Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Học kinh (9)
Chúng Tôi Học tiếp Kinh Hoa Nghiêm
(Sơ Lược về Triết Lý Hoa Nghiêm)

 

            Hôm nay ACE chúng tôi mới được thực sự đi vào giáo lý Hoa Nghiêm.  Trước hết , chúng ta phải lược sơ qua "lịch sử thuyết giảng kinh Hoa nghiêm" cũng như nguồn gốc kinh Hoa Nghiêm mà chúng ta chưa đề cập tới được-trong bài học trước ( chỉ mới bàn qua về tên Kinh) .

            Theo truyền thuyết của Phật Giáo Ðại thừa và cũng theo Ðại sư Trí Khải ( 538-597), sau khi thành đạo, chưa vội rời Bồ Ðề đạo tràng đức Phật Thích Ca Mâu Ni với Pháp thân Tỳ Lô Giá Na, cùng chư đại Bồ Tát chứng giải thóat môn, tuyên thuyết kinh Hoa Nghiêm để hóa độ hàng thượng thừa Bồ tát; sau đó mới đến  hàng nhị thừa . . .nhưng  vì giáo lý Hoa Nghiêm quá cao,  nên ngài phải giảng"hạ thấp xuống" cho hợp với căn cơ của chúng sanh .  Lịch sử thuyết giảng  Kinh của đức thế Tôn vì vậy, được chia làm 5 thời :

*Thời Hoa Nghiêm : 21 ngày , giảng về sự hình thành của vũ trụ vạn hữu để  độ cho hàng thượng thừa Bồ tát.

*Thời Lộc Uyển (tức thời A Hàm) : 12 năm, giảng các bộ kinh A Hàm, giảng về Tứ Diệu Ðế, 12 nhân duyên, 37 phẩm trợ đạo v..v.. để độ cho hàng nhị thừa ( thanh Văn, Duyên Giác) 

*Thời Phương Ðẳng : 8 năm, giảng về giáo nghĩa tánh Không, Như Lai Tạng, Chân Như. . . qua các kinh Lăng Già, Duy ma Cật, Lăng Nghiêm,  Thắng Man v..v..  để độ cho hàng sơ phát tâm Bồ tát. 

*Thời Bát Nhã: 22 năm, giảng về chân lý Không của vạn pháp qua các bộ kinh Bát Nhã và Kim Cương để độ cho hàng quyền thừa Bồ Tát

*Thời Pháp Hoa & Niết Bàn: 8 năm,  xác nhận Phật tánh vốn có trong mọi chúng sanh và ai cũng có thể thành Phật trong tương lai, không phải chỉ những người có căn bản trí tuệ mới thành Phật được, qua các bộ kinh Pháp Hoa & Niết Bàn.

            Nói riêng về Kinh Hoa Nghiêm, đã  có 9 hội giảng kinh Hoa Nghiêm tại 7 địa điểm khác nhau :

*Hội thứ nhất tại Bồ Ðề Ðạo Tràng do Bồ tát Phổ Hiền làm hội chủ .

** Hội thứ hai tại điện Phổ Quang Minh , do Bồ Tát Văn Thù làm hội chủ

***Hội thứ ba tại cung Trời Ðao Lợi do BT Pháp Tuệ làm hội chủ

****Thứ tư, tại cung Trời Dạ Ma, BT Công Ðức Lâm là hội chủ 

*****Thứ năm, tại cung Trời Ðâu Suất, Bồ tát Kim Cương Tràng là hội chủ 

******Thứ sáu, tại cung Trời Tha Hoá, Bồ tát Kim Cương Tràng  là hội chủ

****** Hội thứ bảy, tại điện Phổ Quang Minh, đức Thế Tôn là hội chủ 

********Hội thứ tám,  tại điện Phổ Quang Minh, Bồ tát Phổ Hiền là hội chủ 

*********Hội thứ 9, tại rừng Thệ Ðà , do đức Thế Tôn và thiện hữu đều là hội chủ.

            Cũng theo truyền thuyết, trong 9 hội Hoa Nghiêm này, đức Thế Tôn chỉ giảng vài phẩm ( A Tăng Kỳ, Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Ðức ) mà thôi .

            Về nguồn gốc kinh Hoa Nghiêm, sau khi đức Phật nhập diệt khoảng 600năm, do Long Thọ Bồ tát ( Nãgãrjuna), kinh Hoa Nghiêm mới được lưu truyền bằng Phạn văn.

