Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KINH TẾ PHẬT GIÁO - MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG THỨC

 Phật giáo là một tôn giáo xuất phát từ cơ sở sâu xa là hiện thực sống sinh động của chính mỗi chúng sanh. Cho nên sự quan tâm đến cuộc sống, đến phương thức tồn tại, sinh nhai của chúng sanh đó cũng là điều mà từ lâu đức Phật đã từng chỉ dạy. Trong kinh Trường Bộ, đức Phật đã dạy vua Mahàvijita rằng: "Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực quan chức, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Và những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp- Kinh KUTADANA". Từ lời dạy này của đức Phật, có thể thấy đời sống sinh hoạt của con người cũng là một vấn đề được đề cập khá sớm trong Phật giáo.

Đọc lại lịch sử phát triển của Phật giáo, lẽ tất nhiên ai cũng biết rằng, chỉ có Phật giáo Bắc phương mới tham gia hoạt động sản xuất, tham gia làm kinh tế. Đại diện tiêu biểu và cũng là người đầu tiên dám đứng lên kêu gọi chư Tăng tham gia lao động sản xuất chính là Tổ Bách Trượng(720 – 814) với phương châm thời danh: "một ngày không làm, một ngày không ăn". Nội hàm của mệnh đề này mang ý nghĩa rất rộng nhưng ít nhất đã khẳng định một điều rằng: thừa nhận sự tham gia lao động sản xuất, thừa nhận hoạt động kinh tế trong chốn Thiền môn.

Thế nhưng, ngay từ buổi đầu, vấn đề lao động sản xuất hay làm kinh tế trong Phật giáo dường như luôn gắn kết với pháp môn tu tập; xem việc lao động sản xuất như một pháp hành, như một yếu tố phụ hay chính xác hơn không xem việc lao động sản xuất là cơ sở chính yếu cho sự tồn tại của đời sống Tăng đoàn. Có thể nói, từ việc không coi trọng này cùng với quan niệm ly dục đã dẫn đến sự thiếu quan tâm hay không đầu tư đúng mức cho sự phát triển kinh tế của Phật giáo.

Từ sự nhận thức đó đã chi phối và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Phật giáo trong nhiều thời kỳ lịch sử và rõ nét là sự ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của GHPGVN nói chung và hoạt động kinh tế trong nhà chùa nói riêng.

Thật vậy, trong hoạt động kinh tế của Phật giáo ở Việt nam từ trước đến nay, hầu như trong suy nghĩ của nhiều người thì ai cũng nghĩ rằng đó là một việc làm nhằm cải thiện đôi chút chất lượng cuộc sống trong chốn Thiền môn. Hiếm khi có một cái nhìn nghiêm túc và coi trọng vấn đề này. Bởi lẽ, trong thực tế hoạt động kinh tế của Phật giáo ở Việt nam từ trước đến nay đều nằm trong khuôn khổ của tư duy "nông nghiệp"; mang tính tự cấp, tự túc, chưa dám đề ra những kế hoạch, những mục tiêu cao hơn nhu cầu "đủ để tồn tại". Vì sao như vậy? Phải chăng, vấn đề vướng mắc chính ở chổ chưa định hướng rõ ràng về chiến lược, về mục tiêu trong khi tham gia hoạt động kinh tế?

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, có lẽ một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong hoạt động kinh tế của Phật giáo Việt nam, đó là tính chưa cân đối nếu không nói là sai lầm trong việc xác định mục tiêu làm kinh tế. Nếu như chỉ với một mục đích duy nhất là đem đến một chút hoa lợi cho nhà chùa, cải thiện phần nào đời sống của Tăng chúng thì việc sản xuất theo kiểu giản đơn, mang tính thủ công như hiện nay thì tạm thời khả dĩ chấp nhận. Thế nhưng, nếu thử đề ra một mục tiêu cao hơn như làm kinh tế nhưng với mục đích là sử dụng lợi nhuận thặng dư để xây dựng chùa chiền, góp phần vào việc bảo tồn các di sản văn hoá, thực hiện các chương trình an sinh xã hội hoặc giả là trợ cấp cho Tăng Ni sinh du học… thì có thể nói, hoạt động kinh tế theo kiểu kể trên không thể đáp ứng nổi. Trong khi đó, trên thực tế đối với những vấn đề mang tính chiến lược, mang tính chủ động và bền vững thì sự vững chắc về cơ sở kinh tế là một điều kiện tối quan trọng, giữ vai trò quyết định. Đơn cử một trường hợp, để đào tạo một con người từ khi xuất gia cho đến khi thành công trên đường tu tập và nhất là học vấn, nếu như chỉ dựa vào sự hỷ cúng "tùy tâm" của tín đồ mà không hề có một sự hỗ trợ hợp lý và chính đáng mang tính chiến lược từ phía Thầy Bổn sư, từ các cấp Giáo hội thì có thể nói là khả năng thành công rất thấp nếu không nói là hoang tưởng. Cũng vậy, muốn khởi xướng một dự kiến, hoạch định mang tính bền vững nào đó mà mọi nguồn kinh phí đều nằm ở lòng hảo tâm của thập phương bá tánh thì thời điểm hoàn thành có thể xem như là vô hạn định. Mặt khác, trong tình hình hiện nay, đã có một số bộ phận giáo hội ở cơ sở tuy có mày mò xây dựng một vài mô hình kinh tế và tương đối có gặt hái một vài thành công, nhưng do không xác định rõ mục tiêu nên chưa giải quyết một cách thỏa đáng, đúng như pháp từ nguồn lợi nhuận thu được.

