- Lá thư thầy (34)
Ngày …. tháng …. năm
Con thương mến,
Thầy đã nhận được
thư và ảnh của con chụp lúc con đang sinh hoạt tại thiền đường PZC phái
Lâm Tế của một thiền sư người Ðại Hàn. Thầy sắp đi Huế, sẽ đem
thư và ảnh cho các sư thúc cùng xem.
Trong hình tướng xuất gia con có vẻ chững chạc lắm, nhưng tính con
thì ưa phóng khoáng tự nhiên mà sinh hoạt thiền đường đó thì có vẻ
nghiêm túc và bài bản quá như vậy, không biết con có chịu được lâu
không?
Con hỏi sau này thầy có viết gì thêm không và trong thời gian con xa
quê hương, ở nhà thầy hướng dẫn Phật tử tu tập có gì mới mẻ
không?
Về viết lách thì thầy chỉ thỉnh thoảng viết Vi Tiếu để tiêu
khiển, và khi nào có thư thì trả lời cho Phật tử vậy thôi chứ chưa viết
chuyên đề gì cả. Các sư thúc con có đề nghị thầy ghi lại thành sách
những khóa giảng giáo lý tinh yếu ở Huyền Không, Bửu Long, Phật Bảo
v.v... Ðể thầy xét lại xem.
Còn về việc hướng dẫn Phật tử thì vì phần đông không kham nổi
tinh thần sống đạo một cách uyển chuyển tự nhiên và sáng tạo trong tự
giác kiểu "vô môn"như hồi
con còn ở nhà, nên thầy đã tùy căn cơ của những Phật tử mà chia quá
trình tu tập thành nhiều giai đoạn từ dễ đến khó, từ thấp đến cao
khác nhau, để thầy dễ hướng dẫn mà Phật tử cũng dễ thực hành.
Con đã biết, chung qui tất cả các phái thiền Phật giáo từ Nguyên
Thủy đến Tiểu thừa, Ðại thừa, Kim Cang thừa và Thiền tông đều lấy
chánh niệm tỉnh giác làm yếu tố cơ bản, chỉ khác nhau ở cách vận dụng
mà thôi. Nói như vậy có nghĩa là chánh niệm tỉnh giác có nhiều mức độ
khác nhau tùy theo trình độ của mỗi người.
Theo thiền tuệ quán Vipassanà Nguyên Thủy của Ðức Phật thì đối
tượng của chánh niệm tỉnh giác là pháp có yếu tính là đệ nhất
nghĩa đế (paramattha), thực tại hiện tiền (sandịtthiko), phi thời gian (akàliko),
hồi chiếu (ehipassiko), hướng nội (opannayiko), tự chứng (paccattam
veditabbo) v.v... do đó, nhìn chung, Phật tử ngày nay ít ai trực tiếp đi vào
tuệ quán ngay được.
Như vậy cần phải có những giai đoạn chuẩn bị cho những Phật tử
chưa đạt tiêu chuẩn chánh niệm tỉnh giác, chưa có thể đi thẳng vào tuệ
quán Vipassanà, như sau:
1. Giai đoạn thất niệm.
- Nếu con là người thuộc căn cơ đức tin thì con có thể niệm Phật.
Ngày đêm giữ một câu niệm Phật cho đến khi các tạp niệm lắng dịu,
ổn định và đưa đến nhất tâm bất loạn.
Ðối với đức tin hướng về tự lực, như phần đông Phật tử
Nguyên Thủy thì họ thường niệm một trong 10 ân đức Phật tính, điển
hình như niệm: Araham (Arahatta) là bản lai thanh tịnh, Buddho (Buddhatà) là tỉnh
giác v.v...
Ðối với đức tin hướng về tha lực, như Phật tử Tịnh Ðộ
tông thì họ thường niệm danh hiệu A-di-đà Phật, hay danh hiệu các Bồ
tát mà họ tin tưởng.
Ðối với đức tin hướng về thần lực huyền bí, như Phật tử Mật
tông thì họ thường hành trì một câu chú.