Mặc dù đạo Phật được truyền vào Trung Hoa từ thế kỷ thứ 1 nhưng bộ kinh Hoa Nghiêm phải 300 năm sau mới chính thức được dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán, do các ngài Phật Ðà Bạt Ðà la (Buddhabhadra) người bắc Thiên Trúc đến Trung Hoa vào đời Ðông Tấn (317- 419), ngài Thật Xoa Nan Ðà (Sikasananda) người nước Vu Ðiền ( Kotan), và ngài Bát Nhã (Prajna) người nước Kế Tân ( Kaboul) đến Trung Hoa vào đời nhà Ðường ( 618-907) .  Ngoài ra còn những bộ Luận, Sớ giải , Vấn  đáp, Huyền ký v..v.. luận giảng về nghĩa lý kinh Hoa Nghiêm có giá trị đặc biệt của các ngài Ðỗ Thuận Thuyết, Trí Nghiễm, Pháp Tạng, Trừng Quán (Thanh Lương) , Tuệ Uyển, Tông Mật ( Khuê Phong) v..v..

            Ở nước ta, bộ Kinh này không hiểu được truyền vào từ thời nào nhưng Thầy Trí Tịnh đã dịch ra tiếng Việt từ năm 1965 và Thầy có dặn muốn  nghiên cứu đầy đủ hơn thì xem thêm bộ Hoa Nghiêm Ðại Sớ của Tổ Thanh Lương và Thập Huyền Môn của Tổ Hiền Thủ.  ACE chúng tôi, một câu chữ Hán cũng không viết nỗi, và thấy 4 cuốn Kinh Hoa Nghiêm này cũng đủ "khiếp" rồi, chỉ mong đọc từ trong này mà hiểu được phần nào giáo lý Hoa Nghiêm là thấy an ủi mãn nguyện, chưa có dịp ngó thấy mấy cuốn Kinh Thầy bảo đọc thêm nữa ! ! J J  !!

            Về nội dung triết lý kinh Hoa Nghiêm             , ACE chúng tôi nhắc nhở nhau (như đã biết ở lần học đầu tiên) : giáo nghĩa Hoa nghiêm được đức Phật và chư pháp thân đại sĩ thừa oai thần của Phật tuyên dương nên cảnh giới Hoa Nghiêm là cảnh giới "bất tư nghì giải thoát," nên mỗi lời, mỗi câu trong Kinh đều lấy toàn thể pháp giới tánh  làm lượng, nên tất cả Giáo,Lý, Hạnh , Qủa nơi đây đều dung thông vô ngại, nên cũng gọi là "vô ngại pháp giới"   

            Muốn đi vào thế giới "trùng trùng duyên khởi" của Hoa Nghiêm mà không bị lạc đường, chúng ta cần phải biết 4 pháp giới và 6 tướng.  4 pháp giới cũng là 4 cấp bậc mà hàng Ðại thừa Bồ tát tuần tự tu chứng ; đó là :

1. Lý vô ngại pháp giới

2. Sự vô ngại pháp giới

3. Lý sự vô ngại pháp giới

4. Sự sự vô ngại pháp giới

            Trong thế gian, mọi sự vật hiện tượng được bao gồm trong bốn loại pháp giới ( tứ pháp giới - vừa kể trên ) và sáu dạng xuất hiện ( lục tướng).  Mỗi "pháp" đều có đủ 6 tướng : tổng tướng-biệt tướng; đồng tướng - dị tướng; thành tướng - hoại tướng;  ta thường nghe gọi tắt là  "tổng-biệt, đồng-dị, thành-hoại"

            ACE chúng tôi lần lượt trình bày trước Chúng  những điều thu thập được từ "tứ pháp giới" và "lục tướng" này:

            1) Trước hết là Sự Pháp Giới, sự pháp giới là thế giới của tự nhiên, bao gồm mọi hiện tượng, sự vật của trời đất, vũ trụ, vạn vật. . . tất cả biểu dương sức sống mãnh liệt khởi lên từ một nguồn năng lượng duy nhất là Chân Như.  Sở dĩ gọi là "pháp giới" vì các pháp đều có tự tánh riêng ( hình dáng, tính chất, kích thước, trọng lượng v..v..); nhưng khi dùng trong nghĩa rộng, pháp giới là vũ trụ rộng lớn, là không gian bao la. 

