Tình cờ xem bài: “Phật giáo và cuộc cách mạng khoa học” của tác
giả Trần Chung Ngọc viết trên Trang nhà Quảng Đức:
“Chúng ta đã biết về thời gian thì Phật giáo có quan niệm: “vô thỉ, vô
chung”, không có bắt đầu và cũng không có tận cùng. Và khi được hỏi vũ
trụ là hữu hạn hay vô hạn, hay vừa hữu hạn vừa vô hạn, hay vừa không hữu
hạn vừa không vô hạn thì Đức Phật giữ yên lặng, không trả lời. Có người
diễn giải là sự hiểu biết về vấn đề này không ích lợi gì cho sự tu tập
trong Phật giáo nên Đức Phật không trả lời để cho hành giả khỏi vướng
mắc vào những việc viển vông mà lo tu tập thực tế hơn . Cũng có người
giảng giải là Đức Phật giữ yên lặng để hiển dương tính vô chấp trong
Phật giáo ”.
Nghĩa là cho đến tận ngày nay, hàm ý của Đức Phật trong sự yên
lặng không trả lời những câu hỏi về vũ trụ vẫn chưa được giải đáp . Tại
sao Đức Phật giữ yên lặng và không trả lời ? Mừng ngày lễ Phật đản năm
2007, tôi xin cống hiến ý kiến của riêng mình lý giải về việc đó như sau:
Trước hết phải thừa nhận nền khoa học kỹ thuật thế giới hiện nay phát
triển mạnh như vũ bão và đóng góp rất lớn cho xã hội những giá trị mang
tính vật chất, mắt thấy tay sờ…Nhưng những vấn đề mang tính trừu tượng
như nhận thức về bản chất không gian, thời gian hay sự cấu tạo, hình
thành vũ trụ chỉ có giới hạn và đang có xu hướng dựa vào những điều nhầm
lẫn, chưa chuẩn.
Vì sao nói vậy ? Vì có nhiều lý thuyết đã được đưa ra mô tả về
cấu tạo, sự hình thành vũ trụ, nhưng quả là hiện nay các nhà khoa học có
uy tín và kể cả thần học đang có xu hướng ngày càng nghiêng về lý thuyết
vũ trụ được hình thành từ vụ nổ Big Bang. Thuyết vũ trụ được hình thành
từ vụ nổ Big Bang được coi là khoa học nhất, phù hợp thực tiễn nhất và
có vẻ như tương đồng nhận thức giữa khoa học và tôn giáo . Như tác giả
Trần Chung Ngọc đã nói ông Stephen Hawking, (nhà vật lý người Anh được
ca tụng là chỉ đứng sau Einstein) còn mừng về việc khoa học vật lý hiện
đại có những nét tương đồng với Tôn giáo, chẳng hạn như khởi điểm của vụ
nổ Big bang được ví như trùng với ba phút Sáng thế do Thượng đế tạo ra
vũ trụ ghi trong kinh Thánh.
Có đúng là vũ trụ có khởi điểm ban đầu là vụ nổ lớn tương đồng
với phút Sáng thế? Cứ giả thiết đúng như vậy thì nhân loại phải tin là
có Thượng đế, có Đức Chúa trời tạo ra muôn loài và Thượng đế, Đức Chúa
trời sẽ được ca ngợi là sáng suốt, đáng được tôn thờ? Nhưng lại giả
thiết rằng một ngày đẹp trời nào đó có người lại phát hiện và đưa ra
những chứng lý khoa học không thể phủ định được chứng minh vụ nổ Big
Bang là không đúng, thế thì Thượng đế, Đức Chúa trời lại bị cho là không
sáng suốt và lại không được tôn thờ nữa chăng?
