- Nghi lễ có phải là tín ngưỡng không?
- TT. Thích Tịnh Từ
Một số lớn hình thức nghi lễ, cúng tế được thiết trí,
bày biện trong chùa và ngay cả tư gia Phật tử vào dịp rằm tháng Bảy.
Vì lý do ấy mà có nhiều người cho rằng, rằm tháng Bảy âm lịch như ngày
biểu thị hình thức thuần tín ngưỡng trong Phật giáo.
Thật khó hiểu đối với người Tây phương khi họ thấy
một đạo Phật từ Đông phương, nhất là từ Trung Hoa và Việt Nam du nhập
xứ sở họ có một hình thức nặng nề tín ngưỡng: đèn nến rực sáng,
thơm ngát hương trầm, bông hoa quà phẩm, bánh trái, lễ Phật bày la liệt
trong chùa với hàng trăm, hàng ngàn tín đồ tha thiết lễ lạy, nguyện cầu
trước những pho tượng đức Phật và các hương án thờ hương linh, ông
bà, tổ tiên. Những hình thức này có mang được ý nghĩa gì, và có phải
thuần chất tín ngưỡng không, người Phật tử cần nên tìm hiểu.
Rằm tháng Bảy năm ngoái, tôi có mời một số bạn hữu
Hoa Kỳ đến chùa Từ Quan dự lễ Vu Lan và dùng cơm chay. Sau khi chứng kiến
nghi thức cầu nguyện tại chùa, John Hickey hỏi tôi rằng, đạo Phật chỉ
có thuần lễ nghi và cầu nguyện thôi phải không? Tôi đã không trả lời
trực tiếp câu hỏi của ông John, mà hỏi lại ông rằng, bạn có hiểu lễ
nghi và chiều sâu của sự cầu nguyện trong Phật giáo thế nào không? John
lắc đầu lia lịa và trả lời dứt khoát là không hề biết một tí gì cả.
Thế là tôi bắt đầu trả lời câu hỏi của ông John và cố nói thật
to, nói thật hùng hồn cho tất cả các bạn hữu Hoa Kỳ cùng nghe.
Lễ nghi trong Phật giáo là bày tỏ lòng thành kính đối với
các đấng thành kính. Họ là thầy tổ, là ông bà, cha mẹ và tất cả những
người thân, kẻ sơ đã qua đời. Hiến dâng lễ vật không cốt để cho
người chết được hưởng mà chỉ để bày tỏ lòng kính mến, để nhớ
ơn và để phát nguyện làm những điều tốt lành mà những người đi
trước đã làm. Điều này chỉ là những biểu hiện tùy theo truyền thống
và văn hóa của mỗi dân tộc có ảnh hưởng tư tưởng hiếu niệm trong
Phật Giáo. Như thế hình thức này đã có, nhưng có rất giản dị trong Phật
Giáo Nguyên Thủy.
Cầu nguyện theo quan niệm Phật giáo là không phải van xin
thần thánh hay bất cứ một lực lượng quyền năng nào. Cầu nguyện là tập
trung giòng tư tưởng trở về một mối duy nhất; dồn điện lực của
tinh thần, chuyển đổi quan niệm mê lầm, xấu ác trở nên trong sáng và lương
thiện. Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp nhìn lại con người thật
của mình, quan sát tâm tình và khử trừ mọi khát vọng phàm tình, ích kỷ,
ỷ lại, yếu đuối. Cầu nguyện là một cách định tâm, định ý để
chuyển hóa lòng mình, lòng người.
Như vậy, lễ nghi là lòng khiêm hạ, là bày tỏ sự kính
thành. Cầu nguyện là cách thức đãi lọc tâm tánh, là ban ân, là phát khởi
những dòng tâm niệm trong sáng, hữu ích, nung nấu ý chí, trau dồi đạo hạnh
cho mình và hướng dẫn kẻ khác.
Nghe tôi giải thích như thế, John và một số bạn hữu Hoa
Kỳ có vẻ thích thú và ưa tìm hiểu thêm chiều sâu về những tiêu biểu,
và giáo lý đạo Phật.
Thật ra, không chỉ các bạn Tây phương mà ngay cả những
người Đông phương, cho đến một số các Phật tử chính thống cũng quan
niệm một cách lệch lạc về ý nghĩa lễ nghi và sự cầu nguyện trong Phật
giáo. Trường hợp hiểu lầm đức Phật quở phạt, cầu Phật, lạy Phật,
cúng Phật để được Ngài ban bố tài lợi là một chuyện rất thường xảy
ra trong giới Phật tử chỉ biết Phật mà không có cơ hội học hỏi Phật
pháp, không hiểu rõ nghĩa lý sâu xa của những biểu tượng lễ nghi và cầu
nguyện trong Phật giáo. Đây là nguyên nhân để cho một số người đứng
ngoài Phật giáo vội kết luận rằng, hình thức lễ nghi và cầu nguyện
trong Phật giáo là một hình thức lỗi thời, lạc hậu, bày tỏ lòng yếu
đuối, vọng cầu, thiếu tinh thần tự lực và tự giác ngộ.
Nếu hiểu chính xác ý nghĩa cầu nguyện thì cầu nguyện
là một phương pháp tu tập, có giá trị tương đương với phương pháp
thiền định, quán chiếu tự tâm.