            2) Lý Pháp Giới, là bản thể - là thể tánh chân thật của tất cả các pháp, còn nhiều tên gọi khác như là:  pháp giới tánh, chân như , pháp thân, thực tướng, "bản thể chân không của vạn pháp" hay " bản lai diên mục" của mỗi chúng sanh. 

            3) Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới, là thế giới của hiện tượng và thế giới của bản thể không mâu thuẩn, ngăn ngại nhau.  Sự nhờ lý mà thành, lý nhờ sự mà hiển bày.  Trong Lý có Sự, trong Sự có Lý.  Sự là "sắc" Lý là "không"; nói rằng " Lý Sự vô ngại" cũng đồng nghĩa với nói "Tâm tức vật,"  "Tinh thần tức vật chất ở thể lõang, mà vật chất là tinh thần ở thể cô đọng lại" hay nói theo ngôn ngữ vật lý "Năng lượng là khối lượng" [ công thức của A. Einstein : E  (năng lượng) = khối lượng x(bình phươngcủa tốc độ ánh sáng) ].  Lý & Sự không chỉ là không ngăn ngại mâu thuẩn nhau mà còn không thể tách rời nhau , ví như sóng và nước ; thật vậy, ngoài nước làm sao có sóng ? Nước nổi lên thì thành sóng, Sóng tan thành nuớc.  Lý ( chân không) và Sự ( diệu hữu) đan nhau chằng chịt không thể tách rời nên mới nói" Chân không chẳng rời diệu hữu" Ðó cũng là lý do mà chúng ta thường thấy chư Phật- đại diện là đức Thế Tôn của chúng ta- và chư Tổ không bao giờ trả lời "có" hay " không" của ngoại đạo khi họ hỏi về thượng đế, sự hình thành của vũ trụ, về nguyên nhân đầu tiên , v..v. .mà các ngài chỉ nói về Duyên Khởi, 12 nhân duyên v..v..   Lý và Sự tuy hai mà một, tuy một mà hai , nên nói "đồng" hay " dị" đều không đúng, đó chỉ là 2 mặt của cùng một sự vật, một hiện tượng hay một vấn đề. Ví dụ, về mặt bản thể thì sóng chính là nuớc  nhưng trên mặt hiện tượng sóng không phải là nuớc; ta có thể nói rõ hơn bằng một ví dụ cụ thể : một chiếc tàu lướt đi nhẹ nhàng trên nước nhưng có thể bị chìm , bị gây tổn thương vì sóng lớn, có phải không ?  Chơn Tâm ( "Tâm bình thường" ) là nước và tâm tham, tâm sân, tâm si là sóng đó ;  phải không các bạn ?  Ðó là lý do tại sao ta thường nghe nói "phút truớc là Ma, phút sau là Phật" vì tâm thanh tịnh là Phật mà tâm tham sân si là Ma rồi ( vì nó dẫn ta đi vào các đường ác! )

            Lý và Sự trong mỗi pháp đều viên dung vô ngại, nên trong vạn pháp cũng viên dung vô ngại - ví dụ như nước với sữa, có thể hoà tan vào nhau, tạo thành một thể duy nhất. Ấy gọi là trạng thái " tự tại vô ngại, viên dung", trong cái thể "tương tùy, tương sinh, tương tức, tương nhập" Do đó, nếu chúng ta sống với điên đảo mộng tưởng, với "tuy tìm quá khứ, mơ ước tương lai" hay với tâm chấp ngã, thị phi,  luôn thấy có "ta" có "người," " người xấu , ta tốt"" người dở ta hay" v..v..  thì tâm luôn bất an, phiền não, có khi đau khổ vì yêu-ghét, kỳ thị, thù hận . . .    vì thấy đủ thứ chướng ngại, sai biệt ;  trái lại, nếu chúng ta tập nhìn cuộc đời với cái nhìn của Hoa Nghiêm , thấy được "tất cả chúng sanh đều đồng một thể tánh chơn thật - đó là Phật tánh trong ta- thì ta sẽ không còn vướng vào vòng thị phi điên đảo làm tổn hại lòng từ bi và trí tuệ của ta nữa . Chúng ta sẽ thấy ngay cái "đồng" cụ thể nhất của chúng sanh, đó là "tham sống sợ chết, tham vui sợ khổ"  Ðó là lý do mà đức Khổng Tử đã dạy" Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác" ("Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" ) và ACE chúng ta thì nhắc nhở nhau " mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống"  hay " sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ."  Quả thật hạnh phúc hay đau khổ đều do lối tư duy mà ra - vì chính là Ý chỉ đạo mọi hành động về thân và miệng đó mà !!

            Vì Thể (lý) và Tướng( sự) và Dụng viên dung nên công dụng của vạn hữu biến hoá ra vô cùng mầu nhiệm, kỳ diệu đến nỗi có nhiều người trên thế giới này nghĩ rằng phải có bàn tay của một vị "thượng đế" hay "thần linh" tối cao mới làm phép thần "thiên linh linh, địa linh linh" , mới biến hoá ra được. Một khi biết được những đặc tính tương tùy, tương sinh, tương tức, tương nhập  của vạn pháp và với cách nhìn được chỉ bày trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta không còn lạ lùng với "thế giới bừng sáng" của Hoa Nghiêm ở cảnh giới "Bất tư nghì giải thoát" trong đó vắng mặt của tư duy đầy ngã tính thường tình, vắng mặt của tham ái và chấp thủ. . . . Thế giới quả nhiên là tuyệt vời  và tươi đep biết bao khi chúng ta nhìn thấy được " tất cả chúng sanh đều là Một và mỗi Một Chúng sanh là Tất cả ?" nghĩa là không còn ranh giới giữa Ta và Người, nước ta , dân ta và nước khác, dân khác  v..v.. Có phải đó là lúc "Thế giới hoà bình chúng sanh an lạc" , không còn chiến tranh khủng bố, không còn trộm cắp giết người, không còn nhà tù, trại giam v..v..  gì nữa cả, không còn cả địa ngục nữa, có phải không ?   Chữ " ngã" nhỏ xíu này mà có khả năng phá hoại hơn hằng triệu tấn TNT vì nó đã làm nổ nhiều vùng trên quả đất , làm nhiều triệu người chết do chiến tranh của kỳ thị, thù oán . . . mà nó đã gây ra !

            4) Sự sự vô ngại pháp giới : Giáo lý Hoa Nghiêm dạy rằng tất cả mọi pháp đều trống rỗng, rằng hai mặt của Không là Tĩnh( Lý) và Ðộng ( Sự) đều cùng lúc   tồn tại, xuyên suốt vào nhau, không ngăn ngại.  Mỗi hiện tượng đều đòng nhất với hiện tượng khác.  Sự sự vô ngại pháp giới nói lên rằng mọi sự vật hiện tượng trong thế gian tuy thiên hình vạn trạng nhưng vẫn ăn khớp nhau, nuơng tựa lẫn nhau, dựa vào nhau mà có ( "cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt" ) . Ví dụ thời gian và không gian dung thông với nhau.  Vật lý học cổ điển chia ra thời gian và không gian ra thành như là 2 đại lượng khác nhau, được đo bằng những đơn vị khác nhau ; đơn vị của thời gian là giây đồng hồ ( second = sec.) còn đơn vị của không gian là đơn vị của chiều dài ( centimet, mét, km, v..v..).  Ngày nay,  với khoa học tương đối của Einstein, với ngành vật lý không gian, với "không gian Tóan học n chiều"  v..v.. người ta không còn tách riêng thời gian và không gian nữa .  Thật vậy, ví dụ muốn nói về khỏang cách giữa mặt Trời, mặt Trăng hay một ngôi sao nào đó với quả đất, người ta không còn nói là mấy triệu triệu kilômét nữa mà nói là mấy "năm ánh sáng" hay là mấy trăm năm , mấy triệu năm ánh sáng v..v.. " - đó là khoảng cách mà ánh sáng phải mất thời gian bao lâu mới đi đến ( vận tốc ánh sáng là 300.000km/sec.)Danh từ "quang niên" hay "1 năm ánh sáng" là khoảng cách ánh sáng đi trong 1 năm (1 năm  = 365x 24x 3600sec. ) vậy 1 quang niên  hay 1 năm ánh sáng  = 3000.000x365x24x3600 (km) = 9 triệu triệu km = 900 tỷ km .

