- Mục đích của lối
sống trong cuộc đời
- Thích Thông Lý
Đã là con người được sanh ra và
lớn lên trong cuộc đời, ai ai cũng cần có mục đích của lối sống, dù
người ấy thuộc bất kỳ thành phần, giai cấp hay ở địa vị nào. Cuộc
đời chẳng khác nào như một tấm giấy trắng, không màu sắc, nhưng nếu
mỗi người muốn biến cuộc đời trở thành một bức tranh đẹp cho riêng
mình, thì tự người ấy phải vẽ lên bằng những đường nét của chính
mình, chứ thật sự không ai có thể vẽ thay cho mình cả. Cũng vậy, mục
đích cuả lối sống trong cuộc đời được nhìn theo từng góc độ hay khía
cạnh khác nhau của mỗi cá nhân bằng những lối tư duy và nhận định để
tạo cho mình có những đường nét về nhân cách, giá trị và lối sống
cao thượng.
Cuộc đời, hẳn nhiên bao giờ cũng
có hai mặt trái và phải. Điều mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là lẽ
phải, là mục đích của lối sống trong cuộc đời, từ đó mỗi người
phải tự định nghĩa hay đánh giá về nó theo quan niệm sống của mình bằng
tư duy. Còn theo quan niệm của chúng tôi thì cho rằng mục đích của lối
sống trong cuộc đời phải là những con người có lối sống cao thượng
và sự nhận định đúng đắn về những nguyên tắc tốt đẹp. Khi một
con người hiểu được mục đích của lối sống, thì người ấy luôn
luôn tôn trọng đến những nguyên tắc cao đẹp và tự họ tư duy và nhận
định theo từng vấn đề để tạo cho mình có được một nhân cách, phẩm
chất cao thượng đối với mọi người xung quanh như cha mẹ, thầy tổ và
bạn bè… . Thông thường, chúng ta hay lo lắng những lời nhận xét và tư
cách của ta từ những người xung quanh, chứ hiếm khi, tự mỗi người
trong chúng ta biết nhìn lại chính mình, vì mức độ nhận xét hay đánh
giá của họ chỉ ở trong vòng tương đối mà thôi.
Trong Phật giáo có những từ như
"tàm quý" hay "vô tàm, vô quý". Người có tàm, quý thì
luôn luôn tự mình nhìn lại những việc làm của mình một cách chính
xác. Để từ đó, người ấy có thể nhận định những hành vi ấy đúng
hay sai, thiện hay bất thiện và tự mình hoàn thiện những việc làm ấy
theo một chiều hướng tốt đẹp bằng lối sống cao thượng. Trong thời
đại ngày nay, dù sự tân tiến hiểu biết của con người đã vượt quá
xa, nhưng chắc chắn một điều là các nhà khoa học, bác học hay tâm lý học
không mang đến cho con người một lối sống cao thượng. Nói như thế, không
có nghĩa là họ không thể nào giúp gì được cho con người cả, mà sự
trợ giúp của họ chỉ là động lực bằng những phương pháp hay lý thuyết
để tự mỗi người theo đó tư duy về cách nhìn của mình. Theo như lời
nhận định của một vị Đại Lão Hoà Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda
như sau "No doubts scientists and psychologists have widened of intellectual
horizon, but they have not likewise been able to give us a purpose in life, which only
noble principles could do" (How to Pratise Buddha’s Teachings & the Aim of
Life), (Chắc chắn là các nhà khoa học và tâm lý học đã mở rộng tầm
kiến thức của chúng ta, nhưng họ chưa thể chỉ bảo cho chúng ta mục đích
của cuộc đời mà chỉ có những bậc trí tuệ mới làm được).
