- Lá thư thầy (41)
- Sư Viên Minh
Ngày … tháng …năm……
T thân mến,
Những điều T băn khoăn về
ý nghĩa của cuộc sống là vấn đề lớn của con người: "Ta có quyền tự do hành động hay chỉ là
hành động theo một định mệnh đã an bài? Phải chăng thuận thiên lập mệnh là an phận để trả
quả của nghiệp, hay phản kháng lại số mệnh cũng vẫn là nghiệp dĩ? Làm
thế nào vượt lên và đâu là giải thoát?".
Ðịnh mệnh và tự do là
một cặp mâu thuẫn khi ta chưa thấy rõ sự thật và khi vô minh dục vọng
còn phân chia chúng thành hai đối cực phải loại trừ một, đó chính là
nhị nguyên, cái mà Ðức Phật gọi là: "Chẻ cái đầu
ra làm hai" (Muddham vipàtayam) tức
là khởi trí phân biệt ưa - ghét, lấy - bỏ v.v... làm cho trí tuệ bị
phân hóa.
Tất cả các pháp đều có
đối cực, những đối cực ấy có thể sinh, khắc, hoán vị và biến đổi
trong sự tương giao trùng trùng duyên khởi. Vì vậy lấy cái này bỏ cái
kia là phân biệt, là nhị nguyên. Cầm lên một chiếc mề đay chúng ta chọn
mặt đẹp, bỏ mặt xấu, nhưng thật ra khi lấy ta phải lấy cả hai và
khi bỏ cũng phải bỏ cả hai. Cũng như khi chúng ta mong muốn được ổn định,
an toàn, hạnh phúc chúng ta vô tình mời gọi cả xáo trộn, bất an và đau
khổ.
Ðịnh mệnh phải chăng là
đối nghịch với tự do? Và hành động theo ý muốn là đồng nghĩa với tự
do? Nhìn kỹ ta thấy lắm lúc ngược lại. Người hành động chiều theo ý
muốn của mình thật ra đã bị ràng buộc trong chính ý muốn ấy, nên họ
đã mất tự do ngay từ khởi điểm. Trái lại người từ bỏ tư dục và
thuận theo sự sống chân thực, nghĩa là sống đúng quy luật tất nhiên của
sự sống (thuận thiên) hay thuận pháp
người ấy lại được hoàn toàn tự do.
Nếu định mệnh hiểu
theo nghĩa một khuôn phép do ai đó áp đặt theo tư ý của họ, thì đó
chính là nghịch thiên hay phi pháp (trái với
quy luật tự nhiên), định mệnh ấy tự nó sẽ bị đào thải.
Nhưng nếu định mệnh
được hiểu như là quy luật tất yếu và tự nhiên của sự sống thì thuận
thiên hay thuận pháp chính là hành động của trí tuệ. Vì không có những
quy luật tất yếu đó hoặc chống lại quy luật thì sự sống liền trở
nên bất an, xáo trộn và đau khổ.
Nhờ vận hành theo quy luật
mà sự sống vốn rất trật tự, an toàn và hạnh phúc. Thấy và sống đúng
quy luật ấy thì không thể nào có xáo trộn, bất an và đau khổ được.
Vì không thấy và không sống
đúng quy luật đích thực của sự sống nên chúng ta mới khởi tạo vọng
nghiệp, bản ngã, luân hồi và đau khổ. Ðói thì ăn là quy luật của sự
sống, nhưng tham ăn, giành ăn là vọng nghiệp và tất nhiên phải đưa đến
kết quả bịnh khổ. Bởi vậy y học mới có nguyên tắc "thống tắc bất thông, thông tắc bất thống".
Thông tức là thuận quy luật vậy.
Khi con người muốn thoát
khỏi quy luật vì một ý muốn tự do nào đó thì vọng nghiệp bắt đầu
và đó là khởi điểm của sự trói buộc. Cũng vậy, khi người ta tự đặt
ra một chân
lý lý tưởng rồi buộc mình vào nỗ lực hành động để đạt đến
lý tưởng đó, thì vô tình người ta bắt đầu những
bước đi ra khỏi chân lý thực tại và dấn thân vào cõi luân hồi sinh tử.