Nói cách khác, giữa thời gian và không gian không còn ranh giới nữa, và bản thân chúng không còn là 2 đại lượng khác nhau nữa.  Ngòai ra như ta đã biết trong bài học ở mục thứ 3) trên đây "Lý Sự vô ngại pháp giới": năng lượng và khối lượng cũng chỉ là một nữa mà ! Tương tự như vậy,  vật lý học cổ điển với  Descartes  cho rằng ánh sáng được truyền đi theo đường thẳng, nhưng vật lý học hiện đại với Fresnel, Huyghens, Pflanck v..v.. lại chứng minh rằng ánh sáng được truyền đi theo đường hình sin dưới dạng những làn sóng và những hạt ( photon) nữa.  Thật ra ánh sáng đã có tự muôn đời, còn những lý thuyết về ánh sáng thì chỉ là những lối nhìn của những nhà khoa học, như những người mù rờ voi, trong nhiều thế kỷ vẫn chưa rốt ráo được sự thật về ánh sáng. Tuy nhiên, ít ra cho dến nay người ta đã đi đến kết luận là những lý thuyết về ánh sáng không hề mâu thuẩn nhau ngăn ngại nhau vì sóng hay hạt, đường thẳng hay đường hình sin chỉ là 2 mặt biểu hiện của ánh sáng mà thôi - dây là điều mà đức Thế Tôn đã thuyết giảng từ cách dây mấy ngàn năm trong nôi dung "sự sự vô ngại" của kinh Hoa Nghiêm rồi vậy.  J J !!

                        5) Về Lục Tướng:   Lục tuớng là 6 mối liên hệ giữa cái "Tất cả" (= "cái toàn thể") và cái "Một" ( = "cái riêng lẻ") trên 3 mặt Thể, Tướng và Dụng.  Ngài Pháp Tạng (643- 712) đã đưa ra một ẩn dụ nổi tiếng để giải thích về 4 loại pháp giới và 6 tướng xuất hiện : đó là hình ảnh một con sư tử bằng vàng.  Sư tử biểu hiện cho thế giới hiện tượng (Sự) ; Vàng là biểu hiện của bản chất (Lý ). Vàng không có hình dáng nhất định nhưng xuất hiện duới dạng nào cũng được.  Ở đây, Tổng tướng là toàn bộ các chi tiết làm thành một tướng trạng đồng nhất ( là tòan bộ con sư tử bằng vàng) ; Biệt tướng là các phần nhỏ của tổng tướng (= các chi tiết, các bộ phận của con sư tử: đầu, mình, bờm, chân, v..v..) các chi tiết này dều khác với tổng tướng, có hình dáng và chức năng riêng ; đó là tổng và biệt = mối tương quan giũa cái toàn thể và các chi tiết của cái toàn thể ấy .

Ðồng tướng: tuy các bộ phận khác nhau nhưng chúng lại hoà nhau trong một tổng tuớng, chúng có liên hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau.   Dị tướng:  sự khác nhau giữa các bộ phận về tướng trạng của chúng ( = hình thể và chức năng ) ; vậy Ðồng và Dị = mối tương quan giữa những bộ phận của cùng một tổng thể và mối liên hệ giữa chúng với tổng thể .

Thành tướng: sự kết hợp của các chi tiết, các bộ phận để tạo thành sự vật hay hiện tượng nào đó (tổng thể ) ; Hoại tướng:  sự tan rã của một sự vật hay hiện tượng do các bộ phận không còn kết hợp với nhau nữa . Vậy  Thành và Hoại = mối liên hệ của tổng thể với các bộ phận của nó về mặt hoạt động và tác dụng. 

            Tóm lại, nói đến "Tổng, Ðồng, Thành" là nói về mặt bản thể bình đẳng viên dung tự tại vô ngại giữa các pháp về mặt "Tĩnh"  ; còn nói đến "Biệt, Dị, Hoại" là nói về mặt hiện tượng muôn màu muôn vẻ, trong đó mọi sự vật hiện tượng phơi bày những hình tướng & tác dụng khác nhau , nhưĩng đặc tính riêng biệt, độc đáo của các pháp, tức là nói về mặt "Ðộng" vậy.

            Ðó là những bài học mà ACE chúng tôi thu nhận được trong buổi học thứ 2 về Kinh Hoa Nghiêm.

http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/

 


Vào mạng: 3-12-2001

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang