Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KINH QUÁN PHỔ HIỀN
 Dịch từ  Phạn sang Anh ngữ : Kojiro Miyasaka
  Sửa chữa: Pier P. Del Campana
  Dịch từ Anh sang Việt: Vũ hữu Đệ Ban hoằng pháp đạo tràng Hoa Nghiêm

                             

TÔI NGHE NHƯ VẦY. Một thủa nọ, Đức Phật tại đại giảng đường Trùng Các trong Đại Tùng Lâm thành  Tỳ Xá Ly (Visali), Ngài đã nói với các Tỳ Kheo rằng “ Còn ba tháng nữa chắc chắn Ta sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn”. Liền khi ấy Ngài Anan từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại vạt áo chắp tay nhiễu quanh Phật ba vòng đảnh lễ , quỳ gối chắp tay  yên lặng mắt không rời Đức Như Lai. Ngài trưởng lão Maha Ca Diếp và Bồ Tát Di Lặc cũng từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay lễ lạy chăm chú nhìn Đức Thế Tôn. Cả ba vị Đại Đệ Tử cùng đồng thanh thưa với Phật rằng “Bạch Thế Tôn, sau khi Như Lai tịch diệt làm thế nào chúng sinh có thể   phát tâm Bồ Đề tu hành theo kinh điển Đại Phương Quảng của Đại Thừa, trụ nơi chánh kiến mà tư duy về cảnh giới bất nhị (world of one reality). Làm thế nào để không  mất tâm vô thượng Bồ Đề? Làm thế nào vừa ở trong phiền não và ngũ dục thế gian mà vẫn thanh tịnh các căn và diệt trừ tội lỗi. Làm thế nào để với đôi mắt phàm do cha mẹ sinh ra và không  xa lìa ngũ dục mà có thể nhìn sự vật không bị chướng ngại? “

Phật bảo ngài Anan: “ Ông nay lắng nghe, hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ  nhớ  đó: Trước kia tại núi Kỳ Xà Quật ( Mount Grdhrakuta) cùng nhiều nơi khác Như Lai đã giải rõ về pháp môn bất nhị (the way of one reality). Nay  vì tất cả chúng sinh ở nơi đây và các cõi khác, người nào muốn tu tập pháp vô thượng của Đại Thừa hoặc muốn biết hạnh Phổ Hiền nhẫn đến hành trì hạnh Phổ Hiền, Ta vì đó mà nói điều Ta hằng du hóa (entertained). Như Lai cũng rộng nói phương tiện tiêu trừ  vô số tội lỗi của những ai hoặc đã có cơ duyên hoặc chưa có cơ duyên tu Hạnh Phổ Hiền. Anan! Bồ Tát Phổ Hiền ra đời nơi cõi Tịnh  Diệu Phương Đông. Trong kinh Hoa Nghiêm Ta đã nói rõ,  sau đây ta tóm gọn lại:”

“Anan! nếu có Tì Khưu, Tì Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Thiên Long Bát Bộ và tất cả chúng sinh nào đọc tụng kinh điển Đại Thừa, tu pháp Đại Thừa, khao khát pháp Đại Thừa, phải biết rằng người đó hoan hỉ được nhìn thấy thân sắc Bồ Tát Phổ Hiền, hoan hỉ được nhìn thấy tháp Phật Đa Bảo, hoan hỉ được nhìn thấy Phật Thích Ca Mâu Ni cùng các chư Phật phân thân của Ngài, và hoan hỉ được sáu căn thanh tịnh, nhờ tu tập được pháp Quán Phổ Hiền. Công đức  Pháp Quán Phổ Hiền khiến người đó dứt trừ được vô minh, thấy được các sắc tướng mầu nhiệm (excellent forms). Dẫu chưa vào sâu trong định nhưng vì người ấy biết đọc tụng gìn giữ kinh điển Đại Thừa nên sẽ chuyên tâm tu tập, giữ tâm niệm trong  một ngày nhẫn đến 3 lần trong 7 ngày không gián đoạn chắc chắn người ấy được gặp Bồ Tát Phổ Hiền. Nếu nghiệp chướng nặng người ấy phải mất 7 lần trong 7 ngày. Nếu nặng hơn phải mất đến một kiếp, hai kiếp hoặc ba kiếp.Vì căn nghiệp chúng sinh  có sai biệt nên Ta tùy cơ mà giảng pháp”.

“Thân của Bồ Tát Phổ Hiền cao vô lượng, tiếng nói của ngài có vô lượng âm thanh, ngài có vô số sắc thân nhưng vì muốn xuống thế giơiø này nên phải dùng thần thông biến hóa ra thân hình bé nhỏ. Vì người trong cõi Diêm Phù Đề (Jambudvipa) chịu ba trọng chướng (tham, sân, si), nên với sức oai thần ngài hiện thân cưỡi voi trắng sáu ngà[1]ø bảy chân[2]. Dưới mỗi chân có hoa sen. Voi  trắng như tuyết, đến cả pha lê và núi tuyết Hi Mã Lạp Sơn cũng không sánh kịp. Thân voi dài 450 do tuần cao 400 do tuần. Ở cuối mỗi ngà có một ao. Nơi mỗi ao có 14 hoa sen nở rộ kín khắp, trông như vua của các loài cây ở cõi trời. Trên mỗi hoa sen có Ngọc Nữ , sắc diện đỏ như hồng đào, có hào quang phóng ra hơn cả thiên nữ (nymphs). Trên tay Ngọc Nữ hiện ra 5 cây đàn hạt (Harps), mỗi cây đàn hạt lại có 500 nhạc cụ khác họa kèm. Nổi bật lên trên hoa và lá    500 loài chim gồm vịt ta, ngỗng trời, ngan, tất cả mang  màu sắc báu vật. Vòi voi  có hoa, cuống màu hồng ngọc . Nụ hoa màu vàng xắp nở. Sau khi đã chứng kiến những điều như vậy, nếu người nào biết sám hối nhất tâm liên tục quán tưởng vào pháp Đại Thừa  tức thời người ấy sẽ thấy hoa nở  có ánh sáng sắc vàng phát ra. Đài sen là chén ngọc Chân Thúc Ca( kimsuka) được tô điểm bằng những hạt ngọc Phạm Thiên (Brahma jewels) vi diệu, còn nhụy hoa thì bằng kim cương.Hóa Phật ngồi trên cánh hoa, Bồ Tát thỉnh đến ngồi ở nhụy hoa. Từ lông mày Hóa Phật một tia hào quang phóng ra chiếu thẳng vào trong vòi voi. Tia hào quang  màu sen đỏ này phát ra từ vòi chiếu lên mắt, từ mắt vào tai, từ tai lên đầu hiện thành chén vàng. Trên đầu voi có 3 hóa nhân: Một Vị cầm xa luân, một Vị cầm báu vật còn Vị kia cầm chùy kim cương. Khi Vị cầm chùy chỉ vào voi  tức thời voi cất bước đi, chân không dẵm đất, lơ lửng cách mặt đất 7 thước, tuy vậy vẫn để lại dấu chân kết hợp hài hòa thành bánh xe ngàn gọng. Nơi trục bánh xe có hoa sen lớn, hiện một thân voi cũng có bảy chân bước theo voi lớn. Mỗi khi voi này nhấc chân lên xuống lại hiện ra 7 ngàn voi con, thảy đều bước theo voi lớn thành đoàn tùy tùng. Trên vòi voi màu sen đỏ, có Hóa Phật phóng hào quang từ chặng giữa mày. Cũng thế, hào quang chiếu vào trong vòi, rồi từ đó chiếu lên mắt, từ mắt vào tai, từ tai lên đầu, lần lần đến lưng. Hào quang nơi lưng từ từ biến hóa thành chỗ ngồi, trang hoàng bằng bảy báu. Bốn góc có trụ bằng bảy báu trang hoàng đồ quý làm thành đài trân bảo, nơi đây có nhụy sen bảy báu. Nhụy sen cũng được tạo thành bằng trăm đá quý. Đài hoa là hột kim cương lớn.