Cuộc phiêu lưu mạo hiểm này được thực hiện bằng cái gọi là ý chí tự
do của vọng nghiệp. Thế rồi khi bị chính nghiệp ấy trói buộc
người ta cho rằng có một định mệnh áp đặt lên đời sống tự do của
họ, và họ muốn thoát ra.
Nhưng ngay khi chúng ta nóng
lòng muốn thoát ra khỏi số mệnh ấy là chúng ta muốn tắt lửa mà lại
thêm dầu, vì ý muốn giải thoát này là tự thân của sự bất an, người
ta nói ma
cao nhất trượng chính vì sự biến hóa muôn mặt của vô minh ái dục.
Bất an là nó, muốn thoát khỏi bất an cũng chính là nó.
Con người tự dựng lên một
bản ngã để thực hiện ước vọng của vô minh, ái dục, thế rồi cũng
chính bản ngã ấy nhận lấy hậu quả mà nó tạo ra. Bây giờ khi kết quả
không như ý muốn, bản ngã đòi giải thoát ra khỏi tình trạng này và
ngay khi đó tạo ra nhân khác và cứ thế chồng chất thêm những trói buộc
mà nó muốn thoát khỏi.
Bản ngã muốn giải
thoát, nhưng đó là giải thoát của bản ngã hay giải thoát chính bản
ngã? Giải thoát của bản ngã là giải thoát ra khỏi cái mà bản ngã
không thích để mong đạt đến cái sở thích, còn cái nó đang thích thì
chẳng bao giờ nó muốn giải thoát cả. Nhưng khi giữ lại cái ưa thích, bản
ngã quên rằng chính cái nó thích tạo ra cái nó không thích. Nghĩa là trên
thực tế bản ngã chỉ có thể chạy qua chạy lại trong sợi dây ràng buộc
của chính mình chứ chẳng bao giờ có sự giải thoát thật sự, bởi vì bản
ngã chính là trói buộc!
Bản ngã phát sinh cùng một
lúc với số mệnh, bản ngã chính là số mệnh. Bản ngã muốn thoát ra khỏi
số mệnh là một nghịch lý, trừ phi bản ngã tự hủy diệt mình. Nhưng
khổ thay chẳng bao giờ bản ngã có thể làm được điều đó, cũng như nó
chẳng bao giờ có được tự do. Nó càng được tự do, nó càng bị ràng buộc!
Có một anh sinh viên khi sống
ở Việt Nam thì muốn mau chóng rời khỏi Việt Nam để qua Mỹ, nhưng khi
qua Mỹ anh lại nói rằng bây giờ anh không được thanh thản như lúc còn
ở Việt Nam, đời sống ở Mỹ luôn luôn chạy đua với thời gian, mà để
đuổi kịp thời gian thì phải khẩn trương, không làm thế nào thanh thản
được. Nhưng anh không biết rằng chính ý muốn được thanh thản đã làm
cho anh mất hết thanh thản.
Thanh thản không phải là
nhàn hạ nên không đối nghịch với khẩn trương, cũng không phải là
phóng túng nên không phản lại nề nếp sinh hoạt có kỷ cương nhất định.
Chính sự lựa chọn của
bản ngã giữa phóng túng và kỷ cương, giữa thanh nhàn và bận rộn, giữa
khổ cực và sung sướng, giữa tự do và ràng buộc v.v... đã tạo ra mâu
thuẫn, đấu tranh, phân vân, căng thẳng và dĩ nhiên thanh thản phải biến
mất.
Thanh thản thật sự là
có thể thanh thản cả trong ràng buộc lẫn tự do, trong thong thả hoặc cấp
bách, trong lúc vui cùng khi khổ. Vì thanh thản đích thực thì vượt ngoài
điều kiện.
T thân mến,
Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh
giác là con đường giác ngộ. Ðạo Phật thường nói đến con đường,
như con đường thanh tịnh, con đường chơn chánh, con đường giác ngộ,
con đường giải thoát v.v... và vì vậy Ðạo Phật thường bị hiểu lầm.
Nói đến con đường người
ta nghĩ ngay đến chỗ khởi điểm, chỗ chung cùng, nơi đi, nơi đến, cái
lấy, cái bỏ... Như đi từ tướng đến tánh; từ sinh tử đến Niết-bàn;
từ vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh đến thường, lạc, ngã, tịnh
v.v... và họ tưởng tượng ra một con đường thật bình yên dẫn đến
"Miền
đất hứa", thế là người ta hy vọng từ bỏ được cảnh khổ
này và hướng cầu đến một tương lai đầy lạc phúc. Ðó thật ra vẫn
là một thứ vô minh ái dục lớn nhất trong các vô minh ái dục.
Ðức Phật chẳng bao giờ
nói đến một con đường đi đến Niết-bàn. Niết-bàn
không phải là một nơi chốn nên không có khoảng cách để đi đến. Bát thánh đạo,
tứ niệm xứ, thất giác chi v.v... không phải là con đường chiếm
một thời gian, không gian nào đó để dẫn đến Niết-bàn. Mặt khác, Niết-bàn
không phải là một sự thành tựu hay một kết quả rốt ráo do điều kiện
hội đủ một số pháp môn tu tập. Ðạo đế được mô tả là con đường
chấm dứt nguyên nhân đau khổ (Dukkha
samudaya nirodhamagga). Nguyên nhân đau khổ là vô minh ái dục, khi vô minh
ái dục (tham, sân, si) chấm dứt thì bản
ngã chấm dứt và toàn bộ khổ uẩn cùng với luân hồi, sinh tử, sầu -
bi - khổ - ưu - não đều chấm dứt. Chấm dứt là Niết-bàn
vì vậy được gọi là diệt đế (Nirodha sacca).
Bản ngã rất sợ sự chấm
dứt, sự diệt tận, sự đoạn trừ, sự xả ly này cho nên nó vội vàng
tô điểm cho Niết-bàn những ý niệm thường hằng, vĩnh cửu, cực lạc,
chơn ngã v.v... Nhưng tất cả ý niệm đó đều là sản phẩm của vô minh
ái dục.
Có thể chứng ngộ Niết-bàn
(Nibbàna Sacchikiriyà) chứ không thể đi
đến Niết-bàn,
vì Niết-bàn
không có đến và đi. Nhưng khi tham, sân, si chấm dứt thì sự sống cũng
được mở bày, Niết-bàn không phải là cái gì xa lạ,
để ta phải hướng vọng về phía trước, mà chính là ở ngay nơi chỗ hồi
đầu.
Ðức Phật dạy: "Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như
Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến tự ngã đối chiếu với Niết-bàn,
không nghĩ đến tự ngã như là Niết-bàn, không nghĩ đến Niết-bàn là của
ta, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng dục hỷ là
căn bản của khổ đau, từ hữu, sanh
khởi lên, và già chết đến với loài
hữu tình. Do vậy ta nói Như Lai với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự
ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái đã chơn
chánh giác ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Gíác".
Con đường là con đường
giác ngộ giải thoát, là chấm dứt mọi nguyên nhân đau khổ, con đường
ấy được Ðức Phật giới thiệu với 37 đạo phẩm. Tất cả các pháp
môn phương tiện vận dụng về sau đều phát xuất từ đó, có thể tóm lại
trong giới,
định, tuệ hay tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Nói
cho dễ hiểu là sáng suốt, định tĩnh, trong lành nơi chính thực tại hiện
tiền (Sanditthiko dhammo) tức là tỉnh thức nơi chính sự sống đang là.
Ngay khi đó bản ngã với toàn bộ sự lăng xăng của nó đều chấm dứt: Niết-bàn.
T thân mến,
Ðừng nói đến an phận
hay phản kháng, hãy im lặng lắng nghe hay chú tâm nhìn thẳng vào sự sống
đang là. Ðó mới chính là: tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Ðói bụng
hãy im lặng tỉnh giác đi nấu cơm, đừng quan tâm đến số mệnh hay tự
do, việc đó hãy nhường lại cho các triết gia, các nhà tư tưởng và những
người suy tư mơ mộng.
Chào T nhé!
Thầy
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/009-thu41.htm