Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Suy nghĩ về phương pháp dịch thuật kinh điển
trong tiến trình Việt hóa nghi thức tụng niệm
Thích Nhật Từ

I. Dẫn nhập
II. Vai mượn chữ Hán: điểm mạnh và yếu
III. Tiêu chí của một bản dịch
IV. Qui cách dịch tổng quát
V. Phép viết hoa và viết nghiêng trong bản dịch
VI. Vài từ nên đổi
VII. Nói thêm về các phong cách dịch
1. Dịch nghĩa đen (Literary translation)
2. Dịch giải thích (Interpretive translation)
3. Dịch khái niệm (Concept translation)
4. Dịch chủ đề (Thematic translation)
VIII. Hai phương thức dịch
IX. Các trở ngại chính trong phiên dịch
X. Kết luận


I. Dẫn nhập [^]

Việt hóa nghi thức tụng niệm không chỉ là nhu cầu cần thiết mà còn là chất liệu tinh thần quý giá của người Phật tử Việt Nam, dù xuất gia hay tại gia. Do vì những khó khăn khách quan của đất nước cũng như sự bất đồng quan điểm của các tông phái và giáo hội Phật giáo, cho đến nay, nước ta vẫn chưa có một nghi thức tụng niệm thuần Việt và tiêu chuẩn. Để góp phần vào việc Việt hóa nghi thức tụng niệm, người viết xin mạo muội trình bày vài thiển ý về phương pháp dịch thuật kinh điển và vài vấn đề liên hệ khác.

II. Vai mượn chữ Hán: điểm mạnh và yếu [^]

Hầu hết các bản dịch kinh điển từ tiếng Hán sang tiếng Việt, thậm chí từ chữ Pali sang tiếng Việt vẫn còn mang âm hưởng chữ Hán một cách nặng nề. Người Phật tử đọc vào các bản kinh của HT Thích Minh Châu và của cố HT Giới Nghiêm, nếu không có một trình độ Hán học tối thiểu, chắc hẳn khó có thể lãnh hội hết ý tứ sâu sắc được chuyển tải trong các thuật ngữ Phật học Hán Việt. Các bản dịch về kinh điển đại thừa của HT Thích Trí Tịnh, HT. Thích Trí Quang v.v… cũng như các bản dịch A-hàm của HT Thích Thiện Siêu, HT Thích Thanh Từ và của Phật học viện Huệ Nghiêm lại còn nặng chữ Hán hơn nữa.

Có nhiều lý do để giải thích sự ảnh hưởng Hán học một cách tập thể này. Thứ nhất, kinh sách Phật giáo được dịch ra tiếng Việt hầu hết được tiến hành trong giai đoạn mà tiếng Việt chưa được định hình và phổ biến rộng rãi như hiện nay. Kế đến, vì là phong trào dịch thuật kinh điển trong giai đoạn khởi điểm, các bậc tôn túc của chúng ta đã không có đủ các phương tiện tham khảo, đối chiếu các bản dịch trước đó, khi cần thiết, như hiện giờ. Hơn nữa, văn phong chữ Hán có thể giúp cho quý dịch giả có thể chuyển tả ý kinh một cách cô đọng mà dân trí mấy chục năm trước cũng có thể hiểu được dễ dàng do Hán học còn thông dụng trong quần chúng trí thức.

Tuy nhiên đặt các bản dịch mấy mươi năm trước trong bối cảnh hiện nay, người đọc tụng kinh điển sẽ gặp không ít các khó khăn khi phải tiếp cận một bản văn kinh điển quá nặng thuật ngữ chữ Hán. Đành rằng có hơn 60 phần trăm yếu tố chữ Hán trong ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta vẫn có thể tìm ra các chữ Việt tương ứng hoặc ít nhất các chữ Hán đã được Việt hóa để thay thế các chữ Hán khó hiểu và không còn thông dụng trong quần chúng.

Ngoài việc diễn đạt súc tích, có âm điệu êm tai, các bản dịch nặng âm hưởng chữ Hán chỉ có thể phục vụ cho một số đối tượng nhất định, và do đó, sẽ xa rời tập thể quần chúng, và hơn nữa, không có lợi cho tiến trình tu học của nhiều lớp người. Đó là chưa nói đến việc các bản dịch nặng chữ Hán hoặc các kinh điển để nguyên âm Hán Việt đã dẫn đến việc thần thánh hóa kinh điển (do không hiểu được ý kinh), dẫn đến nạn biến kinh điển thành đối tượng cầu nguyện và đức Phật thành một vị thần linh ban phước, xa rời với bản chất lời Phật dạy.