“Bồ Tát Phổ Hiền ngồi kiết già trên đài hoa. Thân ngài thanh tịnh như hạt kim cương trắng ngần, phóng ra 50 tia hào quang đủ màu khác nhau, hợp thành vầng hào quang quanh đầu Ngài. Từ các lỗ chân lông nơi thân Ngài cũng phát hào quang. Ở cuối các tia hào quang, có vô số Hóa Phật cùng Bồ Tát quyến thuộc tùy tùng.

“Voi lặng lẽ chậm chạp đi trước, rải mưa sen báu lớn, theo sau là hành giả Đại Thừa. Khi nào voi mở miệng, thì các Ngọc Nữ  trong ao nơi ngà trổi các kỹ nhạc, âm thanh huyền diệu, tán thán pháp bất nhị của Đại Thừa. Thấy được cảnh vi diệu đo,ù hành giả vui mừng   kính lễ, đọc tụng  nghĩa kinh sâu rộng, đảnh lễ vô lượng chư Phật mười Phương, tạ ơn tháp Phật Đa Bảo và Phật Thích Ca cùng lễ lạy Bồ Tát Phổ Hiền và chư Đại Bồ Tát mà phát nguyện rằng:’Nếu con được đủ phúc đức kiếp trước, thì hôm nay được gặp Ngài Phổ Hiền. Xin Ngài cho con được thấy sắc thân Ngài!                                                                                                                     Phát nguyện thế rồi hành giả phải khấn nguyện,   lễ lạy chư Phật mười Phương, ngày đêm 6 thời[3], đồng thời hành trì sám hối, lại phải đọc tụng suy tưởng nghĩa lí, tu tập kinh điển, kính phụng chư vị hành trì kinh Đại Thừa, thấy tất cả mọi người như chư Phật, đối với chúng sinh như cha mẹ. Sau khi hoàn tất những quán tưởng trên, liền thấy Bồ Tát Phổ Hiền phóng hào quang từ hảo tướng lông trắng giữa chặng mày, thân sắc ngài oai nghi như  núi vàng ròng, và thành tựu đủ 32 tướng tốt. Từ các lỗ chân lông, phát ra ánh sáng chiếu vào voi lớn, các hóa voi cùng chư Bồ Tát hóa thân,  cũng thành vàng. Ánh sáng lại chiếu và biến  vô lượng thế giới Phương Đông cũng thành sắc vàng. Các Phương còn lại trọn đủ mười Phương cũng đều biến hóa như vậy.                                                                                                                                  Mỗi phương đều có một vị Bồ Tát cưỡi tượng vương 6 ngà,  y hệt Bồ Tát Phổ Hiền,  nhờ vậy khiến người hành trì kinh Đại Thừa trông thấy được các hóa voi, ở  vô lượng vô biên Mười Phương Thế Giới. Thấy được chư vị Bồ Tát, bấy giờ người ấy sẽ cảm thấy thân tâm an lạc, lễ lạy mà thưa rằng: ‘Đấng Đại Từ  Đại Bi, xin thương xót con mà nói pháp!’ Khi ấy chư Bồ Tát, thảy cùng đồng giảng pháp thanh tịnh của kinh  Đại Thừa, và dùng  kệ để ngợi khen. Đây gọi  là bậc Sơ Quán Tâm Pháp Định Phổ Hiền.

“Sau đó hành giả tâm niệm pháp Đại Thừa, ngày đêm không nghỉ, ngay khi ngủ cũng  mơ, thấy Bồ Tát Phổ Hiền nói pháp. Giống như khi thức, hành giả cũng được Bồ Tát Phổ Hiền ban bố pháp lành, khiến tâm được an bình. Ngài nói:‘ Trong khi trì tụng ông đã quên câu này, ông đã đọc xót bài kệ kia.’Rồi hành giả nghe Ngài thuyết giảng kinh sâu mầu, khiến hiểu nhớ trọn vẹn không bao giờ quên. Cứ như vậy, ngày nọ qua ngày kia, tâm thức người ấy sẽ được lợi lạc. Bồ Tát Phổ Hiền giúp hành giả nhớ đến mười Phương chư Phật. Nhờ Hạnh Phổ Hiền mà hành giả ngộ nhập chính kiến nhớ được mọi sự  việc. Với mắt trí tuệ, dần dần hành giả sẽ nhìn thấy chư Phật ở Phương Đông, có thân sắc vàng rất trang nghiêm vi diệu. Hành giả thấy một vị Phật, rồi hai, dần dần tất cả chư Phật khắp Phương Đông, nhờ suy tưởng lợi lạc, thấy trọn cả chư Phật  Mười Phương Thế Giới.

Gặp được Phật, lòng hoan hỉ mà thưa rằng: ‘Nhờ pháp Đại Thừa mà con gặp được các bậc Tôn Trưởng. Nhờ thần lực của các Ngài, mà con có thể gặp được chư Phật. Mặc dầu thấy chư Phật, nhưng con vẫn không thấy được rõ ràng, vì cứ lúc nhắm mắt, thì Phật hiện, hễ mở mắt thì Phật lại biến.’ Liền sau đó hành giả phải đầu mặt sát đất đảnh lễ mười Phương chư Phật, rồi quì gối chắp tay trước Phật mà bạch: ‘Các Đấng Thế Tôn, có đủ thập lực, các món vô sở úy, 18 pháp bất cộng, lòng đại từ đại bi, tam niệm xứ[4]. Chư Phật thường trụ có đầy đủ các hảo tướng, vì lỗi lầm gì mà con không được gặp?’

“Sau đó hành giả lại tiếp tục hành trì sám hối cho đến khi hoàn toàn thanh tịnh, bấy giờ Bồ Tát Phổ Hiền lại xuất hiện bên cạnh hành giả ngay cả những lúc đi đứng ngồi nằm, nhẫn đến cả trong lúc ngu,û cũng thấy Bố Tát Phổ Hiền thường xuyên thuyết pháp.Vì thế khi tỉnh dậy, hành giả sẽ cảm thấy được hỉ lạc trong Phật pháp. Thực hành như vậy sau 3 lần trong 7 ngày đêm hành giả sẽ chứng được pháp Triền Đà la Ni. Được pháp Đà la Ni hành giả sẽ  giữ  mãi không quên trong trí, giáo pháp vi diệu của chư Phật và Bồ Tát. Trong giấc mơ,hành giả cũng hằng thấy 7 quá khứ  Phật, trong đó chỉ riêng Đức Thích Ca đang thuyết pháp. Các Đức Thế Tôn đều khen ngợi kinh Đại Thừa. Lúc bấy giờ hành giả lại càng hoan hỉ mà đảnh lễ Thập Phương thế giới chư Phật. Sau khi ấy đức Phổ Hiền hiện ra trước mặt thuyết giảng, kể duyên nghiệp tiền kiếp của hành giả, khiến hành giả phải tự thú các hành vi xấu ác. Quay sang Chư Thế Tôn hành giả tự  mình phát lồ sám hối .