Ðối với đức tin hướng về bản thể tự tánh, như Phật tử Thiền
tông thì họ thường tham một công án hay một thoại đầu.
- Nếu con là người có căn cơ về thiền định thì con có thể dùng
một đề mục thiền định, như hơi thở chẳng hạn, để nhiếp phục tâm.
Mục đích của giai đoạn này là giúp tâm vượt qua các tạp niệm
và phát triển khả năng chú tâm, một yếu tố cần thiết trong chánh niệm
tỉnh giác.
2. Giai đoạn tánh niệm.
Trong các pháp môn phương tiện như niệm Phật, trì chú, tham công
án, thiền định v.v... hành giả có thể bớt được tâm tán loạn nhưng
cũng nhiều người lại bị kẹt vào ngay nơi phương tiện của mình và trở
thành bịnh bị ám ảnh chính câu niệm Phật, câu thần chú v.v... không sao
bỏ đi được. Vì vậy khi nào thấy tâm đã ổn định thì phải bỏ phương
tiện (hồng danh, thần chú v.v...) rồi soi chiếu lại tự tâm để nhận ra
tánh sáng suốt, định tĩnh, trong lành tự nhiên của nó. Ðó chính là giai
đoạn thấy ra yếu tính của bản lai thanh tịnh hay tính giác sẵn có nơi
mỗi người.
3. Giai đoạn danh tướng niệm.
Nếu nhận ra được tính giác hay bản lai thanh tịnh mà không biết sử
dụng thì vẫn bị kẹt vào thể tánh, không phát huy được tướng dụng
để phá vỡ khối tập nhiễm sâu dày của bản ngã sinh tử luân hồi. Cho
nên Ngài Huệ Khả sau khi ngộ tánh nơi Tổ Ðạt Ma đã trở về ngày đêm
mỗi mỗi tự biết mình. Thể tánh của tính giác là tịch tịnh (Santì), tướng
dụng của tính giác là soi chiếu (Jhàna, jhàyati). Vì vậy phải đem tính
giác soi chiếu lại toàn bộ thân tâm trong quan hệ với thế giới trong
ngoài. Trong thiền Tứ Niệm Xứ, tính giác tịch và chiếu được hóa thân
thành chánh niệm tỉnh giác, và thế giới quan hệ trong ngoài của toàn bộ
thân tâm chính là thân, thọ, tâm, pháp. Ðây không còn là phương tiện
tham công án để hy vọng thấy tánh, mà chính là sử dụng ngay tính giác
soi chiếu để thâm nhập vào thực tại hiện tiền, xuyên phá mọi vọng tưởng
ảo giác của vô minh ái dục để đương xứ hiện rõ bổn nguyên chân như
thực tánh (Yathàbhùtà sabhàva) của pháp.
Tuy nhiên nếu chưa phải là căn cơ bậc thượng, thì tạm thời tập
ghi nhận danh tướng của thực tại thân, thọ, tâm, pháp trước đã. Vì vậy
trong giai đoạn này hành giả chỉ cần khi đang đi niệm là đi...
đi..., khi đang đứng niệm là đứng... đứng..., khi có
cảm giác dễ chịu hay khó chịu niệm là thọ... thọ...., khi có tâm bức
rứt bực bội niệm là sân... sân... v.v...
Tâm thường dễ rơi vào hai trạng thái đối nghịch: hoặc là quá
ức chế thụ động, hoặc là quá hưng phấn dao động, do đó không được
sâu sắc vi tế, vậy muốn làm quen với công việc soi chiếu minh bạch
(vipassanà), chánh niệm tỉnh giác phải tạm mượn đối tượng danh tướng
để tự phát huy khả năng tịch và chiếu cho đến khi thật vững chãi tự
nhiên.
Phái thiền Vipassanà của Ngài Mahasi Sayadaw người Myanmar dạy hành giả
niệm phồng a... xẹp à... khi quán niệm hơi thở chẳng hạn,
chính là vận dụng Danh Tướng Niệm như một giai đoạn chuyển
tiếp để chuẩn bị cho tâm đủ chánh niệm tỉnh giác khả dĩ thâm nhập
thực tại như thị của đệ nhất nghĩa đế.
