Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Từ tâm linh tới vấn nạn kinh tế
Nguyễn Văn Hóa

Trong nửa đầu thế kỷ 20, mấu chốt về phát triển chủ nghĩa tư bản từng là đề tài tranh luận giữa các nhà xã hội học, kinh tế sử gia ở Âu Mỹ. Sự tranh luận ấy xoay quanh đề án của Max Weber trong "Protestantism and Capitalism" (thập niên đầu thế kỷ 20). Theo Weber, tư tưởng Calvin-nguồn suối của Thệ-phản-giáo ( Protestant ) là đầu mối cho sự hình thành và phát triển tư bản chủ nghĩa. Phát kiến này đã tạo nên hai trường phái: chống đối và ủng hộ. Đại biểu nổi bật nhất của phe chống đối là Werner Sombart, cho rằng chủ nghĩa tư bản đã có mặt trước khi tư tưởng Calvin ra đời. Cơ chế nhà thờ Gia tô giáo thời Trung cổ Âu châu với tư tưởng của Thomas Aquinas về "sự hợp lý hóa đời sống" đã ảnh hưởng tới tư tưởng tư -bản-kinh-tế. Tại sao cần phải "hợp lý hóa" ? Sombart trả lời: sự sợ hải về một thượng đế đầy "phép tắc và quyền năng" đã buộc con người phải suy nghĩ, tự xét, cân nhắc mọi hành động, tư duy của mình. Nói cách khác, là sự hợp lý theo ý muốn của Thượng đế thiên khải, cũng là ước muốn của một số người đã sáng tạo ra nó.

Tinh thần "duy lý" ấy đã trở thành một nếp sống thường nhật (Tuy nhiên ta nên phân biệt tinh thần "duy lý" nầy rất khác với tinh thần duy lý của khoa học và duy thức học trong Phật giáo). Thí dụ khi một linh mục nói với con chiên : tất cả mọi việc làm có lợi ích nhằm phục vụ Thiên Chúa là điều hợp lý. Điều đó trái với tinh thần của thánh kinh "không nên ham muốn của cải người", nhưng không nghịch lý nếu việc làm giàu ấy nhằm vào việc phát triển cơ ngơi, bồi đắp cho quyền lực của giáo hội.

Ngược lại, đại biểu cho phe ủng hộ là Ernst Troeltsch đồng ý với Weber trên căn bản Thệ phản giáo đã có tác dụng nhân quả, hổ tương cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa.

Trong phạm vi bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi không đi sâu vào chi tiết tư tưởng của cuộc tranh luận, chỉ đề cập đến nó như một dẫn chứng về vận hành lịch sử đã chứng minh giá trị của chủ nhgĩa tư bản trong thế kỷ 20.

Nếu đứng ngoài tầm nhìn của các nhà tương lai học, đa số chúng ta đều đồng ý rằng nền kinht ế ỏ các nước Âu Mỹ, kể cả Nhật bản và vài nước ở châu Á đã đưa quốc gia họ tới một xã hội thịnh vượng, phát triển cao trong một thời gian ngắn.

Giũa thập niên 60, một vài lý thuyết gia về thuyết "hội tụ" (Convergence) như Herman Kahn (Mỹ) đã tiên đoán rằng vào cuối thế kỷ này các quốc gia cộng sản sẽ dân chủ hóa chế độ chính trị của họ, tư bản hóa một số mặt nền kinh tế tập trung. Ở các nước tư bản sẽ tiến tới xã hội hóa từng phần các phương tiện sản xuất, mở rộng các chính sách an sinh xã hội (social welfare).