Sở dĩ, chúng ta cần đến mục đích
của lối sống, vì mỗi một cá nhân cần xây dựng cho riêng mình một lối
sống chính đáng phù hợp với những nguyên tắc của cuộc đời. Trong cuộc
sống ngày nay, nếu mỗi một cá nhân biết nhận thức được giá trị của
sự sống thì cuộc đời của người ấy trở nên tốt đẹp hơn. Đồng
thời, những người xung quanh của vị ấy luôn luôn tôn trọng về những
đức tính cao viễn mà người ấy có được. Còn giá như, những người
xung quanh, như người thân hay bạn bè xem thường về tư cách của chúng ta
vì một sự kiện hiểu lầm vô cớ, thì chúng ta không nên sanh tâm nhàm
chán, mà phải vui vẻ đón nhận những lối suy nghĩ đúng đắn của chúng
ta. "Có một em bé độ mười tuổi, em xuất thân từ một gia đình rất
nghèo từ một vùng quê hẻo lánh. Mỗi ngày, em phải tự mình làm những
công việc như gánh nước, bán bánh, chăm nom em. Khi cắp sách đến trường,
em luôn chăm chú nghe lời của thầy cô giảng bài. Ngoài ra, em còn giúp đỡ
những người bạn của mình trong việc soạn bài…". Thật sự, em bé
ấy là đứa trẻ rất ngoan, vì em đã nhận ra được cách sống đúng đắn
và biết tôn trọng, cung kính nhân cách của ngững người xung quanh bằng sự
chia xẻ những khó nhọc đến kẻ khác. Quả thực, em là người có nhân
cách và lối sống cao thượng. Em không chỉ làm tốt cho bản thân em mà
còn mang những lợi ích đến cho những người xung quanh.
Đối với xã hội, chúng ta cũng cần
nên xây dựng một nhân cách tốt đẹp qua sự ứng xử tử tế đối với
mọi người trong xã hội. Ngoài ra, với tấm lòng thương yêu đối với mọi
người, chúng ta hãy làm những việc làm hữu ích để giúp cho những người
thiếu may mắn trong xã hội, như kêu gọi mọi người cùng nhau đóng góp
xây dựng những lớp học tình thương và những ngôi nhà tập thể để tiếp
nhận những trẻ mồ côi, tàn tật hay những cụ già không nơi nương tựa.
Nếu như nạn hạn hán thiên tai bão lụt xảy đến, tự mỗi người trong
chúng ta thể hiện lối sống cao thượng để giúp đỡ cho những người
không may bằng những tấm lòng, tình thương. Điển hình như tại Việt Nam
mỗi năm thường có những trận bão lụt xảy đến, những người dân Việt
ở khắp mọi nơi trên thế giới đã thể hiện được lối sống cao thượng
để cùng nhau gởi những phần quà giúp đỡõ cho những nạn nhân không
may trong những trận thiên tai này. Sở dĩ họ đã làm được những việc
làm cao quý là vì họ đã nhận ra được mục đích của lối sống. Họ
biết đâu là việc làm chính đáng mà họ cần phải làm để chia xẻ đến
những người xung quanh. Trong một xã hội, nếu mọi người đều ý thức
được bổn phận và trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội và biết
được nguyên tắc của lối sống tốt đẹp thì hẳn nhiên xã hội ấy
là một xã hội văn minh và thịnh vượng. Chính những việc làm đầy ý
nghĩa và chính đáng của mỗi cá nhân trong cuộc đời này sẽ góp thêm phần
tươi sáng cho xã hội và đất nước.
Để có những lối sống đúng đắn
trong cuộc sống của mỗi cá nhân, chúng ta cần phải có những phương pháp
thích hợp. Theo chúng tôi, phương pháp có thể đem lại cho chúng ta lối sống
chính đáng, là sự tư duy của mình. Khi muốn nhận định một vấn đề
hay một việc làm đúng hay sai, chúng ta cần phải suy nghĩ và cân nhắc trước
khi quyết định, chứ chúng ta không nên làm một cách vô tư, thiếu cân nhắc,
suy nghĩ, vì việc làm ấy sẽ đưa đến một hậu quả tai hại khôn lường,
không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh nữa. Chính những
việc làm vô ý ấy sẽ không bao giờ giúp cho chúng ta nhận ra được mục
đích của lối sống. Nói đúng hơn, đó là một lối sống không chính đáng.