“Sau khi sám hối, hành giả sẽ đạt pháp quán Tam Muội (contemplation of the revelation of Buddha to men) nên  thấy được Phật hiện toàn thân. Được chánh định này, hành giả sẽ thấy rõ Phật A Súc (Akshobhya)  và nước Diệu Hỉ (Wonderful Joy) phương Đông. Cũng vậy, hành giả thấy rất rõ các cõi phật mầu nhiệm  khắp mười Phương, sau đó hành giả mơ thấy ‘ trên đầu voi có thủ tượng bằng Kim Cang,  dùng chùy Kim Cang chỉ vào lục căn. Chỉ vào các căn xong, Bồ Tát Phổ Hiền hướng dẫn hành giả phương pháp sám hối thanh tịnh lục căn. Hành giả sám hối như thế trong 1 ngày hoặc 3 lần trong 7 ngày. Nhờ pháp quán lực Tam Muội chư Phật và nhờ sự trang nghiêm thuyết pháp của Bồ Tát Phổ Hiền mà hành giả lần lượt được nhĩ, nhãn, tỉ căn viên thông như đã được rộng thuyết trong kinh Pháp Hoa. Được 6 căn thanh tịnh, thân tâm hành giả sẽ an lạc, dứt được các ý xấu ác và phát tâm an trụ nơi chánh pháp, lại được thêm trăm ngàn muôn ức triền  Đà La Ni cũng như chứng kiến  trăm ngàn muôn ức hằng hà sa số Phật. Các đấng Thế Tôn dùng tay phải xoa đầu hành giả mà bảo rằng:’Lành thay! lành thay! ông chính là hành giả Đại Thừa, có hướng tâm đại trang nghiêm, gìn giữ  Chánh Pháp ( Đại Thừa). Thuở xưa khi mới phát tâm, Ta cũng thực hành  như vậy. Ông nên một lòng gìn giữ, đừng buông lung pháp Đại Thừa! Nhờ đã tu tập từ   nhiều kiếp trước mà chư Phật nay được thân thanh tịnh của Đấng Toàn Giác. Ông phải tinh tấn  không được giải đãi! Kinh điển Đại Thừa là pháp bảo  của Phật, là Phật nhãn  từ  Mười Phương trong quá khứ , hiện tại, vị lai và cũng là nhân của Như Lai trong ba đời. Người nào gìn giữ kinh điển này là mang thân Phật, làm việc Phật, phải biết rằng đó là truyền nhân do Phật phái tới, được đắp y Phật, đấng Thế Tôn, và được pháp chân truyền củaNhư Lai. Hãy tu tập pháp Đại Thừa không đoạn tận mầm pháp! Hãy chú tâm quán tưởng chư Phật ở Phương Đông.

“ Sau những lời Phật thuyết, hành giả thấy vô lượng thế giới từ Phương Đông, bằng phẳng như bàn tay, không có đồi núi, ghò đống, đất bằng lưu li, đường xá lát  vàng. Các cõi nước mười Phương cũng lại như vậy. Sau khi quán tưởng như vậy, hành giả sẽ thấy cây lừng lững nhiệm mầu, thân cao năm ngàn do tuần. Cây ấy thường sản sinh vàng ròng  bạc trắng và được trang hoàng bằng bảy báu; dưới cây có đài sư tử báu, cao hai ngàn do tuần, phát quang từ trăm báu. Các cây và các đài báu khác cũng lại như vậy, mỗi đài cũng phát quang từ trăm báu. Các cây và các đài báu khác cũng lại như vậy, mỗi đài hiện ra năm trăm bạch tượng có Bồ Tát Phổ Hiền ngồi trên. Khi ấy hành giả kính lễ chư Bồ Tát Phổ Hiền và bạch rằng:’Vì phạm lỗi gì con không được trông thấy Phật mà chỉ thấy có đất báu ngai báu và cây báu?’                                                       

Bạch xong hành giả thấy trên mỗi đài báu một Đức Thế Tôn hiện ra uy nghi mầu nhiệm. Sau khi thấy chư Phật hành giả rất đỗi vui mừng, càng cố gắng đọc tụng, tu tập  kinh diển Đại Thừa. Bởi lực Đại Thừa, từ trên không phát ra tiếng nói khen ngợi rằng: ‘ Lành thay! lành thay! Thiện nam tử! Nhờ công đức tu tập pháp Đại Thừa mà ông đã được thấy chư Phật. Mặc dầu thấy được các Đấng Thế Tôn, nhưng ông vẫn chưa thấy Phật Thích Ca Mâu Ni và các hóa thân của Ngài cùng Tháp Phật Đa Bảo’. 

“ Nghe tiếng từ thinh không, hành giả lại quyết tâm trì tụng tu hành pháp Đại Thừa. Nhờ cố gắng tu tập kinh Đại Thừa Đại Phương Quảng nên ngay cả trong giấc mơ hành giả cũng thấy Phật Thích Ca ngồi trên núi Kì Xà Quật cùng với thính chúng giảng kinh Pháp Hoa và luận giải pháp môn bất nhị. Sau bài thuyết pháp,  với lòng sám hối và khao khát mong cầu được gặp Phật, hành giả bèn chắp tay quỳ gối hướng về núi Kỳ Xà Quật mà thưa rằng:’ Kính lạy Đức Như Lai, Bực Đại Hùng, thường trụ, xin Ngài mở rộng lòng từ bi vì con mà thị hiện.’

“ Vừa bạch xong, hành giả liền thấy trên núi Kì Xà Quật trang hoàng bằng bảy báu có vô lượng các vị Tì Kheo, Thanh Văn (Sravakas) cùng Chúng Hội tụ họp. Ở đây có cây báu thành hàng, đất báu bằng phẳng, có đài sư tử báu trải ra trên đó có Phật Thích Ca ngồi phóng tia hào quang từ giữa chặng mày. Hào quang chiếu  khắp mười Phương Thế Giới trải khắp vô lượng các cõi nước. Nơi nào có hào quang là có phân thân Phật vân tập, rộng thuyết Pháp vi diệu như trong kinh Pháp Hoa. Mỗi  phân thân Phật đều bằng vàng ròng, lớn vô biên, ngồi trên đài sư tử, lại có vô lượng trăm ức chư Đại Bồ Tát cùng quyến thuộc vây quanh. Chư Bồ Tát cùng thực hành Hạnh Phổ Hiền. Các quyến thuộc của vô lượng Chư Phật chư Bồ Tát mười Phương lại cũng như vậy. Sau khi Chúng Hội vân  tập thì Đức Thích Ca Mậu Ni hiện ra. Thân Ngài có ánh sáng phát ra từ những lỗ chân lông. Mỗi tia sáng lại có hàng trăm ức phân thân Phật phóng hào quang từ  giữa chặng mày chiếu thẳng vào đảnh Phật Thích Ca. Các phân thân Phật lại phóng hào quang từ những lỗ chân lông. Mỗi tia hào quang lại có hằng hà sa số hóa Phật. 

