- Lá thư thầy (6)
- Sư Viên Minh
Ngày … tháng …năm……
Con
thương mến,
Tối hôm
qua mẹ con và H.T đem thư và ảnh của con đến cho thầy. Đó là lá thư thầy
nhận được từ khi con đi. Dường như thư con không mất mà thư thầy viết
cho con thì thất lạc hết rồi.
Ảnh chụp
trông buồn quá, buồn cũng phải, nhưng con nhớ phải "tùy sở trụ xứ thường an lạc" mới
được.
Ngày xưa,
khi con chưa biết đạo, có lẽ con nhập cuộc không một chút dè dặt. Nhưng
ngày nay sau khi con biết đạo và đã chuẩn bị cho mình một hàng rào đạo
đức thì có vẻ như con hơi lúng túng trước sự phức tạp của cuộc đời,
có phải thế không ?
Con ạ, đó
là hai cực đoan mà người ta thường vấp phải khi đối diện với cuộc
đời. Nếu con tùy thuộc không một chút tỉnh thức thì con bị cuốn trôi
trong dòng thác lũ của những ảo hóa trần gian. Nhưng nếu con quá cẩn thận
e dè thì con sẽ bị bỏ rơi bên bờ cuộc sống. Đáng thương thay cho những
ai lặn hụp trong biển đời không tìm thấy đâu một phút giây tự tại.
Cũng đáng thương thay cho những ai trang bị cho mình quá nhiều giá trị để
chỉ đào thêm sâu hố ngăn cách với cuộc đời.
Vậy phải
làm sao ? Không phải làm sao cả. Mọi vấn đề chỉ giải quyết ngay chính
nơi con mà không cần thêm bớt gì nữa. Con không cần phải tập luyện
yoga, thiền định hay thái cực quyền tới một mức thâm hậu nào mới khả
dĩ đối phó với đời. Bao lâu con còn cầu viện tới một sở đắc nào,
một điều kiện nào, một trang bị nào, một kiến thức nào, thì con vẫn
còn hướng ngoại cầu huyền, hay ít ra con vẫn còn bị nô lệ bởi những
triền phược cho chính những sở đắc ấy tạo nên.
Con sẽ phải
đối phó với đời bằng hai bàn tay trắng hay bằng những gì con đã có sẵn
mà thôi. Có lần thầy đã nói với con :
-
Học đạo quý vô tâm
-
Làm nghĩ nói không lầm
-
Sáng trong và lặng lẽ
-
Giản dị mới uyên thâm
Vũ khí của
con là sự giản dị. Giản dị thì không có vấn đề. Không có vấn đề
thì con sáng suốt, trong lành và tĩnh lặng. Có như thế con mới hành động,
nói năng, suy nghĩ thích ứng và hồn nhiên.
Thăng - trầm,
động - tịnh, khổ - vui… đều hồn nhiên trong sáng tức là tự tại, là
vô tâm, là giải - đất - bình - an - muôn - đời ở nơi con.
Con
thương mến,
Viết đến
đây, thầy nhớ trong thư con có nói : "Trở về quê hương là việc
quá xa vời mà trở về quê hương của Phật còn gian khó vô vàn…".
Nhưng nếu con nhận ra rằng quê hương nào cũng ở chính nơi con thì có lẽ
con thốt lên câu : "Nhiên khứ lai hề thiên thu giả mộng !" như
trong bài thơ Lai Khứ của thầy vậy.
Chắc con
đã có lần đọc bài thơ "Thiên để nguyệt" của thầy mà không
để ý. Nhân đây thầy chép lại và dịch cho con nghe ý của bài thơ đó :
-
Viễn viễn phong đầu phi
-
Vong xứ điểu vô qui
-
Hốt phùng thiên để nguyệt
-
Qui hà, qui hà vi !
Hai câu đầu
thầy tả một con chim mất xứ sở (vong xứ điểu) đang bay càng lúc càng
xa (viễn viễn) trước ngọn gió cuốn đi vô định (phong đầu phi), chẳng
biết nơi nào là chốn quê nhà thì làm sao tìm được lối về. Câu thứ
ba đột biến của cuộc đời giữa khi con chim cô đơn mất hướng đang
bay vào chân trời vô định, giữa lúc "thuyền tâm lạc giữa trận tiền
phong ba" thì bỗng gặp một mảnh trăng vảng minh linh chiếu diệu, lồng
lộng bên trời (hốt phùng thiên để nguyệt), thì ra :
-
Quê hương vẫn là đây
-
Trăng vẫn mảnh trăng này
-
Ngàn sau ngàn sau nữa
-
Lồng lộng giữa trời mây
Và câu thứ tư, từ khi con chim bỗng gặp "thiên để nguyệt" thì không còn vấn
đề đi hay về nữa. Đâu cũng là quê hương, đâu cũng là viễn xứ thì về
đâu ? Về làm gì (qui hà, qui hà vị !) ?
"Hốt phùng thiên để nguyệt" là một
cách nói thi vị thay cho thuật ngữ "hoát
nhiên đại ngộ" của nhà thiền. Cũng như ngộ, "thiên để nguyệt" không thể tìm thấy
ở bất cứ chân trời góc biển nào, mà chỉ tìm thấy ngay nơi chính
mình, nơi mà nó vẫn muôn đời chiếu diệu.
Hễ ngay
đây và bây giờ con không có vấn đề gì với thực tại hiện tiền tức
là con thấy tánh, là "hốt phùng thiên để nguyệt". Niết bàn
không xa, chỉ tiếc con người cứ mãi cố gắng đi xa Niết bàn. Quê hương
của Phật là nơi gần con nhất, sao con lại phải về đâu nữa để rồi
tự thấy khó khăn trở ngại.
Khi Đức
Phật dạy : "Chớ có buông lung trí tuệ,
hãy hộ trì chân đế, hãy làm cho sung mãn huệ xả, hãy tu học tịch tịnh"
là Ngài muốn dạy chúng ra không nên vọng động hướng ngoại cầu huyển,
không nên tìm kiếm thêm bất cứ cái gì ở ngoài, chỉ nên thấy các pháp
như thật (chân đế), không có vấn đề gì (sung mãn huệ xả), tức nhiên
tâm ta sẽ điểm đạm hư vô và trong sáng (tu học tịch tịnh).
Nói thì rắc
rối nhưng sự thật còn giản dị hơn nhiều, con phải tự chứng nghiệm sự
thật giản dị ấy, thầy không có cách nào nói nhiều hơn được.
Thầy ngừng
bút và chúc con tự tại vô ngại trong mọi hoàn cảnh.
Thầy
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/009-thu6.htm