Tôi nghĩ chỉ riêng những điều chất vấn như trên chúng ta cũng đủ
thấy sự uyên bác của Bậc Giác ngộ khi Ngài giữ yên lặng, không trả lời
cụ thể bất cứ điều gì đòi hỏi chỉ có trí tuệ cao siêu mới biết, mới hình
dung ra. Theo văn hoá phương Đông thì Vũ là không gian và Trụ là thời
gian, quan điểm của Phật giáo về không gian, thời gian là “vô thỉ, vô
chung” đã phản ánh ý kiến rõ ràng của Đức Phật về vũ trụ. Do vậy không
phải Ngài giữ yên lặng, không trả lời thì có nghĩa là Ngài không biết
hay không hiểu gì về vũ trụ, mà là trí huệ của chúng sinh còn quá thấp
chưa đủ độ để tin hiểu nếu có cố giảng giải thì từ chỗ không thể hiểu
chúng sinh dễ dao động, nảy sinh sự nghi ngờ đối với đức tin. Sự yên
lặng của Ngài với hàm ý rằng: vấn đề này cực kỳ phức tạp, chúng sinh cần
phải cố gắng tu tập nhiều hơn nữa và chỉ đến khi nào thực sự giác ngộ sẽ
tự khắc hiểu.
Thời của Đức Phật cách ngày nay đã hơn 2500 năm, trình độ nhận
thức của chúng sinh ngày đó kém xa ngày nay, thế mà ngay thời đại hiện
đại này việc hình dung nhận thức về vũ trụ hầu như cũng chỉ dành cho một
số rất ít người có trí tuệ cao mà họ còn phải tranh cãi nhau kịch liệt
xem ai đúng ai sai thì thử hỏi làm sao Đức Phật lại có thể trả lời đơn
giản cho chúng sinh tin hiểu được?
Lý thuyết vụ nổ Big Bang mô tả sự khởi nguồn của vũ trụ mâu
thuẫn với quan niệm, nhận thức của Phật giaó về sự “vô thỉ, vô chung”.
Nên vấn đề cần thiết lúc này là phải xác định vụ nổ Big Bang hình thành
ra vũ trụ mà xu hướng các nhà khoa học ngày càng có niềm tin coi đó là
chân lý, là đúng hay không đúng ?
Tôi đã nghiên cứu kỹ và dám nói rằng: vụ nổ Big Bang là không
đúng. Bởi lẽ lý thuyết về vũ trụ nở, có thời điểm ban đầu gọi là vụ nổ
Big Bang chủ yếu là dựa vào các phương trình toán học tính toán trong
Thuyết tương đối của Einstein mà trong đó đặt tiên đề vận tốc ánh sáng
là hằng số vũ trụ. Tiên đề này là nền tảng, là cái gốc dựng tạo ra lý
thuyết, nếu tiên đề sai thì toàn bộ lý thuyết của vụ nổ Big Bang coi như
sụp đổ . Oái oăm thay! Tiên đề vận tốc ánh sáng là hằng số vũ trụ đúng
là sai thật. Để hiểu rõ điều này chỉ cần phân tích các công thức năng
lượng của Einstein như: Eo=mo.c2 gọi là
năng lượng nghỉ hay năng lượng của hệ khi không chuyển động và Er=mo.γ.c2
gọi là năng lượng tương đối hay năng lượng của hệ khi chuyển động với
tốc độ cao gây hiệu ứng biến đổi khối lượng, không gian và thời gian…của
hệ đó, sẽ thấy ngay vận tốc ánh sáng không phải là hằng số vũ trụ. Tại
công thức năng lượng tương đối: Er=mo.γ.c2
(trong đó Er là năng lượng tương đối, mo là khối
lượng của hệ khi không chuyển động, γ là hệ số biến đổi, gọi là hệ số
