- Phật giáo và khoa học
- Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Khoa học bản chất là duy lý, đặt trên nền tảng quan
sát, lý luận, chứng minh, kiểm nghiệm. Quan sát đòi hỏi phải qua trung
gian ngũ quan : mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, tay sờ. Lý luận
kiểm nghiệm thì cần khả năng trí tuệ. Tùy theo mức độ phát triển và
tùy ngành khoa học, vai trò của ngũ quan và trí não có những tầm quan trọng
khác nhau. Trong khoa học thực nghiệm, ở những giai đoạn ban đầu, quan sát
bằng ngũ quan đóng vai trò chủ yếu trong những phát kiến. Archimède tìm
ra sức đẩy của nước, Newton tìm ra trọng lực, Franklin tìm ra điện
trong sấm chớp vân vân... tất cả đều do quan sát rồi tiếp theo là suy
nghiệm. Trong khoa học thuần lý, trí não đóng vai trò chủ yếu, đưa ra giả
thiết lý luận rồi kiểm nghiệm, thực hiện. Dù là khởi đầu bằng quan
sát, hay khởi đầu bằng lý luận thì yếu tính của chân lý khoa học vẫn
là sự tuyệt đối khách quan, chứng minh được, kiểm nghiệm được, thực
hiện được.
Trong khoa học, không có lòng tin mù quáng, mà chỉ có giả
thiết được kiểm chứng gián tiếp hay trực tiếp. Những hiện tượng
khoa học mà người ta thấy được thì đa dạng phức tạp, nhưng chân lý
khoa học khi đã hiểu ra thì thực là đơn giản, có thể tóm gọn lại
thành một công thức hay một câu.
Tôn giáo nói chung dựa trên lòng tin. Tin ở trời, ở thượng
đế, ở thần thánh... Tin vì không chứng minh được, không giải thích
được. Ở những thời kỳ đầu tiên của lịch sử loài người, khi có
quá nhiều sự kiện chung quanh mình không thể giải thích, không thể hiểu,
người ta sẵn sàng tin. Vì thế người ta tin ở thần gió, thần mưa, thần
sông, thần biển, thần đất vân vân. Trên hết cả, là thượng đế, là
trời... tức là những đấng siêu phàm có khả năng thưởng phạt, quyết
định vận mạng con người, vận mạng đất nước...
Với sự phát triển khoa học, con người hiểu biết nhiều
và do đó có thể giải thích nhiều điều bằng khoa học. Không còn thần
mưa, thần gió, thần sấm nữa vì tất cả đều giải thích được là những
hiện tượng tự nhiên do những yếu tố nóng lạnh, ẩm khô, điện từ di
chuyển, thay đổi. Không còn cung Quảng và Hằng Nga, vì mặt trăng được
biết là một hành tinh với những mẫu đất đá mà con người không thể
sống. Vì những phát triển khoa học đã thay đổi một cách to lớn cuộc
sống con người, tinh thần duy lý của khoa học càng ngày càng phát triển,
lòng tin con người vào những yếu tố thần linh và siêu nhân giảm đi. Điều
này thấy rõ tại các nước văn minh, nơi số tín đồ cũng như các tu sĩ
truyền đạo giảm sút. Số người tham dự các hoạt động tôn giáo, như
đi nhà thờ, rước lễ vân vân, bớt nhiều.
Tìm hiểu suy nghĩ về những lời căn bản Phật dạy, ta thấy
đặc tính duy lý, và tinh thần khách quan của khoa học. Hãy nghe lời đức
Phật giảng cho chư tăng ở vùng Vesali, trên chặng cuối cuộc đời hành
đạo của Ngài từ Beluva tới Mehavali :
"Này các đệ tử ! Pháp mà ta nghiệm thấy đã nói cho
các người rồi. Các ngươi hãy suy tưởng, hành Pháp và truyền giảng ra rộng
rãi vì lòng thương thế giới, cho điều lành và hạnh phúc của thần và
người"
Trong lời dạy trên, Phât không đòi hỏi lòng tin tuyệt đối
nơi Pháp, Ngài chỉ kêu gọi các tăng già "suy tưởng", "hành
pháp" và "truyền giảng". Suy tưởng để thấy là đúng,
hành Pháp để có thể kiểm nghiệm, và truyền giảng là vì lẽ từ bi. Đức
Phật đã truyền đạo như một nhà khoa học, đưa ra chân lý khoa học để
cho người suy nghĩ, kiểm chứng và phổ biến.
Đức Phật cũng không đòi hỏi phải tin tưởng tuyệt đối
ở Ngài, mà được quyền nghi vấn.