Đối với các chế độ cộng sản, hiện tượng giải thể chế độ độc đảng, lần hồi áp dụng mô thức tư bản chủ nghĩa chừng hơn một thập niên qua đã vượt quá xa các lời tiên đoán. (tỉnh lược một đoạn). Về phương diện kinh tế: áp dụng một nền kinh tế chỉ huy tập trung tại Việt Nam là một sai lầm về thực nghiệm. Nếu chế độ cộng sản Việt Nam muốn cởi mở về chính trị, để có thể áp dụng từng phần tư-bản-hóa guồng máy kinh tế, đẩy mạnh kinh tế thị trường, biến các cán bộ, đảng viên trở thành trở thành những nhà doanh nghiệp (một "undertaker" qua hình thức tư-bản-nhà-thờ thế kỷ 17, hay một Entrepreneur của tư bản hiện đại) vẫn đưa tới sự thất bại ! Tại sao ? - các cán bộ, đảng viên không có, hoặc không chuẩn bị cho một "cơ sở tinh thần' về tâm linh để biến cải họ trở thành một nhân cách công dân yêu nước và trong sạch. Tham lam và ích kỷ sẽ biến họ trở nên hư hỏng và phá hoại đất nước. Chưa kể kỷ năng và sáng kiến là các yếu tố ắt có của các doanh thương, họ thiếu vắng. Ngoại trừ lòng yêu nước và tự ái dân tộc có thể làm các cán bộ, đảng viên trở thành nhũng kẻ hy sinh tự nguyện. Nhưng yêu nước là một yếu tố trừu tượng. Một công dân có thể tự hào chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước trong thời chiến, nhưng khó tự hào để quên đi những cám dỗ về lợi ích cá nhân trong thời bình. Tự ái dân tộc cũng tương tự. Giá trị (tiêu cực) của người cộng sản còn, khi "đức tin" vào giáo điều cộng sản chủ nghĩa còn; nhưng khi thực trạng "không thể sai lầm" (infallibility) đã phơi bày sự sai lầm toàn diện về thực tiễn và hành động thì giá trị ấy tự hủy. Đó chính là vấn nạn. Để có giải pháp trong giai đoạn sau cộng sản, chúng ta thử tìm tới một ánh sáng dân tộc có sẳn và tiềm tàng nhưng bị che khuất hơn trăm năm: đạo Phật. Có thể tinh thần đạo Phật đi song song với sụ phát triển kinh tế không ? Có nhiều người đã từng cho rằng đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế, xa rời thực tế đời sống, làm sao có đủ năng động tính trong nền kinh tế thị trường ? Chúng ta thử đi tìm một vài ý niệm mới khả dĩ kết hợp giữa tinh thần đạo Phật với sự phát triển kinh tế thị trường như một tác nhân nhân quả và hổ tương để đánh tan các thành kiến cũ.

- Nhưng trước hết, tại sao phải đạo Phật ?

Ở Việt Nam có bốn tôn giáo lớn: Phật giáo, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Gia tô giáo. Đạo Tin lành (hay gọi đúng nghĩa hơn là đạo Phản thệ Gia tô) mặc dù khởi sự du nhập vào Việt Nam từ năm 1911, nhưng đã bị chèn ép vì các lý do chính trị và tín lý bất dung của các chế độ cai trị xây dựng trên quyền lực tôn giáo, nên đã phát triển một cách hạn chế. Cho đến giữa thập niên 1960, lúc thời điểm thuận lợi nhất vẫn chỉ đạt được con số người theo đạo hạn chế. Dữ kiện này có thể rút ra một kết luận bén nhạy rằng: nếu một tôn giáo dựa trên tín lý độc thần, thiếu cơ sở thuần lý tự nhiên, nếu không bị một sự ép buộc bằng bạo lực và mưu đồ bất chính, qua sự mua cuộc vật chất không đủ sức thuyết phục thành phần nông dân và trí thức Việt. Nhưng Tin Lành đã phát triển được một số cơ sở, tổ chức rất đáng làm chúng ta suy nghĩ, đặc biệt trong giới thanh thiếu niên. Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo là hai tôn giáo phát sinh từ nội địa, mang sắc thái dân tộc địa phương, nhưng vì giới hạn về cơ sở tư tưởng, nên chưa phát triển được ngang tầm quốc gia.

Tôn giáo quan trọng khác là Gia tô La mã giáo có chiều dài phát triển đáng kể. Nếu theo các nhà "sử học Công giáo", thì tôn giáo này đã du nhập vào Việt Nam từ hơn bốn thế kỷ. Xét theo lịch sử Việt Nam cận đại kể từ lúc Pháp áp đặt sự đô hộ đến nay, tín đồ Gia tô chỉ đạt con số khiêm tốn khoảng bốn triệu người (có những xuất xứ khác cho là đến 8 triệu người). Chúng ta tự đặt câu hỏi: Trong khoảng thời gian dài như vậy (kể cả thời gian đô hộ Pháp và các chế độ Gia tô trị đệ nhất, đệ nhị Cộng hòa), Gia tô giáo qua các lợi thế và phương tiện thống trị, lẽ ra người dân Việt phải theo đạo hệt thảy, để nhận được sự an toàn, thừa hưởng những "ưu đãi" từ giai cấp thống trị ?. Quyền lực nhà Nguyễn trong cuối thế kỷ 19 đã bị đánh bại và tê liệt hoàn toàn, đâu còn có lý do chánh đáng nhất để buộc tội họ là những kẻ đàn áp, chận đứng người dân theo đạo ? (Giá trị độc lập của An Nam chỉ là vùng địa dư bị thu hẹp, dân số ít hơn so với hai vùng bảo hộ và thuộc địa). Như vậy, chỉ còn lý do giải thích cho sự từ chối Gia tô giáo của đại đa số dân chúng (phần lớn là nông dân với tinh thần dung dị nhưng rất yêu đất nước) chính là do sự bám rể tinh thần "đạo dân tộc" trong nếp sống tâm linh của người dân. Điều "không may" cho các nhà truyền giáo phương Tây, đạo Phật là một phần cốt lõi của nếp sống tâm linh này. (Đây là yếu tố đã dẫn dắt người trí thức Gia tô trở nên mâu thuẫn trong lập luận: vừa phủ nhận vừa chấp nhận. Phủ nhận: đạo dân tộc của người dân Việt không phải là đạo Phật, nhưng phải chấp nhận sự thật lịch sử không thể nào Gia tô hóa dân tộc Việt Nam, nhất là đại đa số nông dân và thành phần trí thức).

