- Chúng tôi học kinh (2)
- Tâm Minh
Hôm nay chúng tôi học phẩm thứ 2 của kinh Pháp Hoa, đó
là phẩm Phương Tiện.
Chữ phương tiện thì ai cũng hiểu rồi nhưng trong phẩm này
có nghĩa đặc biệt và khi giảng kinh này quý Thầy hay dùng chữ Quyền Biến
để thay thế 2 chữ phương tiện. Phương tiện là cửa ngỏ để đi vào cứu
cánh, phương tiện có tính cách giai đoạn.
Mở đầu phẩm Phương Tiện, Đức Phật tâm sự với đại
chúng rằng Ngài rất băn khoăn sau khi thành đạo, không biết có nên đem
Phật pháp ra giảng cho chúng sanh cõi Ta Bà này không, vì căn tánh chúng
sanh rất can cường, thân tâm mê chấp, trí tuệ thấp kém, tính tình kiêu
mạn, không chịu tìm hiểu để tin..v...v... mà Phật pháp thí quá vi diệu,
cao sâu, Ngài nghĩ: hay mình hãy nhập Niết Bàn cho rồi. Nhưng sau đó, Ngài
nhớ lại và quán chiếu việc chư Phật trong nhiều đời đã giảng nói Phật
pháp cho chúng sanh, quý Ngài dùng rất nhiều phương tiện thiện xảo để
cho chúng sanh tin hiểu và áp dụng, vậy nên đức Phật Thích Ca ngày nay cũng
nên y theo phương pháp của chư Phật trong 10 phương mà bày ra phương tiện
để giảng Pháp cho chúng sanh. Trước hết Ngài đã phương tiện nói là
có 3 Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát). Với Thanh Văn Ngài giảng Tứ
Diệu Đế, với Duyên Giác Ngài giảng Duyên Khởi, với Bồ Tát Ngài giảng
Lục Độ Ba La Mật.. v.. v.. nhưng thật ra chỉ có một Thừa (Nhất Thừa)
đó là Phật Thừa. Vì thế bây giờ Ngài chỉ nói về Phật Thừa. Ngài
nói rằng tất cả chúng sanh, Ai Rồi Cũng Sẽ Thành Phật, từ người tu hành
tinh tấn, cho đến biếng nhác, phóng túng ... nhưng có khởi tâm muốn muốn
làm Phật, từ em bé nhóm cát xây thành tháp Phật cho đến người chỉ
đưa một tay ra, chắp tay lạy Phật ..v..v... đều sẽ thành Phật trong tương
lai vì hạt giống Bồ Đề không bao giờ mất. Có khác nhau chăng là vấn
đề thời gian mà thôi. Lời tuyên bố này quả là khó tin, chỉ có những
ai chịu khó tu tập, tìm hiểu sâu sắc về Phật pháp mới hiểu được và
chấp nhận lời Ngài.
Trước đây Ngài đã phương tiện nói Tam Pháp Ấn: Vô Thường,
Vô Ngã, Khổ
- Chư hành vô thường (các hành vô thường)
- Chư pháp vô ngã (các pháp vô ngã)
- Chư thọ thị khổ (các thọ là khổ - dù là lạc thọ cũng là khổ theo
sau)
Bây giờ chỉ là một: Nhất ấn hay thật tướng ấn; từ
ba pháp ấn chỉ còn lại một pháp ấn, đó là khuôn mặt đích thật của
thực tại.
Đối tượng của kinh này là hàng Thanh Văn- đại diện là
ngài Xá Lợi Phất - ngài là một trong 10 đại đệ tử Phật, hạnh bậc
nhất của ngài là Trí Tuệ, ngài cũng là thầy của La Hầu La (Đức Phật
giao cho ngài dạy La Hầu La). Điều đó nói lên rằng phải là hàng có trí
tuệ mới có thể nghe hiểu, chấp nhận và tin những điều Như Lai nói ra,
do vậy mà trong hội chúng đã có năm ngàn người từ chỗ ngồi đứng dậy
lễ Phật rồi lui về. Đây là những người nghiệp chướng sâu dầy và tăng
thượng mạn, chưa chứng đắc nhưng tự cho mình đã chứng đắc. Đức Thế
Tôn cho rằng đây là hạng người đại diện cho những chồi khô mộng
lép, với ngôn ngữ bây giờ thì ta nói rằng: những người này chỉ cần
thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ thì họ cũng thành Bồ Tát, có khả năng
thành Phật hết.
