Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Chuyến Xe Chợ Chiều
Thích Thông Lý

Vào một mùa đông, khí trời lạnh lẽo trên đất Phật tại Lâm-Tỳ-Ni, ánh hoàng hôn như ngả nắng về chiều chỉ còn để lại những tia nắng vàng yếu ớt, phản chiếu xuyên qua khe cửa sổ. Đàn chim từ đâu lần lượt rủ nhau kéo về trên vòm trời xanh như muốn tìm cho chúng một nơi trú ẩn qua đêm. Thỉnh thoảng, những cơn gió nhẹ thoáng qua khiến cho những lá cây quanh chùa rung rinh xào xạt, cộng thêm tiếng suối chảy róc rách tạo thành một bản nhạc nghe thật du dương.

Không hiểu sao, chiều nay tôi có một cảm giác thật ớn lạnh hơn mọi ngày. Trong lòng của tôi như có một điều gì đó bân khuâng lo lắng và bất an. Một mình tôi đã bước nhẹ qua nhà bếp để chuẩn bị cho buổi cơm chiều, nhưng tôi đã chợt nhận ra là không còn thứ gì trong đó cả. Tôi đã phải ngước mắt nhìn trời và thở ra một hơi thật dài như nói lên một điều hối tiếc. Vì lúc này trời đã bắt đầu chuyển về chiều, những cảm giác lo lắng cứ thúc giục tôi là phải đi kịp cho chuyến xe chợ chiều nay.

Với chiếc túi xách trên vai, một mình tôi đã bước nhẹ thoăn thoắt qua con đường mòn quen thuộc mà mỗi ngày tôi thường đến vườn Lâm-Tỳ-Ni để lạy Phật. Thỉnh thoảng, tôi phải dừng lại để tránh những chiếc xe chở đầy ắp người hành hương từ mọi nơi đổ về, trông họ có vẻ vui tươi và hớn hở lắm, với những bộ đồ rực rỡ và đầy màu sắc. Có lẽ đây là ngày đầu tiên mà họ được đặt chân đến chốn này để chiêm ngưỡng sự thánh thoát, an lạc nơi đất thiêng. Đôi khi tôi phải dùng tay bịt mắt và miệng để khỏi hứng chịu những lớp bụi dày đặt đang tấn công và bao phủ lấy tôi. Chỉ trong chốc lát, tôi đã đến đường cái lộ, đây là điểm dừng của những chiếc xe đón khách. Vài phút sau, tôi nhận ra có một chiếc xe từ xa chạy lại, nhìn trên xe tôi thoáng thấy chỉ một vài người lưa thưa và trong họ như có vẻ mệt mỏi, lộ trên những nét mặt hốc hác nhưng thuần chất người dân lao động nghèo, hiền lành và chất phác. Có lẽ, họ cũng mới đi làm về từ một nơi đồng áng xa xôi. Tôi đã nhẹ nhàng bước lên xe và tìm cho mình một chỗ ngồi thích hợp. Tất cả mọi người đều đổ dồn về tôi với những cặp mắt dò dẫm, ngạc nhiên. Tôi cảm thấy ngần ngại và vội vàng chào tất cả mọi người bằng một nụ cười để thể hiện phần nào tình người với tình người. Thoáng nhìn vào khoang lái, tôi bất chợt gặp anh tài xế người mà đang chuẩn bị đang điều khiển cho chuyến xe chợ chiều nay. Anh cũng nhìn tôi bằng một nụ cười thật hồn nhiên và trẻ trung. Nhưng trên khuôn mặt của anh vẫn không sao giấu được những nét đăm chiêu, lo lắng cho nồi cơm ngày mai của gia đình anh. Dường như tôi có một chút gì đó cảm thông cho hoàn cảnh của anh và của tất cả những hành khách hiền lành trên xe. Dù rằng, chúng tôi chỉ mới gặp nhau lần đầu tiên. Bỗng đâu, những cảm giác buồn lại thoáng hiện trong đầu tôi. Rồi tôi lại lặng lẽ gụt đầu trên thành xe để nghĩ về số phận của kiếp người. Năm phút trôi qua trong mơ màng, tôi đã nghĩ về lời dạy của Đấng Từ Phụ trong nhiều bộ kinh như giáo lý Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngài thật thấu hiểu tâm lý của tất cả chúng sanh, tuỳ bệnh mà cho thuốc để rồi cả năm anh em Kiều-Trần-Như đều chứng vào Thánh quả và lần lượt Ngài đã độ rất nhiều đệ tử nổi tiếng thời bấy giờ, như tôn giả Ca-Diếp, Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Ưu-Ba-Li, A-Nan-Da, v.v…đều chứng A-La-Hán. Nhưng rất tiếc, trong thời này vì cách Phật quá xa, tất cả chúng sanh đều phải gánh chịu khổ đau và bị chi phối bởi sanh lão bệnh tử. Cũng vì con người mang cái thân tạm bợ này mà suốt đời phải bị lệ thuộc cho nó. Vì nó mà người người phải hại nhau, cấu xé lẫn nhau bằng lòng tham ích kỷ của mình, chứ ít có ai mà thương cảm cho nỗi thống khổ kẻ khác. Cũng chính vì thấu hiểu cho nỗi khổ của chúng sanh đang lầm đường lạc lối mà Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta đã dứt khoát rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ nhằm tìm ra một chân lý tối thượng để giải thoát cho Ngài và cứu độ chúng sanh. Vì nghiệp lực quá nặng nên chúng ta mới sinh ra trong thời này, tôi lại tự hỏi không biết đến bao giờ chúng sanh trong đời này mới hết khổ, mới nhận ra đạo giải thoát!? Thật khó vô cùng. Tôi lại càng liên tưởng đến công hạnh của 2 vị Bồ-tát: Địa tạng Vương và Quán Thế Âm. Vì thương cho tất cả chúng sanh mà các Ngài đã phát đại nguyện thật rộng lớn "Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề". Rồi về sau lại có vô số Bồ-Tát thị hiện trong cõi ta-bà để hoá độ chúng sanh bằng nhiều phương tiện khác nhau. Càng nghĩ về công hạnh của các Ngài, tôi càng cảm thấy hổ thẹn cho chính mình, vì đối với bản thân của tôi còn chưa thoát ra được những khổ đau do tâm ý phát khởi, chứ đừng nói chi việc giải thoát hay cứu độ cho người khác. Nhưng đã là tu sĩ, Thích tử của Như Lai, chúng ta phải cần nên cố gắng thật nhiều làm sao dẹp trừ tất cả những hành vi xấu bên ngoài và những vọng tưởng bên trong để có được sự an lạc cho chính mình và cho tất cả chúng sanh.

