Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
HÀNH TRANG VỀ CỰC LẠC
(Tổng hợp từ bài Tín Hạnh Nguyện trong quyển Một Trăm Bài Kệ Niệm Phật của thiền sư Triệt Ngộ do HT. Thiền Tâm dịch, đăng trong cuốn Mấy Điệu Sen Thanh. Tựa đề do Thanh Sơn đặt.).

******

TIN SÂU
NGUYỆN THIẾT
HẠNH CHUYÊN
Một câu A Di Đà
Là đường tắt về nguồn
Những hành trang cần thiết
Tín, Hạnh, Nguyện gọn suông.
Một câu A Di Đà
Cần ở điểm Tin sâu
Mầm hoa sen chín phẩm
Từ tâm đây nhô đầu.
Một câu A Di Đà
Cần ở nơi Nguyện thiết
Lòng về tợ lửa nung
Mắt thương khóc ra huyết.
Một câu A Di Đà
Cần ở chỗ Hạnh chuyên
Chỉ nêu cao một niệm
Dứt sạch cả muôn duyên.
(Trích dẫn 100 câu kệ Niệm Phật)

            Muốn được vãng sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, phải chuẩn bị đủ ba yếu tố sau đây là: Tín, Nguyện và Hành. Ba yếu tố này thường được gọi là ba món hành trang (tư lương), nếu thiếu một món nào, cũng không thể tu hành có kết quả.

            1.- TÍN: Tín là đức tin vững chắc, không gì lay chuyển được. Đức tin rất quan trọng và cần thiết cho người tu hành. Kinh Hoa Nghiêm có dạy: "Tín là mẹ sanh ra các công đức". Nhờ đức tin mà quả Bồ đề có thể thành tựu được.

            Tin có ba phần:

                a.- Tin Phật: Tin rằng Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, biết các việc quá khứ, hiện tại, vị lai, thấy hết thảy hằng hà sa thế giới, hiểu biết các pháp một cách rõ ràng. Tin rằng do lòng từ bi muốn cứu khổ sanh tử luân hồi cho chúng sanh, nên Phật Thích Ca Mâu Ni nói pháp môn niệm Phật để chúng sanh thực hành theo, ngỏ hầu được vãng sanh về Cực Lạc. Tin rằng lời dạy của đức Phật Thích Ca không hư dối, đức Phật A Di Đà và cảnh Cực Lạc đều có thật.

                b.- Tin Pháp: Tin rằng pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ tu, dễ chứng, có bảo đảm chắc chắn. Tin rằng bốn mươi tám lời thệ nguyện của Phật A Di Đà có đầy đủ hiệu lực để cứu độ chúng sanh, và nếu ta thực hành đúng theo pháp môn này, chắc chắn sẽ được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà.

                c.- Tin mình: Tin rằng mình có đầy đủ khả năng và nghị lực để tu theo pháp môn này. Tin rằng nếu mình thực hành đúng như lời Phật Thích Ca đã chỉ dạy trong kinh A Di Đà, chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà cho đến "nhất tâm bất loạn", thì khi lâm chung chắc chắn thế nào mình cũng sẽ được sanh về cõi Cực Lạc

            2.- NGUYỆN: Nguyện là lời hứa hẹn, sự ước ao, là chí nguyện mong muốn thực hiện những điều chân chính. Nguyện như là sức hút của đá nam châm, như cánh buồm căng gió của chiếc thuyền, như cái chong chóng của chiếc phi cơ. Nguyện như động lực thúc đẩy thúc đẩy cho người tu hành mau đến mục tiêu.

            Nguyện quan trọng như thế, nên ta phải lập nguyện cho vững bền, kiên tâm trì chí tu theo pháp môn niệm Phật này, ngày đêm chuyên niệm Phật không ngớt, tha thiết mong cầu sanh về cõi Cực Lạc.

            Để có một ý niệm về chữ nguyện, xin trích dẫn ba lời nguyện trong bốn mươi tám lời nguyện của Phật A Di Đà, khi Ngài là Pháp Tạng Tỳ kheo:

            * "Sau khi ta thành Phật, chúng sanh ở mười phương một lòng tin ưa, muốn về cõi ta. Niệm từ một niệm cho đến mười niệm, nếu không đặng vãng sanh, thời ta thề không thành bậc Chánh giác, chỉ trừ những người phạm tội ngũ nghịch và chê bai chánh pháp".

            * "Nếu ta đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương pháp giới, phát Bồ dề tâm, tu các công đức, một lòng phát nguyện muốn sanh về cõi nước ta, nếu ta không cùng với đại chúng vây quanh hiện ra trước mắt, thời ta thề không thành bậc chánh giác".

