- Lá thư thầy (33)
Ngày …. tháng …. năm
D.T
con,
Trong thư con có hỏi thầy về một
triệu chứng khi chánh niệm tỉnh giác là cảm thấy trơ cứng, khô khan và
giả tạo trên đối tượng sở quán. Con đừng ngại, rất nhiều người có
cảm tưởng đó, tất nhiên là có lý do, nhưng trước hết con đừng chán
nản dao động, cứ tiếp tục chánh niệm tỉnh giác rồi mọi sự sẽ được
giải quyết và hiểu rõ.
Lý do sinh ra triệu chứng đó có thể là:
1) Lúc đầu chưa quen nên thấy gượng gạo, giống như người mới tập
lái xe có vẻ luống cuống, trơ cứng.
2) Cố gắng quá mức đâm ra không được thoải mái nên dễ đưa đến
căng thẳng, mỏi mệt và chán nản.
3) Chú ý quá nhiều đến chi tiết hay ngoại tướng của đối tượng
nên thấy nó có vẻ khô khan, giả tạo không tự nhiên.
Ví dụ như khi con quán
sát hơi thở con có thể làm cho hơi thở mất tự nhiên, giả tạo và thô
cứng. Do muốn thấy thật rõ con đã vô tình hay cố ý bắt hơi thở phải
chậm lại, sâu hơn, mạnh hơn, thế là con nhanh chóng thấy tức ngực, khó
chịu và mệt mỏi. Khi đi kinh hành cũng vậy, con dễ làm cho bước chân khựng
lại và cảm thấy mất thăng bằng.
Thực ra trong quán niệm, con càng tự nhiên càng tốt. Và cần nhớ rằng
chính yếu không phải là đối tượng gì mà là cái thấy sáng suốt, định
tĩnh, trong lành của con trên đối tượng ấy. Ðối tượng chỉ là trợ
duyên cho cái thấy phát huy tính soi chiếu trong sáng trung thực của nó mà
thôi. Vì vậy thấy rõ đối tượng không có nghĩa là phải nắm bắt chi
tiết ngoại tướng của đối tượng mà là thấy tính chất phổ quát của
nó, tức là chỉ cần thấy cốt lỏi tinh yếu là được.
Con nói "có những lúc con muốn buông ra hết, không cần nhớ,
không cần niệm, không cần hiểu, không muốn biết chi cả cho đầu óc rỗng
rang an nghỉ". Chứng tỏ rằng con đã sử dụng chánh niệm tỉnh giác
sai hướng và thoải mái tự nhiên trong chánh niệm tỉnh giác mà con cảm
thấy căng thẳng mệt mỏi như vậy.
Tuy nhiên, vô tình con vẫn đi đúng đường, vì chính ngay lúc con
buông xả hết là con đang tu tập một yếu tố quan trọng trong thiền quán
Tứ Niệm Xứ mà ít người để ý, đó là xả dưới hình thức "buông bỏ tham ưu ở đời" (Vineyya
loke abhijjhà domanassam). Khi đối tượng hấp dẫn con, khiến con ưa thích
và dính mắc, đó chính là tham, chính là sân. Hai tâm thái tham và sân này
làm con mất quân bình. Chữ xả
(uppekkhà) vốn có nghĩa là quân bình, vậy buông xả tham ưu chính là môi
trường phẳng lặng cho chánh niệm tỉnh giác phát huy khả năng soi chiếu.
Vì trong khi quán niệm con quá ham nắm bắt đối tượng (tham) cho nên
dễ sinh ra trạng thái đối nghịch là chán nản (sân), do đó tâm con mất
quân bình không còn là môi trường thích hợp cho chánh niệm tỉnh giác soi
chiếu được nữa.
Con cũng cần nhớ một điều: buông xả là lập lại quân bình giữa
hai thái cực tham và sân, chứ không phải là buông xuôi vì chán nản, hay cố
gắng loại bỏ tham sân.
Xả cũng còn là một trong bảy yếu tố giác ngộ (thất giác chi).
