôn mẫu toàn ký và những quan niệm
của Pribam và Bohm thực sự đã chậm mất 25 thế kỷ. Để làm sáng tỏ vấn
đề này, chúng ta hãy đọc phớt qua chút ít về Kinh Hoa Nghiêm.
Trước hết, chúng ta hãy đọc vài lời tựa của Hòa Thượng
Thích Đức Niệm ở đầu mỗi cuốn trong bộ kinh Hoa Nghiêm do Thích Trí Tịnh
dịch:
"Kinh Hoa Nghiêm là
bộ Kinh Đại Thừa, là vua trong các Kinh, với nội dung siêu việt tuyệt
luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện Pháp thân, tư tưởng và tâm
nguyện của Phật.
...Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm
là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt,
hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược
lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với tâm là một,
vạn vật đồng nhất thể....Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng sanh
thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp
duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa
trong gương, như trăng dưới nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều
từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có
thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ
vạn pháp. Thể tánh của tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một
là tất cả."
Vài lời trên đã tóm tắt phần
nào những tinh túy của Kinh Hoa Nghiêm. Thật vậy, chúng ta hãy đọc đoạn
sau đây trong Phẩm Nhập Pháp Giới, lời của nữ nhân Thích Ca Cù Ba giảng
một pháp môn giải thoát cho Thiện Tài đồng tử:
"Này Thiện Nam Tử!..Ta
quán thân của Bồ Tát, nơi mỗi lỗ chân lông, mỗi niệm thấy vô lượng
vô biên thế giới rộng lớn, những sự an trụ, trang nghiêm, hình trạng,
những núi, đất, mây, danh hiệu, Phật xuất thế, những đạo tràng,
chúng hội, diễn thuyết những khế kinh, những sự quán đảnh, các thừa,
những phương tiện, những thanh tịnh.
Lại mỗi niệm nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thường
thấy vô biên phật hải, những sự ngồi đạo tràng, những thần biến,
thuyết pháp, thuyết kinh hằng không gián đoạn.
Lại nơi mỗi lỗ chân lông của Bồ Tát thấy vô biên
chúng sanh hải: những trụ xứ, hình mạo, tác nghiệp, căn tánh...."
Với lời tựa của Hòa Thượng Thích Đức Niệm và lời
trích dẫn trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy rằng quan niệm toàn ký của
các khoa học gia đã dựa vào các tư tưởng của Phật Giáo rất nhiều. Nhưng
xét cho kỹ thì quan niệm toàn ký trong khoa học chỉ có tác dụng giải
thích một số khúc mắc trong khoa học một cách đại cương trong khi quan
niệm về tương thông, tương túc, hay dung thông vô ngại bao trùm mọi pháp
giới. Nếu chúng ta đọc đoạn cuối của Kinh Hoa Nghiêm , khi Thiện Tài đồng
tử vào trong lâu các Tỳ Lô Giá Na và rồi sau đó gặp Phổ Hiền Bồ Tát
thì chúng ta sẽ thấy quan niệm về một vi trần chứa đủ thiên sai vạn
biệt trong vũ trụ đã được trình bày với đầy đủ chi tiết và kèm
vào đó những công hạnh của Bồ Tát. Và đây chính là điểm vi diệu của
Kinh Phật vì ngoài việc dùng để giải thích những sự việc ngoài đời
như khoa học , điểm chính yếu là cái dụng của Kinh Phật như sẽ được
tóm tắt sau đây.
Chúng ta biết rằng kinh căn bản trong Hoa Nghiêm Tông là
Kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm bao gồm toàn bộ giáo lý Phật Giáo một cách
hòa hợp, đa dạng; đó là một kinh được coi là cao nhất trong mọi kinh
Phật ở Á Châu. Kinh trình bày một môn siêu hình học vô cùng tiến bộ
và là một tập hợp phát triển tư tưởng một cách kỹ lưỡng, tinh tế
để dẫn con người tới toàn giác.
Nhưng muốn nhận định đúng giá trị của Kinh Hoa Nghiêm
chúng ta phải xét đến cái mặt dụng của Kinh này. Vì chúng ta đã biết,
trong Phật Giáo, Kinh Phật thật là vô ích nếu chúng ta chỉ để ý tới
phần lý thuyết mà không áp dụng chúng vào đời sống thường ngày. Các
thiền sư thường ví những người tìm hiểu kinh mà không thực hành như là
những người "đọc thực đơn mà không ăn" hay là "đếm
tiền của thiên hạ trong ngân hàng".
Nói một cách ngắn gọn, Kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta một tập
hợp những phương thức tu tập - một lối nhìn sự vật trên mọi góc cạnh,
từ đó khám phá ra sự hòa hợp và bổ túc lẫn nhau tiềm ẩn sau những
khác biệt và mâu thuẫn biểu kiến của mọi sự vật ở trên đời. Giá
trị của sự tu tập này là sự phát triển một quan điểm tròn đầy, lành
mạnh, giúp ta khám phá ra sự thống nhất của mọi Pháp nhưng không phủ
nhận sự khác biệt của các Pháp. Từ quan điểm này, con người vượt
qua được những ngăn ngại tâm linh do sự chấp vào các sai biệt của vạn
vật mà sinh ra. Từ đó, với sự phát triển bồ đề tâm, cái quan điểm
viên dung này vận hành bất tuyệt trên cách hành xử của các bồ tát
trong công cuộc tự giác, giác tha. Một khi hội nhập được vào ý tưởng
dung thông vô ngại của Kinh Hoa Nghiêm, với căn bản là bồ đề tâm, hành
giả sẽ không còn bị ngăn ngại bởi bất cứ cái gì về cách hành xử
trong Bồ Tát Đạo.
Bài trên đây chỉ có mục đích chứng tỏ rằng các tư
tưởng trong Phật Giáo đã đi trước và sâu sắc hơn các quan niệm của
khoa học hiện đại nhiều, hiển nhiên tôi không thể đi vào chi tiết của
khoa học cũng như Kinh điển Phật Giáo trong một bài báo. Bạn đọc nào
muốn hiểu thêm về bồ đề tâm hay những quan niệm như tương duyên, tương
túc, dung thông vô ngại trong Phật Giáo xin hãy chăm đi lễ Chùa và thụ huấn
quý Thày. Tôi bảo đảm là các bạn sẽ không cảm thấy lãng phí thì giờ
trong việc tìm hiểu kinh Phật vì Kinh Phật là một kho tàng vô giá và vô
tận để phát triển trí tuệ con người.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
Capra, Fritjof, Uncommon Wisdom, Bantam Books, New York 1988
Cleary, Thomas, Entry Into the Inconceivable, University of
Hawai Press, 1983
Hayward, Jeremy W., Shifting Worlds Changing Minds, Where The
Sciences and Buddhism Meet, Shambala, Boston & London, 1987
Talbot, Michael, The Holographic Universe, Harper Collins
Publishers, New York, 1991
Thích Thiện Hoa, Luận Đại Thừa Khởi Tín, Phật Học
Phổ Thông Khóa Thứ X,XI, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, 1981
Thích Trí Tịnh, Kinh Hoa Nghiêm, Phật Học Viện Quốc
Tế xuất bản, Phật lịch 2532 (1988)
Vân Nguyên, Luận Đại Trí Độ, Viện triết lý Việt
Nam và triết học thế giới xuất bản, 1992
Wilber, Ken, The Holographic Paradigm, New Science Library,
Shambala, Boulder & London, 1982.
http://www.buddhismtoday.com/viet/kh/002-khuonmau.htm
|
|