            * "Nếu ta đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu ta, chuyên niệm cõi nước ta, mà không được thỏa nguyện, thời ta thề không thành bậc chánh giác".

            3.- HÀNH: Hành là thực hành, làm theo. Nếu tin mà không ước ao, thì chỉ là tin suông, vô bổ. Nhưng nếu ước ao, mong muốn mà không làm thì chỉ là ước ao, mong muốn hão huyền, không đi đến kết quả gì. Bởi thế, tín, nguyện và hành, ba yếu tố căn bản này bao giờ cũng phải đủ, mới có đủ điều kiện vãng sanh Cực Lạc. Cũng như cái đảnh phải có đủ ba chân mới đứng vững chắc, thiếu một chân, ắt phải ngã.

TRÌ DANH NIỆM PHẬT
Nam Mô A Di Đà Phật!
Không gấp cũng không lơi
Tâm tiếng hiệp với nhau
Thường niệm cho rành rõ.
Nhiếp tâm là Định học
Nhận rõ chánh Huệ học
Chánh niệm trừ vọng hoặc
Giới thể đồng thời đủ.
Niệm lực được tương tục
Đúng nghĩa chấp Trì danh
Nhất tâm Phật hiện tiền
Tam muội sự thành tựu.
Đương niệm tức vô niệm
Niệm tánh vốn tự không
Tâm làm Phật là Phật
Chứng lý pháp thân hiện.
Nam Mô A Di Đà!
Nam Mô A Di Đà!
Cố gắng hết sức mình
Cầu đài sen thượng phẩm.

            Sau khi đã chuẩn bị đủ ba yếu tố hay ba món hành trang nói trên,  chúng ta phải hạ thủ công phu ngay. Nhưng muốn có hiệu quả, chúng ta cần phải hiểu rõ phương pháp tu hành. Vẫn biết rằng pháp môn niệm Phật là một pháp môn rất giản dị, chỉ cần niệm Phật là đủ. Nhưng niệm Phật cũng có nhiều cách, nhiều loại, nay xin dẫn một ít phương pháp sau đây:

            1.- TRÌ DANH NIỆM PHẬT: Trong pháp niệm Phật này, ta chỉ chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Phật A Di Đà. Mỗi ngày từ khi mới thức dậy cho đến lúc đi ngủ, phải nhớ niệm luôn không cho xen hở. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, ngủ, đừng bao giờ quên niệm Phật. Ngoài ra, muốn có hiệu quả hơn, cần phải theo phương pháp "Kinh hành niệm Phật" hay "Tọa thiền niệm Phật". Mỗi khi niệm xong, đều hồi hướng cầu sanh về Cực Lạc.

            2.- THAM CỨU NIỆM PHẬT: Trong pháp niệm Phật này, ta phải tham khảo, cứu xét, suy nghiệm câu niệm Phật. Như khi niệm "Nam Mô A Di Đà Phật", phải quán sát câu niệm Phật này từ đâu mà đến, đến rồi sẽ về đâu? Niệm đây là ai niệm v.v...? Nhờ sự chuyên tâm chú ý tham khảo một câu niệm Phật như thế, sóng vọng tưởng dần dần chìm lặng, nước định tâm hiện bày, được "Nhất tâm bất loạn". Đến khi lâm chung, sẽ được sanh về cảnh giới của Phật. Pháp niệm Phật này giống như pháp tham cứu câu thoại đầu của Thiền tôn, nên gọi là tham cứu niệm Phật.

            3.- QUÁN TƯỢNG NIỆM PHẬT: Trong pháp tu này, ta chăm chú quán sát hình tượng của Phật.

            Ngồi trước tượng Phật, chú tâm chiêm ngưỡng, quán sát các tướng tốt mà liên tưởng đến các đức tánh của Phật. Như khi chiêm ngưỡng đôi mắt Phật thì liên tưởng đến trí huệ, khi chiêm ngưỡng nụ cười hiền hòa của Phật thì liên tưởng đến đức tánh từ, bi, hỷ, xả của Phật. Nhờ quán trí huệ của Phật mà tánh si phai dần, nhờ quán từ bi của Phật mà tánh sân bớt dần... Hể quán thêm một đức tánh của Phật thì một tánh xấu được bớt đi. Tánh tốt của đức Phật như tia sáng mặt trời, tánh xấu của chúng ta như bóng tối (vô minh), tia sáng mặt trời càng nhiều và soi sáng lâu ngày thì bóng tối lui dần và mất hẳn. Tóm lại, nhờ sự chú tâm quán các tướng tốt trên hình tượng của Phật, nên các đức tánh như từ bi, hỷ xả, bình đẳng, lợi tha được huân tập, thấm nhuần vào tâm, lâu ngày sẽ thanh tịnh, lọc sạch những niệm ác độc và sẽ giống tâm Phật, được vãng sanh về cõi Phật.

