Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

TỦ SÁCH ĐẠO PHẬT NGÀY NAY

NGHI THỨC SÁM HỐI


 

 Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

Soạn dịch

 

 

– 2004 –


 

LỜI NÓI ĐẦU

1. ĐÔI ĐIỀU VỀ NGHI THỨC

Nghi Thức Sám Hối này được biên tập hoàn tất vào năm 1998 và được hiệu đính có bổ sung vào năm 2002. Toàn bộ nghi thức gồm ba phần: phần dẫn nhập, phần chánh kinh và phần sám nguyện.

Phần dẫn nhập và phần sám nguyện được biên tập ngắn gọn, như các Nghi Thức Sám Hối đã được xuất bản trong và ngoài nước từ trước đến giờ. Hai bài sám nguyện và kệ sám hối được trích từ Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn của Làng Mai.

Phần chánh kinh gồm có hai nghi: Lạy Sám Hối Sáu Căn của vua Trần Thái Tông trong Khoá Hư Lục Lạy Sám Hối Hồng Danh (Hồng Danh Bửu Sám). Phần đảnh lễ hồng danh của mười tám vị Phật và Bồ-tát trong phần Lạy Sám Hối Sáu Căn do chúng tôi biên soạn, dung hoà tinh thần Phật giáo Nam tông và Bắc tông, với sự có mặt của các đức Phật quá khứ, Phật vị lai, Phật Thích-ca, năm vị Bồ-tát quen thuộc của Phật giáo Đại thừa và mười vị cao đệ của Phật Thích-ca như những vị “Bồ-tát” lịch sử. Phần sám văn của hai nghi thức do cư sĩ Thành Tâm – Phan Khắc Nhượng và chúng tôi hợp dịch theo thể thơ song thất lục bát.

Hai nghi này có thể được thay thế cho nhau trong hai kỳ sám hối định kỳ của mỗi tháng. Có thể mặc ước nghi thức Lễ Sám Hối Sáu Căn sử dụng vào ngày 14 AL và nghi thức Lễ Sám Hối Hồng Danh sử dụng vào ngày trước ngày cuối tháng (tháng đủ thì sám hối ngày 29, tháng thiếu sám hối ngày 28 AL), hoặc ngược lại. Trong trường hợp không có nhiều thời giờ, hành giả có thể “phối hợp” phần đảnh lễ hồng danh của mười tám vị Phật và Bồ-tát trong nghi thức Lễ Sám Hối Sáu Căn và phần sám văn của nghi thức Lễ Sám Hối Hồng Danh để có một nghi thức ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa và trang nghiêm.

2. Ý NGHĨA CỦA SÁM HỐI

Sai lầm và tội lỗi thường được quan niệm như những thuộc tính của con người, nói đúng là người phàm. Chúng là những thực tại tâm lý đạo đức, biểu hiện dưới hai dạng thức tiềm ẩn và cụ thể. Biểu hiện tiềm ẩn của tội là những động cơ sai trái, những tâm lý hay những ý niệm bất thiện, đặt nền tảng trên các thái độ tham lam, sân hận và si mê. Biểu hiện cụ thể của tội là những hành vi thể hiện qua lời nói, văn tự, hoặc bằng thân tạo tác, có khuynh hướng đem lại kết quả bất hạnh và đau khổ cho mình và người, ở hiện tại và tương lai.

Nguyên nhân của tội lỗi, theo Đạo Phật, không có nguồn gốc từ “tổ tông.”  Trong nhiều trường hợp, nó không phải là những khiếm khuyết về luân lý truyền thống, lại càng không thuộc về tương quan giữa con người với thượng đế, hay những hành vi “đối thần” như các tôn giáo hữu thần đã chủ trương. Tội lỗi mang ý nghĩa đạo đức rất lớn, bắt nguồn từ những khuynh hướng xấu như vô minh, tham ái và sự sa ngã có ý thức của con người trước những cám dỗ của cuộc đời.

Trên nền tảng của nguyên lý tương tác và tương duyên trong mọi sự vật, đạo Phật cho rằng tội do chính con người tạo ra, trước nhất bằng tâm ý bất chính và sau là những hành vi gây đau khổ cho mình và tha nhân. Do đó, tội có thể được chuyển hoá bằng chính những tâm ý và hành vi chân chánh và thiện ích của con người. Dưới ánh sáng duyên khởi này, không có cái gọi là “định mệnh” như hậu quả của những tội lỗi mà con người đã tạo ra trong chuỗi đời sống quá khứ. Tội lỗi do con người tạo ra thì cũng chính con người chuyển hoá bằng thái độ và lập trường “bỏ dữ làm lành.”

Sám hối là cách thức giúp cho con người lầm lỗi chuyển hoá các hành vi đạo đức, canh tân đời sống tâm linh và làm mới lại cuộc đời. Để sám hối, trước nhất con người cần phải ý thức về tội lỗi của mình đã gây ra, như dấu chỉ của một “lương tâm biết hồi đầu,” kế đến là nhận thức rõ các nguyên nhân sâu xa gây ra chúng, và sau cùng là chân thành ăn năn, quyết tâm sửa đổi và không để tái phạm trong tương lai.

Khi năm vóc sát đất phủ phục trước ảnh tượng Phật và Bồ-tát, chúng ta phải thành tâm, phát nguyện tịnh hoá tâm hồn và hành vi đạo đức của mình. Sám hối, do vậy, không phải là xưng tội trước Phật và Bồ-tát để được các Ngài tha tội, mà là biểu tỏ thái độ hồi đầu bằng cách làm các việc thiện không mệt mỏi, để “tự rửa tội. Các động cơ và hành vi thiện ích sẽ là các đối lực mãnh liệt để triệt tiêu các hành vi tội lỗi trong quá khứ; nhờ đó, con người được thanh tịnh, hiền thiện và thánh hoá ở hiện tại và tương lai.

Nếu phàm làm người không ai có thể tránh khỏi tội lỗi và sai lầm thì sám hối là mạch máu không thể thiếu cho sự sống đạo đức của bản thân, cộng đồng và xã hội.

Mong sao nghi thức này có thể giúp ích cho những người con Phật trong quá trình “làm mới” lại đời sống đạo đức và tâm linh của chính mình, “tái tạo” hạnh phúc từ khổ đau, “chuyển hoá” phàm tình thành thánh trí và “tiếp nhận” niết-bàn từ phiền não, để mỗi người là một “Tịnh Độ” nơi cõi Ta-bà, bây giờ và tại đây!

                                              Giác Ngộ, rằm tháng 1 năm 2003

                                                    Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

                                                      Kính bút

 

Home | Up | Lời Nói Đầu | Dẫn Nhập | Hồi Hướng | Hồng Danh | Sáu Căn

 


Vào mạng: 1-6-2005

Trở về mục "Nghi thức Phật giáo"

Đầu trang