“ Đến lượt Bồ Tát Phổ Hiền lại phóng hào quang từ giữa chặng mày chiếu vào tâm hành giả. Khi nhập tâm, hành giả nhớ lại vô lượng trăm ngàn các vị Phật được gặp trong quá khứ cùng là thọ trì đọc tụng kinh Đại Thừa và cũng thấy được tiền kiếp của  mình cùng chứng được túc mạng thông[5] (faculty of transcendent remembrance of former states of existence). Liền khi ấy hành giả đại ngộ,  được triền đà la ni, trăm ngàn muôn ức đà la ni. Khi xuất định người ấy sẽ thấy trước mặt các phân thân Phật ngồi trên tòa sư tử báu dưới cây báu, đất bằng lưu li (lapis lazuli) từ phía dưới chân trời, phóng ra như vầng sen lớn; giữa hoa sen có hằng hà sa số chư Bồ Tát ngồi xếp bằng. Hành giả sẽ thấy chư Bồ Tát hóa thân từ  ngài Phổ Hiền tán thán và thuyết giảng lí Đại Thừa giữa hàng Tứ  Chúng. Chư Bồ Tát liền đồng thanh hộ niệm cho hành giả được sáu căn thanh tịnh.

“ Từng vị Bồ Tát khuyến giáo hành giả: ‘Ông nên niệm Phật!’. ‘Ông nên niệm Pháp!’.‘Ông nên niệm Tăng!’.‘Ông nên niệm giới!’. ‘ Ông nên niệm thí!’.‘Ông nên niệm Thiên !’Sau cùng xướng rằng: ‘đây là sáu niệm từ  Phật tính sinh ra Bồ Tát. Trước chư  Phật ông nay phải một lòng thành kính  sám hối các tội lỗi trong quá khứ.’

“Từ vô lượng kiếp, nhãn căn  ông đã bị dính mắc vào hình tướng.Bởi hình tướng mà vướng bụi trần.Vì vướng bụi trần nên mang thân nữ và thỏa mãn khi bị cuốn hút bởi các hình tướng  ở khắp  nơi đời đời kiếp kiếp. Hình tướng làm hại nhãn căn khiến ông trở thành nô lệ cho dục vọng thế gian. Bởi vậy hình tướng dẫn dắt ông lang thang trong ba cõi khiến tâm thức mỏi mệt mà trở nên mù quáng không  nhìn thấy gì nữa. Nay ông đã trì tụng kinh Đại Thừa Đại Phương Quảng. Trong kinh chư   Phật mười Phương thuyết  rằng sắc thân các ngài là thường trụ. Nay ông đã được trông thấy các Ngài, đúng thực vậy chăng? Ma chướng nhãn căn thường gây hại cho ông. Giờ ông hãy nghe đây, phải nương tựa Chư   Phật cùng Phật Thích Ca và sám hối các lỗi lầm gây bởi nhãn căn mà bạch rằng: ‘Kính xin Chư Phật Chư Bồ Tát dùng Nước Pháp  huệ nhãn của quý Ngài để thanh tịnh hóa cho con!’

“Nói lời ấy xong, hành giả phải  lạy Chư Phật mười Phương rồi quay qua Phật Thích Ca và kinh Đại Thừa mà bạch tiếp rằng: ‘ Các trọng tội thuộc nhãn căn làm chướng ngại và mê mờ thị kiến, khiến con hoàn toàn mù quáng, nay con xin sám hối. Xin Phật đại từ bi nhủ lòng thương  mà che chở con! Bồ Tát Phổ Hiền trên thuyền đại pháp đưa thảy Chúng Hội vô lượng Bồ Tát mười Phương, nhủ lòng đại bi cho con được nghe pháp sám hối diệt trừ các đường dữ và các nghiệp chướng nơi nhãn căn!’   

“Lập lại ba lần như vậy xong hành giả phải đảnh lễ sát đất, chánh niệm Pháp Đại Thừa  không xao lãng. Đây gọi là pháp sám các tội nhãn căn. Nếu có người nào xưng danh hiệu Phật, đốt hương, rải hoa, cầu pháp Đại Thừa, giăng cờ phướn, lọng nói lên những sai lầm của nhãn căn và sám hối tội lỗi, phải biết người này trong đời hiện tại được thấy Đức Thích Ca Mâu Ni, các phân thân của Ngài cùng vô số chư Phật và sẽ không rơi vào đường dữ trong a tăng kỳ kiếp (asamkhyeya kalpas). Nhờ pháp lực và hạnh nguyện Đại Thừa khiến người ấythành đệ tử Phật chung cùng chư Bồ Tát đã chứng đắc đà la ni. Nếu ai suy nghĩ như  thế, là có chánh kiến, ngược lại là tà kiến. Đây dấu hiệu sơ cấp của pháp thanh tịnh nhãn căn.

“Thực hành pháp thanh tịnh nhãn căn xong hành giả cần trì tụng thêm kinh Đại Thừa, quỳ lễ sám hối sáu thời ngày đêm và bạch rằng: ‘ Vì sao con chỉ được thấy Phật Thích Ca cùng các Phân Thân của ngài mà không được thấy toàn thân Xá Lợi (relics) Phật Đa Bảo trong tháp? Tháp Phật Đa Bảo thường trụ và bất diệt nhưng con vì nhãn căn bị ác chướng nên không thấy.’ Sau khi bạch như vậy, hành giả phải gia trì sám hối hơn nữa.

“ Qua bảy ngày Tháp Phật Đa Bảo sẽ từ đất hiện lên. Đức Thích Ca Mâu Ni lấy tay phải mở cửa Tháp trong đó Phật Đa Bảo đang trong Đại Định Giải Nhất Thiết Sắc Thân (contemplation of the universal revelation of forms). Mỗi lỗ chân lông  phát ra hằng hà sa số tia sáng. Mỗi tia sáng  có một trong số trăm, ngàn, vạn Phật hóa thân. Khi thấy hiện tượng đó hành giả hoan hỉ nhiễu quanh bảo tháp đọc các bài kệ để tán thán. Sau khi nhiễu bảy vòng, Phật Đa Bảo từ trong Tháp lớn tiếng khen ngợi:’ Này Pháp Vương Tử! ông đã hành đúng  pháp Đại Thừa và đã tuân phục hạnh Phổ Hiền, sám hối các tội thuộc nhãn căn, nay Ta vì ông mà ấn chứng cho.’ Sau đó Đa Bảo Như Lai khen ngợi Phật Thích Ca: ‘ Hay thay! Hay thay! Thích Ca Mâu Ni giờ đây ông có thể thuyết Pháp lớn, rưới mưa Pháp lớn và độ cho chúng sanh mê muội thấy được Phật tánh.’ Sau khi đã chiêm ngưỡng Tháp Đa Bảo hành giả lại quay về Bồ Tát Phổ Hiền chắp tay lễ lạy mà bạch rằng: ‘ Kính bực thầy vĩ đại chỉ giáo cho con cách sám hối các lỗi lầm đã phạm,’

“Bấy giờ Bồ Tát Phổ Hiền nói với hành giả rằng: ‘Trải qua nhiều kiếp, vì nhĩ căn mà ông chạy theo thanh trần; khi nghe các diệu âm thì ông đắm luyến, khi nghe xấu ác thì    một trăm lẻ tám phiền não nổi lên. Hệ quả vì nghe các điều xấu dẫn đến việc xấu. Vì mải mê chạy theo những âm thanh đo,ù nên tạo ra đủ thứ  phiền não. Vì cái nghe lầm lạc khiến ông sẽ rơi vào đường dữ, nơi biên địa tà kiến, ở đó không được nghe chánh pháp. Hiện tại ông đã trì tụng kinh Đại Thừa, là biển công đức, do đó ông đã thấy chư Phật mười Phương và Tháp Phật Đa Bảo đã hiện lên để chứng giám. Nay ông phải tự thú tất cả điều sai ác và xin sám hối các tội lỗi đó.’