            4.- QUÁN TƯỞNG NIỆM PHẬT: Trong pháp tu này, ta ngồi yên một chỗ, mặc dù không có hình tượng Phật trước mặt, ta vẫn quán tưởng như có đức Phật A Di Đà cao lớn, đứng trên hoa sen, phóng ra hào quang như tấm lụa vàng bao phủ cả thân mình. Ngồi ngay thẳng, hai tay chấp lại, tưởng mình ngồi trên tòa sen, được Phật tiếp dẫn. Chuyên chú quán tưởng mãi mãi như thế, không dừng nghỉ, cho đến khi nào mở mắt hay nhắm mắt cũng đều thấy được Phật, tức là pháp quán đã thuần thục. Khi lâm chung, chắc chắn sẽ được vãng sanh Cực Lạc.

            Trong kinh Quán Phật Tam Muội có nói rằng: "Phật vì phụ vương, nói pháp quán tướng bạch hào...". Quán tướng bạch hào là quán tướng lông mày trắng có hào quang sáng chiếu giữa hai chân mày của Phật, như trăng thu tròn đầy, trong suốt như ngọc lưu ly. Đây lày là một phương pháp quán tưởng niệm Phật.

            5.- THẬT TƯỚNG NIỆM PHẬT: Thật tướng niệm Phật là pháp niệm Phật đã đạt đến bản thể chơn tâm. Chơn tâm không sanh diệt, không khứ lai, bình đẳng như như, không hư giả, cho nên gọi là thật tướng.

            Trong năm pháp niệm Phật trên đây, bốn pháp trước thuộc về sự, có niệm, có tu; pháp thứ năm Thật tướng niệm Phật thuộc về lý, không còn niệm, không còn tu, không còn năng sở, cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến chỗ này mới hoàn toàn rốt ráo.

            Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: nhờ có sự, lý mới hiển, tức sự lý viên dung. Trước hết phải tu bốn pháp niệm Phật trên, cho đến thuần thục, không còn thấy có mình là người niệm; Phật là vị bị niệm, chỉ có một tâm yên lặng chiếu soi, không năng sở, bỉ thử, không hữu vô. Đến chỗ này, kinh Di Đà gọi là "Nhất tâm bất loạn". Kinh Tứ thập nhị chương cũng nói" Niệm đến chỗ vô niệm, mới là chơn niệm".

            Trong năm pháp niệm Phật trên đây, từ xưa đến nay, người tu Tịnh Độ thường chọn pháp môn Trì danh niệm Phật là pháp môn dễ hạ thủ công phu, trình độ nào tu cũng được. Thật là một pháp môn rất thù thắng.

******

BÀI PHỤC NGUYỆN

(Sau thời công phu Tịnh Độ)

            1.- Nguyện Phật hộ trì:

                 Duyên nhiều phước đủ, hơn tám vạn ma quân bặt dấu, cả bao nhiêu thánh trí mở lòng. Hoa Bát nhã đơm bông, gốc Bồ đề nẩy nhánh. Sống không tai bệnh, thác đặng khinh an, về Tây phương ngồi tòa sen vàng, chơi Bảo địa dựa nơi lầu ngọc. Sớm tiêu trần tục, mau chứng chơn thường, hườn độ mười phương cũng như Phật vậy.

            2.- Nguyện Phật hộ trì:

                 Âm dương hai cảnh, người còn khoẻ mạnh, kẻ thác siêu sanh. Tám phương mở hội thái bình, trăm họ vui miền Cực lạc. Lấp ba đường ác, về một nẻo chơn, ai nấy đều nương đặng chánh chơn, trước sau cũng chứng thành Phật quả.

            3.- Nguyện Phật hộ trì:

                 Dắt người mê mộng, tránh đường lợi dụng, rửa bụi công danh, mộ sự tu hành, giữ bề giới luật. Niệm niệm A Di Đà Phật, ngày ngày dõng mãnh tinh thần, không tham không sân, biết tà biết chánh. Đều thoát ngoài   vòng mê tín, thảy vào trong nẻo không môn, phước thừa lưu lại tử tôn, cõi Tịnh về theo Phật Tổ.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

******

            - Bỏ Cha trốn chạy, lưu lạc xứ người, khổ thay A Di Đà Phật.

            - Tìm Mẹ trở về, tái ngộ gia hương, vui thay A Di Đà Phật.

Vía Phật A Di Đà
17-11-2545 (2001)
Alexandria, VA.

http://www.buddhismtoday.com/viet/niemphat/hanhtrang_CucLac.htm

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Niệm Phật"

Đầu trang