Trong cuộc đời
này, hầu hết ai ai cũng bị chi phối bởi khổ đau. Chính vì vậy mà
trong nhiều bộ kinh Đức Phật thường đề cập và nhấn mạnh đến
giáo lý "Tứ Diệu Đế", tức là Khổ, Tập, Diệt và Đạo.
Giáo lý này nhằm khuyên dạy tất cả hàng đệ tử tứ chúng của
Ngài, là hãy tự mình quán chiếu nơi bổn tâm của chính mình, đồng
thời cũng tự mình tìm hiểu nguyên nhân đưa đến khổ đau, từ
đó tìm giải pháp để diệt trừ chúng. Sau khi nhận chân được
giáo lý tối thượng, Đức Phật đã quán thấy tất cả chúng sanh
đều bị vướng mắc căn bệnh tâm lý. Chính xác thân uế trược
này, nó đã làm cho tất cả chúng sanh đều bị điên đảo trong vòng
khổ đau. Vì thế mà Ngài đã tuỳ bệnh cho thuốc, từ đó những
người sanh trong thời Đức Phật đều được tế độ. Nhưng đối
với chúng sanh trong thời mạt pháp này, vì nghiệp dày phước mỏng
nên phần lớn không thể thoát ra được khổ đau do chính mình tạo
ra.
Để nhận chân được giá trị của
niềm hạnh phúc phát xuất từ khổ đau, chúng ta nên suy xét lại
chính mình. Vì phần lớn những người gặp phải khổ đau, họ luôn
nghĩ một cách bi quan rằng người đau khổ thì mãi mãi sẽ gặp sự
khổ đau.
Chính vì thế, chúng tôi mới mạo
dạn nói lên một chút quan điểm của mình, để biện hộ cho giá trị
hạnh phúc đích thực luôn tàng ẩn trong khổ đau.
Tất cả con người sanh ra và lớn
lên trong cõi đời này, đều phải tự mình đối đầu với biết bao
là thử thách. Buồn khổ hay vui mừng đều là những trạng thái
tâm lý trong mỗi người. Chính nó đã chi phối phần lớn cuộc sống
của con người. Điều quan trọng là mỗi người có thể tự mình
kiềm chế được những trạng thái ấy bằng lý trí, lòng tự tin
và sức chịu đựng của mình. Chứ chúng ta không nên buông xuôi
theo định mệnh hay số phận để rồi tự mình hối tiếc hay đổ lỗi
cho những tác nhân bên ngoài.
Theo chúng tôi, chúng ta cần những
giây phút nhìn lại chính mình, và suy xét trong cuộc sống hiện tại,
có bao giờ chúng ta đã vấp phải khổ đau chưa? Chắc chắn rằng trong
mỗi chúng ta, ai ai cũng phải trả một giá rất đắc cho sự khổ đau
mà do chính mình tạo ra. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là sau khi
vấp phải khổ đau, chúng ta có nhận chân được niềm hạnh phúc
trong nó hay không? Hay chúng ta cứ tự trách mình, trách người và
trách cho hoàn cảnh, rồi cứ mãi lẩn quẩn trong nó từ đời này
đến đời khác. Theo chúng tôi nghĩ rằng không có tác nhân hay
ngoại cảnh nào có thể chi phối đến đời sống vui buồn của chúng
ta cả. Có chăng, chỉ là do tâm lý của chúng ta bị xáo động bỡi
lòng ích kỷ hay chấp ngã của chính mình.