Phải công nhận rằng có nhiều khó khăn trong việc chọn các từ ngữ và thuật ngữ thuần tiếng Việt để thay thế các thuật ngữ Phật học bằng chữ Hán đã quen thuộc với giới học đường Phật giáo. Tư duy, chất xám, sự sáng tạo và thời gian là các yếu tố giúp chúng ta có thể tạo ra các thuật ngữ Phật học thuần Việt một cách thành công. Một khó khăn khác nữa là các từ ngữ và thuật ngữ mới này chắc hẳn sẽ gây ra hiện tượng chói tai, khó nghe, do người đọc tụng kinh điển đã quen thuộc các thuật ngữ chữ Hán từ nhiều năm qua trong cuộc đời của mình.

Một công việc tuy có nhiều khó khăn nhưng không phải là không có giải pháp. Theo thiển ý của người viết các bản dịch kinh sách Phật giáo trong tương lai nên tận dụng tối đa các từ ngữ tiếng Việt thuần túy để diễn tả các ý tưởng Phật học. Ví dụ, ta nên dùng cụm từ "ba ngôi Báu" để thay thế từ "Tam bảo," nên dùng "trạng thái thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư" để thay thế từ "sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền," và nên dùng "ba kho tàng kinh điển Phật giáo" để thay thế thuật ngữ "Tam tạng," v.v… Mặc dù các từ mới này có dài dòng hơn các thuật ngữ Hán nhưng chúng có thể giúp cho người đọc dễ dàng hiểu được ý tưởng chứa tải trong kinh sách.

Kế đến quý dịch giả có thể vận dụng phương pháp "thay thế" trong khi dịch, nghĩa là dùng một từ ngữ chữ Hán đã được Việt hóa, phổ biến trong dân gian để thay thế các thuật ngữ chữ Hán đã không còn quen thuộc với quần chúng. Ví dụ ta nên dùng cụm từ "ba tính chất của thực tại" để thay thế thuật ngữ "tam pháp ấn," "bốn chân lý của cuộc đời" để thay thế "tứ diệu đế," dùng "con đường thánh gồm tám yếu tố" để thay thế "bát chánh đạo," dùng "bảy yếu tố đưa đến giác ngộ" để thay thế "thất giác chi" v.v… Các từ ngữ được in đậm trong các cụm từ đề nghị bên trên đều là các từ ngữ Hán Việt, tuy nhiên chúng đã được người Việt Nam sử dụng quen thuộc như những chữ thuần Việt, sẽ giúp chúng ta thay thế thành công các thuật ngữ nặng chữ Hán từ trước đến giờ.

Nói tóm lại, công việc Việt hóa nghi thức tụng niệm nói riêng và phiên dịch kinh sách Phật giáo nói chung, có thể được thực hiện bằng nhiều cách, trong đó ba yếu tố sau đây là cần thiết nhất. Thứ nhất, chúng ta nên dịch nghĩa toàn bộ các thuật ngữ pháp số bắt đầu bằng "nhất, nhị, tam, tứ, v.v…" thành các thuật ngữ tiếng Việt bắt đầu bằng "một, hai, ba, bốn v.v…" Kế đến, cố gắng chọn lọc các từ ngữ thuần Việt để thay thế toàn bộ các thuần ngữ chữ Hán. Và thứ ba là thay thế thuật ngữ chữ Hán khó hiểu bằng các thuật ngữ chữ Hán khác đã được Việt hóa. Có như vậy thì việc đọc tụng kinh của người Việt Nam mới dễ dàng và thu hoặch nhiều lợi ích.

III. Tiêu chí của một bản dịch [^]

Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra vài tiêu chí để phiên dịch một văn bản kinh điển Phật giáo.

1. Chuyển dịch chính xác nội dung nguyên tác, không thêm thắt những ý tưởng không có chứa tải trong nội dung. Tính chính xác (accuracy) hay trung thành (faithfulness to the original) với văn bản gốc được xem là tiêu chí hàng đầu của phiên dịch nói chung, nhất là kinh điển đạo Phật. Phong cách dịch thuật này ứng với phong cách dịch theo hàng (line-by-line translation). Nghĩa là không nên đảo vị trí "quá xa" của những câu bên dưới lên trên và ngược lại. Cách dịch này giúp người đọc có thể kiểm chứng bằng phương pháp đối chiếu văn bản một cách dễ dàng. Nên lưu ý, phong cách này khác với cách dịch nghĩa đen (literary translation), chữ đâu nghĩa đó, hay dịch "chữ theo chữ," mà bỏ quên nghĩa của toàn bộ ngữ cảnh của chúng.

2. Cấu trúc và ngôn ngữ biểu đạt phải rõ ràng, sáng sủa (stylistic elegance) và thuần Việt. Sự rõ ràng, trong sáng trong phong cách biểu đạt là tiêu chí quan trọng bậc nhì trong phương pháp dịch thuật kinh điển Phật giáo. Một bản dịch trung thành nhưng nếu thiếu đi phong cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu sẽ đánh mất đi mục đích phục vụ của nó. Phong cách dịch này đòi hỏi nhà dịch thuật phải thông thạo một cách nhuần nhuyễn văn phạm và ngôn từ dịch thuật, ở đây là tiếng Việt. Tránh lạm dụng việc vai mượn quá nhiều thuật ngữ Hán Việt, ngoại trừ các thuật ngữ này đã được Việt hóa, tức đã được quần chúng sử dụng như tiếng Việt. Tuy nhiên, sự rõ ràng về văn phong phải được đi song hành với tính chính xác. Một bản dịch dù có hay về văn phong nhưng thiếu tính trung thành với nguyên bản thì không còn gì tai hại cho bằng, và do đó được xem là bản dịch tồi nhất.

3. Các đoạn trùng tụng hay thi kệ nên chuyển thành văn vần theo thể thơ Việt Nam như lục bát hay song thất lục bát hay thể ngũ ngôn. Vì mục đích của các đoạn trùng tụng là nhằm tóm tắt ý của đoạn kinh văn dài ở trên và giúp cho người đọc nhớ được ý kinh dễ dàng, nên chuyển thể chúng sang thể thơ Việt Nam là thích hợp nhất.

Nói tóm lại, một bản dịch tiêu chuẩn trước nhất phải chuyển tải một cách trung thành ý tưởng của văn bản gốc, với một văn phong rõ ràng, dễ hiểu, người đọc không cần phải tra tự điển cũng có thể hiểu được ý tưởng chứa tải trong nó. Nói khác hơn, "dịch thuật là nghệ thuật tạo ra trong ngôn ngữ dịch (receptor language) các tương đồng mang tính tự nhiên nhất (the closest natural equivalent) so với thông điệp của ngôn ngữ được dịch hay ngôn ngữ nguồn (source language), trước nhất về mặt ý nghĩa, kế đến về mặt văn phong."

IV. Qui cách dịch tổng quát [^]

Có hai trường phái phiên dịch kinh điển quen thuộc trong giới Phật giáo Trung Quốc nói riêng Phật giáo thế giới nói chung, đó là phong cách dịch thuật của ngài Cưu-ma-la-thập (344-413) và ngài Huyền Tráng.

Phong cách dịch thuật của ngài Huyền Tráng có thể được thâu tóm trong phương pháp "ngủ chủng bất phiên" (năm loại nên để nguyên ngữ mà không dịch), trong đó, phần "không dịch nhân danh và địa danh tiếng nước ngoài [Sanskrit và Pali]" và "chỉ nên phiên âm mà không dịch nghĩa các thuật ngữ có nhiều nghĩa [ví dụ chữ pháp (dharma // dhamma)] là hai điều đáng lưu ý nhất. Nếu người Trung Quốc có phong cách "Trung Quốc hóa" tất cả các yếu tố ngoại ngữ, ngay cả nhân danh và địa danh cũng được chuyển ngữ ra tiếng Trung Hoa, thì người Việt Nam khi vay mượn ngôn ngữ của họ, không bắt chước phong cách độc lập này, trái lại sử dụng âm Hán Việt, nên không có lợi ích mà còn gặp nhiều trở ngại cho giới quần chúng Việt Nam. Văn phong của ngài Huyền Tráng là văn phong bác học, không tỉnh lược các đoạn trùng lập trong khi dịch, nên gây nhiều khó khăn cho người đọc nhất là phương diện âm vận của bản dịch. Do vậy mà công trình phiên dịch của ngài dù nổi tiếng khắp thế giới và đã đi vào văn học và điện ảnh Trung Quốc nhưng lại ít được giới Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam đọc tụng trong các khóa lễ hằng ngày.

Ngài Cưu-ma-la-thập dù là người Ấn Độ nhưng do sống lâu năm tại Trung Quốc và dịch trường của ngài có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà ngôn ngữ học, triết gia, nhà văn hóa v.v… cộng tác, nên các bản dịch mang tên ngài có một văn phong đặc biệt, trong sáng, gảy gọn và rất thích hợp với giới đọc tụng kinh điển ở Trung Quốc. Phong cách dịch thuật của ngài có thể tóm lược như sau: (1) Chuyển ngữ ra tiếng Trung Quốc một cách tối đa các thuật ngữ Phật học Sanskrit, (2) Sử dụng thể văn ngôn "bốn chữ" (tứ tự) để tạo ngữ điệu đặc biệt cho bản dịch (tuy nhiên phong cách tứ tự này không thích hợp trong tiếng Việt, do vì tiếng Việt có một cấu trúc ngữ điệu khác với tiếng Trung Quốc), (3) Tỉnh lược những đoạn văn có tính cách mô tả cảnh trí, địa dư, thưa hỏi và nhất là các đoạn văn trùng lập (ví dụ trong bản Sanskrit của kinh A-di-đà ghi chép đủ 10 phương Phật tán thán việc xiển dương pháp niệm Phật như thiền định "nhất tâm bất loạn", bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập đã tỉnh lược hết 4 phương, đó là đông nam, tây nam, đông bắc và tây bắc, mà không hề ảnh hưởng đến ý tứ của mạch văn). Với phong cách dịch thuật này, các bản dịch kinh điển của ngài đã trở nên phổ biến nhất, được sử dụng đọc tụng nhiều nhất trong các bản dịch kinh điển của Trung Quốc từ trước đến giờ.