dãn của Lorenzt và c là vận tốc ánh sáng), sao chỉ có khối lượng của hệ
chuyển động thay đổi biểu thị bằng việc nhân với hệ số γ, còn không gian
và thời gian của hệ biểu thị trong đơn vị km/s của vận tốc ánh sáng lại
không thay đổi, không được nhân với hệ số γ ? Như thế tức là kết quả
tính toán trong công thức năng lượng tương đối mâu thuẫn với chính điều
đã phát biểu trong Thuyết tương đối của Einstein rằng: không gian, thời
gian của hệ khi chuyển động cực nhanh sẽ bị biến đổi . Đơn vị vận tốc
km/s (trong đó km là đơn vị đo khoảng cách, biểu thị cho không gian của
hệ và s là giây, đơn vị đo thời gian, biểu thị cho thời gian trôi của hệ)
của hệ đứng yên khi đổi sang hệ chuyển động có không gian biến đổi là
km.γ=kmr và thời gian biến đổi là s.γ=sr thì sẽ
phải biến đổi thành km.γ/s.γ=kmr/sr → γ.km/s . Đơn
vị đo vận tốc tại hệ đứng yên: km/s khác với đơn vị đo vận tốc tại hệ
chuyển động gây ra hiệu ứng biến đổi không gian, thời gian: km.γ/s.γ=kmr/sr
. Vận tốc ánh sáng c=300.000km/s tại hệ đứng yên khác với vận tốc ánh
sáng tại hệ chuyển động có không gian, thời gian biến đổi: cr=300.000kmr/sr
, c ≠ cr vì đơn vị của chúng khác nhau. Công thức năng lượng
tương đối viết đúng sẽ phải là: Er=mr.cr2
. Einstein bị nhầm ở chỗ này, nên rõ ràng là vận tốc ánh sáng chỉ là
hằng số không đổi trong từng hệ quy chiếu quán tính chứ không phải là
hằng số vũ trụ. May cho Thuyết tương đối của Einstein, vì tuy vận tốc
ánh sáng không phải là hằng số vũ trụ, nhưng trong từng hệ quy chiếu
quán tính nó vẫn là hằng số nên Thuyết tương đối vẫn đúng.
Đau đớn quá! Một thế kỷ qua cả nhân loại bị nhầm lẫn theo cái
thiếu sót của Einstein. Tôi lấy làm lạ rằng sự việc đơn giản như vậy mà
mấy tỷ con người không ai phát hiện ra và dám đứng lên phát biểu bênh
vực cho lẽ phải, tránh để câu chuyện diễn ra ví như chuyện anh thợ may
láu cá may quần áo cho Vua bằng vải “không khí”, nếu ai “ngu dốt” thì
mới không nhìn thấy.
Từ việc vận tốc ánh sáng không phải là hằng số vũ trụ thì đương nhiên
không có vụ nổ Big Bang, không có phút “sáng thế” do Thượng đế tạo ra.
Có thể có người lại viện dẫn việc vũ trụ đang dãn ra và đã được kiểm
nghiệm chứng minh để bảo vệ cho vụ nổ Big Bang . Đúng là vũ trụ đang dãn
ra thật do thấy các thiên hà tự nhiên chạy rời xa nhau, thế nhưng lại
chính các nhà khoa học hiện đại ngày nay mới phát hiện ra có loại “vật
chất tối” hay “năng lượng tối” nào đó rất bí hiểm đang chứa đầy trong vũ
trụ có khả năng nó là nguyên nhân đẩy các thiên hà trong vũ trụ chạy ra
xa nhau ngày một nhanh. Lý thuyết dựa trên cái sai, thực nghiệm bị ngộ
nhận, cho nên có lẽ tốt nhất phải dừng cái xu hướng ngày càng ngả về vụ
nổ Big Bang lại càng nhanh càng tốt .
