- Lá thư thầy (16)
- Sư Viên Minh
Ngày … tháng …năm……
Con thương mến!
Lần trước nhận được thư con Thầy
trả lời ngay, Thầy viết rất rõ ràng và giải thích cặn kẽ. Tiếc là
con không nhận được thư ấy.
Nay nhân chị NN ra Thầy viết lại
cho con.
Con là một Phật tử may mắn ngay từ
khi vào đạo, con đã gặp những Thầy hay, bạn tốt truyền cho con tinh thần
giác ngộ của đạo Phật. Đạo Phật có giá trị là khi nào nó đem lại
cho con người một đời sống giác ngộ. Một người học đạo chỉ đến
chùa để cầu phước, van xin khấn vái để được thế này thế kia theo
ước vọng trong lòng họ, vậy là đạo Phật chỉ đáp ứng tham vọng. Người
nghèo cần được giàu, người bệnh cầu được lành, người dân muốn
được danh vọng, người khổ muốn được vui.... họ cầu Phật nếu được
thì Phật linh, họ cúng, nếu không được thì Phật không linh, họ bỏ
chùa. Còn một hạng người thứ hai tìm học tất cả pháp môn của Phật,
trở thành học giỏi, thông minh, lý luận, vậy là đạo Phật đáp ứng
khát vọng tri thức. Nhưng rồi khi tiếp xúc với đời sống họ lúng
túng, sợ hãi, toan tính, dối gian v.v... cuối cùng họ kết luận đạo Phật
chỉ là một mớ lý thuyết.
Không, đạo Phật có nghĩa là sự
sống giác ngộ. Và giản dị làm sao, khi con ăn biết mình đang ăn, khi
đang đi, đứng, nằm, ngồi biết mình đang làm như vậy.... Khi sân biết
tâm mình có sân, khi buồn biết tâm mình có buồn, khi đau đớn biết mình
đau đớn, khi vui thích biết mình vui thích, khi chơn chánh biết mình chơn
chính, khi sai lầm biết mình sai lầm. Đó là sống đạo, đó là sống hồn
nhiên và trong sáng.
Con không cần tính toán, so đo, lo
nghĩ vì dù có lo toan con cũng chẳng giải quyết gì được hơn. Con chỉ cần
trầm tĩnh để mọi việc được giải quyết một cách trực tiếp và
bình thường. Đời sống thực sự mới giản dị làm sao, thế mà con người
cứ làm cho nó rắc rối và khó khăn thêm trong khi cố tìm an ổn.
Hai người đi xe đạp ngược chiều
vô ý đụng vào nhau, xây xát chút đỉnh thế mà lắm chuyện mới kỳ. Họ
nổi nóng gây gỗ, xỉ vả, rồi ấu đả... cuối cùng phải bị dẫn tới
công an xử phạt mất hết cả buổi, mất công ăn việc làm, ở nhà cha mẹ,
con cái trông đợi v.v.... Thế tại sao họ không mỉm cười xin lỗi, phủi
bụi, sửa lại dây sên rồi lên xe đi làm công việc của mình nhỉ? Sống
biết mình là thế, là giản dị biết bao, cuộc đời thế ra có gì rắc rối
đâu, phải không con?
Thầy mong rằng con sẽ hiểu đạo,
sống đạo, nghĩa là sống trung thực với sự sống.
Chúc con an vui.
Thầy
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/009-thu16.htm