Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Bài tham luận ngành Hoằng Pháp

 

 CƯ SĨ LÀM KINH TẾ ĐƯỢC HAY KHÔNG ĐƯỢC?

 

Lâu nay không ít người cho rằng khi trở thành người Phật tử thì công việc kinh doanh chỉ mang tính cầm chừng, bởi cuộc sống này là Vô thường, Vô ngã, Duyên sinh cho nên phải thường quán niệm thiểu dục tri túc để thân tâm được hạnh phúc an lạc giải thoát! Đồng với quan niệm này, bạn Khánh đang công tác ở NXB chính trị quốc gia cũng bày tỏ quan điểm: “…Phải chăng Phật giáo chủ trương Tư tưởng tiết dục và đạo Lão không đề cao chữ phú…nên đã tác động phần nào đến nền kinh tế nước nhà?..”[1] Vậy Phật giáo hiện nay phải chăng đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển “công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước” và càng không thể cạnh tranh trên thương trường quốc tế WTO?

Có thể nói, đây là một vấn đề lớn cho ngành Hoằng pháp đang phải đối mặt với nhận thức mới của số đông lớp trẻ công chức và doanh nghiệp Phật tử đang “vướng” phải giữa giáo lý, giới pháp đã thọ và thực tế cuộc sống. Vấn đề được đặt ra ở đây, cái gì phù hợp cái gì cần phải hoàn thiện và cái gì cần thay đổi trong giảng dạy, nhận thức và tu tập. Nếu không đáp ứng được những vấn đề nêu trên thì Phật giáo Việt Nam nói riêng và Đạo Phật nói chung sẽ gây nên sự “ngộ nhận” cho những ai quan tâm và đang song hành cùng đạo lý giải thoát là có thể xảy ra!

Thiết nghĩ đây là một vấn đề cần được quan tâm và chia xẻ từ Chư Tôn Đức giáo phẩm và Tăng Ni Phật tử để giải tỏa những vướng mắc tương tự như hệ thống hành chánh xã hội “hộ khẩu đòi nhà, nhà đòi hộ khẩu” trước đây đã được tháo gỡ.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là cư sĩ làm kinh tế có trái lại quan điểm giáo lý và giới luật hay không? Còn làm thì sẽ theo phương thức nào? Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa hay Kinh tế Tư bản hoặc nằm ngoài hai hệ thống đó để đời sống được nâng cao và cũng là trách nhiệm của mọi công dân giúp cho đất nước phồn thịnh mà Phật giáo Việt Nam nói chung và ngành Hoằng pháp nói riêng không thể đứng ngoài và cần phải có sự phúc đáp cho hiện tại và tương lai qua phương thức giảng dạy đồng bộ từ Trung Ương đến cơ sở để người Phật tử vừa kinh doanh vừa tu tập thoải mái an lạc.

Trả lời được câu hỏi trên chúng ta cần phải tách giáo lý, giới luật, tu tập giải thoát và khái niệm ra từng phần.

 

1. Đạo lý giải thoát:

Đức Phật chủ trương nền tảng giáo lý và con đường giải thoát của Ngài không phân biệt xuất gia hay tại gia, miễn là người đó hội đủ yếu tố không còn bị ràng buộc bởi cuộc sống để tập hạnh ly dục, ly bất thiện pháp… xuyên qua khái niệm Vô ngã, Tánh không, Niết Bàn, mọi sự vật hiện tượng đều do duyên sinh, không có gì thường hằng vĩnh cửu. Nên lúc nào cũng phải quán niệm đối với thân “tam thường bất túc[2] bởi nếu mọi thứ đầy đủ hết là xem như khó nhiếp tâm và có nguy cơ bị đắm chìm trong “ngũ dục[3] tức là mỗi khái niệm được hình thành đều có liên hệ mật thiết với các yếu tố pháp đối trị và giới luật. Vì vậy, tất cả những ai muốn quán triệt tư tưởng đó đều phải áp dụng theo tính triết lý là ít muốn, và không thụ hưởng vật chất để tâm hồn được thanh cao[4]. Cho nên các điều kiện trên dường như dành cho người Xuất gia, chỉ một số ít Cư sĩ có đủ điều kiện.

