Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nên chăng một quyển nghi thức tụng niệm thuần Việt
được phổ nhạc theo nghi lễ Phật giáo
TK .Thích Minh Nguyện

Kính thưa Quí vị,

Phật giáo được xuất phát từ chiếc nôi thành Ca Tỳ La Vệ thuộc NéPal ngày nay và nó đã được lan tỏa khắp năm châu. Khi đi đến đâu, đến quốc gia nào Phật Giáo như dòng sữa hài hòa với nguồn nước để tạo thành những nét đặc trưng cho từng quốc độ, từng dân tộc mà không bị đồng hóa, pha tạp.

Sự hài hòa ấy, cũng xuất phát từ tinh thần "Đổng Thể Đại Bi" của Phật Giáo. Tùy duyên mà bất biến. Phật Giáo Việt Nam là của người Việt Nam, Phật Giáo Nhật Bản là của người Nhật Bản v.v... và những điều thể hiện tính riêng biệt bất biến ấy được thể hiện rỏ nét nơi tính cách cư xử, phong tục tập quán, kiến trúc chùa tháp v.v... và đặc biệt hơn hết là sự diễn đạt lời dạy Đức Phật bằng những âm giọng, chất điệu tán tụng theo truyền thống nghi lễ của từng quốc gia theo Phật Giáo.

Như vậy, khi nói đến âm nhạc hay nghi lễ theo truyền thống Phật Giáo đó là điểm nổi bật nhất, là cái hồn của từng dân tộc, thẩm thấu được lời dạy của Đức Phật qua việc diễn đạt ấy.

Cho nên, đối với Phật Giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam chúng ta đã trải qua một quá trình dài lâu, chiến đấu gian khổ chống giặc ngoại xâm, nên việc phát huy những nét hoa mỹ, tinh túy ấy qua đời sống vật chất cũng như tâm linh không có thời gian được mài dủa, trao chuốt. Nhưng hiện nay, đất nước chúng ta đã độc lập, giang sơn nối liền một cõi thì chúng ta không thể để những điều ấy bị thui chột, biến mất, mà phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa những tiềm ẩn trên.

Thiết nghĩ, việc biên soạn một cuốn nghi thức tụng niệm thuần tiếng Việt được phổ nhạc theo nghi lễ Phật Giáo là một điều trọng yếu, cấp thời, được ưu tiên hàng đầu đối với những ai ưu tư muốn phát huy cái hồn trong nghi lễ Phật Giáo Việt Nam.

Chúng tôi xin dẫn chứng một vài nước để chúng ta thấy được việc phát huy nghi lễ qua cách tán tụng theo truyền thống Phật Giáo.

Ví dụ như Nhật Bản, một quốc gia có thể nói đã thấm nhuần giáo lý Phật Đà rất mạnh mẽ nơi mỗi người dân, họ đã vận dụng lời dạy của đức Pật thành: lẽ sống được thể hiện trong thi ca, võ thuật, hội họa, trà Đạo, Hoa Đạo .v.v.., tuy có nhiều Tông phái khác nhau, cùng nhau phát triển nhưng những nghi thức tán tụng theo truyền thống nghi lễ Phật giáo của họ rất được quan tâm và phát huy, vì họ biết được tầm quan trọng lớn lao trên và vào những dịp Đại Lễ, các hội nghị Quốc tế về Tôn giáo họ đều hãnh diện và muốn phát huy cho mọi người đều biết được Phật Giáo và dân tộc họ có những tài sản tâm linh quý báu đó.

Trở lại đảo quốc Đài Loan, tuy là một hòn đảo nhỏ với hơn 20 triệu dân, nhưng Phật Giáo và nhân dân Đài Loan được thừa hưởng một kho tàng phong phú về truyền thống từ đất mẹ Trung Hoa, cho nên họ có đủ điều kiện và khả năng phát huy hơn nữa tính đặc trưng ấy.

Nếu chúng ta có dịp đi du lịch đến Đài Loan hãy đến Phật Quang Sơn, một Đại tùng lâm danh tiếng trong nước cũng như quốc tế. Chúng ta mới thấy được việc phổ quát nghi lễ âm nhạc Phật Giáo nơi ấy như thế nào ! Từ hàng Tăng lữ cho đến hàng Phật tử tại gia, ai ai cũng biết nghi lễ, cách tán tụng trong các thời khóa hằng ngày. Đối với Phật giáo Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa v.v... cũng đều có những nét riêng biệt mà sống động ấy.

Thật hổ thẹn biết bao ! Chúng ta phải làm sao khắc phục những thiếu sót ấy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa để cùng sánh vai với Phật Giáo các nước bạn, để họ cũng biết là Phật Giáo Việt Nam, người dân Việt Nam chúng ta cũng có những đặc sản tâm linh thông qua nghi lễ Phật Giáo không thua kém gì đất nước họ.

Như lời diễn đạt của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê nói : "Âm nhạc nước ngoài tuy hay nhưng chúng ta không thể đem lên bàn thờ mà lạy, vì họ là khách, chúng ta là chủ, chúng ta tiếp thu cái hay nhưng không bị lệ thuộc..."

Nhưng để làm sao khôi phục và phát huy cái hồn trong âm nhạc truyền thống Phật Giáo Việt Nam ấy, thiết nghĩ đó là trách nhiệm, là hoài bão của những vị Bồ Tát, những vị làm nghi lễ trong thời điểm hiện nay.

Như vậy, để hình thành một quyển nghi thức tụng niệm thuần Việt được phổ nhạc theo nghi lễ truyền thống Phật Giáo là một việc làm hết sức gian khổ và khó khăn, nhưng với đại nguyện cao cả, ý chí vững mạnh, cùng sự trợ duyên giúp đỡ của chư Tôn Thiền Đức, đó là động lực vĩ đại để những ai ưu tư muốn phát huy nó trong lòng những người con Phật, để Phật Giáo Việt Nam và đặc biệt là nghi lễ truyền thống Phật Giáo Việt Nam không bị mai một mà ngày càng thấm sâu vào tâm thức của mỗi người dân Việt đang sống trên mảnh đất hiền hòa mà kiên cường ấy.

Như lời Hòa thượng Thiền Chủ Hạ Trường Xá Lợi cũng là Trưởng ban nghi lễ khuyên bảo đại chúng rằng : "Các vị nếu có thời gian rảnh hãy cố gắng học nghi lễ, nó sẽ giúp rất nhiều cho quí vị trên con đường hoằng pháp..."

Thượng tọa Thích Lệ Trang cũng dạy : "Âm nhạc truyền thống Phật Giáo là cái hồn của Phật Giáo, chùa to, Phật lớn chỉ là cái xác mà thôi..."

Xin thành tâm kính chúc những người đang âm thầm gánh vác trọng trách ấy, luôn luôn lúc nào cũng đầy đủ sức khỏe, đầy đủ nghị lực, để hoàn thành ý nguyện. Rất mong ý nguyện sẽ thành tựu tốt đẹp trong tương lai.

Thật vậy :

Hai ngàn năm, trang sử Phật
Oai hùng, hiên ngang và bất khuất
Cùng dân tộc đánh đuổi xâm lăng
Đem an vui, vững bền bờ cõi
Trang sử Phật hôm nay
Một trang đầy hy vọng
Hy vọng mới, chào thiên niên kỷ mới
Nghi lễ Phật Giáo ! Nghi lễ Phật Giáo !
Cái hồn của Phật Giáo nước nhà
Hãy cùng nhau gánh vác tồn vong
Làm sống mãi những tâm hồn thơ dại
Cũng quay về ánh Đạo chơn như
Hoa Bồ Đề nở khắp muôn nơi.
 
Xá Lợi mùa An Cư 2000
TK .Thích Minh Nguyện

Chân thành cảm ơn thầy Đồng Bổn đã gởi tặng bài viết này. ĐPNN, 1-8-2000

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Nghi thức và Nghi lễ Phật giáo"

Đầu trang