Hãy nghe lời Phật dạy ông A-nan-đà và chư tăng lúc Ngài
gần viên tịch :
"Này A-nan-đà! Có thể có người trong các người nghĩ
rằng : Không còn lời thầy dạy nữa. Chúng ta không còn thấy nữa. Nhưng,
này A-nan-đà, ngươi không được nghĩ thế. Pháp và Giới (Dhamma-vinaya) mà
ta đã đặt định ra và giảng giải cho các ngươi, sẽ là thầy của các
ngươi, sau khi ta viên tịch. Có thể có những tăng, mà trong đầu có nghi
ngờ về Phật, về Pháp (Doctrine-Dhamma), về Đạo (Path-Magga), hay về
phương cách tu tập (Method-patipadà). Này các tăng chúng, hãy tự nhiên mà hỏi
đi. Đừng để sau này tự trách mình rằng : Lúc Thầy chúng ta còn mặt đối
mặt với chúng ta, chúng ta đã không hỏi bậc Đại giác cho tường tận".
Sách chép rằng đức Phật đã nhắc lại những câu này ba
lần cho các chư tăng.
Không những nhắc nhở tự mỗi người suy nghiệm, không những
khuyến khích mọi người đặt câu hỏi với mình, đức Phật còn tách sự
tôn kính mình ra khỏi quá trình suy nghĩ mỗi người để cho kết luận
được khách quan. Sau khi giảng pháp cho Kalamas, Ngài đã hỏi chư tăng rằng
"Sau khi các ngươi đã thấu hiểu và ghi giữ điều ta giảng thì
các ngươi có tự nhủ rằng 'Chúng ta tôn vinh Thầy chúng ta và vì kính trọng
người, chúng ta kính trọng những lời người dạy' hay không ?" Chư
tăng đáp : "Bạch thế tôn, không". Đức Phật liền nói
"Này các đệ tử ! Điều các ngươi vừa nói phải chăng là vì
chính các ngươi đã công nhận, nhìn ra và thấu hiểu đó chăng?".
Chúng tăng trả lời "Bạch thế tôn, chính phải".
Hiểu rõ tâm lý con người, Ngài tách bạch rất rõ Phật
và Pháp, để cho chân lý Ngài tìm ra (tức là Pháp), và con người Ngài chỉ
(tức là Đạo) thực sự phục vụ được chúng sinh, đức Phật đã nói với
ông A-nan-đà khi nằm chờ giờ viên tịch trong rừng Sala giữa hai cây Sala
như sau :
"Người mà làm tròn nghĩa vụ lớn cũng như nghĩa vụ
nhỏ, người mà ngay chính trong cuộc đời tuân theo pháp giới, thì chính
là người vinh danh, tôn kính và thờ phụng bậc Đại Giác, Đại Toàn bằng
cách xứng đáng nhất. Bởi thế, hỡi A-nan-đà, hãy kiên định thi hành những
nghĩa vụ lớn và nhữngg nghĩa vụ nhỏ, hãy ngay chính trong đời, tuân
theo pháp giới. Này A-nan-đà, đấy là cách ngươi phải tự tu tập".
Đặt vấn đề, suy nghĩ và chiêm nghiệmn khách quan, chính
là đặc thù của khoa học.
Ngày nay, ta không lạ gì tinh thần khoa học này. Nhưng thời
đức Phật cách nay trên hai ngàn năm trăm năm, khi con người còn bị bao
vây bởi vô số điều không hiểu biết và mê tín, thì trí huệ này chính
là trí huệ bậc đại giác.
Trong một buổi giảng khác cho chư tăng về cách thức tập
luyện cho một người muốn tìm phương giải thoát, đức Phật nói rằng một
người mà tâm lý trong lành, cuộc đời thanh bạch trọn vẹn thì tức là
tu tập viên mãn, và có thể coi như một người đã tắm rửa sạch nội
tâm. Có người Bà la môn tên là Sundarika Bhàradvàja bèn hỏi đức Phật :
"Ngài Gotana có đi tắm ở sông Bàhuka không ?". Phật
trả lời : "Này người Bà la môn ! Sông Bàhuka có gì tốt ? Sông
Bàhuka có thể làm gì cho người ?". Người Bà la môn đáp : "Bạch
Ngài Gotana, sông Bàhuka người ta tin là sông thánh. Nhiều người có những
hành động xấu xa ghê tởm (pàpa) đã được nước sông Bàhuka rửa sạch".