Theo chúng tôi , một người được gọi là có tinh thần trách nhiệm đối
với bản thân và những người xung quanh, thì người ấy cần phải có sự
tư duy hay nhận định vấn đề một cách sáng suốt. Và từ đó, họ mới
nhận ta được lối sống cao thượng mà họ đã tạo ra, để phù hợp với
giá trị và phẩm cách của chính họ. Kế đến nữa là chúng ta cần có sự
góp ý, xây dựng từ những người thân xung quanh ta, như cha mẹ, thầy tổ,
bạn bè. Điều này rất cần yếu cho một người muốn xây dựng cho mình
có một lối sống tốt đẹp, vì suy nghĩ và tư duy của mình bao giờ cũng
có giới hạn trong sự tương đối, nhưng đôi khi nó trệch hướng sai, không
đúng với những gì mà ta muốn làm. Để có được tư duy chín chắn,
chúng ta cần tham khảo hay hỏi ý kiến từ những người thân như cha mẹ,
thầy tổ và bạn bè. Rồi từ đó, chúng ta xem xét và đánh giá sự đóng
góp của họ có thích hợp hay không? Điều này nói lên một lập trường,
kiên quyết của chúng ta khi cân nhắc vấn đề chứ chúng ta không nên coi
thường vấn đề để mặc cho sự quyết định của người khác mà không
cần phải xem xét lại. Có vậy, chúng ta mới có đủ sáng suốt để nhận
định từng vấn đề một cách hợp lý theo chiều hướng tốt đẹp của
mình. Bởi vì bao giờ quyết định cuả mình cũng luôn có giá trị đích
thực hơn cả.
Điều thứ nữa là chúng ta nên dựa
vào tôn giáo với những giáo lý của Phật giáo hay bất kỳ tôn giáo nào
cũng có thể giúp chúng ta nhận định vấn đề đúng hơn, vì chúng có thể
cung cấp cho chúng ta những thông tin chuẩn mực về đạo đức, về cách
hoàn thiện của một con người theo chiều hướng tốt đẹp. Nhưng khi
nương vào bất kỳ một tôn giáo nào, chúng ta phải nên suy nghĩ hay cân nhắc
kỹ lưỡng về đức tin của mình chứ chúng ta không nên để mặc cho sự
an bài của thượng đế hay những đấng thần linh ban vui hay giáng phúc cho
chúng ta, vì điều đó sẽ không hợp với trào lưu của loài người trong
thời đại mới này. Lối sống cao thượng đúng đắn mà chúng ta đề cập
ở đây phải được tự mình trau dồi bằng khối óc, tư duy của mình. Để
từ đó, chúng ta mới có được một lối sống tốt đẹp và một mẫu người
gương mẫu về đạo đức và nhân phẩm, còn tôn giáo chỉ là động lực
thúc đẩy cung cấp cho chúng ta những phương pháp theo lý thuyết, giáo lý
chân chính, để theo đó mà chúng ta thực hành và nhận ra mục đích của
lối sống trong cuộc đời này . Như sự nhận định của Đại Lão Hoà Thượng
Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda như sau: "Religion also originally developed on
humanism to uphold humane qualities. Later, it was introduced as a divine law. However, a
noble way of life is needed to maintain our human value and dinity. The noble of life to
be discussed here is a proven method where in by cultivating the mind one could again
supreme wisdom."
(Lúc đầu, tôn giáo cũng phát triển
như nhân bản học để duy trì đức tính của con người. Sau này, tôn
giáo được triển khai như một định luật thiêng liêng. Tuy nhiên, lối sống
cao thượng rất cần thiết để duy trì về giá trị và phẩm cách của
con người. Lối sống cao thượng mà chúng ta tham khảo ở đây đã chứng
minh rằng bằng cách trau dồi trí óc, chúng ta có thể có một trí óc cao cả."
