Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Nguyên Nhân Lũ Lụt Lớn ở Đồng Bằng Sông Hồng
Trần Tiễn Khanh và Nguyễn Khoa Diệu-Lê
(11/2001)

 

Đây là bài thứ ba trong loạt bài Nguyên Nhân Lũ Lụt Lớn ở Việt Nam. Hai bài trước đã trình bày nguyên nhân lũ lụt tại Đồng Bằng Sông Cữu Long (ĐBSCL) và ở miền Trung. Mục đích của loạt bài là tìm hiểu nguyên nhân gây nên lũ lụt một cách khoa học và khách quan, để đề phòng lũ lụt môt cách hữu hiệu và giảm thiểu các tổn thất.

Lũ lụt là thiên tai lớn nhất đe dọa nước Việt Nam ta, nhất là ở miền Bắc vì tổn thất nhân mạng có thể đến mức độ khủng khiếp. Cơn lũ vào tháng 8 năm 1971 đã làm vỡ đê Sông Hồng và 100,000 người đã bị thiệt mạng. Đây là cơn lũ lớn nhất trong vòng 250 năm nay ở miền Bắc, và số tổn thất nhân mạng vượt quá sức tưởng tượng so với tổn thất chừng 1000 người trong các cơn lũ lịch sử vào năm 1999 ở miền Trung và năm 2000 ở miền Nam.   Trận lũ năm 1971 được liệt kê trong danh sách các trận lụt lớn nhất thế kỷ 20 của Cơ Quan Quản Trị Hải Dương và Khí Tượng Hoa Kỳ (“Top Global Weather, Water and Climate Events of the 20th Century”, U. S. National Oceanic & Atmospheric Administration).  Lũ lịch sử năm 1971 đứng hàng nhì sau trận lụt năm 1931 ở Sông Dương Tử  làm thiệt mạng gần 3 triệu 700 ngàn nguời ở Trung Hoa.

            Hàng năm những trận bão biển và gió mùa Tây Nam đã gây nên những trận mưa lớn ở miền thượng du cũng như đồng bằng miền Bắc.  Do ảnh hưởng của biến động thời tiết trên toàn thế giới vì  dòng nước El Nino và La Nina, những trận bão biển và mưa lớn xảy ra càng khốc liệt hơn.  Mùa bão thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, và trung bình hàng năm có 4 cơn bão.   Những cơn bão này thường xuất phát từ  Phi Luật Tân, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương rồi 3-4 ngày sau sang đến bờ biển nước ta. Địa hình thượng lưu các sông gồm các vùng đồi núi với độ dốc lớn nên nước mưa đỗ nhanh chóng xuống vùng đồng bằng.  Mỗi khi có mưa to, vùng đồng bằng Sông Hồng nhận nước lũ từ  hai hệ thống Sông Hồng và Sông Thái Bình. Hệ thống Sông Hồng bao gồm Sông Đà, Sông Hồng, Sông Thao nhập lưu tại Việt Trì, và hệ thống Sông Thái Bình gồm các nhánh chính là Sông Cầu, Sông Thương, sông Lục Nam nhập lưu tại Phả Lại. Dầu được bảo vệ bởi môt hệ thống đê dài trên 3000 km, nhưng đa số  các trung tâm đông dân cư đều nằm dưới mực nuớc lũ Sông Hồng. Vì vậy khi mưa quá to và nước lũ làm vỡ đê làm nhiều nguời thiệt mạng. 

Trong vòng 100 năm qua, đồng bằng sông Hồng đã có 26 trận lũ lớn. Các trận lũ lớn đa số xảy ra vào tháng 8, nhằm vào cao điễm của mùa mưa bão. Đặc biệt vào năm 1971, ảnh hưởng dòng nước lạnh La Nina đã gây nên  những trận mưa to liên tục vào mùa bão năm đó. Một cơn bão từ miền nam Trung hoa gần Hồng Kông mang đến những trận mưa to trên các Sông Thao, Sông Lô và Sông Đà. Nuớc lũ từ các sông này đã hợp lại gây nên cơn lũ lịch sử của đồng bằng Sông Hồng. Mực nước Sông Hồng ngày 20 tháng 8 lên đến 14,13 m ở Hà Nội. Mực nước ở Hà Nội này cao hơn mực nước báo động cấp III đến 2,63 m. Mực nước Sông Hồng đo được 18,17 m ở Việt Trì (cao hơn 2,32 m mức báo động cấp III) và 16,29 m ở Sơn Tây (1,89 m cao hơn  mức báo động cấp III). Đồng thời mực nước ở các Sông Cầu, Sông Lô, Sông Thái Bình lên cao hơn bao giờ hết.  Trận lũ năm 1971 đã gây vỡ đê ở ba địa điễm, làm thiệt mạng 100000 nguời, úng ngập 250000 ha và hơn 2,7 triệu người bị thiệt hại. Môt trận lũ lớn khác vào tháng 8 năm 1945 gây vỡ đê tại 79 điễm, gây ngập 11 tỉnh với tổng diện tích 312000 ha, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4 triệu người. Gần đây lũ lụt kèm theo gió to hơn 100 km/giờ do bão Frankie gây nên vào ngày 24 tháng 7 năm 1996 làm 100 người bị thiệt mạng, 194000 căn nhà bị hư  hại và hơn 177,000 ha bị úng ngập.   

Ngoài nguyên nhân chính là các trận mưa bão ở miền thượng lưu cũng như ở đồng bằng, còn có nhiều lý do thường được nhắc đến như  nạn phá rừng, hệ thống đê đập và hệ thống thoát nước.