Nếu dừng niềm tin về vụ nổ Big Bang lại thì vũ trụ sẽ được nhận thức như
thế nào cho đúng ? Tuy vận tốc ánh sáng không phải là hằng số vũ trụ để
phản ánh không có vụ nổ Big Bang và công thức năng lượng tương đối chưa
đúng phải chỉnh sửa lại cho đúng, nhưng về cơ bản tính tương đương trong
Thuyết tương đối của Einstein vẫn đúng. Nó vẫn phù hợp với định luật thứ
nhất của Newton và nguyên lý tương đối của Galileo về các hệ quy chiếu
quán tính rằng: Mọi quy luật vật lý diễn ra tại hệ đứng yên giống như
diễn ra tại hệ chuyển động thẳng đều, nay bổ xung thêm là dù vận tốc của
hệ chuyển động thẳng đều có nhanh xấp xỉ vận tốc ánh sáng của hệ đứng
yên. Từ đây chúng ta lại phát hiện ra thêm một quy luật nữa là các hệ
quy chiếu quán tính đồng dạng với nhau theo tỷ lệ biến đổi γ . Nghĩa là
trong vũ trụ, các hệ quy chiếu quán tính có hệ có kích thước rất lớn
nhưng cũng có hệ có kích thước rất nhỏ, có thể có kích thước của hệ gần
bằng không . Có hệ có thời gian trôi rất nhanh, nhưng có hệ có thời gian
trôi rất chậm, có thể có thời gian gần như không trôi . Giả sử có hệ quy
chiếu quán tính có thời gian trôi rất chậm, một năm trên đó bằng thời
gian trôi của một hệ quy chiếu quán tính khác (ví dụ như hệ có chứa trái
đất của chúng ta chẳng hạn) là một triệu năm . Đối với chúng ta, giả
thiết có niềm tin vụ nổ Big Bang là thật, thời điểm phút “sáng thế”cách
ngày nay là 13,7 tỷ năm theo thời gian của chúng ta, nhưng đối với hệ
quy chiếu có thời gian trôi rất chậm như đã nói ở trên một năm của họ
bằng một triệu năm đã trôi của chúng ta, họ cũng có niềm tin vụ nổ Big
Bang tại hệ của họ và thời điểm phút “sáng thế” cũng cách ngày nay là
13,7 tỷ năm tính theo thời gian của họ. So sánh thời gian trôi tại hệ
của họ với hệ của chúng ta thì phút “sáng thế” của họ phải cách ngày nay
là 13,7 triệu tỷ năm theo thời gian trôi của chúng ta. Phút “sáng thế”
của họ có trước phút “sáng thế”của chúng ta hàng triệu năm, không trùng
với phút “sáng thế” của chúng ta. Vậy thì phút “sáng thế” nào đúng?
Thuyết tương đối được vận dụng, chân lý tại hệ của chúng ta đúng thì
chân lý tại hệ của họ cũng đúng . Không thể phát biểu tuỳ tiện rằng:
chỉ có chúng ta đúng và có chân lý còn họ thì sai và không có chân lý.
Điều này dẫn đến là thời gian và không gian vũ trụ không thể xác định
được theo ý kiến chủ quan của riêng hệ quy chiếu nào trong vũ trụ và
phải chấp nhận một sự thật phũ phàng rằng mỗi hệ quy chiếu chỉ có thể
nhận thức về vũ trụ như một “chú ếch ngồi đáy giếng”. Không gian và thời
gian vũ trụ trở nên đúng như quan điểm của Phật giáo là “vô thỉ, vô
chung”, không có điểm bắt đầu và cũng không có sự kết thúc, vì có thể có
điểm bắt đầu hoặc có sự kết thúc đối với hệ của chúng ta nhưng lại không
phải là điểm bắt đầu hoặc sự kết thúc đối với những hệ khác.
Đến hôm nay nếu không chỉ ra cái chưa chuẩn của khoa học hiện đại,
có lẽ chúng ta vẫn cứ tưởng và nghi ngờ là Đức Phật giữ yên lặng, không
trả lời nghĩa là Ngài không hiểu hoặc không biết vũ trụ là hữu hạn hay
không hữu hạn…Sự tưởng và nghi ngờ khiến chúng ta có thể sẽ tu mù, tu
nhầm vì không biết đâu là thật, đâu là giả.
Tóm lại có thể nói Thuyết tương đối của Einstein chỉ ra có
sự khác nhau về không gian, thời gian giữa các hệ quy chiếu quán tính
trong vũ trụ như thể Einstein đã thay mặt Đức Phật giải đáp bằng khoa
học về sự “vô thỉ, vô chung” của vũ trụ cách đây 100 năm mà đến bây giờ
cũng chẳng ai hiểu. Sự yên lặng, không trả lời của Đức Phật khi được hỏi
những vấn đề liên quan tới vũ trụ càng khiến chúng ta cảm phục ý kiến
của Einstein rằng: nếu như trong tương lai thế giới này còn tồn tại tôn
giáo thì đó là Đạo Phật…
Hy vọng món quà mừng ngày Phật đản 2007 này giúp ích cho mọi người
hiểu sâu hơn về khoa học và Phật học .
Hà
nội, ngày 8/4 năm Đinh Hợi, (24/5/2007)
Lê Văn
Cường
Email:
cuong_le_van@yahoo.com