Trong đạo Phật, những giáo lý mà
đức Phật nói ra cách đây trên 2500 năm, nhưng không ngoài mục đích
khuyên dạy mọi người tránh ác, làm thiện. Đạo Phật chính là đạo từ
bi, trí tuệ, giải thoát, luôn luôn mang đến cho loài người một sự bình
yên trong cuộc sống. Vì vậy, bất cứ ai tìm đến với đạo Phật, đều
có một đức tin chân chánh. Một lối sống đáng kính. Đạo Phật không
bao giờ chủ trương bắt hay ép buộc tín đồ phải theo tôn giáo của
mình một cách mù quáng. Vì đức Phật đã từng khuyên dạy cho tứ chúng
của Ngài nói riêng và nhân loại nói chung là những ai muốn tìm đến đạo
của Ngài hay tin vào giáo lý mà Ngài đã nói thì hãy nên thực hành hay áp
dụng trong cuộc sống của mình nếu cảm thấy có lợi ích, có an lạc cho
chính mình thì mới hẳn theo và tin. Đúng vậy, đức Phật là một bậc Thầy
rất thực tiễn, rất khoa học, luôn muốn cho mọi người tự mình tư duy,
tự mình nhận định tuỳ theo cách nhìn đúng, sai của mình về những lời
dạy của Ngài. Chứ Ngài không bao giờ bắt buộc mọi người nhất nhất
là phải tuân theo, vì điều đó chỉ làm hại đến trí óc và phẩm cách
của con người mà thôi. Trong cuộc sống ngày nay , con người luôn thích chạy
theo những thị hiếu bên ngoài mà quên hẳn con người thật bên trong của
mình, đức Phật thường dạy, trong mỗi con người, ai cũng sẵn có tánh
Phật và ai cũng có khả năng thành thật, nhưng vì chúng sinh lại quên mất
khả năng vốn có của mình, để đi tìm một năng lực siêu phàm bên
ngoài hay một đấng Thượng đế nhằm ban vui giáng phước cho mình. Đó chỉ
là một quan niệm sai lầm, và một sự mơ ước không tưởng. Chính vì sự
tìm cầu bên ngoài bằng niềm tin mù quáng của con người lại trở thành
một cơ hội tốt cho những thế lực hay những tôn giáo truyền đạo bằng
đức tin không lý trí. Điều đau buồn nhất là những người đại diện
cho tôn giáo về tâm linh thường dùng tiền hay thế lực để bắt ép con
người cúi đầu tuân theo sự an khải của mình. Đa phần những người
như thế phần lớn là những thành phần nghèo đói, túng thiếu, thất học
hay bất ổn về tinh thần. Họ phải chấp nhận theo mà không cần đến giá
trị nhân phẩm. Như lời nhận định của Hoà Thượng Tiến Sĩ K. Sri
Dhammananda như sau: "Human beings must choose a rational and meaningful way of life
based on their firm conviction and not one founded on mere mythological beliefs,
traditional practices and theories. One should not force anyone to accept any particular
religious laws nor exploit his or her sake of poverty, illteracy or emotions to induce
that person to accept their beliefs." (Con người phải chọn một đường lối
hữu lý và có ý nghĩa cho cuộc sống căn cứ vào niềm tin tưởng vững chắc
của mình và không phải là thứ được xây dựng nên chỉ bằng niềm tin
thần thoại, thực hành theo truyền thống thôi. Ta không ép buộc người khác
chấp nhận bất cứ định luật tôn giáo đặc biệt nào hay khai thác tình
trạng nghèo khổ, mù chữ hay tới lúc bối rối để xúi người đó theo
niềm tin của mình).
Đã là người đang sống trong thời
đại văn minh và hiểu biết, con người cần phải xây dựng cho chính mình
một lối sống đích thực, một niềm tin vững chắc, có lý, hơn là xây dựng
bằng kiểu niềm tin theo thần thoại hay truyền thống như lời Đại Lão
Hoà Thượng đã nói ở trên, vì nếu như thế người ấy không phải là
con người có phẩm cách và càng không bao giờ có được lối sống cao
thượng. Chúng ta cũng không nên hùa theo xu hướng và thị hiếu của thời
đại mà cần phải nên nhìn lại chính mình. Chúng ta chỉ nên xem tôn giáo
là điểm tựa về đời sống tâm linh của mỗi người bằng niềm tin chân
chánh xuyên qua những ý nghĩ sáng suốt, cân nhắc và hiểu biết. Đồng thời,
chúng ta cũng nên áp dụng những lời dạy của đức Phật hay của những
Bậc Thánh nhân, để áp dụng vào đời sống cá nhân của mỗi người, trở
nên hoàn thiện và tốt đẹp hơn. Những người đại diện cho tôn giáo cần
phải hiểu biết, tôn trọng chính cá nhân, tư cách của mình và càng phải
