- Lá thư thầy (25)
Ngày … tháng …năm……
L mến,
Chà,
trông L đường đường một đấng nam nhi như thế mà sao hơi yếu đó
nghe! Ai lại đi mơ một cảnh Tịnh Độ ở ngoài cuộc đời nắng lửa
như một kẻ mê tín vậy. Lại còn mê ba cái ông du tăng trong Thiền Luận
nữa chứ! Không biết các ông du tăng ngày xưa ra sao chứ cứ mà làm biếng,
vô trách nhiệm cái kiểu ông VT với một số du sĩ ngày nay thì đáng được
lãnh năm bảy chục hèo mới xứng.
Thầy
lại thấy khác: dường như bây giờ mất rồi cái thời mà những bậc tu
hành lấy phiền não làm bồ-đề, tức là sẵn sàng chấp nhận giáp mặt
những phiền lụy với một sức mạnh chánh niệm tỉnh giác đầy kiên định.
Đã
đành rằng cuộc đời là nắng lửa nhưng nếu ai ước mong ở ngày mai hay
một nơi nào khác cái cảnh giới không còn nắng lửa thì chính đó mới
là khổ sầu to lớn nhất! Giống như một người trông đợi một cái gì
đó người ấy càng bồn chồn nóng nảy hơn là một kẻ đang chăm chú một
công việc nặng nề, có phải thế không?
Vậy
bí quyết của giải thoát không phải là ước mơ hay chạy trốn (bằng mọi
hình thức) mà là phải đối mặt với chính cuộc đời. Còn đau khổ là
tại vì còn có cái ta để đau khổ, mà còn cái ta để đau khổ
thì dù ở bất cứ đâu cũng vẫn cứ đau khổ như thường. Người đời
có câu nói rất thực tế là:
-
Gánh cực mà đổ lên non
-
Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo
Thế
mà khi ta vui lòng gánh lấy trách nhiệm, vui lòng đỡ gánh cho người khác,
vui lòng từ bỏ những dục vọng ích kỷ v.v... thì ta lại thấy tất cả
đều là nhẹ nhàng. Người đã thấy cái nhẹ nhàng đó sẽ đủ sức lấy
phiền não làm bồ-đề. Chúa nói: "Hãy vác thập tự giá mà đi vào
nước Chúa", thật ra nó có nghĩa là hãy làm tròn bổn phận với
đầy đủ phiền não của nó một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành
thì ta sẽ thấy bổn phận ấy, phiền nà ấy thật nhẹ nhàng và thật dễ
thương biết bao. Và chính ở đó ta hân thưởng được sự thanh tịnh giải
thoát (vào Thiên Đàng) giữa những phiền não cuộc đời.
Giống
như một người mẹ, có thể làm mọi việc khó khăn nhất cho đứa con nhỏ
bé của mình, dù phải trải bao nhiêu gian khổ, chỉ vì ngay lúc đó bà ta
đã quên mình đi trong tình thương yêu vô hạn. Nếu mọi người mà biết
quên mình đi trong tình thương yêu vô hạn thì cuộc đời sẽ trở nên
thiên đàng ngay lập tức dù ngay lúc đó vẫn là nắng lửa dãi dầu.
Thầy
có nghe một câu chuyện nho nhỏ dễ thương về tình bạn: có một hôm, một
người bạn rủ L đi uống rượu. Lúc đó có MA ngồi chơi. MA đã cố ý
(nhưng làm như vô tình) ngồi nán lại chơi với L tới khuya, để giúp L
thoát khỏi một sự cám dỗ không mấy tốt lắm. Chỉ vì thương bạn, vì
muốn bạn mạnh khỏe mà phải hy sinh sức khỏe của mình dù MA vốn đã
suốt ngày qua ngày khác làm lụng cực nhọc để đỡ cho mẹ mình một
gánh nặng nuôi con.
L
ạ, không phải là hạnh phúc, tịnh độ hay giải thoát cho cái bản ngã của
mình, mà chính phá bỏ bản ngã để làm những việc quên mình lợi người,
dù nhỏ nhặt đến đâu cũng ẩn chứa một thiên đàng tuyệt diệu. Vâng,
đau khổ để đem lại hạnh phúc cho người (bạn bè, cha mẹ, anh em, xóm
giềng và cho cả cỏ cây, sỏi đá) đấy chính là thiên đàng tuyệt diệu.
Tuyệt
diệu làm sao khi sư GĐ cố gắng lo lắng thêm một chút để chư sư được
nhẹ nhàng, và sư PT cũng vậy, sư TT cũng vậy v.v... Mọi người đều gánh
thêm một chút khổ đau để gánh người khác được nhẹ nhàng. Ở đây
thầy cũng không thể điểm nhiên tọa thị mà phải cố gắng thêm một
chút để trợ giúp các sư... và cứ thế cuộc đời mở vòng tay lớn
trong tình yêu thương xả kỷ. Không có thiên đàng nào khác ngoài sáng suốt,
trong lành và tĩnh tại. Không có thiên đàng nào khác ngoài những gánh nặng
mà ta vui lòng gánh vác để đem lại cho đời một niềm vui, một an ủi, một
nụ cười.
Sư
GĐ tặng L một số phong lan với dụng ý muốn giúp L biết thương yêu và
tập dần với những bổn phận, tập dần sự chú ý, sự chăm chút, sự
nhẫn nại... nghĩa là tập chấp nhận những phiền não để nuôi dưỡng bồ-đề.
Tập thấy được tình thương yêu như tình yêu thương của người mẹ đối
với đứa con mình. Không có con đường giải thoát nào khác đâu L ạ,
hãy suy nghĩ cho mà xem. Tất cả những con đường khác chỉ là phản ảnh
của lòng tư dục, tư kỷ mà thôi.
Một
vị du tăng hành cước chỉ có lý khi đến lúc họ phải từ bỏ những
tích lũy, những đeo mang do lòng dục vọng chất đầy trên vai họ. Nhưng
đến khi thấy lại chính mình (ngộ), vị ấy lại chấp nhận "gánh
nước là diệu dụng, bửa củi là thần thông" và chui vào nhà bếp
để làm hỏa đầu quân hoặc mỗi ngày âm thầm quét lau Tàng Kinh Các. Mới
biết những kẻ ra đi, tìm kiếm, chỉ mới là giai đoạn của người chưa
thấy. Còn khi thấy rồi núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, phiền não vẫn
là phiền não. Cuộc đời vẫn hoàn lại cuộc đời... và nếu có cái gì
khác chăng thì chỉ là một nụ cười trong sáng và nhẹ nhõm.
Thôi
viết như thế đã dài, mong L tìm thấy trong đó đôi lời nhắn nhủ với
một tấm lòng.
Thầy
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/009-thu25.htm