Cốt lõi tâm linh này là tinh thần bám rể đã tô bồi cho người dân Việt niềm kiêu hãnh, tự trọng và tự ái dân tộc đã thúc đẩy họ từ chối thừa nhận tín lý đầy tính cuồng nhiệt, si mê của tôn giáo mới.

Tinh thần bám rể ấy nói nôm na là đạo Phật. Cho nên sự lựa chọn đạo Phật làm cơ sở tinh thần cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam, là sự lựa chọn của trí tuệ, phù hợp với cá tính, truyền thống dân tộc (không phải là tiên kiên của người theo đạo).

Chúng ta thử đưa ra vài ý niệm làm cơ sở tinh thần tinh thần (đạo Phật) cho sự phát triển một nền kinh tế thị trường:

1. Trước tiên giải quyết ba vấn nạn về thành kiến đối với đạo Phật

Một, đạo Phật chỉ phù hợp với nền kinh tế xã hội. Hai, tinh thần đạo Phật không thể đi đôi với tư bản chủ nghĩa. Ba, ở Việt Nam đạo Phật với dân tộc là một. Do đó muốn bảo vệ đạo Phật dân tộc phải độc lập. Muốn có độc lập phải chấp nhận nghèo: đói ăn rau, đau uống thuốc. Phát triển quốc gia theo mô thức tư bản chủ nghĩa, sẽ bị lệ thuộc ngoại bang. Mất độc lập tính thì đạo Phật tiêu tan.

+ Giải quyết một: Đành rằng đạo Phật phù hợp với nền kinh tế xã hội. Bởi lẽ một nền kinh tế xã hội có điều kiện tạo nên một xã hội bình đẳng. Nhưng đi theo mô thức xã hội chủ nghĩa chỉ làm cho đất nước phát triển chậm chạp, xã hội trì trệ. Trong cộng đồng kinh tế toàn cầu đang phát triển, nô nức vì sự tiến bộ, một xã hội Phật giáo không thể tách rời, tự cô lập, mà phải biết hội nhập, cộng tác và thi triển. Đó là tính thích nghi của đạo Phật.

+ Giải quyết hai: Tinh thần đạo Phật vốn dứt tuyệt tính tham sân si, bởi tham sân si là nguồn gốc của vô minh đưa tới sự khổ đau. Nhưng đó là lòng tham bất chánh. Trái lại, tham hiểu theo nghĩa là ước vọng hãnh tiến với cộng đồng nhân loại, là lòng tham chính đáng. Hơn nữa hình thái của chủ nghĩa tư bản ở thế kỷ 21 không phải là hình thái của thế kỷ 19. Hiệu quả về sự phát triển cuả chủ nghĩa tư bản sẽ đóng góp vào sự phát triển đạo Phật, là nhân tố tinh thần điều hòa sự bất cân đối, quá độ do sự phát triền tạo nên.

+ Giải quyết ba: Ở Việt Nam, đạo Phật ngự trị trên các giai tầng xã hội về mặt tâm linh. Về phương diện sinh hóa, đạo Phật là chất xúc tác, chất nhựa nuôi dưỡng và kích động tinh thần đấu tranh bảo vệ giang sơn gấm vóc. Nhưng độc lập dân tộc không có nghĩa là bế quan tỏa cảng, đóng cửa quanh năm. Tính bao dung của đạo Phật sẽ đón nhận các nguồn văn hóa mới, sản phẩm kinh tế nhu yếu, kỹ thuật cao, sống hòa đồng với các chủng tộc khác trong sự bình đẳng, đồng lợi cộng sinh. Một tinh thần đạo Phật vui tươi, yêu đời, sinh động đòi hỏi con người phải biết tiêu thụ. Các quốc gia Phật giáo như Nhật Bản, nam Triều Tiên... đã thể hiện tính bao dung này, nhưng đâu có đánh mất độc lập dân tộc !