Như một người đang trong tâm trạng
rất khổ đau, anh ta chỉ thấy trước mắt anh là một vực thẳm đen
tối đầy khổ đau và anh muốn tự đi tìm cho mình một nơi an toàn
để lánh xa những cảm giác đau buồn ấy. Thế nhưng càng tìm anh ta
càng cảm thấy vô vọng, vì bất cứ lúc nào khổ đau cũng luôn
hiển hiện trong tâm trạng của anh. Nhưng thật sự, vốn dĩ cuộc đời
này bản tánh của nó thật trong sáng và hồn nhiên. Chỉ có những
người ở trong tâm trạng đau khổ, mới cảm thấy đâu đâu cũng
là khổ đau và nó luôn tấn công và bao phủ mình. Vì lý do đó, khi
anh đến sở làm hay về nhà đều mang một cảm giác như nhau, rồi anh
cảm thấy tự ty mặc cảm cho thân phận của mình. Đồng thời anh ta
muốn tách mình ra khỏi cộng đồng xã hội, gia đình, để sống một
cuộc đời biệt lập trong một không gian nhỏ bé, phạm vi hạn hẹp
ở lối suy nghĩ đầy tối tăm và đau khổ của anh. Ngay khi sống gần
với vợ con, cha mẹ và người thân, anh cảm thấy tất cả họ giống
như kẻ xa lạ (thỉnh thoảng là kẻ thù), là người mà tạo cho anh
nỗi khổ đau tột cùng. Nhưng anh lại quên rằng chính anh là nguyên
nhân để tạo ra nó bằng lối suy nghĩ nhỏ hẹp, ích kỷ, chấp ngã
của mình. Tại sao anh ấy không tự tìm và nhận ra nguyên nhân nào
khiến cho anh phải đau khổ? Mà anh cứ mãi đổ lỗi cho người thân
hay bè bạn của mình là mọi người đều sai và anh đúng, để rồi
anh tự chuốc cho mình một sự khổ đau. Dù cho mọi người là nguyên
nhân tạo cho anh khổ đau đi chăng nữa, nhưng tất cả chỉ là những
tác nhân mà thôi. Theo chúng tôi, tất cả họ đều là thiện trí
thức nhằm giúp anh hướng đến một tương lai tốt đẹp bằng niềm
hạnh phúc đích thực mà tự anh phải nhận chân được. Có lẽ, anh
ấy đã đánh mất đi một nhịp cầu thông cảm, bao dung và lòng tha
thứ, nói đúng hơn là tình người. Tất cả vốn dĩ luôn tiềm ẩn
trong anh, cũng vì sự chấp ngã của anh quá lớn, nên anh đã bỏ
quên chúng. Cuối cùng, anh tự mang hận trong lòng, hận người, hận
đời và hận cho hoàn cảnh, rồi anh hành hạ bản thân trong sự khổ
đau tột cùng, đầy ích kỷ, chấp ngã của anh từ đời này sang
đời khác.
Cũng đồng thời là một người
thanh niên khác, tâm trạng của anh này không khác gì tâm trạng của
anh đầu. Anh đã bị bạn bè, người thân hất hủi vì một sự hiểu
lầm vô cớ. Nhưng anh không thể tự mình giải bày cho mọi người
hiểu hết lòng chân thật của anh, để rồi anh bị đẩy vào bước
đường cùng của khổ đau. Và ngày tháng trôi qua, anh đã sống trong
âm thầm chịu đựng với nỗi chua cay mà con người, cuộc đời đã
mang đến cho anh. Có lúc anh phải ngất đi trong tiếng thở dài đầy
uất hận, vì xung quanh anh có mấy ai hiểu và thông cảm cho nỗi bất
hạnh của anh. Anh cứ luôn nghĩ rằng giá trị nhân cách và lòng tự
trọng của anh đã bị chà đạp, cứ thế mà làm cho tâm trạng của
anh phải đau khổ triền miên từ ngày này sang ngày khác. Nhưng đến
một lúc nào đó, anh ta lại chợt nhận ra rằng không có ai có thể
làm cho mình phải khổ cả, mà chính anh với lối suy nghĩ hẹp hòi ích
kỷ của mình. Để từ đó anh không còn đổ lỗi hay trách cho bất
cứ ai, mà anh tự trách mình. Như vậy anh đã nhận ra được sự
thông cảm, lòng tha thứ và đầy tính chất người của anh. Anh không
phiền trách họ mà còn thương mến họ vô cùng, vì nhờ họ mà anh
đã nhận ra được giá trị của cuộc sống và niềm hạnh phúc đích
thực trong khổ đau. Đồâng thời, anh cảm thấy yêu đời, yêu thiên
nhiên vì trước mắt anh bây giờ đâu đâu cũng đẹp và hồn
nhiên cả. Trời nước cỏ cây hoa lá là một bức tranh thật đẹp,
anh càng cảm thấy yêu đời hơn.
Cuối cùng, anh đã nở một nụ
cười thật tươi, hồn nhiên và trong sáng với niềm hạnh phúc vô
biên mà từ lâu nó đã tàng ẩn trong niềm khổ đau của anh.
Qua hai hình ảnh trên, chúng ta đã
nhận ra được điều gì? Vì ở mỗi góc độ, địa hạt khác nhau như
cộng đồng xã hội, gia đình, cá nhân phần lớn đều vướng phải
sự khổ đau mà con người không tự mình giải thoát ra khỏi cái
vòng lẩn quẩn ấy được. Vì tất cả đều luôn quý trọng cái bản
ngã của mình, nếu có ai đụng đến nó thì con ma ích kỷ hẹp hòi
lại hiện ra, khiến người ấy phải đau buồn và tuyệt vọng. Hơn
nữa, người ấy sống mà thiếu đi sự cảm thông và lòng tha thứ.