Vì vậy, đối tượng thường hướng đến của hàng xuất gia là Diệu pháp tối thượng. Trong khi con người lại có khuynh hướng đi tìm sự trường cửu trong biến động của thế giới[5]. Từ đó bám víu vào từ thân thể của mình cho đến sáng tạo ra những ý niệm tồn tại để tranh danh đoạt lợi, đó là nguyên nhân sinh ra đau khổ. Thậm chí những ý tưởng thụ hưởng còn trong vi tế cũng bị xem bất thiện.

Đó là mấu chốt quan trọng của vấn đề nên đức Phật đã tách khái niệm nhận thức, giáo pháp, tu tập cho số đông người tại gia để sống thuận theo xã hội và đúng với bản chất vốn có trong con người, từ đó lồng nguyên tắc đạo đức vào cuộc sống để con người chấp nhận, đó cũng là khuôn phép giúp cho xã hội ổn định và phát triển.

 

2. Đạo lý nhân thừa:

Đức Phật đã quán niệm và an trú hỷ lạc bảy tuần thất sau khi ngồi thành đạo dưới cội Bồ-đề, rồi sau đó Ngài đã muốn vào vô dư y Niết-bàn, liền lúc đó chư Phật ba đời liền dùng tiếng Phạn an ủi và khuyên Ngài nên dùng phương tiện để giáo hóa chúng sinh. Đồng thời chư Thiên cũng ba phen cầu thỉnh.[6] Dữ kiện trên cho chúng ta thấy sự uyển chuyển giáo pháp Phật giáo đã có từ ngàn xưa và bắt đầu trước khi Ngài quyết định chuyển pháp luân. Nên giáo pháp của Ngài cũng đã chia ra cho xuất gia và tại gia rất rõ ràng: “Các ngươi phải siêng năng tu các điều thiện, nhờ tu điều thiện mà mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi và được an ổn, khoái lạc, của báu dồi dào, uy lực đầy đủ[7]. Thông điệp này cho thấy Đức Phật không chỉ quan tâm cho việc giải thoát mà còn chăm sóc kỹ tư tưởng và  cuộc sống cho “lãnh đạo các nước” làm thế nào để sống vui sống khỏe trong hiện tại nhằm mang lại cuộc sống an lạc thái bình cho muôn dân.

Đối với dân thì Ngài dạy: “Phật tử tại gia được phép làm bất cứ việc gì của xã hội, miễn là phải áp dụng phương thức “Chánh mạng”. Không làm giàu trên xương máu của người khác, không vì lợi nhuận cao mà đánh mất đi chữ tín. Đồng thời phải nói lời chân thật là nguyên nhân sanh phước, và cũng là tạo niềm tin cho đối tác về lâu dài. Tâm được an vui trong kiếp này và vị lai; sẽ có lợi lộc, quyền chức, giàu sang và nhiều bạn lành[8]. Nói lời chân thật và kinh doanh không gian lận làm cho đối phương dễ tin tưởng nơi ta.  Phải chăng đó là nguyên tắc đạo đức cho giới doanh nghiệp mà ngày nay thế giới đang hướng đến là WTO, hiện tại Việt Nam đã là thành viên thứ 150 của chợ quốc tế này! Xem ra nguyên tắc đạo đức đúng ở mọi không gian và thời gian. Nếu đi ngược lại các nhà doanh nghiệp sẽ phá sản bởi không dùng tài năng và chất lượng hàng hóa để giao dịch với đối tác mà dùng tiền để khuynh loát hoặc chi phối nhân viên công vụ làm cho họ bị biến chất, nhằm qua mặt pháp luật để gian lận thương mại. Điều đó xảy ra 3 vấn đề cho bản thân và sự nghiệp:

1/ Uy tín bị giảm.