Như vậy 3 giai đoạn trên chỉ là dự bị cho hành giả trước khi vào
thiền Vipassanà, chúng ta tạm gọi là "giai đoạn tiền Vipassanà".
Khi nào hành tướng của hầu hết thân, thọ, tâm, pháp đều được gọi
đúng tên ngay khi nó diễn ra, không trước không sau, thì hành giả bắt đầu
có khả năng đi thẳng vào thiền Vipassanà như giai đoạn sau đây:
4. Giai đoạn thực tướng niệm.
Ðây là giai đoạn thiền Vipassanà thực thụ. Ở đây hành giả
không cần gọi tên sự kiện như giai đoạn trước mà chỉ soi chiếu vào
chính sự diễn biến của sự kiện mà thôi. Như khi đi chỉ cần chú tâm
tỉnh thức trên mọi biến chuyển của cử động đi, khi ngồi chỉ lặng
lẽ soi chiếu toàn bộ tư thế ngồi cùng với những hiện tượng động
tĩnh, sinh diệt, thô tế đang diễn ra nơi thân. Khi có một cảm giác chỉ
lắng nghe trọn vẹn diễn trình sinh diệt của cảm thọ ấy. Khi một tư
tưởng khởi lên thấy rõ tâm đang sinh khởi, khi tư tưởng ấy chấm dứt
thấy rõ tâm đang diệt. Khi tâm tịch tịnh vô sinh biết rõ tâm tịch tịnh
vô sinh v.v...
Con có để ý là những cụm từ thầy vừa dùng trên như chú
tâm tỉnh thức, lặng lẽ chiếu soi, lắng nghe trọn vẹn, thấy rõ, biết
rõ, liễu tri, tịch chiếu, quán chiếu, chiếu kiến v.v... đều đồng
nghĩa với chánh niệm tỉnh giác không? Tên gọi không quan trọng mà
chính yếu là con cần phải thể nghiệm thực chất nội dung của nói sao
cho vừa đủ để thấy đúng thực tướng của quán xứ là được.
Nói là thực tướng niệm, thật ra trong giai đoạn này thực tại tự
diễn bày đầy đủ tánh tướng thể dụng v.v... một cách toàn diện như
thị như thực dưới cái nhìn trí tuệ soi chiếu minh bạch
(Vipassanà-nàna) chứ không phải chỉ thực tướng mà thôi.
Ðến đây, khi hội đủ nhân duyên thích hợp tâm trí sẽ tự bừng
nở những đóa hoa tuệ giác vô cùng vi diệu mà thuật ngữ thiền
Vipassanà gọi là 16 tuệ giác. Ðức Phật đã mô tả trình tự 16 tuệ
giác này mà không giảng giải chi tiết vì Ngài muốn để cho hành giả tự
mình chứng nghiệm và liễu giải. Về sau các nhà chú giải và các vị thiền
sư cũng có giảng rõ, nhưng theo thầy, tốt hơn là để mỗi người tự chứng
sự nhiệm mầu của pháp vị mới hứng thú, phải không con?
Thầy cũng xin lưu ý con mấy điểm quan trọng là mặc dù chánh niệm
tỉnh giác chính là hai yếu tố tịch và chiếu của tính giác, nhưng tịch
chiếu trong thiền Vipassanà Nguyên Thủy của Ðức Phật (Như Lai Thiền) không
hoàn toàn giống với pháp môn tịch chiếu trong phái Tào Ðộng của Thiền
Tông (Tổ Sư Thiền). Nói đúng ra, giống hay không là tùy hành giả. Nếu
hành giả tịch chiếu theo phái Tào Ðộng nhưng lại đúng với Vipassanà như
thầy vừa nói trong giai đoạn 4 thì chẳng có gì khác nhau, nhưng nếu tịch
chiếu chỉ là trụ tâm quán tịnh thì dù có đúng hướng cũng
chỉ tương đương với giai đoạn 1 và 2 tiền Vipassanà mà
thôi. Còn nếu không đúng hướng thì chỉ là
"bịnh chứ chẳng phải thiền" như Ngài Huệ Năng
quở trách Chí Thành vậy.