Aûnh hưởng của nạn phá rừng đối với lũ lụt đã và đang được tranh luận trên khắp thế giới. Theo Cơ quan Lương Nông của Liên Hiêp Quốc (FAO), mức độ phá rừng cao nhất xảy ra ở Á Châu, từ 9.5% trong thập niên 1960 đến 11% trong thập niên 1980. Cũng như nhiều nơi khác trong nước, rừng ở các tỉnh miền Bắc đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng. So với thập niên 1940, hiện nay diện tích rừng chỉ còn khoảng 30 phần trăm.  Các cuộc nghiên cứu và điều tra ở Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi khác trên thế giới đã chứng minh rằng nguyên nhân hàng đầu của lũ lụt là có quá nhiều mưa xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi, và việc phá rừng có thể ảnh hưởng quan trọng đối với lũ lụt trong các lưu vực hạn hẹp như ở miền Bắc và miền Trung. Cây cối có khả năng giử nước cũng như giảm thiểu việc đất đai sụt lở. Lượng nước lũ ở một vùng có nhiều cây cối sẻ ít hơn lượng nước lũ từ một vùng trơ trọi. Vì thế nạn phá rừng có thể gia tăng mực nước ở các vùng hạ lưu.   

Một hệ thống đê sông và đê biển đã được xây đắp để ngăn bão lụt ở đồng bằng Sông Hồng. Tổng số chiều dài của đê sông là 3000 km, và đê biển hơn 1500 km. Chiều cao trung bình của đê sông từ 6-8 m, có nơi lên đến 11m. Tuy nhiên hệ thống đê được xây dựng đã lâu đời trên nền đất yếu, đất đấp đê cũng lấy từ địa phương và không đồng nhất, nhiều nơi bị hư hại vì thiếu tu bổ. Nhiều kè, cống bị hỏng, cần được sửa chửa. Dọc theo đê còn có nhiều ao hồ làm nước lũ khó thoát. Vì vậy đê có thể bị vỡ bất cứ lúc nào trong mùa lũ lớn.   Hiện nay, đê biển còn thấp và yếu và chỉ chịu được các cơn bão nhỏ. Hàng năm, vỡ đê thường xuyên xảy ra, gây tổn thất đến sinh mạng và tài sản của dân cư các vùng ven biển.

 Ngoài hệ thống đê, còn có các đập thủy điện và hồ chứa nước lớn ở vùng thượng lưu để giảm thiểu lũ lụt ở vùng đồng bằng. Đập Hoà Bình trên Sông Đà và đập Thác Ba trên Sông Chảy đã được xây để làm thủy điện cũng như  làm giảm bớt mức độ nước lũ. Đập Hoà Bình được ước tính có thể giảm đĩnh lũ năm 1971 tại Hà Nội chừng 1,5 m.  Ngoài ra còn có chương trình xây thêm hai đập Sơn La trên Sông Đà và đập Đại Thi trên Sông Gấm. Nhưng các đập này giữ nước lũ ở mức độ cao trong nhiều ngày, có thể đe dọa tới hệ thống đê.   Hai đập Sơn La và Hòa Bình ở vùng thượng lưu Sông Đà là vùng có động đất thường xuyên và mạnh nhất nước ta. Nếu có chấn động mạnh sẽ gây vỡ đập dây chuyền, dẫn tới thảm họa khủng khiếp cho Hà Nội và các trung tâm dân cư vùng đồng bằng Sông Hồng.

Vì các đồng ruộng thấp nên máy bơm nước thường được dùng để làm vơi nước lũ. Đa số máy bơm quá cũ kỷ nên nước lũ khó thoát kịp, kéo dài thời gian của lũ lụt. Các ao hồ, mương lạch bị bồi lấp làm gia tăng tác hại của lũ lụt. Hàng năm, ít nhất có đến 15 phần trăm các đồng ruộng bị ngập úng vì lũ lụt.

Nói tóm lại nguyên nhân chính của lũ lụt ở Sông Hồng nói riêng và miền Bắc nói chung là những trận mưa lớn ở thượng lưu và vùng đồng bằng. Các nguyên nhân khác như nạn phá rừng chỉ có thể làm lũ lụt trầm trọng hơn mà thội. Những trận mưa lớn do các cơn bão biển Đông và gió mùa Tây Nam gây nên. Từ tháng 7 năm 2001, chúng tôi đã thành lập một trang Web tên http://www.vnbaolut.com để cung cấp miễn phí các dự báo bão biển và gió mùa. Hàng ngày trang Web VNBAOLUT.COM cho biết thời tiết trước 48 tiếng đồng hồ ở 60 tỉnh thành từ Lạng Sơn đến Cà Mâu. Các dự báo được cập nhật bốn lần trong ngày (1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ) và có thể tự động gởi qua e-mail. Một mô hình tối tân và chính xác nhất hiện nay, mô hình MM5, được dùng để làm các dự báo. Ngoài ra trang Web VNBAOLUT.COM còn cung cấp ảnh vệ tinh và tin tức thời tiết mới nhất. Tất cả các dịch vụ nói trên đều miển phí. Công việc làm các dự báo hoàn toàn thiện nguyện và vô vị lợi. Chúng tôi chỉ mong được giúp đở phần nào đồng bào giảm thiểu được tổn thất về sinh mạng cũng như tài sản do bão lụt gây nên.

http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/lulut_songHong.htm

 


Vào mạng: 7-11-2001

Trở về mục "Các bài pháp luận khác"

Đầu trang