“Sau khi được nghe như vậy, hành giả một lần nữa chắp tay đảnh lễ sát đất mà bạch rằng: ‘Đấng Đại Trí Thế Tôn! Kính xin ngài thị hiện chứng giám cho con! kinh Đại Phương Quảng là thày của Đức Từ  Bi.  Kính xin Ngài dẫn dắt và nhận lời con! Từ nhiều kiếp đến nay, nhĩ căn con dính với thanh trần như cỏ dính hồ nên cái nghe đó tạo thành một thứ huyễn độc trong mọi hoàn cảnh khiến con  không có lúc nào được ngơi nghỉ dù chỉ trong chốc lát; âm thanh xấu ác càng tăng làm não hại con khiến con rơi vào ba đường dữ. Ngày nay lần đầu tiên con đã hiểu được như vậy, con xin hướng về  Đức Thế Tôn mà thú tội và sám hối.’ Sau khi sám hối hành giả liền thấy Phật Đa Bảo phóng hào quang màu vàng chiếu vào cõi nước Phương Đông  và khắp mười Phương Thế Giới, nơi đó có vô số các vị Phật thân bằng vàng ròng xuất hiện. Từ  không trung,   về hướng Đông, có tiếng vang lên: ‘ Đây là bậc Thế Tôn hiệu là Tối Thắng Công Đức, Ngài cũng thị hiện vô lượng phân thân Phật, đang ngồi xếp bằng trên tòa sư tử dưới gốc cây báu. Toàn thể chư  vị Thế Tôn đều ở trong Đại Định Giải Nhất Thiết Sắc Thân khen ngợi người này mà nói rằng: ‘Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Nay ông đã đọc tụng kinh điển Đại Thừa, kinh đó là Cảnh Giới Phật (mental stage)’.    

“Sau đó Bồ Tát Phổ Hiền lại muốn dạy thêm pháp sám hối cho hành giả mà nói rằng: ‘Từ vô lượng kiếp đời quá khứ vì ông đã bị vướng mắc vào hương trần, nhận thức phân biệt và vọng tưởng đã khiến ông ràng buộc vào mọi hoàn cảnh và rơi vào sinh tử  luân hồi. Nay ông phải biết quán tưởng nhân Đại Thừa! Nhân Đại Thừa là Thực Tướng của mọi Hiện Hữu.’

“Nghe xong hành giả lại  đảnh lễ và sám hối thêm. Khi sám hối, hành giả phải xưng: ‘Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Đa Bảo Tháp Phật, Nam Mô Chư Phật Phân thân Thích Ca Mâu Ni Phật!’ sau đó phải đảnh lễ Chư Phật Mười Phương và xướng tiếp: ‘Nam Mô Đông Phương Tối Thắng Công Đức Phật cùng chư Phật phân thân của Ngài’, hành giả còn phải dốc lòng tuân phục từng Vị, như thấy trước mặt và dùng hương hoa cúng dường. Cúng dường xong hành giả phải quỳ gối  chắp tay, dùng những lời kệ để xưng tụng Chư Phật. Sau khi xưng tụng, hành giả phải bộc bạch mười ác nghiệp và sám hối tất cả tội lỗi. Sau khi sám hối, hành giả bạch: ‘Từ vô lượng kiếp về  trước con đã chạy theo hương, vị, súc, mà tạo nên không biết là bao nhiêu điều ác, vì lẽ đó từ vô lượng kiếp, con liên tục phải chịu cảnh khổ địa ngục, ngã quỉ, súc sanh và rơi vào nơi biên địa tà kiến. Nay con xin tuyên xưng các ác nghiệp  và xin qui y Phật, là bậc Chánh Pháp Vương, con xin phát lồ sám hối các tội lỗi.’

“Sau khi đã sám hối như vậy hành giả lại phải đọc tụng kinh điển Đại Thừa thân tâm không nhàm mỏi. Do năng lực Đại Thừa, từ trên không trung có tiếng vọng xuống: ‘Pháp Vương Tử! Hướng về chư Phật mười Phương, ông nên tán thán và lí giải Pháp Đại Thừa, cùng bộc bạch những lỗi lầm trước các Ngài! Chư  Phật, Chư Như Lai là các bậc Từ Phụ của ông. Chính ông phải nói các điều ác và nghiệp xấu do thiệt căn của ông gây ra mà bạch rằng: ‘Thiệt căn này chạy theo ý nghiệp ác, khiến con ham thích nói sai, nói thêu dệt, nói lời gian dối, nói hai chiều, nói lời phỉ báng, nói không thật, nói lệch lạc và thốt lời vô bổ. Bởi những nghiệp ác khác nhau con đã gây những xung đột bất đồng, nói chánh pháp thành phi pháp, nên nay con xin sám hối.”’

“Sau khi đã bạch như vậy trước các Bậc Thế Hùng, hành giả  phải cung kính năm vóc sát đất, chắp tay quì gối đảnh lễ  chư Phật Mười Phương mà bạch rằng: ‘Các lỗi lầm của thiệt căn thì vô lượng vô biên. Tất cả gai nhọn của ác nghiệp đều từ lưỡi mà ra. Căn này ngăn trở bánh xe chánh pháp và làm thui chột các mầm công đức. Thuyết giảng những điều vô nghĩa đôi lúc khiến người khác bị ép buộc; ca ngợi tà kiến, giống như thêm củi vào lửa, khiến chúng sinh đang ở trong lửa dữ lại càng thêm đau khổ, khác nào như người tự tử bằng thuốc độc mà không để lại các vết thương  hoặc những chỗ xưng tấy. Hậu quả của những tội lỗi đó là độc ác, xấu sa, sai trái dẫn con đọa vào đường dữ trong trăm ngàn kiếp. Nói dối khiến con phải đọa đại địa ngục. Nay con xin qui y theo Nam Phương Phật và phát lồ sám hối tất cả lỗi lầm.’

 “Khi hành giả hồi tưởng như vậy thì có tiếng từ trên không vọng xuống: ‘Ở về Phương Nam có vị Chiên Đàn Công Đức Phật (Sandal-Wood Virtue), cùng vô số phân thân. Các Ngài đều thuyết giảng kinh Đại Thừa cùng tiêu trừ các tội lỗi. Ông nên hướng về vô lượng chư Phật Thế Tôn Đại Từ Bi khắp mười Phương mà thành tâm sám hối các tội  lỗi.’ Sau khi nghe như vậy hành giả lại năm vóc sát đất mà đảnh lễ Phật.

