- Vào Chùa
- Thị
Ngộ
Có lẽ khi nói
đến hai chữ "đi tu" người ta thường liên tưởng đến những ý
niệm đại khái là chán đời hay thất tình...Những trường hợp trên nếu
xảy ra thì chỉ là những trường hợp ngoại lệ, hiếm thấy. Đối với
những đứa trẻ tâm hồn còn ngây thơ, trong sáng thì chúng vào chùa với
ý niệm gì hay nói cách khác thì tại sao chúng đi tu?.
Trong khu vườn
đầy hoa thì mỗi loài đặc trưng cho mỗi đặc tính, không có thứ nào giống
thứ nào cả. Trong thế giới nội tâm của con người thì ý niệm còn phong phú , đa dạng và phức tạp vô
cùng. Do đó, mỗi người vào đạo có lẽ không ngoài nhân duyên tương hợp
được tạo nên từ nhiều yếu tố.
Bé Tâm đi tu
khi bé mới chín tuổi. Ở độ tuổi ấy thì khó có ai chấp nhận rằng
bé chán đời mà vào chùa hay vì sự giác ngộ giải thoát mà đi tu. Bởi tâm hồn bé lúc này ngây ngô và khờ khạo
lắm.
Có thể khẳng định rằng niềm vui là động
lực mạnh mẽ thúc đẩy bé vào
chùa. Bé ở cách chùa không xa lắm. Hằng ngày bé thường được cha mẹ dắt
đến chùa lễ Phật. Thật ra, bé chỉ làm theo sự chỉ bảo của cha mẹ
chứ có ý thức lễ Phật là gì đâu. Đối với bé lên chùa là để đùa
vui thoả thích với bạn bè cùng trang lứa nhất
là đối với các chú tiểu.Thỉnh thoảng chú lại được ăn bánh trái do
Thầy ban cho. Niềm vui đã thôi thúc bé ở chùa để tận hưởng khoái lạc
theo ý niệm của bé.
Dạo đầu bé
thường tỏ ra tinh nghịch, ham chơi nhưng về sau những tập khí ấy càng
ngày càng giảm đi. Các thời khoá bé thường xuyên tham dự mặc dầu chưa
ý thức rõ mục đích của nó. Đi trong sương đêm tuy không thấy ướt
nhưng mỗi mỗi đều có sự thấm nhuần và đến lúc nào đó thì Hành Giả
cảm thấy lạnh vì thấm ướt. Cũng vậy, dù chưa ý thức đựơc lợi
ích của các thời khoá nhưng nhờ thường xuyên tham dự đã huân tập vào
trong tâm trí bé những hình ảnh đẹp, những đức tính tốt, khơi gợi
cho những chủng tử thiện phát triển.
Dần dần chú
đã lớn khôn và ý thức được trách nhiệm cao cả của mình đó là
:"Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự
nghiệp".Với những hoài niệm cao cả ấy, chú luôn luôn tỏ ra
siêng năng tu tập, trao dồi giới hạnh. Việc tụng kinh, bái sám, nghiên cứu
kinh điển là công việc thường nhựt không thể thiếu đối với chú như không thể thiếu cơm bữa. Từ
những bài giảng đạo cao sâu và thiết thực của Thầy, chú rút ra được
cho mình nhiều bài học vô giá, những bài học dường như không bao giờ
tìm được từ sách vở. Nhờ đó, chú đã tháo gỡ được những khúc mắc
mà chú thường suy tư trong lòng.
Tâm hồn cảm
thấy nhẹ nhàng như trút bỏ ngàn cân nặng. Từ nội tâm cho đến oai nghi
đều có sự chuyển biến một cách rõ rệt. Hình ảnh tinh nghịch giờ đây
được thay bằng oai nghi đỉnh đạc, trầm tỉnh sáng suốt. Âu cũng là
quá trình tu tập.
Dẫu đã lớn,
đạo hạnh tăng trưởng nhưng chú luôn tinh tấn trao dồi phẩm hạnh. Ý thức
con đường đạo đầy chông gai và nhiều ma chướng, chú thường tự nhắc
nhở mình phải chăm lo tu học và tu niệm, ngõ hầu, phụng sự chúng sanh
và báo đáp phần nào thâm ân giáo dưỡng.
http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/vaochua.htm