2. Tính lợi nhuận

Động cơ chính của chủ nghĩa tư bản là lợi nhuận. Lợi nhuận, hay nói một các khác là sự tích luỹ để làm giàu. Làm giàu nhưng không bóc lột, chiếm đoạt của cải người khác không đi ngược lại tinh thần đạo Phật. Làm giàu chính đáng, tích luỹ tài sản một cách lương thiện là phương tiện cảm nhận, đóng góp vào việc giải quyết phần nào chân lý thứ nhất trong tứ diệu đế. Đạo Phật luôn luôn nhắc nhở ta về sự khổ đau của kiếp người: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Nhưng, nếu có phương tiện để giảm thiểu sự đau khổ này là điều thiết thực.

3. Tính trung đạo

Tinh thần của đạo Phật là "không thái quá, không bất cập". Tính trung đạo biết tránh khỏi mọi trạng huống cực đoan. Tính trung đạo không đẩy chúng ta vào sự chọn lựa giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, bởi lẽ chủ nghĩa tư bản không phải là mô thức phát triển xã hội cực đoan, vì trong thực tế ở các quốc gia dân chủ tư bản, người ta có thể sửa sai, thay đổi chính sách kinh tế một cách mềm dẻo, hiệu quả. Điều người ta lo ngại nhất là hậu quả về mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp đẫm máu đã không xảy ra.

Werner Sombart, một kinh tế sử gia Đức cho rằng, các nhà học viện Âu châu ở thế kỷ 17, khi cổ vỏ cho tính tiết kiệm (economy) để có vốn tư bản, đã sử dụng danh từ liberalistas để diễn đạt một chính sách trung dung kinh tế giữa hai yếu tố là lòng cực tham và tính phung phí quá độ. Nói rõ hơn là biện pháp cân bằng giữa lợi nhuận và chi tiêu. Trong ý nghĩa thực tiễn tương tự, tính trung đạo trong đạo Phật, giúp cho các nhà doanh thương , kỹ nghệ gia, quản trị viên công ngiệp có tinh thần sáng suốt trong cách giải quyết các vấn đề kinh tế, theo sát và kiểm soát được nội tình hoạt động kinh doanh của mình.

4. Tính hợp lý hóa về tổ chức

Đạo phật khuyên con người không nên tin vào giáo điều, không vịn vào những tập quán lưu truyền đã tạo nên thành kiến, không tin vào những điều được lập đi, lập lại, những bút tích... Chính vì không định kiến, tạo cho con người sự tự do, khai phóng về tư duy. Tự do tư duy nẩy sinh ra những thắc mắc, vấn đề. Kết quả sau cùng của mọi thắc mắc tạo nên tính hợp lý trong lề lối suy nghĩ và hành động. Khi nhìn vào sự vật và hoàn cảnh theo quy luật biện chứng nhân duyên, nhân quả, các nhà kinh tế kế hoạch sẽ có khả năng tiên liệu, sắp đặt tổ chức công việc khoa học. Mối liện hệ hữu cơ giữa tính-hợp-lý-hóa về tổ chức và tinh thần duy tuệ thị nghiệp sẽ linh động hóa, hiệu năng hóa trong các lãnh vực quản trị, sản xuất, chế tạo.

6. Tính cộng sinh

Cá nhân là một đơn vị của tập thể. Trong đạo Phật mỗi cá nhân là một biệt nghiệp. Khi nghĩ đến tha nhân thì biệt nghiệp ấy không còn là cá nhân ích kỷ, tị hiềm nữa mà trở thành một hòa điệu trong cộng nghiệp chung. Trong môi trường làm việc ở các xí nghiệp, công ty... tính cộng sinh sẽ giúp cho các nhân viên đến ban quản trị hiểu rằng sự hợp tác lao động hôm nay là để tạo nên sự phồn vinh cho ngày mai, mang lại tiện nghi đời sống, lợi ích chung không những cho bản thân mà còn cho cả xã hội.