1) Niệm: là chú tâm trên đối
tượng hiện quán, tức đương xứ của thực tại thân, thọ, tâm, pháp,
để tâm không lãnh đạm quên mình hay tán tâm hướng ngoại.
2) Trạch pháp: là chú ý sâu
sát hơn trên đối tượng hiện quán để tìm thấy tính chất tinh yếu của
pháp mà niệm chỉ mới ghi nhận. Trạch pháp giúp ta soi rọi khắp thân
tâm qua cái nhìn tách bạch rõ ràng và vi tế, nhưng không phải bằng lý
trí mà là trí tuệ trực kiến (nànadassana). Chính nhờ trạch pháp mà ta thấy rõ
tính sinh diệt, tính vô thường-khổ-vô ngã của pháp, thấy rõ yếu tố
đất, lửa, gió v.v... trong sắc, hoặc yếu tố thọ, tưởng, hành, thức
trong danh, để không còn chấp lầm thân tâm này là bản ngã.
3) Tinh tấn: là phát động sự
chuyên cần, hăng hái giúp ta không còn giải đãi thối thất, không tiêu cực
lười biếng, không buông trôi hờ hững. Tuy nhiên tinh tấn phải đúng mức
và tự nhiên, nghĩa là không quá yếu ớt, không quá gắng gượng hăng say.
4) Hỷ: là yếu tố làm cho tâm
hân hoan, phấn khởi, vui vẻ khi tiếp xúc với đối tượng, dù thuận hay
nghịch. Hỷ giúp tâm vượt qua trạng thái bực mình, chán nản, bức xúc,
khó chịu, và giúp cho hành giả cảm thấy hứng thú trong thời gian hành
trì lâu dài mà không mỏi mệt. Ví dụ, lúc ngồi thấy tê chân hay nhức mỏi
mà có yếu tố hỷ thì vẫn thấy dễ chịu chứ không bị bức xúc, bực
bội.
5) Khinh an: là lắng chịu, thư
thái và thư giãn. Yếu tố này giúp ta vượt qua trạng thái căng thẳng, phấn
khích, dồn nén hoặc cố gắng quá sức, giống như đang bị một áp lực
đè nặng mà tự nhiên nhẹ hẳn đi. Khi đi kinh hành với tâm khinh an con sẽ
cảm thấy thật thanh thản, thong dong, ung dung, tự tại.
6) Ðịnh: là trạng thái nhất
tâm, tĩnh lặng và an chỉ khi tâm an trú vững vàng trên đối tượng, do đó
không còn dao động, trạo cử, hay tán loạn. Ðịnh giúp tâm nghỉ ngơi hoàn
toàn và có khả năng tập trung được năng lực. Nhưng nếu định là cố
gắng tập trung tư tưởng vào một mục đích sở đắc thì nó có thể
không còn là chánh định.
7) Xả: là trạng thái quân bình
của tâm buông bỏ hai thái cực tham và sân, tức là không ưa không ghét
mà chỉ thản nhiên trầm tĩnh. Có thể nói lúc xả là lúc sáng suốt nhất
chứ không phải rơi vào trạng thái buông xuôi theo nghĩa vô ký, một tình
trạng si mê tiêu cực.
Như vậy, khi con cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thụ động, tiêu cực
thì con nên tu chánh niệm tỉnh giác kèm với các giác chi trạch pháp, tinh
tấn hoặc hỷ để tâm con hưng phấn lên, thoát khỏi tình trạng trì trệ.
Khi con cảm thấy bồn chồn, dao động, trạo cử thì nên tu chánh niệm
tỉnh giác kèm với các giác chi khinh an, định hoặc xả để tâm lắng dịu
xuống, thoát khỏi tình trạng phấn khích:
Tất nhiên việc tu hành còn khó khăn gấp ngàn lần công việc chân
tay hay trí óc, vì vậy mà đôi lúc con thấy mệt mỏi chán chường, nhưng
đừng vì vậy mà buông lung bất định. Sống theo pháp thì tự nhiên pháp
sẽ đem lại cho con nhiều an lạc trong cuộc đời phiền não này.
Chúc con vượt qua được tình trạng khó khăn hiện tại.
Thầy
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/009-thu33.htm