Đút kết kinh nghiệm từ hai phong cách dịch thuật tiêu biểu trên, người viết xin đề nghị một số tiêu chí cho các bản dịch các kinh điển tiếng Việt:

-- Chỉ phiên âm mà không dịch các nhân danh và địa danh tiếng nước ngoài (Sanskrit, Pali, Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản v.v…)

-- Thay thế các thuật ngữ Phật học chữ Hán bằng các thuật ngữ thuần tiếng Việt.

-- Chỉ dùng chữ Hán trong trường hợp tiếng Việt không có từ tương đương để diễn đạt.

-- Giữ lại các yếu tố chữ Hán đã được Việt hóa hoặc đã trở nên quen thuộc và dễ hiểu trong dân gian.

-- Các thuật ngữ Phật học bắt đầu bằng pháp số phải được dịch ra tiếng Việt.

-- Vận dụng thuật ngữ của các ngành học hiện đại (như triết học, xã hội học, tâm lý học, khoa học v.v…) để chuyển ngữ các thuật ngữ Phật học có cùng nội dung.

-- Tỉnh lược các đoạn, câu, cụm từ (1) mang tính cách giải thích về địa danh, (2) liệt kê trùng lập, (3) tường thuật trùng lập, (4) mang tính liệt kê trùng lập chỉ thêm một vài từ mới và các đoạn thưa hỏi và trả lời trùng lập.

-- Dịch mạch văn theo cấu trúc văn phạm và văn phong tiếng Việt.

-- Đặt lại các tên kinh theo nội dung chủ đề của chúng. Các tên kinh có chứa từ "dụ" nên dịch là "kinh dụ ngôn …" để ý nghiã của kinh được dễ hiểu hơn.

-- Phân loại và đánh số thứ tự cho từng ý chính của bài kinh.

V. Phép viết hoa và viết nghiêng trong bản dịch [^]

-- Viết hoa chữ đầu và không gạch nối các âm còn lại: Áp dụng cho các từ chỉ chức sắc, chức danh trong Đạo.

Vd: Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Trụ trì, Viện chủ, Phương trượng v.v…

-- Viết hoa chữ đầu và gạch nối các âm còn lại: Áp dụng cho các nhân danh, địa danh và thuật ngữ được chuyển âm (transliteration) từ tiếng nước ngoài như Sanskrit, Pali, Tây Tạng (Ngoài trừ chữ Hán).

Vd: Thích-ca-mâu-ni, A-nan-đa; Ma-kiệt-đà, Ca-tỳ-la-vệ; A-tỳ-đạt-ma, niết-bàn v.v…

-- Viết hoa toàn bộ và không dùng gạch nối: Áp dụng cho các từ chỉ tên người (Phật, Bồ-tát, A-la-hán và người thường), tên đất (nước, tỉnh thành, quận huyện, xứ sở, núi sông, đường phố) và tên chùa tháp có nguồn gốc tiếng Việt hay Hán-Việt.

Vd: Phật Nhiên Đăng, Bồ-tát Quan Thế Âm, Trần Nhân Tông, nước Nepal, thành phố Hồ Chí Minh, núi Phổ Đà, chùa Giác Ngộ v.v…

-- Phép viết hoa tên tác phẩm: Đối với tên của bài kinh, tên của các chương, phẩm, sách, ta nên viết hoa toàn bộ các chữ, ngoại trừ giới từ và liên từ. Giới từ và liên từ chỉ được viết hoa khi chúng đứng đầu trong tên tác phẩm. Nếu các tên kinh sách có chứa các từ chỉ tên người, tên đất và thuật ngữ có nguồn gốc tiếng nước ngoài thì luật viết hoa sẽ được áp dụng như đã nêu ở mục 2 của phần này.

Vd: Kinh Hoa Sen Chánh Pháp, Luận A-tỳ-đạt-ma, Luận Giải về Thiền (Thiền Luận), Về Chuyện Sống Chết v.v…

-- Phép viết nghiêng: Áp dụng cho các nhân danh, địa danh, thuật ngữ có nguồn gốc nước ngoài, và tên hay tựa đề và tiêu mục của các tác phẩm. (Phép viết nghiêng này được áp dụng cho các phần 2, 3 và 4 nêu trên).