-         Chất lượng hàng hóa bị giảm sút.

-         Sức cạnh tranh không có.

2/ Thân thể bị suy kiệt.

-         Luôn sống trong âu lo.

-         Dễ mắc bệnh rối loạn tim mạch, tiểu đường và huyết áp cao… do bị Stress.

3/ Phá sản.

-         Chổ nương tựa để gian lận thương mại không còn tại chức.

-         Chất lượng hàng hóa không đúng với sự thật…

Sau khi gia nhập WTO thì điều này sẽ không tồn tại, nên chính phủ đã dự đoán có khoảng 40% cá thể và doanh nghiệp sẽ phá sản bởi không đáp ứng yêu cầu chung của thế giới sau khi Việt Nam đã chính thức là thành viên.

Điều đó cho thấy, những gì sai sự thật, không uy tín, và phát triển bền vững thì phải nhường lại cho sự tín nhiệm và thương hiệu phải đi đôi với chất lượng… yêu cầu đó của chợ thế giới ngày nay hoàn toàn phù hợp với năm nguyên tắc sống của người cư sĩ[9] và nền tảng đạo đức “chánh mạng” để làm kim chỉ nam cho cuộc sống và phương thức kinh doanh đồng thời đạo lý đó cũng là cách giáo dục con người không phải chỉ biết lo riêng cho tổ quốc mình mà còn trở thành công dân toàn cầu.

 

3. Phương thức kinh doanh nào?

Khảo sát hai yếu tố căn bản của người đệ tử Phật cho thấy giáo lý của Ngài không như người ta lầm tưởng: “bể khổ mênh mông sóng ngập trời…”,  “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, đói ăn khát uống mệt ngủ liền…”, “Tri túc tri nhân tuy ngọa địa thượng du vi an lạc…” những quan điểm đó dễ bị hiểu theo chiều hướng tiêu cực, làm mất động lực chiến đấu, sản xuất hoặc vươn lên để tồn tại và phát triển bền vững. Nhưng thật ra nó chỉ là những pháp đối trị chứ không phải phương châm sống hay chủ nghĩa tiêu cực buông xuôi cho “thiên mệnh” (phận bèo đâu cũng là bèo, lênh đênh đâu cũng vẫn là lênh đênh) của người Phật tử.

Vì vậy, chúng ta nhìn ra bên ngoài để làm phép so sánh giữa Việt Nam và một số Phật tử các nước: Nhật, Hàn và Thái Lan… họ là những giám đốc hoặc cổ đông của những tập đoàn tầm cỡ thế giới. Họ không phải lây hoay giống doanh nghiệp Phật tử Việt Nam với những mâu thuẫn đang tồn tại trong tâm trí đại đa phần kinh doanh là gắn liền với gian lận: “Từ thuốc Tây, xăng dầu cho đến sữa uống cũng có nhiều loại giả mạo hoặc kém chất lượng…” nên chỉ mua bán cầm chừng để ít mang tội với giới thứ tư đã thọ?

Có thể nói trong thời gian qua xã hội Việt Nam người dân có thu nhập thấp chiếm 70% nên khắp nơi xảy ra tình trạng làm ăn theo “thời vụ” hoặc mua đứt bán đoản để phủi trách nhiệm. Ngày nay, không thể nghĩ và sống theo lề lối cũ như thế mãi, vì chúng ta đã có mặt tích cực của hậu WTO mang lại cơ hội. Nhưng tất cả những thách thức vẫn còn đang ở phía trước[10] là không nhỏ khi nền kinh tế mới bắt đầu.

 Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây cho người Phật tử sẽ áp dụng phương thức nào trong kinh doanh? Cơ chế thị trường định hướng xã hội hội chủ nghĩa hay tư bản để được làm giàu? Thiết nghĩ, điều đó không có gì phải bận tâm như Chủ tịch Mao Trạch Đông từng phát biểu: “Mèo trắng hay đen không quan trọng miễn là bắt được chuột” điểm này hoàn toàn phù hợp với Phật giáo. Không khuyên người ta sống theo cơ hội hay đối phó tình thế bởi cậy quyền ỷ thế thì cũng được một lúc “quan nhất thời dân vạn đại”, nên phải sống và làm việc theo luật pháp. Quan điểm đó giúp cho con người tâm trí thoải mái đa phương diện và dẫn đến an lạc hiện tại và mai sau.

Điểm này gợi lên cho ngành Hoằng pháp một nhiệm vụ đáp ứng cho tầm cao mới:

 1/ Soạn ngay những bài kinh ngắn gọn dễ hiểu từ Tam Tạng thánh điển để giới doanh nghiệp ứng dụng và tu tập trong mọi hoàn cảnh.

2/ Phát huy thêm nữa vai trò sách nói và trực tuyến những buổi giảng trong tuần.

3/ Tổ chức giao lưu pháp thoại cho nhiều đối tượng…

Tóm lại, người cư sĩ đang sống và tu tập theo nhân thừa, thì không hà cớ gì giảng sư cứ đem pháp xuất thế khuyến khích cho họ tu, để rồi trong tâm tư của họ lúc nào cũng bị mâu thuẫn nửa làm ăn nửa tu tập để được giải thoát. Điểm này nên đặt lại vấn đề cho toàn ngành Hoằng pháp để có sự nhất quán từ Trung Ương đến Cơ Sở.

Bản chất của tiền bạc không xấu ác, nhưng do con người dùng nó không đúng mục đích nên mới xảy ra lắm chuyện thương tâm. Nên Đức Phật không hề lên án sự giàu có thịnh vượng, mà còn dạy cho phương pháp sống, kinh doanh, và tu như thế nào để được sinh thiên khi mãn báo thân[11]. Pháp của Ngài hoàn toàn sinh động, đúng mọi lúc mọi nơi cho dù là thời đại nào!

Qua các bài kinh căn bản cho thấy Đức Phật rất quan tâm đến giới tại gia, vì họ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng thịnh và phát triển hay suy vong của Tăng đoàn[12] cho nên cần phải đặt đúng trách nhiệm hộ pháp của họ và vai trò lãnh đạo tinh thần của tu sĩ rõ ràng đó là một nhiệm vụ mới của ngành Hoằng pháp để đáp ứng sự mong đợi của số đông sau hội nhập WTO, có như thế khẩu hiệu “Trường sơn gọi biển đáp lời, Việt Nam, Phật giáo muôn đời đi chung” hay “mái Chùa che chở hồn dân tộc” mới phát huy hết tính phụng sự để song hành cùng dân tộc!

  15/11/2006

Lệ Thọ


[1] Báo Thanh Niên, diễn đàn “Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ” 28.05.2006

 [2] Ăn, mặc và ở.

[3] Tài, Sắc, Danh, Thực và Thuỳ.

[4] Văn Minh Ấn Độ, Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch

[5] Bát Đại Nhân Giác, Đệ nhất giác ngộ

[6] Phẩm phương tiện thứ 2-Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, HT, Thích Trí Tịnh dịch.

[7] Trường A Hàm - trg 327. Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành.

[8] Kinh Hạnh phúc (Mangalasutta).

[9]   Năm giới.

[10] Những mặt hàng công nghiệp, điện tử và nông sản phải đến 2012 mới xuống 0 hoặc 5%.

[11] Kinh Thiện sanh.

[12] Cư sĩ là một trong bốn chúng đệ tử Phật.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/kinhte/cusi_kinhte.htm

 


Vào mạng: 1-12-2006

Trở về mục "Kinh tế Phật giáo"

Đầu trang