Cho nên có thể thấy, vấn đề mục tiêu khi tham gia hoạt động kinh tế là một vấn đề mang tính quyết định từ qui mô, phạm vi cũng như hiệu quả thành công trong hoạt động kinh tế. Ở đây, trong xu thế chung của thời đại mới, trong không khí thành công của Đại Hội Phật Giáo nhiệm kỳ V, nếu như Chư tôn Đức lãnh đạo Giáo hội nói chung và Ban Kinh Tế - Tài Chánh của giáo hội nói riêng nỗ lực xây dựng một một tiêu mang tính chiến lược trong hoạt động kinh tế của mình thì có thể nói là một tín hiệu khả quan cho một tương lai phát triển.

Theo người viết, cần phải xác định những mục tiêu trong tầm tay và sau đó vươn tới những mục tiêu mang tính chiến lược phát triển. Cần phải xây dựng một mô hình kinh tế không chỉ bó buộc ở phạm vi cung cấp những nhu yếu phẩm cho đời sống sinh hoạt chùa chiền, phục vụ cho lễ nghi, tín ngưỡng mà cần nhắm tới những mục tiêu thuộc nhu cầu xã hội. Điều này, Phật giáo ở nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây đã áp dụng và đã có những thành công lớn lao. Chẳng hanï như, Phật giáo tại Hàn quốc hiện nay đã có những cở sở kinh tế rất lớn, đem đến những thành quả kinh tế – xã hội rất cao: như thành lập Thương xá, Tổ hợp tín dụng, Công ty dược phẩm, các trường Đào tạo ngành nghề …vv..( Theo, Tôn giáo và đời sống hiện đại, tâp 2, Nxb. Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà nội 1997). Chúng tôi cũng được biết trong những năm gần đây, đã có một số tự viện đã thử xây dựng thí điểm tương tự mô hình này như tham gia sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, may mặc, mở các cơ sở đào tạo ngành nghề, kinh doanh văn hoá phẩm… tuy các loại hình kinh tế Phật giáo này là một điểm sáng cần được nhân rộng, nhưng nhìn chung đang gặp nhiều bế tắc vì nhiều nguyên nhân.

Trong những nguyên nhân cốt lõi theo chúng tôi, đó chính là chưa có một phương thức làm kinh tế có tính hiệu quả, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, đời sống đạo đức và quan trọng hơn hết là tấm lòng cống hiến vì Đạo. Trước hết, về vấn đề chiến lược làm kinh tế, theo chúng tôi, các cơ quan đầu ngành của giáo hội mà cụ thể nhất là Ban Kinh Tế - Tài Chánh nên chăng cần phải xác định một cách thức sản xuất và kinh doanh có hiệu quả trong thời đại mới. Chẳng hạn như, cần phải mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh, không nên tự trói mình trong những loại hình kinh tế theo kiểu vừa và nhỏ như đã nêu. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta dám nhắm đến những ngành kinh tế mang tính phục vụ cho nhu cầu số đông của xã hội như xây dựng các nhà máy, các công xưởng, các tổ hợp và đa dạng hoá loại hình kinh doanh. Ở đây, thử lấy một ví dụ thô thiển, như các dịch vụ du lịch văn hoá, sản xuất hoặc kinh doanh lương thực thực phẩm xuất khẩu, thậm chí phải dám nghĩ đến những ngành công nghệ cao như máy móc, kỹ thuật, tin học, in ấn…

Nếu đã nhắm tới một chiến lược phát triển mang tính tầm cao như vậy thì lẽ tất nhiên cần phải có những điều kiện tương đồng đ? xây dựng, duy trì và phát triển. Điều đầu tiên trong mọi vấn đề, đó là vốn. Không thể hoạch định bất cứ điều gì trong hoạt động kinh tế nếu như điều kiện cơ bản này chưa giải quyết ổn thỏa. Vấn đề giải quyết vốn để hoạt động, theo chúng tôi có thể tiến hành bằng nhiều cách khác nhau. Có thể phát xuất từ sự dành dụm, tích lũy của các đơn vị giáo hội cơ sở, hoặc có thể vay từ các cơ quan tín dụng của nhà nước, từ cách thức tổ chức góp vốn theo theo kiểu cổ đông với các nhà hữu tâm hay đồng bào Phật tử; nếu như chúng ta có một luận chứng kinh tế có hiệu quả thì thiết nghĩ sẽ không có quá nhiều khó khăn về vốn để hoạt động.