tôn trọng đức tin của người khác, chứ không nên dựa vào những cơ hội
như nghèo đói, mù chữ, hay tinh thần bối rối (lời của Đại Lão Hoà Thượng)
mà bắt ép mọi người theo mình. Nếu những người đại diện cho các
tôn giáo có được cái nhìn và hiểu biết chính đáng như vậy, thì hẳn
nhiên, chính họ đã tạo cho họ có một nhân cách tốt, và lối sống đầy
cao thượng. Chính họ đã làm cho đạo của họ trở thành một tôn giáo
chân chính. Khi nhìn lại những chặng đường hoằng pháp của những bậc
Thầy chúng ta, chúng ta càng tự hào với những việc làm thánh thiện của
các Ngài. Các Ngài vì bá tánh chúng sanh mà quên đi mình để hy sinh và cống
hiến trọn đời mình cho đạo pháp và cho nhân loại. Các Ngài đúng là những
con người cao thượng và vĩ đại. Học được những bài học quý giá của
các Ngài, chúng ta cần phải có những việc làm đích thực hơn, để giúp
cho nhân loại trong thế kỷ XXI này. Chúng ta càng nên không chạy theo những
thị hiếu hay bắt chước một số tôn giáo đã từng làm để dụ tín đồ
theo tôn giáo của mình cho đông, bằng những hành động không chính đáng,
không hợp thời. Đó chẳng qua là căn bệnh của thời đại mà thôi. Nói
như thế không có nghĩa là chúng tôi chỉ trích hay bài bác bất kỳ một
tôn giáo nào. YÙ của chúng tôi muốn nói lên một chút quan điểm của mình
về cách sống, cách truyền đạo, nhằm giúp cho bất kỳ một tôn giáo
nào cần phải suy xét và nhận định thật sáng suốt hơn. Có thế, con người
mới có được một niềm tin chính đáng đốùi với tôn giáo của mình. Từ
đó họ mới thực sự là những con người có đời sống tâm linh chân
chánh và những việc làm đúng với nhân cách và lối sống cao thượng.
Ngoài tôn giáo ra, chúng ta cũng cần
nói đến cộng đồng, xã hội, vì tất cả những tổ chức đó luôn là
những yếu tố tích cực nhằm giúp đỡ cho chúng ta có được một chiều
hướng tốt đẹp trong cách nghĩ và cách làm của mỗi cá nhân. Chẳng hạn
như khi chúng ta cảm thấy rằng mọi người trong xã hội, trong cộng đồng
như muốn xa lánh bằng những cử chỉ không thân thiện như trước đây, bởi
vì, tư cách và phẩm cách của ta bị đánh mất qua những việc làm hay lời
nói không chính đáng của ta. Nhờ thế mà chúng ta mới tự nhìn lại tư cách
của mình có xúc phạm hay làm tổn thương cho những người xung quanh không?
Để từ đó, chúng ta, mới tự mình sửa đổi theo những nguyên tắc, tốt
đẹp trong xã hội, nhằm hướng đến một lối sống thánh thiện phù hợp
với xã hội, với cộng đồng. Đồng thời, xã hội và cộng đồng cũng
là nơi cho chúng ta thực tập lối sống cao thượng của mình như giúp đỡ
người già yếu, bệnh tật, tham gia những việc làm từ thiện, v. v, …
Nói tóm lại: Tôn giáo, cộng đồng
và xã hội, chỉ là những tổ chức, những yếu tố bên ngoài nhằm giúp
chúng ta hướng đến một lối sống cao thượng và đồng thời cũng giúp
cho chúng ta tránh xa những tệ nạn tiêu cực mà còn tồn đọng trong suy
nghĩ cũng như việc làm của chúng ta. Yếu tố quan trọng vẫn là sự tư
duy bằng khối óc vốn có của chúng ta, vì chính nó mới giúp được cho
chúng ta có được một lối sống chính đáng.
Bên cạnh những con người có những
đức tính tốt hay những việc làm cao thượng trong xã hội còn không biết
bao nhiêu kẻ cực đoan, những người sống mà không cần phải tuân theo luật
lệ hay những nguyên tắc cao đẹp của cuộc đời. Chính họ đã tự chôn
vùi cuộc đời của họ vào trong lối suy nghĩ ích kỷ và hẹp hòi. Họ cũng
chính là mối nguy cho xã hội, cho cộng đồng, đất nước và nhân loại.
Như lời của Hoà Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda về vấn đề này như
sau:
"A person not observing and righteous
way of life will never find the aim of life and if he does not uphold some noble
principles he can ever become a danger to society". (Kẻ sống không chính đáng
chẳng bao giờ biết mục đích của cuộc đời, và nếu họ không tôn trọng
những nguyên tắc cao đẹp, họ sẽ trở thành mối nguy cho xã hội).