Vd: Varanasi, Sakyamuni, Ama, Nikàya, Duy Thức Tam Thập Tụng v.v…

VI. Vài từ nên đổi [^]

Do vì chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ cổ đại Ấn Độ, các từ chỉ cho con người trong kinh điển thường được dùng với nam-tính. Tương tự, khái niệm tỳ-kheo trong các kinh điển Phật giáo không phải chỉ dành riêng cho họ mà còn được dùng chung cho các tỳ-kheo-ni và cư sĩ Phật tử. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đặc biệt, một số bài kinh chỉ dành riêng cho các vị tỳ-kheo, và do đó, khái niệm tỳ-kheo trong trường hợp này không phải chỉ chung cho toàn thể thính chúng trong pháp hội. Trên cơ sở của hai ngữ cảnh này, người viết xin đề nghị cách chuyển ngữ khái niệm tỳ-kheo tùy theo mạch văn như sau:

-- Đối với trường hợp các bài kinh dành riêng cho giới tu sĩ, khái niệm "tỳ-kheo" trong thành ngữ "này các tỳ-kheo" nên được dịch thành: (1) "các đệ tử xuất gia," hoặc (2) "người tầm cầu đạo hạnh" (lấy nghĩa bóng của từ khất sĩ). Như vậy thành ngữ "này các tỳ-kheo" trong trường hợp kinh Giáo Huấn Cuối Cùng (kinh Di giáo) v.v… nên đổi thành "này các đệ tử xuất gia."

-- Đối với các ngữ cảnh mà từ tỳ-kheo được dùng đại diện cho toàn thể đệ tử Phật thì nên dịch thành: (1) "Này các vị" hay (2) "Này các Phật tử." Ví dụ khái niệm tỳ-kheo trong câu sau đây rõ ràng không phải chỉ riêng cho các tỳ-kheo tăng mà chỉ chung cho tất cả mọi người: "Này các tỳ-kheo, ta tuyên bố rằng, sự chủ ý là nghiệp. Do có sự chủ ý, nên có các hành động của thân thể, lời nói và suy tư." Do đó, nên đổi thành "này các vị / quý vị." Cách thay đổi này nhằm giúp cho người đọc kinh có cảm giác rằng đức Phật đang nói kinh này cho mình, nhờ đó, họ có thể chú ý nhiều hơn trong khi đọc tụng.

-- Tương tự, đối với các kinh điển đại thừa, thành ngữ "này các thiện nam tử, thiện nữ nhơn" hay "này các thiện nam tín nữ" nên đổi thành "này các Phật tử" hay "này các vị," để cho ngữ cảnh đối thoại trở nên thuần Việt và ấn tượng hơn.

-- Ngoài ra, trong một số kinh điển đại thừa, thuật ngữ "này thiện nam" hay "này thiện nam tử" thường được các vị bồ-tát sử dụng để xưng hô với một vị bồ-tát (thường là mới phát tâm) nên đổi thành "này tôn giả" hay "này đại đức" tùy theo ngữ cảnh. Nếu vị bồ-tát mới phát tâm đó là cư sĩ thì chỉ nên dùng "này tôn giả" để thay thế, trong khi nếu vị ấy là một người xuất gia thì có thể dùng cả hai trường hợp: tôn giả hay đại đức.

VII. Nói thêm về các phong cách dịch [^]

Có nhiều phong cách dịch thuật khác nhau, tùy theo sở trường và sở thích của người dịch. Người viết xin nêu ra bốn phong cách dịch thuật chính, để trên cơ sở đó, đề nghị một phong cách dịch thuật phù hợp với kinh điển Phật giáo:

1. Dịch nghĩa đen (literary translation) [^]

Trở ngại lớn nhất của phong cách dịch nghĩa đen là người đọc không hiểu được ý tưởng của mạch văn bản dịch, dù họ rất thông thạo về ngôn ngữ dịch. Cách dịch nghĩa đen sẽ bỏ qua ý tưởng của toàn mạch văn, và nguy hại hơn là sẽ làm cho mạch văn trong bản dịch thiếu tính mạch lạc và đôi lúc không đúng với văn phong ngôn ngữ được chuyển dịch. Nếu văn phạm và cách diễn đạt của 2 ngôn ngữ là khác nhau, cách dịch này sẽ làm độc giả không hiểu được gì ý tưởng của bản dịch, do dịch chữ đâu nghĩa đó.

Ví dụ: Từ Bhik.su (Sanskrit) hay bhikkhu (Pali) có nghĩa đen là "người hành khất, người ăn xin" thường được phần lớn các dịch giả dịch là "khất sĩ" trong chữ Hán, hay slo"ng-ba có nghĩa tương trong tiếng Tây Tạng. Một số dịch giả Trung Quốc chọn cách phiên âm (transliteration) để tránh sự chói tai trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tác phẩm Mahàvyupatti, từ điển thuật ngữ đối chiếu Sanskrit và Tây Tạng, đã dịch nghĩa bóng của từ này thành "dge slong" có nghĩa là "người tìm kiếm hay tầm cầu đức hạnh" (virtue-seeker), một từ dịch rất đẹp và dễ thương.