“Khi ấy Chư Phật liền phóng hào quang chiếu vào hành giả khiến hành giả tự cảm thấy thân tâm hoan hỉ, tăng trưởng lòng từ  và nhớ tưởng bao quát tất cả mọi sự việc. Khi ấy Đức Phật giảng rộng cho hành giả các Pháp Đại Từ Bi Hỉ Xả và dạy bằng ái ngữ khiến hành giả phát tâm tu hành sáu pháp hòa kính[6] (six ways of harmony and reverence). Sau khi nghe các lời của Đấng Pháp Vương hành giả thấy trong tâm rất mực hoan hỉ và lại tiếp tục trì tụng không nhàm mỏi.

“Từ trên không vọng xuống tiếng nhiệm mầu: ‘Nay ông phải thực hành sám hối thân Tâm ! Tội về thân là sát sinh, trộm cắp, tà dâm còn Tội về Tâm là ham thích các loại thú vui độc hại. Tâm như vượn nhảy thân như   chim mắc bẫy, sáu căn đồng duyên theo ngoại cảnh dẫn chúng sinh tạo nên 10 ác nghiệp và 5 trọng tội. Nghiệp của 6 căn giống như cành lớn, cành nhỏ, hoa lá, đã lấp đầy ba cõi, hai mươi lăm cảnh giới chúng sinh và tất cả nơi nào có sự sống. Các nghiệp còn làm tăng trưởng vô minh, lão, tử, mười hai phiền não và chắc chắn sẽ đọa vào Bát Tà và Bát Nạn[7] Giờ đây ông phải sám hối tội lỗi và ác nghiệp!’ Nghe xong hành giả xin hỏi lại: ‘ Nay con phải thực hành sám hối ở nơi nào?’

“Trên không trung liền có tiếng vọng xuống đáp rằng: ‘Phật Thích Ca Mâu Ni cũng mang danh hiệu Tì Lô Giá Na Biến Nhất Thiết Xứ (Vairocana Who Pervades All Places), nước của ngài tên Thường Tịch Quang (Eternally Tranquil Light). Nơi đó được an lập bởi Pháp Thường Ba La Mật, Tự Ngã Ba La Mật cùng Tịnh Ba La Mật hóa giải các tướng trạng (aspect of existence), Lạc Ba La Mật không hiển bày trạng thái  thân tâm của một cá thể  và cũng ở đó Pháp tướng, hoặc hiện hữu hoặc chẳng hiện hữu, đều chẳng thấy, đây là nơi của Giải Thoát Tịch Tịnh, còn gọi là trí tuệ Bát Nhã. Bởi vì các Hiện tướng đó đều từ Pháp Thường trụ, nên giờ đây ông phải quán tưởng Chư Phật Mười Phương.’

“Khi ấy Hành giả được Chư Phật Mười Phương dùng tay phải xoa đầu mà dạy rằng: ‘Lành Thay! Lành Thay! Thiện Nam Tử ! Nay ông đã đọc tụng kinh điển Đại Thừa nên Chư Phật Mười Phương sẽ vì ông mà thuyết giảng Pháp sám hối. Hành Bồ Tát Đạo không chỉ là đoạn trừ  phiền não trói buộc[8], cũng không phải  trụ nơi biển phiền não. Khi quán Tâm thì không có Tâm để nắm bắt ngoại trừ Tâm vọng động do ý tưởng điên đảo phát sinh. Tâm biểu tượng hình tướng khởi lên từ vọng tưởng giống như  gió thổi trên không trung chẳng có chỗ dừng. Cho nên Tướng trạng của các Pháp không sanh hay diệt. Tội là gì? Phước là gì? Khi đã đạt được vô Tâm  thì Tội Phước đâu còn[9]. Các pháp cũng vậy, chẳng Thường chẳng đoạn. Sám hối cũng thế, khi quán vô Tâm thì đâu còn Tâm để nắm bắt, đâu còn Pháp để trụ.Các Pháp đều giải thoát, là diệt độ và tịch tịnh. Trạng thái đó là Đại Sám Hối, Đại Trang Nghiêm, Sám Hối Tướng trạng không còn tội lỗi và đối đãi. Người nào thực hành pháp sám hối này, sẽ được thân tâm thanh tịnh mà không trụ vào Pháp, tự do như giòng nước chảy. Qua mỗi lần quán như vậy hành giả có thể  thấy được Bồ Tát Phổ Hiền và Chư Phật Mười Phương.’

“Đến đây tất cả Thế Tôn đều phóng quang Đại Bi  vì hành giả mà giảng Pháp Vô Tướng. Hành giả nghe Chư Thế Tôn giảng về đệ nhất nghĩa Không (The Void of the first principle). Nghe như vậy hành giả cảm thấy tâm không còn dao động, và ngay đó  thể nhập vào địa vị Bồ Tát thực sự.” Phật bảo Ngài Anan: “ Thực hành như vậy gọi là Sám Hối. Đây là Pháp Sám Hối mà Chư Phật và các Đại Bồ Tát mười Phương tu tập.”

Đức Phật dạy tiếp:“ Anan! sau khi Phật diệt độ nếu các đệ tử sám hối tội lỗi và  nghiệp xấu, thì chỉ phải đọc tụng kinh điển Đại Thừa. Những Kinh Đại Phương Quảng này là mắt của Chư Phật, nhờ Kinhø đó mà Chư Phật có năm loại mắt[10]. Ba Thân Phật cũng từ Kinh này. Đây là Đại Pháp Ấn nhờ đó mà Biển Niết Bàn được ấn chứng. Từ Biển này,  phát sinh Ba Thân lành của Phật, các thân này là ruộng Phước của Trời và Người, là mục tiêu tối thượng để tôn thờ. Nếu có người nào đọc tụng kinh Đại Thừa Đại Phương Quảng,  phải biết người này được công đức Chư  Phật hộ niệm, tiêu trừ được các điều dữ đã có từ vô thủy và được sinh ra từ trí tuệ Phật.