Đức Phật nói rằng mục đích tối hậu của sự ra đời
của chư Phật là làm cho chúng sanh biết được rằng chúng sanh cũng có
tri kiến Phật (Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật). Nhưng tại
sao lại đánh mất đi, tại sao 6 căn không còn thanh tịnh? - Đó tại vì
Tham Sân Si Mạn Nghi ...v..v... đã che lấp, nói cách khác, vô minh đã làm
cho chúng sanh trong cõi Ta Bà này bị mê lầm. Trong bài giảng của thầy Từ
Thông, thầy có nói rằng khi mới sanh ra, 6 căn của chúng sanh cũng thanh tịnh
như của chư Phật: hãy quan sát một em bé chưa biết đi, 6 căn của em thật
thanh tịnh: mắt nhìn những vật quý giá của thế gian nhưng không hề ham
muốn, tai nghe đủ loại tiếng nhưng không đắm, ..v..v.. Ta thử đưa cho em
một hột xoàn: em có thể cầm chơi một chút rồi quăng đi không hề luyến
tiếc, ai cho thì ăn, uống thì uống, không ưa cũng không ghét đối với mọi
người mọi vật. Tâm em bé hồn nhiên trong sáng, 6 căn thanh tịnh, không hề
bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (là 6 trần) làm nhiễm ô. Em bé
không biết có ta có người, không phân biệt mảy may (tức là không có
Ngã và Ngã Sở). Đức Phật gọi cái hạnh này là anh nhi hạnh, chúng sanh
khi thành người lớn đã đánh mất cái hạnh này rồi tâm bị nhiễm ô bởi
tham sân si mạn nghi phiền não..v..v..Nghe thầy giảng ngang đây tôi liền nhớ
đến Tâm Bất Sinh của thiền sư Bankei (Nhật). Theo ông thì người lớn
cũng có cái tâm bất sinh nghĩa là cái tâm không phân biệt, cái tâm ban sơ
chưa suy nghĩ, so đo, tính toán.
Chính cái tâm này sẽ tự nó an bài mọi sự một cách êm
xuôi không cần mình phải bon chen, tranh đua hơn kém..v..v... Nếu ai an trú
trong tâm bất sinh đó thì đấy là Phật. Thiền sư Bankei sống cách đây
vài trăm năm mà ở thời đó ông còn bị chống đối huống gì thời Đức
Phật cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, làm sao những chúng sanh không có
tuệ giác có thể tin nỗi!. Thật là khó khăn cho Đức Phật khi muốn truyền
bá Đạo nhiệm mầu cho chúng sanh cõi Ta Bà này. Tuy nhiên anh chị em chúng
tôi đã được may mắn biết một trong những người lớn mà có tâm hồn
trẻ thơ, sống thanh thản, an nhiên tự tại giữa cuộc đời ồn ào phức
tạp này: đó là Thiền Lão thiền sư. Sư không màng biết bao nhiên năm tháng
đã trôi qua, mình là ai, mặc dù Thiền phong của Sư vang dội khắp nơi và
học trò của Sư lên đến hơn ngàn người. Một hôm vua Lý Thái Tông đến
viếng chùa của Sư và hỏi:
- Hòa Thượng trụ trì ở đây được bao lâu rồi ạ?
Sư đáp:
- Chỉ biết ngày tháng này
- Ai rành Xuân Thu trước
- Đản tri kim nhật nguyệt
- Thùy thức cựu Xuân Thu
Vua hỏi lại rằng : Hằng ngày Hòa Thượng làm gì?
Sư đáp:
- Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
- Trăng trong mây bạc hiện toàn chân
- Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
- Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân
Vua rất kính phục và muốn thỉnh Sư về triều đình để
làm cố vấn nhưng khi sứ giả của vua đến thì Sư đã viên tịch. Sư quả
thật đã tu đến độ lục căn thanh tịnh, đã đạt được anh nhi hạnh của
một tâm hồn trẻ thơ, nghĩa là tâm Phật bất sinh vậy.
Chữ phương tiện làm anh chị em chúng tôi có thật nhiều
điều muốn nói, chúng tôi đã dành nhau nói về những bài học của mình
đã học được và đem áp dụng vào cuộc sống cũng như trong việc giảng
dạy cho các em. Xin ghi ra đây những bài học của nhóm chúng tôi:
* Tất cả các môn học trong Gia Đình Phật Tử như Hoạt
Động Thanh Niên, Trò Chơi, Văn Nghệ, Báo Chí Trại, Trại Mạc ..v..v.. đều
nhằm mục đích giới thiệu Phật pháp với các em, truyền bá giáo lý đến
các em; vì vậy nếu sa đà theo phương tiện mà quên mục đích thì đó là
khuyết điểm của người Huynh Trưởng. Cũng vậy, báo chí nếu không đem
lại sự hòa ái tin yêu giữa những người Phật tử, giữa người với
người, không đem niềm vui đến cho độc giả mà chỉ đem phiền não, thị
phi..v..v.. thì tờ báo đó mất tác dụng truyền bá Phật pháp rồi.
Về bản thân, nếu chúng ta k hông phân biệt rõ phương tiện
và cứu cánh trong các hành động của thân, miện ý trong cuộc sống hằng
ngày, chúng ta có thể bị sa vào lầm lỗi. Ví dụ có anh chị bảo rằng uống
rượu mà không say sưa là được, uống rượu, khiêu vũ ..v...v... là để
xã giao. Trong xã hội ngày nay không tránh được việc xã giao, thù tiếp
trong công việc làm ăn ..v..v.. được. Điều này có thể đúng nhưng chúng
ta phải luôn tỉnh thức để biết lúc nào là cần thiết xử dụng nó như
một phương tiện và lúc nào ta đã sa đà vào sự phóng dật đam mê không
thể rút chân ra được. Điều này chỉ có ta biết mà thôi. Xin hết sức
cẩn trọng !.
Trong phẩm này có nhiều câu kinh, kệ thật là hay, không thể
không nhớ hoài được và nhờ vậy chúng ta dễ thuộc, dễ áp dụng, ví dụ
như:
- Chư pháp tùng bổn lai
- Thường tự tịch diệt tướng
- Các pháp xưa nay
- Thường tự vắng lặng
Câu này nói lên cái ý nghĩa thật độc đáo: đó là mỗi
lá cây ngọn cỏ đều dạy cho ta về vô thường vô ngã và tánh không của
vạn pháp. Chúng ta không chỉ đến chùa mới nghe được Phật pháp vi diệu
mà từng chiếc lá cành hoa...v...v... đều giảng nói Phật pháp nếu chúng
ta biết ngắm nhìn và biết lắng nghe. Thật vậy, nhìn một cành hoa ta thấy
rõ trùng trùng duyên, khởi. Cái hoa là tổng hợp của nước, ánh sáng, đất,
gió, không khí, mặt trời..v...v... đó là chưa kể công người trồng, tưới,
mưa gió thuận hòa. Thầy Nhất Hạnh thường khen bài thơ của Quách Thoại
vịnh bông hoa thục dược như sau:
- Đứng yên ngoài hàng giậu,
- Em mĩm nụ nhiệm mầu
- Lặng nhìn em kinh ngạc
- Và thoảng nghe em hát
- Lời ca em thiên thu
- Ta sụp lạy cúi đầu.
Thầy nói người thi sĩ trẻ này đã nắm bắt được thực
tại nhiệm mầu. Thật vậy, chính bây giờ và ở đây chúng ta có hạnh
phúc, chúng ta có an lạc, chúng ta có cái đẹp tuyệt đối chứ không cần
tìm ở đâu xa. Nếu chúng ta biết nhìn, chúng ta sẽ thấy, biết lắng tai
thì sẽ nghe những âm thanh vi diệu từ thiên nhiên quanh ta trong một buổi
bình minh, một buổi hoàng hôn hay ngay cả trong cái tĩnh mạch của một buổi
trưa Hè. Do đó, trong khi đi dạo ta có thể thực hành Thiền, giữ tâm
yên, lời yên, chúng ta học tập được rất nhiều điều từ thiên nhiên
mặc dù thiên nhiên không bao giờ nói gì cả. Điều này còn có thể chữa
lành hay bồi dưỡng cái tâm quá mệt mỏi của chúng ta nữa.Hai câu này
không chỉ chúng ta thấy hay mà người xưa cũng thấy hay nữa, chẳng thế
mà một vị thiền sư đã dùng để mở đầu cho một bài thơ của mình:
- Chư pháp tùng bổn lai
- Thường tự tịch diệt tướng
- Xuân đáo bách hoa khai (Xuân đến trăm hoa nở)
- Hoàng Oanh đề liễu thượng (Oanh vàng ca liễu thắm)
Vị thiền sư này cũng thưởng thức thiên nhiên với tâm
thanh tịnh thực tại rất đơn giản ở trước mặt như hoa xuân đua nở và
chim chóc ca hót. Tâm của thiền gia an lạc, thanh tịnh, không vướng mảy
may phiền não.
Ngoài ra trong khi học phẩm này chúng tôi được nhắc nhở
về 3 thứ ngoại đạo.
1/ Ngoại đạo thật
2/Ngoại đạo mạo danh đạo Phật: tu theo ngoại đạo
nhưng dán nhãn hiệu đạo Phật.
3/ Học Phật pháp thành ngoại đạo: hiểu lầm Phật pháp, ý của mình mà
nói là ý của Phật, Tổ ..v...v... như vậy tưởng là truyền bá đạo Phật
, kỳ thực là truyền bá ý của mình. Họ chấp lời nói của Phật, của
Tổ, cho là thật, không biết đó chỉ là phương tiện. Đức Phật gọi hạng
thứ ba này là sư tử trùng, vì chính họ sẽ tiêu diệt Phật pháp.
Một bài học khác nữa là gần gũi và cúng dường vô số
chư Phật. Thế nào gọi là được gần gũi và cúng dường vô số chư Phật
? Đây cũng là ngôn ngữ biểu tượng của Pháp Hoa. Vì thọ lượng của
chư Phật là vô cùng vô tận, chúng ta làm sao gần gũi và cúng dường vô
số chư Phật trong một kiếp phù du ở cõi Ta Bà này được ? Nhưng nếu
ta an trú trong tâm Phật bất sinh, xa lìa ngã chấp, ngã sở (chấp có TA và
CỦA TA), luôn tỉnh thức tránh tất cả các điều ác, làm tất cả điều
lành, giữ tâm ý trong sạch, không truy tìm quá khứ, không mơ ước tương
lai, luôn an trú trong hiện tại, hằng ngày luôn luôn nhớ nghĩ điều thiện,
giữ gìn chánh niệm, không khởi tà niệm..v...v... thì đó là ta đã gần gũi
và cúng dường vô số chư Phật vậy. Nói tóm lại, gần gũi và cúng dường
chư Phật có nghĩa là gần gũi với Phật tánh thanh tịnh của chính mình.
Một bài học quý nữa là về thật tướng của các pháp.
Chúng ta thường gặp phiền não khổ đau vì chúng ta méo mó trong cách
nhìn, cách nghe ..v...v... chúng ta không thấy được thật tướng của các
pháp. Nếu chúng ta nhìn một vật, một người với tâm Phật bất sinh của
mình, nhìn mà không phân biệt lớn nhỏ, cao thấp, xấu đẹp thi không bao
giờ chúng ta gặp phiền não, đau khổ. Nếu chúng ta biết nghe với tâm
bình đẳng, không để cho cái ngả của ta vướng vào, sao cho cái nghe cứ
vẫn là cái nghe thuần túy, cái thấy chỉ là cái thấy thuần túy.... thì
ta sẽ thấy vạn pháp vốn bình đẳng, ta hiểu được ý nghĩa của không
dơ, không sạch, không thêm không bớt, không thường không đoạn, không
sanh không diệt.... là như thế nào. Đức Phật nói đó là nhìn sự vật
theo cái nhìn của chư Phật. Theo Thập Như Thị: tướng, tánh, thể, lực,
tác, nhân, duyên, quả ...báo.... Còn chúng ta , chúng ta luôn phân biệt, đặt
tên, phê phán. Ví dụ núi thì cao, đồi thì thấp, sông thì sâu, hồ thì cạn..v...v....
Nhìn người thì thì phân biệt người nước này, nước nọ, châu này,
châu kia, màu da vàng, trắng, đỏ đen....., người này dễ thuơng, người
kia dễ ghét, người này đẹp người kia xấu..v..v... từ đó phiền não khổ
đau tranh chấp sẽ kéo theo sau. Thật vậy, nhìn mọi vật với cái thấy của
tâm phân biệt nhỏ hẹp của mình thì thật là hạn chế; nếu chúng ta biết
quay về với tự tâm thanh tịnh, nhìn mọi vật theo tướng của nó, tánh của
nó, bản thể của nó, lực dụng của nó..v...v... thì ta thấy được tính
bình đẳng không hai của mọi sự mọi vật trên đời, không bị hạn chế
bởi tâm địc hẹp hòi, so sánh đo lường, tính toán, phân biệt... của
chính chúng ta nữa, mà trái lại thấy được tính cách phong phú, đa dạng
và vi diệu của vạn pháp vậy.
Để kết thúc Phẩm Phương Tiện, chúng tôi nhờ Th. ngâm một
bài kệ cũng bát đầu bằng câu Chư Pháp tùng bổn lai thường tư tịch diệt
tướng, mà chúng tôi đã được thuộc từ lâu mặc dù không ai biết của
tác giả nào:
- Các pháp xưa nay thường vắng lặng
- Tâm sanh Niệm khởi cảnh liền sanh
- Nghe chuông tỉnh thức lìa cơn mộng
- Thể nhập chơn tâm diệu đức hằng.
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/007-dockinh.htm