Từ "pàpa" thường được dịch ra tiếng Anh "sin" trong khi khái niệm này trong Phật giáo chỉ cho các hành vi (kamma//karma) bất thiện (akusala) mang lại kết quả xấu cho mình và người; khác hoàn toàn với khái niệm tội trong "tông tội" của Thiên chúa giáo.

2. Dịch giải thích (Interpretive translation) [^]

Trong cách dịch này, dịch giả không bám sát nghĩa đen của mạch văn, nhưng lại dịch theo cách giải thích nghĩa của chúng thành một mạch văn dài hơn, hay bằng các thuật ngữ có sẳn trong nền văn hóa của ngôn ngữ dịch. Đây cũng chính là phương pháp dịch của rất nhiều dịch giả đầu tiên của Trung Quốc, bằng cách vai mượn các thuật từ của Đạo giáo, để chuyển tải tư tưởng Phật học. Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan là hai vị dịch giả đầu tiên sử dụng phong cách này. Cách dịch giải thích này, trong một số trường hợp, thường đi xa ý nguyên tác, dù có giúp cho đọc giả dễ dàng hiểu ý tưởng của văn bản. Cách dịch này không nên áp dụng thái quá. Nó chỉ nên ứng dụng trong một số trường hợp nhất định mà thôi.

3. Dịch khái niệm (Concept translation) [^]

Để thực hiện phong cách dịch này, dịch giả cần phải nắm thật vững ý tưởng của cả văn bản gốc và văn bản dịch. Tuy nhiên cách dịch này có thể có khả năng đi xa văn bản gốc, và có thể dẫn tới sự biến dạng của văn bản gốc. Kế đến, nó có thể làm mất đi nhiều thông tin của văn bản gốc, do bỏ qua (skipping) bối cảnh từ nguyên của thuật ngữ (etymological background of terminology). Đối với các thành ngữ và thuật ngữ có điển tích, sự mất mát sẽ dễ thấy hơn. Nghĩa tiềm ẩn (implicit meaning) và nghĩa nổi (explicit meaning) chứa đựng trong thành ngữ điễn tích dễ dàng bị bỏ quên trong chuyển dịch.

4. Dịch chủ đề (Thematic translation) [^]

Đây là cách dịch nhấn mạnh đến chủ đề của văn bản gốc, hơn là ý nghĩa của các thành tố trong mạch văn. Khi nhấn mạnh đến chủ đề, người dịch dễ dàng bỏ qua các yếu tố vi tế của mạch văn. Chẳng hạn khi dịch "nhân thân nan đắc" thành "làm được thân người là khó" hay "tái sanh kiếp người là khó" là cách dịch chủ đề. Ở đây, con người là trọng tâm của mạch văn. Dịch như vậy sẽ dẫn đến các vấn dề như: nếu thân người là khó, thì tại sao dân số thế giới ngày càng tăng? Sự tăng dân số con người có phải do các loài chúng sanh khác biết tu tập hạnh tốt và nhờ đó được tái sanh làm người hay không?

***

Nói tóm lại, mỗi phong cách có điểm mạnh và điểm nhược, không có phong cách dịch thuật nào là hoàn hảo cả. Do đó, tùy theo ngữ cảnh hay mạch văn của văn bản kinh mà chúng ta uyển chuyển chọn phong cách dịch cho thích hợp. Sự vận dụng một cách uyển chuyển và tương thích các phong cách dịch thuật trên có thể giúp cho dịch giả tránh được các thiếu sót và làm cho nội dung của bản dịch không chỉ phản ánh trung thành văn bản nguyên tác mà còn mang một văn phong thuần bản địa, để giúp cho người đọc tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn.

VIII. Hai phương thức dịch [^]

Mặc dù có nhiều phong cách dịch thuật nhưng tựu trung chỉ có 2 phương thức dịch thuật là (1) dịch một mình không có hợp tác của chuyên gia ngôn ngữ gốc, và (2) dịch với sự hợp tác của các chuyên gia bản địa về ngôn ngữ gốc (Collaborative Translation).

Phương thức dịch thứ hai là hình thức làm việc nhóm (teamwork), bao gồm các chuyên gia của ngôn ngữ được dịch và ngôn ngữ dịch. Các chuyên gia ngôn ngữ được dịch sẽ giúp bản dịch có được tính chính xác. Các chuyên gia của ngôn ngữ dịch sẽ giúp cho văn phong dịch sáng sủa, nhẹ nhàng, mạch lạc, dễ hiểu và có tính văn học nghệ thuật cao, và nhất là người đọc không cần tra tự điển vẫn có thể hiểu được ý kinh. Đây là cách dịch lý tưởng nhất trong hai phương thức. Phương thức này sẽ mang lại tính chính xác (accuracy) của văn bản gốc, và tính chất lượng của ngôn ngữ dịch, nhất là về phương diện rõ ràng, sáng sủa (clarity).