Đúng vậy, cá nhân của mỗi người
luôn là yếu tố rất quan trọng cho xã hội, cho cộng đồng, đất nước.
Nếu như người ấy không trực nhận mục đích của lối sống mà chỉ sống
một cách buông thả ngoài vòng pháp luật, ngoài những nguyên tắc của xã
hội, thì chắc chắn người ấy luôn là mối nguy cho xã hội và loài người.
Đọc trên những tờ báo hay xem trong truyền hình mỗi ngày chúng ta thường
thấy những hình ảnh của những con người tiêu cực. Họ đã gây ra
không biết bao nhiêu là những thảm hoạ tàn khốc và giết không biết bao
nhiêu là mạng sống của những con người vô tội, vì họ là những con người
không có lý trí và càng không có giá trị phẩm cách của một con người
bình thường, thì làm sao chúng ta có thể tìm thấy ở những con người
ấy một lối sống cao thượng biết hy sinh cho kẻ khác. Trong cuộc đời này,
con người với con người luôn là mối đe doạ cho nhau, mạnh hiếp yếu….
Họ đã hơn thua nhau hay hãm hại nhau bằng nhiều thủ đoạn rất tinh vi
qua lời nói, cử chỉ và hành động. Chỉ có những người hiểu được mục
đích của lối sống trong cuộc đời, thì họ mới có hành vi, cử chỉ
thánh thiện đối với bản thân và người xung quanh.
Để tạo cơ hội tốt cho những
người không nhận ra được lối sống chính đáng, chúng ta cần phải hỗ
trợ, và giúp đỡ họ, đưa họ đến một lối sống tốt đẹp hơn. Đối
với cá nhân chúng ta cần phải tạo đìều kiện để giúp đỡ bạn của
mình hay người thân. Nhưng điều trước tiên, chúng ta nên thể hiện tư cách
của mình qua lời nói và việc làm, chứ chúng ta không nên dùng lý thuyết
suông, vì điều đó sẽ không có kết quả gì trong việc hướng một người
đến lối sống tốt đẹp. Điều quan trọng là chúng ta phải biết hy sinh
với đức tính khiêm nhường, đó mới thực sự là chúng ta thể hiện
được lối sống cao thượng với bạn hay những người mà mình cần
giúp.
Tóm lại: qua sự phân tích về mục
đích của lối sống trong cuộc đời chúng ta càng phải nên thấy rõ những
nét căn bản và những điều trọng yếu về cách sống của một con người,
vì lối sống ấy rất cần thiết để duy trì giá trị và phẩm cách của
một con người trong thời đại ngày nay. Là tu sĩ được sống và làm đạo
trong thời đại mới chúng ta càng phải nên ý thức trách nhiệm và bổn
phận của mình đối với con người, với xã hội và đất nước. Dù là
tu sĩ ở bất kỳ tôn giáo nào, chúng ta cần phải thể hiện lối sống
cao thượng trước tiên, phải là những người tiên phong hàng đầu. Người
đại diện cho tôn giáo không nên xem lợi ích của mình trên lợi ích của
tập thể, vì điều đó trái với đạo lý của con người. Mỗi cá nhân cần
phải chọn một lối sống đáng kính, một lối sống phù hợp với mong ước
của mình. Con người phải được hướng dẫn đúng cách về phương diện
này và tự mình quyết định mà không phải trông chờ vào bất cứ một
hình thức cưỡng bách nào. Nếu như con người sống không có mục đích
và có niềm tin một cách mù quáng với tôn giáo của mình. Đó chính là phần
trách nhiệm của những nhà tâm linh về câu hỏi tại sao họ phải là như
vậy?
Chú thích: Các đoạn trưng dẫn trên
đựợc trích trong tác phẩm song ngữ, nguyên tác: How to Practise Buddha’s
Teachings & the Aim of Life by Ven. Dr. K. Sri Dhammananda, được Thầy Thích
Tâm Quang dịch sang Việt ngữ: Làm Sao Thực Hành Lời Phật Dạy và Mục
Đích của Cuộc Đời, (Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành,
Phật lịch: 2540, 1996).
Dharamsala, mùa hè, 19 – 5 – 2001
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/022-thichthongly-mucdichsong.htm