Bỗng đâu, có một tiếng kèn từ xa vọng lại, nghe thật inh ỏi và chát tai, làm náo động cả một vùng. Chính âm thanh dữ tợn ấy đã cắt ngang những suy nghĩ của tôi, tôi liền ngẩng đầu dậy và ngước nhìn đằng sau có một chiếc xe từ xa chạy đến thật nhanh như thúc giục một cách hối hả. Anh tài xế trên xe của chúng tôi vừa muốn phóng đi nhưng vừa muốn dừng lại một chút nữa, dù chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn, với niềm hy vọng mỏng manh là đón thêm dăm ba người khách nữa. Tôi ngồi trên xe, mà trong lòng cảm thấy lo âu và hồi hộp, tim của tôi mỗi lúc một đập mạnh vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nếu chiếc xe phía sau đụng phải chiếc xe của tôi. Tôi đưa mắt nhìn quanh để quán sát mọi người thì dường như tất cả đều có một tâm trạng không khác gì tôi, vì trên khuôn mặt mỗi người hiện ra một vẻ hồi hộp lo âu. Nhưng cuối cùng, anh tài xế của chúng tôi không còn hy vọng chờ thêm được nữa, vì tiếng kèn mỗi lúc một lớn và xe phía sau đang phóng nhanh tới. Sau khi chiếc xe của tôi phóng đi trong lòng của tôi mới cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái như vừa trút đi một gánh nặng trên vai và càng cảm thấy thương cho anh tài xế vô cùng. Vì có lẽ, anh cũng rất lo lắng không biết với dăm ba người khách trên xe có đủ cho nồi cơm của gia đình vợ con anh ngày mai không? Và tôi tự hỏi chính mình, không biết trên đời này có bao nhiêu người có cùng một hoàn cảnh, cùng một tâm trạng như anh tài xế đáng thương này. Ngồi trên xe mà tôi luôn thầm niệm danh hiệu của Ngài Quán Âm Bồ-Tát làm sao gia hộ cho xe anh được đầy khách. Bây giờ, tôi lại phải liên luỵ và bận tâm, buân khuâng lo tính cho người khác rồi. Đây có phải là bản tính tự phát với tấm lòng thương yêu và cảm thông trong tôi, tình người với tình người chăng? Hay tôi đã vượt qúa xa với phạm vi mà mọi người thường cho là chuyện bao đồng hay căn bệnh của thời đại. Nhưng dẫu sao trong thâm tâm của tôi luôn tự tin rằng đó là việc làm, là lối suy tư đúng với tình người. Tôi chỉ tiếc rằng không làm sao chia xẻ với anh tài xế, với mọi người những nỗi vất vả khó khăn mà họ phải gánh chịu trong đời sống của họ. Có chia xẻ chăng chỉ là một chút cảm thông xuyên qua những cử chỉ thiện của tôi mà thôi.

