Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
CHO ĐỜI KHUÔN MẶT TƯƠI CƯỜI
SHUNDO AOYAMA
DIỆU TỊNH dịch

Bạn có mặt ở nơi đây,
Không khí như bừng thêm ánh sáng
Bạn có mặt ở nơi đây,
Cảm giác dễ chịu tỏa lan cho người
Ước gì tôi giống như bạn nhỉ

Tôi thích bài thơ này của Mitsuo Aida. Khi ở cạnh người khác, dù chúng ta không thể nghĩ ra điều gì hay ho để nói, chúng ta cũng nên làm cho không khí nơi đó sáng sủa và làm cho mọi người dễ chịu. Tôi sung sướng không thể tả khi gặp được một người hoan hỷ như vậy. Tôi trìu mến nhìn họ và ước ao mình có thể làm được như họ. Ngược lại, người nào đó vào phòng với vẻ mặt khó chịu. Tôi cảm thấy như là đang nhìn thấy khía cạnh xấu của chính mình, tôi buồn và tự nghĩ rằng không biết chừng mình cũng làm cho người khác chán nản hay khó chịu như vậy.

Có một câu chuyện tôi không thể quên, dù nó xảy ra đã lâu. Tôi nghe Toru Matsui kể về người phụ nữ tên là Reiko Kitahara, con của một giáo sư.

Câu chuyện xảy ra ở một góc của khu phố ở Tokyo, nơi đó đã bị bom tàn phá thành gạch vụn trong thế chiến thứ hai. Khu phố tồi tàn tên là Ant Town đã mọc lên ở đó và cũng là nơi trú ngụ của những người lượm rác. Cô Reiko đến đó sống. Cô tập trung những đứa trẻ trong khu này, chúng nó quá nghèo, không có tiền đi học và cô đã trở thành cô giáo của chúng. Cô thường xuyên đi thăm nom mọi người, bất kể ngủ nghỉ, cô cũng chăm sóc những người bệnh hoạn, già cả cô độc. Mỗi sáng, hàng trăm người lượm rác túa ra đi khắp nơi, kéo theo những chiếc xe gỗ cà tàng.

Cô luôn luôn tiễn họ với nụ cười trong sáng và câu nói : "Chúc bạn một ngày tốt lành". Buổi chiều, dù cho trễ mấy, cô cũng luôn luôn chào đón họ trở về với nụ cười và câu nói " Chắc là bạn mệt lắm hả". Chỉ cần nhìn thấy cô với nụ cười dịu dàng, thơ ngây, những người khổ cực trôi giạt đến Ant Town sau trận chiến hỗn mang, họ đã hoàn toàn quên đi những nỗi nhọc nhằn. Vì thế, cô Reiko đã được tôn sùng là Nữ Thánh của Ant Town.

Bất ngờ, cô bị bệnh lao. Mặc dù người ta khuyên cô trở về với gia đình để chữa bệnh, cô đã nhất định qua đời ở nơi đó. Cô từ giã cuộc đời lúc còn rất trẻ, trong độ tuổi 20. Sau khi mất, một quyển sổ tay nhỏ được tìm thấy dưới gối của cô. Người ta thường thấy cô lấy quyển sổ này khi nằm trên giường bệnh. Nghĩ rằng chắc là có điều gì quan trọng được ghi lại trong sổ, Matsui đã mở ra, nhưng chỉ đọc thấy một câu : "Bạn có quên mỉm cười lúc này hay không ?". Dường như là cả lúc cô bị sốt cao, nụ cười vẫn không tắt trên đôi môi, dù cô chưa là Thánh, chỉ là người bình thường.

Luôn mỉm cười có vẻ như là một chuyện nhỏ, nhưng thực sự nó rất khó. Ai cũng có thể cười khi gặp việc vừa ý họ, còn gặp điều bất như ý mà mỉm cười được thì không dễ. Về lâu dài, ít người có thể thấy bộ mặt thực của chính họ. Nhưng khi nhìn vào gương, chúng ta thấy được bộ mặt mà người khác cũng có thể thấy. Người khác có thể bị khó chịu nếu nhìn thấy chúng ta cáu kỉnh hay giận dữ. Dù tâm trạng của chúng ta như thế nào, cũng không nên bắt người khác phải hứng chịu cái đó, với lý lẽ rằng đó là tính cách của mình, không thể khác. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về chính mình và cần giữ bộ mặt của mình đừng lộ vẻ khó chịu, đừng góp thêm vào cuộc đời này sự khó chịu.

Đức Phật Thích Ca đã dạy chúng ta bảy điều không tốn tiền mua, trong đó có khuôn mặt tươi cười. Ngài mong ước mọi người sẽ tươi cười và chấp nhận người khác giống như là người mẹ tươi cười với con cái và mở rộng vòng tay ôm choàng lấy chúng.

http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/013-chodoi.htm

 


Cập nhật: 21-1-2001

Trở về mục "Các bài pháp luận khác"

Đầu trang