Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Các ý kiến tản mạn về
Việt hóa nghi thức tụng niệm

 
Cần có một nghi thức tụng niệm thuần Việt

***

Việt hóa nghi thức tụng niệm không chỉ là niềm mơ ước của tăng ni Phật tử mà còn là nhu cầu không thể thiếu như cây cỏ cần ánh sáng và con người cần không khí để thở. Hiện nay, hệ phái Khất Sĩ có 2 nghi thức tụng niệm bằng tiếng Việt, một bản lưu hành bên Ni giới và bản lưu hành bên chư Tăng. PG Nam Tông VN cũng đã có nghi thức tụng niệm Pali-Việt. Nghi thức tụng niệm của phái Khất Sĩ là nghi thức duy nhất bằng tiếng Việt được biên soạn theo thể thơ lục bát và song thất lục bát. Nghi thức của PG Nam tông còn nặng về chữ Pali, mặc dù có bản tiếng Việt đối chiếu. Tuy nhiên cả hai nghi thức này bị giới hạn trong một số bài kinh và bài tụng ít ỏi, thiếu vắng các kinh điển quan trọng và căn bản của đức Phật.

Trong khi đó, PG Bắc tông VN có quá nhiều quyển nghi thức tụng niệm thuần Việt do các chùa và các cá nhân biên soạn, không theo một tiêu chuẩn nào cả. Còn quyển nghi thức tụng niệm của GHPGVN thì hoàn toàn xa lạ với văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Nghi thức này, ngoài việc tụng đọc các kinh điển bằng âm Hán Việt, còn là nghi thức hoàn toàn lệ thuộc vào nghi thức của Trung Quốc. Nghi thức tụng niệm của GHPGVN hiện nay thực chất là bản sao của Nghi thức tụng niệm của GHPGVNTN, được biên soạn cách đây trên 30 năm. Văn phong của nghi thức hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ Việt Nam, và do đó, sẽ gây không ít khó khăn cho người Phật tử trong khi đọc tụng, nếu không muốn nói là không có ích lợi gì về phương diện "hiểu để hành trì" lời Phật dạy.

Người viết rất mong giáo hội nên thỉnh cầu các vị cao tăng và các trí thức Phật giáo sớm soạn thảo một nghi thức tụng niệm thuần Việt tiêu chuẩn, chứa đựng các bài kinh quan trọng của hai truyền thống PG Nam tông và Bắc tông. Nghi thức thuần Việt này một mặt nhằm tách khỏi sự nô lệ văn tự Trung Quốc và Pali, mặt khác giới thiệu sắc thái độc lập và riêng biệt của PGVN trong phương pháp tu tập và hành trì lời Phật dạy. Được như vậy, người Phật tử Việt Nam có thể đọc tụng kinh điển bằng tiếng mẹ đẻ, dễ dàng hiểu rõ lời Phật dạy (văn), tư duy lời vàng ngọc của đức Phật (tư), để ứng dụng lời vàng đó (tu) trong cuộc sống hằng ngày. Có như thế thì sự đọc tụng kinh điển của người Phật tử Việt Nam mới thật sự có lợi ích (đọc kinh giả minh Phật chi lý).


Tụng niệm bằng chữ Việt

Trở về cội nguồn, cũng là để giữ mình còn là người Việt Nam. Mà người Việt Nam thì nói tiếng Việt Nam, chuyện này quá hiển nhiên.

Nói năng sinh hoạt thì như thế, nhưng còn khi tụng niệm thì sao? Nhìn quanh, người Trung Quốc họ tụng niệm bằng tiếng Trung Quốc, người Pháp họ tụng niệm bằng tiếng Pháp, còn mình? Có nên tụng niệm bằng tiếng Việt không?

Tiếng Việt Nam, tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi, tiếng mẹ cha khuyên nhủ dắt dìu ta từ tấm bé cho đến lúc nên người, đó cũng là tiếng hò dựng nước của ông bà tổ tiên, hay tiếng hát đối đáp của dân quê trong mùa cấy gặt, trong hội hè đình đám. Vậy mà những lúc linh thiêng nhất, khi đem cả tấm lòng thành kính cúng dường ba ngôi báu, ta không thể dùng thứ tiếng nói đó được sao?

Về tình là như vậy, còn về lý, mục đích của việc tụng niệm là để hiểu lời Phật dạy và phát biểu một cách chân thành những ý nguyện cao đẹp của mình, cao xa hơn là để giao cảm với các bậc giác ngộ. Do đó, ta nên tụng niệm bằng chữ Việt để khi tụng ta hiểu được ngay những lời hay ý đẹp của kinh. Như vậy, sự "xông ướp" tâm linh mới có nhiều kết quả tốt đẹp.

Chính vì vậy mà Nghi thức tụng niệm của Trúc Lâm Thiền Viện hoàn toàn bằng chữ Việt.

Thưa quí vị,

Từ hơn ba mươi năm qua, người Phật tử Trúc Lâm tụng niệm hoàn toàn bằng chữ Việt, bằng tiếng nước ta, với những buổi lễ có khi lên đến hàng bẩy tám trăm người, hay những buổi cầu siêu, cầu an, trong gia đình, nơi nghĩa trang... Trong những buổi lễ này, các cụ già quen nghi lễ truyền thống cũng không bỡ ngỡ, các thanh thiếu niên tâm tình vốn gắn bó nhiều với lối suy nghĩ phương Tây cũng không thấy lạ tai...

Nghi thức của Trúc Lâm được soạn dịch như hiện nay nhằm những đặc điểm: ngắn gọn, dễ hiểu và thực tiễn, đáp ứng đúng nhu cầu sinh hoạt và trình độ của việt kiều phật tử. Nghi thức này, xét ra cho cùng, chỉ là sự tiếp nối con đường đã được vạch ra từ lâu ở trong nước.

Ngoài bản Tâm Kinh Đại Trí Tuệ Siêu Việt (Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh) được dịch hoàn toàn ra chữ Việt và các bản kinh dịch từ Pali, như kinh Từ bi, Kinh Chơn Hạnh Phúc,... còn có rất nhiều bài tán tụng quen thuộc bằng chữ Việt, được trích ra từ các tập nghi thức thông dụng ở Việt Nam, như: "Cúng Hương Tán Phật", "Kỳ Nguyện", "Sám Hối Phát Nguyện", "Niệm Phật", "Tự Quy", "Hồi Hướng"...

Dĩ nhiên lúc khởi đầu, tụng kinh hoàn toàn bằng chữ Việt không tránh khỏi bỡ ngỡ, nhưng chỉ qua một thời gian rất ngắn, với sự hướng dẫn của tăng ni, Phật tử đã hoan hỉ tiếp nhận và công nhận sự tiện dụng của tiếng Việt .

Thưa quí vị,

Năm 1990, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng chỉ đạo Phiên dịch và Ấn Hành Đại Tạng Việt Nam ra đời, khởi đầu công tác thực hiện một Đại Tạng Việt Nam. Đây đã là một bước tiến dài cho việc tìm học kinh Phật trên đất nước ta.

Chúng tôi tin rằng việc tụng niệm bằng tiếng Việt sẽ là một bước tiến dài cho việc hành trì Chính Pháp.

http://www.buddhismtoday.com/viet/nghithuc/viethoa-9-tanman.htm

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Nghi thức và Nghi lễ Phật giáo"

Đầu trang