Nói đúng hơn, họ không tự mình dám đối diện với sự thật, họ
muốn tránh xa tất cả để rồi họ chỉ muốn sống với con ma ích kỷ
hẹp hòi của mình.
Theo chúng tôi nghĩ, khi chúng ta khổ
đau hay đau buồn , chúng ta nên gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về
nó vì có ai có thể làm cho chúng ta đau khổ đâu, khi trong mỗi
chúng ta đều sẵn có một tấm lòng bao dung. Chúng ta khổ đau ư!
Chúng ta đau buồn ư! Chúng hoàn toàn vô nghĩa đối với một người
luôn có tấm lòng vô ngã vị tha. Cuộc đời này vốn dĩ rất đơn
giản, một màu trong suốt và thanh tịnh bản nhiên, nhưng do con người
tự mang cặp kính màu nên mới cho rằng cuộc đời đầy màu sắc,
đầy phức tạp. Chứ đối với một người với cặp mắt bình
thường, thì cuộc đời vẫn là cuộc đời thì từ đó họ mới
nhận chân được giá trị của sự sống và niềm hạnh phúc đích
thực trong khổ đau. Nhưng dù trong cuộc đời này đầy dẫy những
hạng người ích kỷ, chấp ngã và khổ đau, chúng ta phải nên hiểu
rằng họ chính là những hình ảnh đáng thương nhất và chúng ta cần
phải mở rộng tấm lòng bao dung, tha thứ cho họ hơn là đáng trách,
vì chính bản thân họ cũng có một hoàn cảnh đáng thương.
Trong cuộc đời này không có ai
gánh vác hay thay cho ai cả trong những bước thăng trầm mà người
đó tự tạo cho mình, chỉ có mình mới trực nhậïn cái mà mình cho
là hạnh phúc đích thực. Dù cho người thân, Thầy Tổ, Cha Mẹ có
thương mình, muốn chia xẻ với mình những lúc mình cảm thấy đau khổ
nhất, nhưng nếu chúng ta không tự soi xét lại chính mình, không có
lòng tự tin và ý chí sẵn có thì tất cả những tác nhân quanh
mình đều là vô nghiã với nỗi thống khổ mà mình đã tạo ra.
Chúng ta càng không nên đổ lỗi cho bất cứ ai làm cho chúng ta đau
khổ, càng đổ trách nhiệm cho họ bao nhiêu thì chúng ta càng có tội
bấy nhiêu. Vì chính bản thân những người tạo cho chúng ta đau khổ,
họ có hơn gì chúng ta đâu. Vì đau khổ, vì tuyệt vọng, vì hận
đời mà họ có thể sẵn lòng gây cho người khác nỗi phiền toái
bằng lối suy nghĩ ích kỷ, chấp ngã, nhỏ hẹp của họ.
Nói tóm lại, bất cứ ai sống trong
cuộc đời này đã là con người thì phải đương đầu và đối
diện với những thử thách mà chúng ta cho là khổ đau. Đồng thời
mỗi chúng ta phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm với những đau
khổ mà do chính mình tạo ra, chứ chúng ta không nên đổ lỗi hay
trách cứ kẻ khác. Chúng ta phải nên nhìn lại và quán chiếu chính
mình. Đồng thời mỗi người cần phải đặt câu hỏi nguyên nhân
nào làm cho chúng ta phải đau khổ, rồi từ đó tìm cho mình một
phương pháp để diệt trừ khổ đau. Vì phương pháp này đã được
Đức Phật chứng đạt và dạy cho Tứ chúng của Ngài trong nhiều
bộ kinh như giáo lý Tứ Diệu Đế. Đức Phật giống như vị lương y
đại tài tuỳ bệnh cho thuốc. Còn vấn đề có uống hay không là
tuỳ ở mỗi người, chứ Ngài không thể nào uống thay cho chúng ta
được. Chính vì vậy, mà chúng tôi nói khổ đau hay niềm vui đều do
chúng ta cả, chứ không ai có thể làm cho chúng ta khổ đau hay vui
buồn. Chúng tôi luôn tin chắc rằng dù một người đang gặp phải
hoàn cảnh khổ đau, nhưng nếu người ấy trực nhận ra lời dạy của
Đức Phật, giá trị của sự sống xuyên qua tấm lòng vô ngã vị tha
đầy tình người thì chắc chắn người ấy sẽ cảm nhận được giá
trị hạnh phúc đích thực trong khổ đau của chính vị ấy.
Dharamsala, 15-04-2001