Phương thức này đã được ngài Cưu-ma-la-thập phối hợp nhuần nhuyễn với các cộng sự của nhiều nhà văn thơ, triết học người Trung quốc, cho ra đời nhiều dịch phẩm bất hũ.

Từ xa xưa, phương thức này cũng được các dịch giả Tây Tạng phối hợp với các chuyên gia Ấn Độ vào những thời kỳ phiên dịch sơ khai của văn học tam tạng Tây Tạng. Nhờ vậy mà các bản dịch kinh điển của Tây Tạng rất trung thành với bản nguyên tác Sanskrit nhưng cũng rất gần gủi với phong tục tập quán và văn hóa Tây Tạng. Lama Chimpa cho chúng ta biết rằng không một bản dịch nào trong ba kho tàng kinh điển của Tây tạng (Tibetan Kanjur và Tanjur: bao gồm 330 volumes, chứa hơn 5000 tác phẩm độc lập) từ tiếng Sanskrit mà không có sự hợp tác nhuần nhuyễn của ít nhất ba học giả: một vị cao tăng Ấn (tinh thông Sanskrit), vị dịch giả Tây Tạng (tinh thông văn hóa Tây Tạng) và một vị nhuận văn phong. Nhiệm vụ của vị cao tăng Ấn là nhằm cắt nghĩa và giải thích ý tưởng của mạch văn cho vị dịch giả Tây Tạng (lotsàwa), người dịch ý kinh văn ra tiếng Tây Tạng. Bản dịch sẽ được vị nhuận văn (reviser-translator/shu-chen-gyi lotsàwa) chịu trách nhiệm hiệu đính và nhuận văn. Rất tiếc cho đến ngày nay, các phong trào và cá nhân dịch thuật kinh điển Phật giáo ra tiếng Việt đã không có sự phối hợp cần thiết này.

Ngày nay, các kinh sách Tây Tạng đã đang được Viện Tây Tạng học Trung Ương (Central Institute of Tibetan Studies, Sarnath, Ấn Độ) phiên dịch trở lại tiếng Sanskrit để phục hồi một nền văn học Phật giáo đã bị thất lạc và mất gốc, chỉ vì người ta tin tưởng rằng các bản dịch Tây Tạng rất trung thành với bản Sanskrit và do đó việc dịch ngược trở lại có thể một phần nào làm sống lại nền văn học đại thừa này.

IX. Các trở ngại chính trong phiên dịch [^]

Có rất nhiều trở ngại cho các công trình phiên dịch kinh điển Phật giáo ra tiếng Việt, chẳng hạn như nhân sự, địa điểm tập trung, ngân quỹ và các phương tiện tham khảo, nghiên cứu cần thiết khác, như thư viện, sách vở, các từ điển chuyên ngành và tự điển liên hệ. Các khó khăn khác có thể kể đó là:

-- Yêu cầu của một dịch giả: người dịch kinh điển Phật giáo cần phải thông thạo ba nguồn ngôn ngữ, ngôn ngữ văn bản gốc (Sanskrit, Pali), ngôn ngữ tham khảo (tiếng Tây Tạng, tiếng Trung Quốc) và ngôn ngữ dịch thuật (tiếng Việt). Kế đến, nhà dịch thuật kinh điển Phật giáo còn phải thông thạo về tư tưởng hay triết lý của nội dung của văn bản gốc (bao gồm triết học và tôn giáo Ấn Độ cổ đại) và có khả năng diễn đạt chúng bằng ngôn ngữ dịch.

-- Sự khác nhau về cú pháp (syntax) và ngữ nghĩa học (semantic) của ngôn ngữ dịch và ngôn ngữ được dịch là vấn đề lớn nhất trong phiên dịch.

-- Sự không rõ ràng của văn bản gốc (textual ambiguity) là hệ quả của sự khác nhau về cú pháp (syntax) và ngữ nghĩa học (semantic) giữa hai ngôn ngữ, có thể dẫn đến tình trạng hiểu sai và dịch sai văn bản do đoán mò. Sự không rõ ràng của ngôn ngữ gốc bao gồm tính đa từ loại của một từ và tính đa nghĩa của chúng. Hai yếu tố này thương dẫn tới việc hiểu sai ý tưởng của văn bản gốc.

-- Trong bất kỳ hai ngôn ngữ nào cũng có tình trạng không thể có các thuật ngữ tương đương thật sự. Nghĩa là có nhiều ý tưởng có trong ngôn ngữ này lại không tìm thấy trong ngôn ngữ kia, và ngược lại. Trong trường hợp đó, người dịch phải cố gắng tìm từ gần nghĩa nhất để chuyển ngữ và đính kèm theo một chú thích về nghĩa từ nguyên của thuật ngữ gốc, để người đọc có thể hình dung một cách tương đối.