Mặt khác, nhiều người ngộ nhận chữ quán trong thiền tuệ quán Tứ
Niệm Xứ là quán tưởng, nên khi định nghĩa thiền Tứ Niệm Xứ họ
đơn giản cho đó chỉ là quán tưởng thân là bất tịnh, quán tưởng
thọ là khổ, quán tưởng tâm là vô thường và quán tưởng pháp là vô
ngã, như một công thức tiêu chuẩn để dễ bề suy tưởng.
Nhưng như thầy đã trình bày ở trên, điều kiện tất yếu của chánh
niệm tỉnh giác trong thiền tuệ quán Vipassanà là vắng bặt mọi ý niệm,
suy nghĩ, tư tưởng, tưởng tượng v.v... hay nói một cách khác là "ngôn
ngữ đạo đoạn tâm hành ý diệt", nghĩa là hoàn toàn vắng
bóng thế giới khái niệm (pannatti) để cho bầu trời tâm trong sáng và mặt trời
tuệ chiếu soi, như tấm gương trung thực phản ánh thực tánh đệ nhất
nghĩa đế (paramattha) của pháp giới hiện tiền. Cho nên mọi hình thức sản
phẩm của tưởng như tự kỷ ám thị chẳng hạn đều nằm ngoài tuệ
quán Vipassanà.
Một điểm quan trọng nữa là ở giai đoạn 4 thực thụ Vipassanà
này người ta có thể hành một cách tự nhiên hoặc theo bài bản qui định
đều được và đều có kết quả giống nhau như một vài trung tâm thiền
đã thí nghiệm. Họ chia hành giả thành 2 nhóm, để hành giả tự do lựa
chọn theo sở thích của mình, một nhóm hành theo giờ giấc và cách thức
qui định nghiêm nhặt, còn nhóm kia thì sau khi nắm vững yếu tính của thiền
họ tự vận dụng lấy tùy theo điều kiện riêng của mình. Kết quả được
trắc nghiệm là hai bên đều tiến triển như nhau, kể cả trường hợp
áp dụng thiền để chữa bịnh ở một vài trung tâm y khoa ở Mỹ, Pháp
v.v...
Ðến đây hành giả bước vào một chân trời hoàn toàn mới mẻ nhưng
lại hiện đúng bản nguyên, như một người nằm mơ chợt tỉnh, mới mẻ,
nghĩa là không còn chiêm bao, mà là hoàn lại con người thực đầy đủ bộ
mặt xưa nay của mình, đó chính là giai đoạn thứ 5 trên hành trình tuệ
quán.
5. Giai đoạn bất động niệm
Khi những đóa hoa tuệ giác bừng nở, như những hoa sen ra khỏi bùn
nhơ nước đục, bừng nở dưới ánh nắng mai giữa bầu trời cao rộng,
thì hành giả cũng ung dung tự tại giữa cuộc đời phiền não. Chính vì tự
mình thoát ly phiền não, nên dù cuộc đời có phiền não bao nhiêu thì tâm
thiền vẫn an nhiên bất động, Lúc đó chánh niệm tính giác không cần đến
một nỗ lực cố gắng nào mà vẫn tịch tịnh soi chiếu một cách hồn
nhiên trọn vẹn. Và chỉ đến lúc đó hành giả mới có thể làm công việc
giác tha một cách hoàn toàn vô ngã.
Con thương mến,
Nhân con hỏi sinh hoạt thiền của thầy ở quê nhà, thầy trình bày
đại khái vài nét như vậy, hy vọng rằng những nét cương yếu ấy có thể
giúp con soi sáng thêm chương trình hành thiền: tụng kinh, tụng chú, lạy hồng
danh, tọa thiền, qua đường và hỏi đáp cơ phong do thiền sư Seung Sahn hướng
dẫn tại thiền đường PZC mà con đã kể cho thầy nghe trong thư trước.
Chúc con mạnh khỏe và hưởng được thiền vị trong đời sống của
một người tăng sĩ.
Thầy
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/009-thu34.htm