7. Tính thực tiễn

Tri-túc-hành trong đạo Phật là biết dùng các phương thức sử dụng tài năng để soi xét, tìm hiểu. Dùng lý trí để phán đoán sự vật mà không cho tình cảm xen lấn vào. Một trong bốn điểm trong tư- nhiếp-pháp là người Phật tử cố làm tất cả mọi công việc xét thấy có lợi cho bản thân và tập thể. Áp dụng tính thực tiễn này trong lãnh vực sản xuất, vấn đề quản trị sẽ nhẹ bớt các biện pháp giám sát, động viên nhân công. Người quản đốc vì hiểu được lợi hành, nên tự coi mình bình đẳng với nhân viên trong môi trường làm việc, đánh mất tính chỉ huy, mệnh lệnh. Người nhân viên vì hiểu được lợi hành, nên có ý thức trách nhiệm, không mặc cảm thứ bậc, tránh khỏi tính bất mãn, chống đối vô cớ.

Tạm kết

Đưa ra 7 tính chất cơ bản trên, người viết đã rút tỉa và suy nghiệm từ cốt lõi tinh thần đạo Phật, là những ý niệm mở đầu tạo cơ sở tư tưởng kết hợp, tác nhân với sự phát triển kinh tế thị truờng (tư bản) ở Việt Nam. Đó là tham vọng lớn, nhưng lại nằm trong tầm tay của những người Việt dân tộc. Người viết không dám xác quyết mình có đủ khả năng để phát triển nó thành hệ thống lý thuyết hay không. Nhưng khả năng không phải là vấn đề. Điều quan trọng là sự "động não" của kẻ mở đường. Nếu suy nghĩ đúng, ước vọng đúng sẽ có nhiều người tiếp nối, bồi đắp, triển khai sau này.

Nói đến sự áp dụng con đường kinh tế tư bản ở Việt Nam sẽ làm nhiều người chau mày, vì hai lẽ: tình cảm và chuyên môn. Về tình cảm, một số người cho rằng các tệ trạng xã hội do sự phát triển tư bản chủ nghĩa đẻ ra sẽ làm băng hoại các truyền thống văn hóa, tâm linh của xã hội Việt Nam. Về chuyên môn, sẽ có một số chuyên viên về kinh tế cho rằng không thể áp dụng kinh tế tư bản ở Việt Nam được, vì các lý do thực tại thiếu hẳn các điều kiện ắt có và đủ. Nhưng qua sự trình bày của bài viết, chúng ta sẽ nhận ra rằng một lý thuyết phân tích chi ly về giá cả chẳng hạn, không liên quan đến cơ sở tinh thần hổ trợ cho việc chọn lựa con đường phát triển.

Nghĩ tới cùng, chúng ta hãy nhìn xem các quốc gia trong vùng biển Thái Bình như Nhật Bản, Nam Hàn, Hồng Kông, Đài Loan, Tân Gia Ba, Thái Lan, Nam Dương nhờ vào chính sách kinh tế tự do, thị trường đã tạo cho họ điều kiện để cất cánh, và phát triển ở mức độ khá nhanh. Chúng ta không nên sống trong tinh thần hoài cổ, khi thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Tệ hại hơn, có những kẻ đang sống trong cảnh ăn ngon, mặc sang, nhưng trong nếp nghĩ chỉ muốn hình ảnh ở nông thôn Việt Nam vẫn là những người nông dân chân lấm tay bùn bên con trâu với chiếc cày. Giữ được văn hoá truyền thống để có một nền kinh tế chỉ mang lại thực phẩm gạo rau mắm muối ? Những con người đó đã vô tình chống lại tinh thần đạo Phật. Nâng cao đời sống vật chất của con người không phải là chủ trương duy vật. Lịch sử hình thành và phát triển chủ nghĩa tư bản Tây Phương đã chứng minh tâm linh và kinh tế có một mối quan hệ nhân quả. Nếu yếu tố tâm linh Tây Phương sẽ tạo nên mâu thuẫn nội tâm cho bản tính của người Việt, thì đạo Phật là giải pháp, là con đường. Một nhà doanh thương (Entrepreneur) thấm nhuần tinh thần đạo Phật, sẽ biết sử dụng của cải, sự giàu có của mình đóng góp vào phúc lợi công cộng, mang lại ơn ích và niềm kiêu hãnh dân tộc. Thấy đuợc như thế, chúng ta sẵn sàng xóa bỏ tinh thần bảo thủ, tự ti để cùng nhau hãnh tiến.

Nguyễn Văn Hóa
(Viết lại ngày 18/10/2000)

http://www.buddhismtoday.com/viet/kinhte/001-vannan.htm

 


Cập nhật: 1-11-2000

Trở về mục "Kinh tế Phật giáo"

Đầu trang