Phật liền dạy rằng nước sông không thể rửa sạch sự
xấu xa của con người, và nói :
"Hởi người Bà la môn ! Tắm ở đây (trong Pháp và Giới)
sẽ cho mọi người yên lành. Nếu người đừng nói dối, đừng sát sinh,
đừng trộm cắp, đừng xấu xa, thì đi đến sông Gayà làm gì ? Giếng sau
nhà người cũng là sông Gayà đó !"
Nhìn thẳng vào vấn đề, tìm ra phương kế giải quyết thích
đáng, không dựa vào những tiền đề chủ quan, những tin tưởng mù quáng
dễ dàng, là cách nhìn khoa học của đức Phật dạy trong chuyện kể trên.
Đức Phật xuất gia vì nhìn thấy cảnh sinh lão bệnh tử
bao trùm cuộc đời và muốn giải cứu chúng sinh. Trong quá trình tu tập học
đạo, Ngài đã suy nghĩ, thể nghiệm và sau cùng giác ngộ tìm ra chân lý
giải quyết khổ nạn cuộc đời. Tóm tắt lại là tứ diệu đế (khổ đế,
tập đế, diệt đế, đạo đế) và bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư
duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm,
chánh định). Trong tiến trình giải quyết khổ, vai trò mỗi người là chủ
yếu. Như Phật nhắc nhở nhiều lần :
- "Ngươi phải tự mình cố gắng,
- Bậc Đại toàn (Tathàgata) chỉ đường"
- (Dhammapada, 276)
và :
- "Do mình việc xấu sinh
- Vì mình mà bị bôi xấu
- Chính mình việc xấu ngưng
- Tự mình tiếng xấu giải
- Trong sạch hay dơ bẩn tùy thuộc ở mình
- Không ai tẩy sạch được cho người khác"
- (Dhammapada, 165)
Trong nỗ lực tự giải cứu này, kết quả cao thấp
tùy cá nhân. Ở mức toàn hảo là trở thành bậc đại giác, như hoa sen nở
giữa chốn bùn lầy.
Suy nghĩ cho kỹ, lời Phật dạy mỗi người phải tự cứu
cũng là một chỉ dẫn khoa học, kết hợp biết và làm, lý thuyết với
hành động, giải quyết việc người mà không phục vụ việc thần. Vì thế,
Phật không quan tâm giải thích những vấn đề siêu hình, không dựa trên
những yếu tố thần linh để thuyết phục, xoa dịu hay giải quyết những
vấn đề con người. Phương thức giải quyết khổ nạn Phật chỉ ra là
triệt để và đơn giản, trên nguyên lý nhân quả, như trong quan hệ vận
hành của những hiện tượng khoa học.
Một cách rất tổng quát, ta đã nhìn ra tính chất khoa học
trong một số lời Phật dạy nguyên thủy và qua một vài ý niệm cơ bản
trong Phật pháp. Sự nhận định này không vì yêu cầu vinh danh hay đề cao
đức Phật và Phật giáo. Vì như lời Phật dạy ông A-nan-đà đã dẫn ở
trên, vinh danh, tôn kính và thờ phụng đấng Thế ton cách cao quý nhất
chính là tuân theo pháp giới. Mặt khác, cũng vì hiểu rằng Phật giáo là
đạo cứu khổ, mà tiến trình cứu khổ là dựa trên nỗ lực cá nhân, chứ
không vì ân phúc huyền bí, nên tự thấy không cần đề cao Phật giáo.
Ngoài ra, nói đức Phật có tinh thần khoa học hay nói Phật giáo có tính
chất khoa học thì thật ra cũng không phải là một cách đề cao.
Những phân tích trên đã được viết trong quan ngại chung
về viễn ảnh tôn giáo trong thời đại văn minh vật chất ngày nay, khi những
khám phá khoa học làm lu mờ yếu tố huyền bí, khi những phát triển kỹ
thuật, thương mại làm xã hội ngày càng phức tạp và con người bị trói
buộc chặt chẽ vào trong những khổ nạn chằng chịt, tế vi khó định,
khó thoát. Trong hoàn cảnh này, vai trò giải cứu con người, ổn định xã
hội của tôn giáo cổ điển dựa trên sức mạnh huyền bí giảm đi, như
ta đã thấy.
Nhận ra tinh thần khoa học trong những lời Phật dạy và
khai triển tinh thần này phải chăng là điều cần quan tâm chú ý để Phật
pháp có thể được hoằng dương mà giải cứu cho con người duy lý trong
thời đại ngày nay ?
-------------
http://www.bu
ddhismtoday.com/viet/kh/008-pg&kh.htm