Khi ấy Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:   

“Người nhãn căn xấu ác
Bất tịnh vì nghiệp chướng
Phải trì kinh Đại Thừa
Suy tưởng đệ nhất nghĩa
là sám hối nhãn căn
Dứt trừ hết nghiệp xấu
Nhĩ căn nghe rối loạn
Làm mất tánh hòa hợp
Tạo ra tâm rối rắm
Giống như  khỉ cuồng loạn
Phải trì kinh Đại Thừa
Quán tưởng Không, Vô Tác
 Dứt tội từ vô thủy
Thiên nhĩ  nghe   trùm khắp   
Tỉ căn vướng hương trần
Tạo tiếp cận dục nhiễm
Do tỉ căn lừa dối
Tư dục sinh vọng tưởng
Nếu trì king Đại Thừa
Quán thực tánh của Pháp 
Thoát nghiệp từ vô thủy
Vị lai không tạo nữa
Thiệt căn tạo năm nghiệp
Nếu muốn ngăn trừ chúng
Tinh tấn tu tâm từ
Hiểu chân thật tịnh Pháp
Lìa được Tâm phân biệt
Ý căn như vượn nhảy
Không hề chịu ngưng nghỉ
Dù chỉ trong giây lát
Muốn dẹp được thức này
Phải chuyên tụng Đại Thừa
Quán Thân Phật Đại Giác
Thánh tựu lực vô úy
Thân làm chủ các căn
Như gió thổi cuốn bụi
Quanh quẩn trong sáu căn
Tùy tiện không chướng ngại
Ai muốn trừ điều ác
Dứt vọng từ vô thủy
Thường trụ cảnh Niết Bàn
An trú tâm thanh tịnh
Phải trì kinh Đại Thừa
Bồ Tát từ đó sinh
Kinh là  mẹ Bồ Tát
Vô lượng cách vượt thoát
Khéo quán thực tại pháp
Đây gọi là sáu Pháp
Thanh tịnh hóa sáu căn
Nghiệp chướng như Đại Dương
Sinh ra từ tâm vọng
Nếu ai muốn sám hối
Hãy ngồi cho ngay ngắn
Quán về tánh  thực tại
Tội lỗi như sương mù
Giống như hạt sương mai
Mặt Trời huệ xua  tan
Người ấy phải tâm thành
Sám hối trọn sáu căn .”

 

Sau khi đọc kệ Đức Phật nói với Ngài Anan : “Ông nên sám hối lục căn, tu theo pháp quán  Phổ Hiền   cùng giản trạch nghĩa lí pháp này cho các hàng Trời và Người. Sau khi Như Lai diệt độ nếu các đệ tử  biết thọ trì, đọc tụng và giảng giải kinh Đại Phương Quảng này bất kỳ ở những nơi vắng vẻ, nghĩa địa, dưới cây, hay ở chốn A Lan Nhã (aranya) các người ấy phải đọc tụng kinh Đại Phương Quảng này, niệm tưởng nghĩa lí Đại Thừa. Nhờ đại công đức lực về quán tưởng  kinh  mà các hành giả thấy được Như Lai, tháp Phật Đa Bảo, vô lượng hóa thân Phật khắp Mười Phương, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Dược Vương và Bồ Tát Dược Thượng (Medecine Lord). Nhờ công đức kỉnh pháp nên hành giả được chư Phật và chư Bồ Tát từ không trung dùng diệu hoa ngợi khen những ai biết tu hành và gìn giữ chánh pháp. Nhờ công đức chuyên trì, đọc tụng kinh Đại Thừa Đại Phương Quảng nên được chư Phật và chư Bồ Tát  ngày đêm hộ trì cho  những ai biết tuân thủ Pháp.”

Phật lại nói vói Ngài Anan: “ Ta và Chư vị Bồ Tát trong Hiền Kiếp (Virtuous Kalpas) cùng chư Phật Mười Phương nhờ  pháp quán tưởng  nghĩa chân thực của Đại Thừa nên giờ đây đã dứt sạch các tội trong sanh tử của trăm vạn ức a tăng kì kiếp (asamkhyeya kalpas). Nhờ phương pháp sám hối   siêu mầu khiến mỗi chúng ta được thành Phật  khắp Mười Phương. Nếu ai muốn mau thành tựu toàn giác và  trong hiện đời được thấy chư Phật Mười Phương cùng Bồ Tát Phổ Hiền người ấy cần phải tẩy trần, phải đắp tịnh y, thắp hương   quý hiếm và phải vào tịnh thất (secluded place) để đọc tụng cùng niệm tưởng nghĩa lí Đại Thừa.”

Phật nói tiếp với Ngài Anan: “ Nếu  chúng sinh muốn quán tưởng Bồ Tát Phổ Hiền, phải quán như vậy. Người nào quán như vậy gọi là chánh quán, trái lại là tà quán. Sau khi Phật diệt độ nếu tất cả đệ tử  ngài đều vâng theo lời  dạy mà thực hành  pháp sám thì phải biết những người này tu theo hạnh Phổ Hiền, không còn gặp cảnh dữ hay ác  báo. Nếu có chúng sinh nào kính lễ Phật Mười Phương  ngày đêm sáu thời, tụng kinh Đại Thừa và nghĩ  sâu về đệ nhất nghĩa không, sẽ thoát được nghiệp sanh tử luân hồi tạo ra trong trăm vạn ức a-tăng kỳ kiếp mà chỉ mất thời gian bằng một cái búng  tay. Người ấy chính là đệ tử Phật, từ Phật sinh ra, chư Phật và chư Bồ Tát Mười Phương trở thành các giáo thọ, coi như hoàn tất Bồ Tát giới. Người ấy không cần phải qua nghi lễ sám hối, vì sẽ thành tựu Bồ Tát Hạnh và sẽ được các hàng Trời Người kính nể.

“Khi ấy nếu  muốn thành tựu Bồ Tát giới (precepts of the boddhisattva) hành giả phải chắp tay, ở nơi thanh vắng ( dwell in the seclusion of the wilds), lễ lạy chư Phật Mười Phương, sám hối tội lỗi và phải tự  thú các điều lỗi lầm. Liền sau đó tại một nơi yên tĩnh hành giả hướng về Chư Phật Mười Phương mà bạch rằng: ‘Kính lạy Chư Phật, các Đấng Thế Tôn thường trụ. Vì nghiệp chướng nên dù tin nơi kinh   Đại Phương Quảng, mà con vẫn chưa thấy rõ được Phật. Nay con xin nương tựa Phật. Kính bạch Đức Thích Ca Mâu Ni, bậc Thế Tôn Chánh Biến Tri (all Wise)  xin ngài nhận làm bậc giáo thọ cho con. Kính  bạch Bồ Tát Văn Thù, bậc đại bi đại trí, xin ngài ban cho con các pháp Bồ Tát Hạnh thanh tịnh! Kính bạch Bồ Tát Di Lặc, đấng đại từ tối thắng tựa mặt trời, với tâm bi ngài dành cho con, xin cho con tiếp nhận các pháp Bồ Tát Hạnh! Kính bạch

chư Phật mười phương, xin các Ngài thị hiện chứng giám cho con! Chư  đại Bồ Tát! Chư Đại Tối Thắng Sư ! Con xin niệm danh hiệu từng vị, xin các Ngài hộ trì tất cả chúng sinh! Kể từ nay con xin thọ trì kinh Đại Phương Quảng. Nếu phải hi sinh thân mạng, dù đọa địa ngục, hay phải chịu muôn ngàn  khổ não, con không bao giờ phỉ báng chánh Pháp. Dựa vào lẽ ấy và nhờ công đức lực này, con kính xin Đức Thích Ca Mâu Ni nhận làm giáo thọ!  Đức Văn Thù Sư Lợi làm thày! Đức Di Lặc ban Pháp trong đời vị  lai! Kính xin chư Phật Mười Phương chứng giám! Chư   Đại Hạnh Bồ Tát là thiện tri thức! Bởi nghĩa lí sâu mầu của kinh Đại Thừa, con xin quy y Phật quy y Pháp và quy y Tăng.’

