- Lá thư thầy (14)
- Sư Viên Minh
Ngày
tháng
năm
C. K con.
Nhận được thư con khoảng một tuần
lễ rồi mà bây giờ mới viết thư cho con được. Thường thư xa
Thầy phải trả lời sớm vì sợ thư đi lâu, mất công trông đợi.
Coi lại thư con đề ngày 11 tháng 8 thì đúng y một tháng.
Lúc này Thầy đang nhập hạ, từ
rằm tháng 6 tới rằm tháng 9 ta. Do đó Thầy ít đi Bửu Long hơn.
Công việc của Thầy rất nhàn, thỉnh thoảng mới họp Giáo Hội, làm
ít công việc văn phòng, còn thì đọc sách, trả lời thư, tiếp
khách, ngồi ăn kẹo, ngồi uống trà với đệ tử, làm non bộ và
vẽ tranh.
Thầy có một ước mơ tương tự như
con, ước có một mảnh vườn, một trà thất, một hồ sen liễu rủ,
một con đường lát đá dẫn vào trà thất, chung quanh trà thất Thầy
dựng giả sơn và trồng ít khóm cây kiểng cho tăng phần u nhã, bên
kia hồ sen sau màn liễu rủ là một gác chuông nho nhỏ dựng trên
một gò đất có cỏ mướt xanh.
Thế rồi chiều chiều khi các con đi
làm về, ghé lại trà thất, nói một vài chuyện cát đá, pha
trà, uống một chung nhỏ, ngậm một viên kẹo và tưởng như cả tam
thiên thế giới đều bình an như mình (Đoạn này Thầy trích
đúng nguyên văn thư con có nghe). Thầy thích cái không khí bình lặng
và thân tình ấy, vì Thầy đã chán ngán tổ chức, tu viện, học
viện, tùng lâm và ngay cả thiền viện nữa.
Con ạ, bây giờ thiền của Thầy
thật là giản dị. Chỉ cần Thầy trồng thêm ít luống rau, vài cây ăn
trái sau trà thất, để rồi sáng ra tưới bón một mình, hoặc cùng
vài ba bạn đạo, giới tử gì đó, và rồi khi rau đã tốt, các con
đến vào một ngày nghỉ, hái rau, lặt lá, đem ra hồ rửa và làm
một bữa cơm rau thật ngon lành. Thầy nói: Ý, đứa nào nêm
canh mà mặn thế này, ra vườn hái cho Thầy một trái chanh coi !.
Thế là cả đám Thầy trò đều cười ồ lên thoải mái. Đó, bức
tranh thiền của Thầy là vậy đó.
Thầy đã từng xây dựng và sinh
hoạt trong những viện Phật học, tu viện, tòng lâm và cả thiền
viện nữa, nhưng cho đến bây giờ thì Thầy chỉ ngồi xem non bộ, uống
trà và viết thư cho các đệ tử ở xa. Không biết những việc làm
như vậy có gọi là thiền được không con nhỉ? Hình như người ta
có thói quen chỉ xem những gì khuôn phép, qui tắc, bài bản, giờ
giấc
mới gọi là thiền, còn Thầy thì chỉ sống và chiêm
nghiệm đời sống từng giây từng phút trong lặng lẽ tỉnh thức, ai
muốn gọi đó là gì cũng được. Tất nhiên con phải có một mảnh
đất nội tâm thật bình an để con có thể tịch tịnh Niết-bàn, nhưng
trên mảnh đất đó con cứ trồng tỉa ươm bón những cây ước
vọng của con cho khu vườn tâm thêm phong phú, để con có thể thỏng
tay vào chợ, sinh tử thong dong. Công việc ươm bón đó phải chăng
là một vẻ trong muôn vàn vẻ đẹp của thiền?
Con mơ ước đến trà thất của
Thầy, ăn một viên kẹo, uống một chung trà, thế mà vẫn ung dung
chạy ra xe buýt thật gấp để đi làm cho đúng giờ ở tận Carbondale,
và công việc của con trong sở vẫn được làm một cách chu đáo,
tận tâm, nhiệt tình và sáng suốt, thì mơ ước đôi lúc giúp con
thư giản thoải mái để khỏi trở thành chai lỳ và máy móc trong
công việc lặp đi lặp lại hàng ngày.
Ước mơ chưa hẳn là vọng động, vì
có những ước mơ vĩ đại như ước mơ tự giác, giác tha của
những vị bồ tát đã đem lại biết bao hạnh phúc cho cõi đời
nhiệt não này, phải không con ? Nhưng cho dù đó là vọng đi nữa
mà con có đủ sáng suốt để thấy đó là vọng thì lúc đó chính
là chơn.
Thầy khuyên các con đừng vọng
động vì Thầy muốn các con thấy lúc không vọng động
thế thôi. Thấy vọng và thấy không vọng một cách như thực thì
đều là chơn cả.
Lúc cần người ta phải bỏ vọng
tức thế giới khái niệm (Panġnġatti) để tìm cái không vọng tức
thế giới chân tánh (Paramattha), nhưng chớ có dừng lại ở đó,
phải tiến thêm một bước nữa, là đi vào thế giới khái niệm
tục đế để thấy vọng, sử dụng vọng cho thật thiện xảo để lợi
ích quần sinh. Bao giờ con thấy tất cả vọng đều không vọng, lúc
đó cả hai đều chơn, chơn không - diệu hữu như người ta thường
nói. À mà thôi, nói một hồi không khéo lại lạc vào rừng kinh
điển lý luận mất.
Con ạ, khi viết thư cho Thầy con nói
ở Illinois đang bước vào thu, lá vàng bắt đầu rụng, nhưng bây
giờ ở quê nhà trời đã giữa thu, mưa thật nhiều và thỉnh
thoảng có gió lớn. Có lẽ ở miền Trung chùa Huyền Không đang bị
bão. Chắc là sư thúc và các sư đang rầu vì vườn tược bị phá
phách. Thầy nhớ lúc Huyền Không còn ở Hải Vân, có một đêm
trời bão lớn. Thầy không sao ngủ được trong am tranh bé bỏng, mong
manh giữa những tiếng hú ghê hồn của bão tố, tiếng cây rừng
gãy đổ, tiếng đá lăn sau vách núi cộng với tiếng thét gầm của
biển cả tạo thành một thứ âm thanh cuồng nộ hãi hùng. Lúc đó
Thầy cũng thấy mình bé bỏng và sẵn sàng để gió cuốn đi
Và rồi, con có biết không, bây
giờ vô hình trung cứ để mây bay, hốt
phùng thiên để nguyệt v.v... đã trở thành thơ và họa
của Thầy, đó chính là chút mộng mơ đầy sáng tạo mà nghệ thuật
thiền cống hiến cho cõi đời ảo hóa.
Biết đâu hôm nào cao hứng Thầy
sẽ vẽ cho con một bức tranh, trong đó có mang ít nhiều dông bão của
cuộc đời.
Nhưng thôi chuyện đó hãy còn chưa
đến. Bây giờ Thầy dừng bút, chúc con học giỏi để cuối năm ra
trường đi làm như ý nguyện, chứ không làm lụng tất bật như
hiện nay với đồng lương ít ỏi như vậy.
Thầy
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/009-thu14