Ví dụ, khái niệm "triết học" (philosophy) của phương Tây không có từ tương đương trong ngôn ngữ Pali và Sanskrit của Phật giáo. Khái niệm "pháp" (dhamma/dharma), "Phật" (Buddha) và Bồ-tát (Bodhisattva) v.v… không có từ tương đương trong tiếng Việt, Anh, Hoa và bất kỳ tiếng nào trên thế giới. Sự vai mượn từ của hai nền văn hóa khác nhau mà không chú dẫn bối cảnh từ nguyên của chúng sẽ dẫn đến sự hiểu lầm đáng trách. Sự khác nhau về văn hóa dẫn đến sự khác nhau căn bản về ngôn ngữ và ý tưởng chứa tải trong ngôn ngữ.

-- Sự rời rạc (disparity) và thiếu nhất quán (inconsistencey) là vấn đề nghiêm trọng của dịch thuật, mà người dịch kinh điển Phật giáo cần lưu ý. Trở ngại này thường thấy trong một tác phẩm nhiều tập với nhiều dịch giả khác nhau. Kết quả là, một thuật ngữ trong ngôn ngữ gốc lại được dịch ra thành nhiều từ khác nhau, làm cho người đọc lẫn lộn và không biết đâu là ý tưởng chính yếu, và từ dịch nào là chính xác và đáng tin cậy.

-- Bất đồng về tiêu chuẩn của các thuật ngữ (lack of standardization of terminology). Việc tạo ra các từ mới (coining a new term/word) không có trong cả hai ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ được dịch là công việc rất cần thiết nhưng vô cùng khó khăn. Công việnày nên được sự hỗ trợ của các cước chú, để người đọc dễ dàng tiếp nhận. Ví dụ, khái niệm "delusion" trong tiếng Anh không chuyển tải hết ý nghĩa của chữ "vô minh" (moha) hay (avidya) của Phật giáo. Do đó, nếu không giải thích, người đọc sẽ hiểu sai hay hiểu áp đặt, do chịu ảnh hưởng của nền văn hóa tiếng Anh, hơn là văn hóa Phật giáo.

-- Phiên âm (Transliteration). Để tránh các khuyết điểm trong việc phiên dịch không hết nghĩa của một từ đa nghĩa, các dịch giả nên chọn cách phiên âm mà không dịch nghĩa. Cách này lại phát sanh các khó khăn về âm tiết học (phonetics) và do đó có thể dẫn đến việc đọc và phiên không chính xác từ gốc. Việc phiên âm Hán Việt trong các bản dịch kinh điển tiếng Việt là một điển hình nhất về vấn đề này.

X. Kết luận [^]

Việt hóa nghi thức tụng niệm hay công việc phiên dịch kinh điển từ tiếng Sanskrit, Pali, Trung Quốc v.v… sang tiếng Việt là một công trình đòi hỏi đến sự đóng góp của nhiều người về nhiều phương diện, chẳng hạn như nguồn chất xám, ngân quỹ, địa điểm, phương tiện khảo cứu, dịch thuật và ấn loát v.v… Theo tinh thần duyên khởi "cái này có nên cái kia có" của đạo Phật thì mọi vấn đề đều có giải pháp toàn hảo của nó. Người viết mong rằng các bậc lãnh đạo Phật giáo, các tổ chức và giáo hội Phật giáo trong và ngoài nước, các tự viện và các cơ sở giáo dục Phật giáo nên quan tâm về vấn đề này, bằng cách thông báo, chiêu mộ nhân tài và phân bổ công việc một cách hợp lý cho sự nghiệp Việt hóa nghi thức tụng niệm và phiên dịch kinh điển ra tiếng Việt.

Có như vậy, quần chúng Phật tử Việt Nam sẽ không còn nô lệ ngôn ngữ chữ Hán trong việc diễn đạt tư tưởng Phật học, và nhất là sẽ có thể trình bày tư tưởng Phật học một cách chính xác, mạch lạc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Nói khác hơn, công trình Việt hóa nghi thức tụng niệm và phiên dịch kinh điển ra tiếng Việt một cách tiêu chuẩn sẽ giúp cho người Việt Nam hiểu đức Phật và đạo Phật hơn, để người Việt Nam "sống" thông điệp từ bi và trí tuệ của đức Phật một cách có hiệu quả hơn, và sau cùng để thăng hoa đời sống tâm linh và đạo đức của người Việt Nam và nước Việt Nam đúng với tinh thần cao thượng của lời Phật dạy. Trong niềm hy vọng và niềm vui đó, người viết kính mong công trình này sớm được thực hiện và đưa vào sử dụng trên toàn quốc và ở những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống trên khắp thế giới.

http://www.buddhismtoday.com/viet/nghithuc/viethoa-6-tnt-phiendich.htm

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Nghi thức và Nghi lễ Phật giáo"

Đầu trang