“ Hành giả phải nguyện ba lần như vậy và sau khi qui y Tam Bảo hành giả phải nguyện giữ sáu giới[11]. Sau khi thọ sáu giới, hành giả phải tinh tấn tu tập, Phạm hạnh vô ngại, phát khởi tâm độ khắp chúng sanh rồi thọ tám giới[12]. Phát nguyện như vậy ở nơi thanh vắng, hành giả đốt hương quý cùng rải hoa cúng dường chư Phật, chư  Bồ Tát và các kinh Đại Thừa Đại Phương Quảng mà bạch rằng: ‘Con xin phát Bồ Đề tâm: Nguyện hồi hướng công đức này cho khắp cả chúng sinh.

“Tác bạch xong, hành giả một lần nữa đảnh lễ chư  Phật,  chư Bồ Tát rồi phải tư duy về nghĩa lí kinh  Đại Phương Quảng. Suốt một ngày hay ba lần trong bảy ngày, không kể là xuất gia hay tại gia, hành giả không cần giáo thọ hoặc  tôn sư  truyền giới, mà cũng chẳng cần phải thọ lễ Yết Ma(jnapti-karman); nhờ năng lực thọ trì đọc tụng kinh  Đại Thừa lại nhờ có Bồ Tát Phổ Hiền khuyến nhủ và giúp đỡ, _Những Pháp sự đó chính là Pháp nhãn của chư Phật mười phương_ do đó hành giả thành tựu năm phần Pháp thân : Giới, Định, Huệ, Giải thoát và Giải Thoát Tri Kiến. Tất cả chư Phật, Như  Lai, đều từ Pháp này mà sinh ra đời và được thọ ký chứng đắc trong kinh  Đại Thừa. Này thiện tri thức! Ví như có vị Thanh Văn (Stravaka) phạm Tam Qui, Ngũ Giới, Bát giới hoặc phạm giới tì kheo, tì kheo ni, Sa Di nam, Sa Di nữ, Thức Xoa Ma Na (Sikshamanas), hoặc phạm oai nghi, hoặc vì tánh điên đảo, độc ác, xấu xa, sai trái, người ấy phạm nhiều giới và làm mất luật uy nghi. Nếu người ấy muốn thoát khỏi và diệt hết  lỗi lầm để trở lại địa vị tì kheo, thành tựu tu hành, thì phải siêng năng đọc kinh Đại Phương Quảng, suy tư sâu sa về Đệ Nhất Nghĩa Không, phải nhập tâm trí tuệ tánh không này (wisdom of the Void). Phải biết rằng người ấy mỗi niệm sẽ thanh lọc sạch các cấu nhiễm của tội lỗi từ vô thủy. Đây gọi là tỳ kheo đầy đủ giơí luật và thành tựu oai nghi. Người ấy sẽ được các hàng Trời và người cúng dường. Giả sử có vị ưu bà tắc (upasaka) vi phạm oai nghi và có hành động xấu, tỉ như tố cáo Phật pháp có nhiều sai trái và vạch những lỗi lầm của tứ chúng, và không hổ thẹn khi phạm tội trộm cắp hoặc tà dâm. Muốn sám hối và đoạn trừ tội lỗi, người ấy phải siêng năng đọc tụng kinh Đại Phương Quảng và tư duy về Đệ Nhất Nghĩa. Giả như  hàng  vua quan,  Bà La Môn, dân dả, bô lão, quan viên, tham lam chạy theo danh lợi không nhàm mỏi, phạm năm trọng tội, phỉ báng kinh Đại Phương Quảng và tạo mười ác nghiệp. Quả báo của những lỗi lầm trên dẫn họ sớm rơi vào đường dữ, nhanh hơn là phát khởi một cơn giông bão. Những người này chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục A Tì. Nếu họ muốn thoát khỏi và diệt trừ nghiệp chướng thì phải biết hổ thẹn và sám hối tội lỗi.

Phật bảo: “ Thế nào là Pháp sám hối  Sát Đế Lị và thường nhân[13] ? (Kshatriyas and citizens). Pháp sám hối Sát Đế Lị và thường nhân nghĩa là: Họ phải thường xuyên giữ chánh niệm, không phỉ báng Tam Bảo, không gây chướng ngại cho tì kheo không phản bác bất cứ ai tu Phạm hạnh; họ không được quên sáu Pháp quán niệm (six reflections), mà phải cúng dường cung kính lễ lạy người thọ trì kinh điển Đại Thừa, phải nhớ nghĩa kinh sâu sa và  Đệ nhất nghĩa không. Bất cứ người nào nghĩ về Pháp này, được coi như thực hành Pháp sám thứ nhất của hàng Sát Đế Lị và thường nhân. Đền đáp công ơn đối với cha mẹ, kính trọng thầy và các bậc trưởng thượng, là mọi người thực hành pháp sám thứ hai. Điều hành các xứ sở theo Chánh Pháp, không ép buộc người một cách không chính đáng là họ thực hành pháp sám thứ ba. Ban hành trong nước lệnh sáu ngày trai tịnh[14] và ra lệnh cho các cấp quyền cữ sát sinh ở bất cứ nơi nào thuộc quyền là họ thực hành Pháp sám thứ tư. Tin vào luật nhân quả và tin vào thực tại duy nhất và phải biết Phật chẳng hề sanh diệt, là họ thực hành  Pháp sám  thứ năm.

Phật bảo ngài Anan: “ Nếu trong đời vị lai có người nào biết tu hành theo các pháp sám hối này, phải biết người đó khoác áo hổ thẹn, được Đức Phật hộ niệm và chẳng bao lâu sẽ chứng vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Sau khi phật nói kinh này có mười ngàn Thiên tử chứng được huệ nhãn thanh tịnh cùng các vị Đại Bồ Tát, Bồ Tát Di Lặc, ngài Anan cùng đại chúng nghe lời Phật dạy, thảy đều hoan hỉ phụng hành.

 

NAM MÔ PHỔ HIỀN BỒ TÁT MA HA TÁT (3 lần)



[1] Tượng trưng sáu căn: mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý.

[2] Tượng trưng bảy giới:sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, chê bai người khác, vọng ngữ, nói hai lưỡi.

[3] Sáu thời tụng niệm:chiều, tối, sáng, nửa đêm, sáng sớm, trưa.

[4] Khi chư Phật nhập định.

[5] Một trong sáu phép thần thông, có khả năng nhớ lại các kiếp trước.

[6] Lục hòa hợp: Chỉ sự hòa hợp giữa sáu căn vói sáu trần.

[7] Tám đường dữ: địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, trời, cõi xa, mù điếc, thường chấp, xa rời Phật đạo.

[8] Bồ Tát thực hành trung đạo: Không tu khổ hạnh cũng không theo đường lối lười mỏi.

[9] Khi đạt trạng thái phi đối đãi thì tốt xấu đều vô nghĩa.

[10] Ngũ nhãn: nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, phật nhãn.

[11] Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống riệu, không vạch lỗi của          người khác.

[12] Bát giới: Gồm sáu giới trên va thêm hai giới:Không giữ kín lỗi lầm của mình và không cố vạch yếu điểm của người khác.

[13] Giai cấp quần thần.

[14] Gồm có các ngày mồng Tám, Mười Tư, Rằm, Hăm Ba, Hăm chín, Ba Mươi.

http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/quanPhoHien.htm

 


Vào mạng: 1-5-2002

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang