- Lá thư thầy (28)
- Sư Viên Minh
Ngày … tháng …năm……
D.
H con,
Bất
kỳ ở đâu người Phật tử cũng chỉ làm tròn phận sự của mình là
không làm việc ác, làm việc lành và giữ tâm thanh tịnh. Cuộc đời vô
thường nay rày mai khác, khi thuận thì yên, không thuận thì khổ. Nhưng biết
làm sao với cái trò xuôi ngược của cuộc đời, bởi vậy tốt nhất là
tự giác để có thể an vui tự tại và đem lại cho những người chung
quanh cái cao đẹp của một người chơn chánh, hiền lương.
Làm
một người Phật tử thật là dễ nhưng cũng thật là khó. Khó là vì nó
dường như đi ngược dòng đời. Đời thì tranh đấu, giành giật, hơn
thua... để đạt cái mục đích quyền thế, danh lợi... và mỗi người bị
cuốn hút vào hết đợt sóng này qua đợt sóng khác của cuộc bể dâu.
Còn đạo thì âm thầm tinh tấn để tự thắng mình, thắng tham lam, ích kỷ,
ngã mạn, kiêu căng, tật đố, si mê, thù hận, cố chấp v.v... cho nên đi
ngược dòng đời. Người ta tưởng tự thắng mình là việc làm ích kỷ
cá nhân, không chịu đấu tranh cho xã hội, và vì vậy người ta cho là dễ
dàng và tiêu cực. Nhưng cho đến khi nào thực sự đối diện với mình mới
thấy Đức Phật nói: "Attà have jiiam seyyo" (Quả thật tự
chiến thắng mình là chiến thắng ưu việt) là đúng. Đức Chúa cũng nói:
"Tự chiến thắng mình hơn chiến thắng ngàn quân" bởi vì
có thắng những xấu xa đê tiện của mình thì lòng vị tha và những đức
tính cao quý mới phát triển và chỉ khi đó con người mới thực sự là
con người sống vì lợi ích của mọi người, con người vô ngã, vị tha.
Phật
giáo đích thực không phải là tôn giáo để cầu nguyện mà tự mình phải
thể hiện đời sống tự giác, giác tha. Cầu nguyện có thể có nhưng với
mục đích giúp con người thắng được lòng ích kỷ, ví dụ khi ta cầu
nguyện: "Nguyện cho tất cả chúng anh an lạc, bất tranh"
(Sabbe sattà averà hontu sukhità hontu). Và cho đến khi nào có tâm hồn như vậy
người ta mới có thể thật sự vị tha, còn không thì vị tha chỉ là
chiêu bài cho cuộc đấu tranh quyền lợi để dành lấy cho mình một chỗ
đứng an toàn.
Nhiều
người Phật tử đã biến chân lý của Đức Phật thành mê tín dị đoan
để phục vụ cho những khát khao đầy trần tục của họ, và chính họ
đã làm mờ đi con đường chơn chánh mà đáng lẽ họ phải thực hành để
tự mình hoàn thiện.
Chân,
Mỹ, Thiện không đến với những người cầu xin chư đại Bồ-tát ban bố
cho mà đến với những người tự mình sống trong giới, định, tuệ,
tự biến hành động, lời nói và ý nghĩ của mình thành chân, mỹ, thiện.
Bao lâu trí, tâm và thân chưa được sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì
tất cả khẩu hiệu cao đẹp chỉ là chiêu bài vô nghĩa. Ví dụ khi người
ta nêu khẩu hiệu "Lương y như từ mẫu" thì có nghĩa là các thầy
thuốc đang tắc trách bởi vì nếu đã như từ mẫu thì còn phải nói làm
gì khẩu hiệu đó. Vì vậy đạo là hành động hợp với chân, mỹ, thiện
chứ không phải là cầu xin ở thánh thần, cầu xin tức là chưa có mà
cái toàn thiện thì đã sẵn có ở mỗi người, chỉ cần tự mình phát
huy ra thì thế tướng dụng tự tròn đầy.
Tất
cả những Đạo lý mà Đức Phật dạy đều nhằm phát huy chơn tánh của
mỗi người đến chỗ bản nguyên tốt đẹp nhất, như Tứ Niệm Xứ, Tứ
Chánh Cần, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Thánh Đạo,
Thập Độ, Tứ Vô Lượng Tâm v.v... chỉ cần hiểu đúng và hành đúng những
đạo lý đó thì đem lại biết bao an lạc cho đời.
Thầy
chúc con thể hiện tốt con đường Đức Phật đã dạy và chứng nghiệm
được những kết quả hiện tiền.
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/009-thu28.htm