Đột nhiên, anh tài xế điều khiển chiếc xe dừng lại và trên khuôn mặt anh lúc bấy giờ lộ ra những nét vui tươi với một nụ cười thoáng hiện trên môi. Ồ! Thì ra một vài người khách, họ lần lượt bước lên xe, trông họ có vẻ sang trọng lắm, tất cả đều tiến về phía sau để ngồi vào những băng ghế còn trống. Lúc này, trên xe mọi người dường như có vẻ vui hẳn lên và nhộn nhịp hơn trước. Đặc biệt là anh tài xế lúc nào cũng cười tươi và còn ca hát nghêu ngao theo những bài ca của dân bản xứ. Rồi cứ thế, xe của chúng tôi lại dừng, và từng lớp người lên xuống trông thật nhộn nhịp. Đưa mắt nhìn đằng sau, tôi thoáng thấy xe anh đầy ắp người và cảm thấy vui mừng khôn xiết như muốn hò reo lên rằng anh tài xế đã có đủ nồi cơm cho gia đình anh ngày mai rồi. Nhưng sực nhớ lại, tôi đang là người tu sĩ, thì cần phải thể hiện một chút oai nghi và tế hạnh. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn luôn lộ vẻ vui mừng để biểu hiện một sự cảm thông với lối nhìn bao dung và đồng thời cũng muốn chúc mừng anh tài xế đã đuợc may mắn trong chuyến xe chiều nay. Tôi ngẫm nghĩ lời cầu nguyện của tôi dường như có linh ứng chăng, có lẽ Ngài Quán Thế Âm Bồ-Tát cũng có chút động lòng cho những lớp người cùng khổ này chăng?