Kế đến, về vấn đề nhân sự. Nhân sự mà chúng tôi đề cập ở đây không nhất thiết là tu sĩ Phật giáo mà có thể là hàng cư sĩ hoặc bất cứ ai có tâm huyết với đạo thì đều có thể đứng ra đảm đương, gánh vác. Tuy nhiên, điều cần nói đến ở đây, đó là khả năng chuyên môn trong lãnh vực kinh tế như trình độ tổ chức, quản lý và có một tầm nhìn toàn cục trong hoạt động kinh doanh. Một cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ hoạt động không có hiệu quả nếu như người chịu trách nhiệm về nó không có một khả năng sắp xếp, tổ chức, lãnh đạo guồng máy của cơ sở ấy, không biết tính toán "đầu vào" và "đầu ra" của sản phẩm, không nhận định chính xác các qui luật về kinh tế, nhu cầu về thị trường….sẽ dẫn đến sự thất bại trong nay mai. Cho nên vấn đề nhân lực lãnh đạo, tổ chức và quản lý trong hoạt động kinh tế là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Đã có nhiều cơ sở kinh tế của Phật giáo làm ăn thất bại do chưa coi trọng yếu tố này. Đây cũng là một vấn đề liên quan đến định hướng đào tạo nguồn nhân lực mà giáo hội cũng cần phải quan tâm. Nếu như trước mắt chưa đào tạo được đội ngũ này thì nên chăng, chúng ta mời những cá nhân có đủ khả năng chuyên môn và trình độ, kinh nghiệm trong hoạt động kinh tế cộng tác với tính chất là cố vấn hoặc là trực tiếp chỉ đạo. Đây là thời đại của chuyên môn, không ai có thể tự hào rằng mình am tường tất cả mọi lãnh vực cho nên việc chấp nhận một chuyên viên kinh tế trong guồng máy hoạt động kinh tế của Phật giáo là điều dễ dàng được nhấp nhận.

Một điều cần phải lưu ý đó là thái độ tinh thần, đời sống đạo đức của những con người khi tham gia hoạt động này. Bởi lẽ, đây là một giải pháp, một cách thức đòi hỏi người tham gia phải hội đủ phẩm chất đạo đức đủ nhất định mới có thể đảm đương công việc này. Vì như đã nói, khi tiếp cận với lợi nhuận, với tiền bạc thì con người rất dễ bị lung lạc, tha hóa. Đây cũng là bài học cho các Ban quản trị của các Xí nghiệp, Công ty. Cho nên, trước khi chấp nhận gánh vác những hoạt động này, những người chịu trách nhiệm trực tiếp cần được khảo xét về mặt đạo đức, đời sống cá nhân và thậm chí xu thế tâm linh của họ.

Mục tiêu lớn nhất mà giáo lý Phật đà nhắm đến là cố gắng làm vơi nổi khổ cho đời sống nhân sinh, muốn thực hiện mục tiêu ấy không nhất thiết phải đi cùng một con đường. Tham gia hoạt động kinh tế là một trong những giải pháp không nằm ngoài tôn chỉ mà từ lâu đức Phật đã chỉ dạy. Vì lẽ, khi làm kinh tế, tức là hoạt động tích lũy để làm giàu, và cũng cần nói thêm là làm giàu theo lý thuyết Chánh nghiệp của Phật giáo sẽ gắn kết với sự không bóc lột, hay chiến đoạt của cải người khác. Ở đây, làm giàu chánh đáng, tích lũy của cải một cách lương thiện là một phương thức giải quyết phần nào những khó khăn, vướng bận của đời sống.

Như vậy, vấn đề then chốt để cho cỗ máy của một tổ chức vận hành đó là đời sống kinh tế; Giáo Hội Phật Giáo Việt nam cũng là một tổ chức cho nên sự khẳng định năng lực về kinh tế là một yếu tố rất quan trọng. Để hoạt động kinh tế có hiệu quả thì yêu cầu trước hết là phải xác định một mục tiêu mang tính chiến lược và một phương thức hoạt động hợp với xu thế thời đại. Tất nhiên, chúng ta không có tham vọng là tự chủ hoàn toàn về đời sống kinh tế nhưng ít nhất phải chứng tỏ sự nổ lực của chính mình qua những việc làm cụ thể như đã nêu. Một khi điều kiện hội đủ và hoạt động kinh tế của Phật giáo gặt hái những thành tựu khả quan, chúng ta tin chắc rằng sẽ có những đóng góp rất thiết thực không những trong phạm vi nhu cầu hoạt động, đào tạo, tổ chức của giáo hội mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng trên nhiều phương diện, gần gũi nhất là có thể góp phần nâng cao chất lượng sống của mọi thành viên trong xã hội hiện nay.

http://www.buddhismtoday.com/viet/kinhte/kinhte.htm

 


Vào mạng: 1-10-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang