- Lá thư thầy (42)
- Sư Viên Minh
Ngày … tháng …năm……
T. con,
Hôm nay ngồi một mình Thầy
đọc lại thư con, chủ nhật rồi khi HT đưa thư con cho Thầy, Thầy chỉ mới
đọc lướt qua thôi, rồi tuần qua lu bu nhiều chuyện Thầy chưa có gì để
viết cho con.
Lên chùa con chỉ ngồi
nghe, ít khi phát biểu ý kiến nên thật ra Thầy cũng chưa hiểu con mấy,
Thầy chỉ có cảm tưởng mơ hồ như con đang gặp một vấn đề nào đó
trong cuộc sống, mà vấn đề cuộc sống thì thật là đa tạp, nên Thầy
chỉ có một ước mong đơn giản là chia sẻ với mọi người nỗi đau
chung của nhân loại. Nỗi đau không dành riêng cho một ai, nó là bản chất
chung của đời sống mà mỗi người nhận nó qua hoàn cảnh riêng của
mình. Cho nên ai cũng tưởng chỉ có riêng mình là đau khổ, nhưng thật ra
đau khổ chỉ khác nhau trên hiện tượng, còn bản chất thì ở đâu vẫn
thế.
Con đừng nghĩ rằng những
Phật tử đến với Thầy là phải tuân theo một số quy định nào đó, chẳng
hạn như: giáo điều, những luật lệ, những bổn phận, những lễ nghi
v.v... hoặc nhận một pháp danh mà người ta gọi là quy y, là từ đó người
đệ tử phải tôn kính, vâng lời Thầy và tuyệt đối không được phản
lại môn quy.
Ðiều đó có thể xảy ra
ở một vài nơi nào đó, nhưng riêng đối với Thầy thì hoàn toàn khác. Một
pháp danh chỉ có nghĩa là đánh dấu một sự thay đổi nào đó trong tâm hồn
hay một bước ngoặt trong tầm nhìn về cuộc sống. Ngày xưa khi được
sư phụ đặt pháp danh, Thầy cảm thấy như có một cái gì thay đổi lớn
lao tận cùng tâm khảm của mình. Người nói: "Pháp danh con là Viên Minh, vậy từ nay
con hãy nhìn lại chính mình cũng như nhìn lại cuộc đời với cái nhìn
hoàn toàn trong sáng". Từ đó Thầy tập nhìn thẳng vào mọi vấn
đề với một tâm hồn sáng suốt, lặng lẽ và trong lành. Cũng từ đó biết
bao sự thật đã được mở bày mà bấy lâu bị phủ kín dưới lớp vỏ
dày của vô minh ái dục.
Thầy đã từng đau khổ và
đã từng nhìn thẳng vào những niềm đau khổ ấy như thể uống cạn từng
giọt đắng cay của cuộc đời, vì thế Thầy cảm thông với những nỗi
thống khổ của mọi người.
Những buổi họp mặt đàm
đạo thân mật giữa Thầy và các Phật tử trong bối cảnh yên tĩnh của
chốn thiền môn không phải là những buổi điểm đạo. Thầy và các Phật
tử chỉ chia sẻ với nhau những niềm vui nỗi khổ của cuộc đời để
nhận chân ra ý nghĩa đích thực của đời sống.
Vì vậy chia sẻ không có
nghĩa là an ủi, vì an ủi chỉ là một hình thức trốn chạy khổ đau bằng
những lời lẽ ngọt ngào xoa dịu. Thầy trò chia sẻ bằng cách cùng nhau
nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật để cùng nhau chiêm nghiệm, học
hỏi và cảm thông. Ðiều chính yếu là thấy ra chân lý giữa cuộc đời.
Ðiều kiện tất yếu để
giác ngộ là nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy trắng
(kiến tố) như Lão Tử nói, hay thấy minh bạch
(Vipassanà) như Ðức Phật dạy. Bởi vì
bao lâu còn trốn chạy đau khổ bằng những ảo tưởng về một thứ hạnh
phúc nào đó người ta chẳng bao giờ có thể thấy được bản chất của
cuộc đời.
Có giác ngộ được chân
lý của sự khổ người ta mới có được tình thương yêu và thông cảm,
nhưng khi người ta trốn vào cái thành trì của bản ngã thì lập tức người
ta tự khép kín, tự cô lập và qua lăng kính của bản ngã chủ quan ấy
chân lý biến mất cùng với sự cởi mở, lòng thương yêu và thông cảm,
mà hậu quả của nó là người ta phải chịu phiền não, trầm uất, sầu
khổ, chán chường và căng thẳng...
Vậy tại sao chúng ta
không cởi mở với nhau và cùng nhau đối diện với sự thật, cùng nhau
chia sẻ và cảm thông? Phải chăng lòng tự trọng mà con nói là hàng rào
ngăn cách giữa những bản ngã cô lập và khép kín? Phải chăng cái mà con
gọi là lương
tâm chính là lòng tự ái đã dựng lên thành trì kiên cố của ngã
chấp?
Lương tâm theo Thầy là
trí tuệ và tình thương. Nhưng trí tuệ và từ bi không bao giờ hiện hữu
trong thành trì của bản ngã, mà chỉ hiện hữu trong sự tương giao cởi mở.
Ở đó không còn bóng dáng của sự khép kín, cô lập, mặc cảm (tự tôn hoặc tự ti), thành kiến ngã chấp
v.v... mà chỉ có trí tuệ, tình thương yêu và sự thông cảm.
Thầy nghĩ con nên đến với
các bạn và sinh hoạt với nhau trong không khí cởi mở của sự tương giao
chân thật không che dấu, không cố thủ, không tự hành hạ trong cái gọi
là lương tâm khép kín. Dù rằng sự thật đôi lúc quá phũ phàng nhưng chúng
ta vẫn phải nói trắng, có khi Thầy
phải nói trắng để phơi bày một sự
thật nên chắc chắn làm người nghe không khỏi ngỡ ngàng. Hoặc có những
sự thật bị che kín dưới những nhãn hiệu mỹ từ khi được phơi bày
làm người ta ngạc nhiên và đôi lúc tưởng là nghịch lý. Lúc đó chúng
ta phải cùng nhau xem xét vấn đề kỹ lưỡng hơn. Con còn những nghi vấn
tại sao con không phát biểu tự nhiên? Chung quy con vẫn chưa sẵn sàng cởi
mở.
Thôi Thầy ngừng bút, chúc con mạnh khỏe.
Thầy
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/009-thu42.htm