Lúc này, xe của chúng tôi đã chạy xa hơn nửa đoạn đường, thì bỗng nhiên từ xa có một nhóm người đứng bên vệ đường hối hả đưa tay đón xe, trông họ là những lớp người nông dân thật hiền lành và chất phác. Trong nhóm người ấy, tôi nhìn thấy một ông lão độ tuổi 70, khuôn mặt của ông có vẻ hốc hác và tiều tuỵ lắm, với đôi tay và đôi chân của ông toàn da bọc xương trông thật tôi nghiệp. Bên ông lão, có hai người đang dìu ông lên xe, có lẽ họ là những người thân thuộc của ông. Khi nhìn thấy ông lão, tôi chợt nhớ lại hình ảnh của Đức Phật khi Ngài còn là Bồ-Tát đang tu khổ hạnh 6 năm đếłn khi toàn thân của Ngài chỉ còn da bọc xương. Nhưng điểm khác biệt giữa Đức Phật và ông lão là Đức Phật vì thương sự khổ đau của chúng sanh nên Ngài quyết tìm con đường chân lý bằng sự hành khổ xác thân. Còn ông lão chỉ là một con người bình thường mang nhiều nghiệp báo và đang bị cơn bịnh oan nghiệp trầm kha khống chế, làm cho ông phải rên nhức một cách đau đớn. Khi ông lên xe, tất cả mọi người như đưa mắt đổ dồn về ông để dò xét nỗi đau đớn của ông mà có sự thương cảm cho ông. Anh tài xế đã vội vàng dọn cho ông một chỗ ngồi thích hợp phía trước. Trong lúc đó, tôi cảm thấy không gian như lắng đọng, tất cả đều im lặng phăng phắt, không có một tiếng cười hay giọng nói như trước đây nữa. Có lẽ mọi người đang quán chiếu về sự vô thường của kiếp người hay họ sợ rằng cơn bịnh sẽ đến với họ khi họ già bịnh như ông lão? Đó chỉ là những câu hỏi vu vơ thoáng hiện trong đầu tôi, chứ thật sự họ đang nghĩ gì làm sao tôi biết được. Thình lình đâu từ phía đằng sau xe, có một anh thanh niên tiến đến nơi ông lão đang nằm, người ấy rút trong túi với tờ giấy bạc 50 Rs và đặt nhẹ nhàng dưới bàn tay gầy gò của ông lão với một nụ cười cảm thông hiện trên môi anh. Ông lão như đưa cặp mắt gầy yếu của mình nhìn người thanh niên như để biểu lộ sự cảm ơn. Tôi cảm thấy ngơ ngác về những hành động thật người của chàng thanh niên ấy, tôi càng cảm thấy thật hối tiếc và hổ thẹn. Ôi! Chỉ có thế thôi mà tôi lại nghĩ không ra về những việc làm đầy cảm động của họ. Tôi lặng lẽ liền rút trong tui tờ giấy 100 Rs mà trong lòng cảm thấy băn khoăn, rồi nhẹ nhàng bước đến để đặt vào bàn tay ông với niềm quý kính vô hạn. Tôi thầm cầu chúc cho ông mau lành bệnh. Ông lão cũng đưa mắt nhìn lại tôi như để nói lên lòng biết ơn. Sau khi trao tặng tiền cho ông lão xong, tôi đã quay về chỗ ngồi của mình mà trong lòng cảm thấy nghẹn ngào. Nếu giá mà người thanh niên ấy không cho ông lão tiền thì liệu tôi có thể hiện hành động như tôi vừa làm ấy chăng. Đây là câu hỏi mà tôi cần phải suy nghĩ nhiều hơn. Đối với tôi, đó là bài học rất quý giá. Trong cuộc đời này, biết bao là những hình ảnh thật đẹp và đáng trân trọng. Dù họ là những cư sĩ bình thường, nhưng ở họ luôn toát lên một nhịp cầu thông cảm đầy tình người. Cho dù tôi là một tu sĩ nhưng đối với những hành động thật người ấy, tôi cần phải học, vì tôi nghĩ rằng đó mới chính là tâm Phật thật sự.

Khi xe vừa tới bến, mọi người đã ngồi trong chốc lát để đợi ông lão xuống trước, rồi lần lượt từng người bước xuống với những nụ cười để giã từ nhau sau một chuyến đi thật mệt mỏi. Còn tôi vẫn không sao quên được người tài xế đáng mến, tôi đã đưa tay chào tạm biệt anh ta bằng câu "bye bye" và anh ấy cũng đáp lại với tôi bằng một nụ cười chào tạm biệt trong chuyến xe chợ chiều này.

Sau khi xuống xe mua xong tất cả những thứ cần dùng cho ngày mai, tôi lại phải đón một xe khác trở về chùa trong sậm tối. Khi về lại đó, dường như mọi cảnh vật ở đây đã ngủ yên, thỉnh thoảng tôi chỉ nghe tiếng gáy của dế hoà lẫn với âm thanh của suối chảy, đồng thời tôi lại nghe từng hồi chuông mõ, kinh kệ của các nhà Sư phát ra từ các chùa lân cận thật là hùng tráng. Mặc dầu tôi cảm thấy mệt lã sau chuyến xe chợ chiều, nhưng trong tôi như có một thoáng an lạc mà tôi mới cảm nhận được qua những hình ảnh thật sống động và thật người sau chuyến xe chợ chiều nay.

Dharamsala, 13 – 04 – 2001

http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/021-thichthongly-chuyenxe.htm

 


Cập nhật: 1-5-2001

Trở về mục "Các bài pháp luận khác"

Đầu trang